NGÀY DŨNG
Của Ngành Nam
Mùa Xuất Gia (tháng 2 Âm lịch)


Hằng năm, cứ sau ngày Tết Nguyên Đán, tết cổ truyền của dân tộc, trong các giờ tự trị của Đoàn, Đội, Chúng, câu chuyện dưới cờ của các đơn vị GĐPT đều nỗ lực tập trung xoáy sâu vào vấn đề “DŨNG”, chuẩn bị cho lễ hội truyền thống NGÀY DŨNG được tổ chức vào mùa Xuất Gia (08-02 Âm lịch) mà ngành Nam được đặc quyền tổ chức. Cũng như ngày HẠNH dành cho ngành Nữ, đây là một hình thức nương vào “SỰ” qua giới tính thuộc Tục Đế để hiểu “LÝ” làm nổi bật HẠNH NGUYỆN của đấng Giác Ngộ, để dẫn độ chúng sanh trên con đường TU và HỌC của tổ chức GĐPT-VN. Nói như thế có nghĩa DŨNG và HẠNH là Ý CHÍ và HÀNH ĐỘNG của Đoàn viên GĐPT Việt Nam không phân biệt nam nữ.

  1. Ý NGHĨA

    DŨNG là năng lực của Ý CHÍ bất thối, không phải là lòng can đảm mà khởi xuất từ sự hiểu biết (Trí) quán triệt chân lý và sự ưu ái thiết tha thương xót chúng sanh (Bi), dẫn đến hành động dấn thân và cầu không hãi sợ trước những chướng ngại hiểm nguy (ĐỨC VÔ ÚY), cụ thể:

    – Hiểu thấu nhân quả duyên sanh, Phật tử quyết không gieo nhân xấu hạnh tà là DŨNG

    – Hiệu rõ đạo lý bốn sự thật mầu nhiệm, nắm được công năng của Tứ Nhiếp, nội ma ngoại chướng phải được giải trừ, tinh tấn bất thối là DŨNG.

    – Rành rẽ phân minh, xiển dương chánh pháp, không sợ huyễn dụ tà thuyết là DŨNG.

    – Tuân kỷ luật, chịu huấn luyện. Bị xúc phạm không sân, thấy được cái hay điều tốt của kẻ chống đối sanh tâm vui mừng, phát huy học tập là DŨNG.

    – Sống đúng tinh thần 5 điều luật GĐPT-VN là DŨNG.

    – Giữ nội quy, thuận quy chế, trung kiên với đạo pháp, dân tộc, không quỵ ngã trước sắc, tài, danh vọng là DŨNG.

    II. BIỂU TƯỞNG CỦA LỄ HỘI.

    Tổ chức GĐPT-VN lấy hình ảnh Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia làm biểu tượng của lễ hội truyền thống DŨNG.

    Hình ảnh Thái Tử Tất Đạt Đa sau một đêm dạ vũ tưng bừng, ngài đã thấy sự giả hợp của cuộc sống, đã thai nghén từ lâu, giục giã ngài lên đường cắt ái ly gia, tầm cầu chơn lý, giải thoát chúng sanh, sống đời tịnh lạc an trú trong hạnh phúc chân thật vĩnh hằng. Ngài lựa chọn con ngựa KIỀN TRẮC, biểu tượng của ý chí mạnh mẽ, thuần thục, làm phương tiện đăng trình vượt qua sông mê – Ngài gọi SA NẶC là người hầu mẫn cán hiền thiện, biểu hiện của TINH TẤN, chuẩn bị tư lương khởi giá lên đường vào lúc 0 giờ. Những thời điểm quan trọng của Đức Thế Tôn đều khởi sự vào lúc 0 giờ. Đó là điểm giao thừa giữa ngày và đêm, kinh gọi là “Vĩnh ly nhị biên” tức xa rời hai bên, ý chỉ TRUNG ĐẠO vậy.

    Trước khi lên đường, ngài vén màn nhìn Da Du Đà La và La Hầu La lần cuối. Điều này nhắc nhở cho chúng ta sợi dây ÁI DỤC qua biểu hiện thê nhi (vợ con) đã trói buộc chúng sanh trầm luân trong sanh tử luân hồi khổ đau khó dứt, bởi cái tính trói buộc ấy mang tính chất tự nguyện nếu không quán xét đến năng lực của tham ái và chấp thủ. Nếu hàng Phật tử chúng ta ai cũng cụ bị cho mình một Ý CHÍ KIỀN TRẮC, một HẠNH NGUYỆN SA NẶC thì chắc chắn ai cũng có thể xa rời THAM ÁI CHẤP THỦ cả.

    Là Phật tử đi chùa không ai là không thấy bức tranh vẽ ngựa KIỀN TRẮC mang Thái Tử Tất Đạt Đa vượt dòng sông Anôma, có Sa Nặc nắm đuôi bay theo. Tâm Bồ Đề đã phát tức Kiền Trắc đã lên đường, nguyện Bồ Đề đã lập. Sa Nặc đã nắm đuôi Kiền Trắc đó là điều cần đủ để vượt qua sông mê.

    Bên này là bến mê, bên kia là bờ Giác, bến bờ cũng còn là những biên độ của giới hệ điên đảo (điên đảo tưởng). Ở giữa những bến bờ này, giác ngộ đạo lý cũng có thứ bậc của nó. Từ đó mới có quả tương ưng, Tam thừa, Ngũ thừa từ đây mà kiến lập.

    Ở bên kia bờ sông, Thái tử cắt tóc, cởi hoàng bào, trao gươm báu bảo Sa Nặc mang Kiền Trắc trở lại hoàng cung tấu trình cùng Tịnh Phạn Vương, để từ đây sờ lên đầu cũng không còn gì, thật sự từ đây ngài đã đứng trọn vẹn trên mảnh đất tâm ngút ngàn bao la không biên giới.

    – Trả lại cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh là XẢ PHÚ CẦU BẦN rốt ráo để tham vấn học Đạo. Thiện tâm nhiệt huyết Thái Tử có thừa, tinh tấn dũng mãnh Thái Tử không thiếu, ấy thế mà chân lý còn ở cuối chân trời (5 năm cầu Đạo).

    – Quyết chí vào khổ hạnh lâm tu theo hạnh đầu đà sáu năm. Tuy cả hai, Xả Phú và Xả Thân đã kinh qua mười một năm cần mẫn nhưng cũng chỉ đủ công năng khai phá nghĩa mầu TRUNG ĐẠO qua tiếng đàn của kỹ nữ giang hồ. Kết tọa cụ bằng cỏ dưới gốc cây Bồ Đề, nhìn xuống dòng Ni Liên Thuyền, sau khi tắm rửa mát mẻ, uống bát sữa của nàng Tu Xà Đề dâng cúng, Thái Tử đã ném chiếc bình bát xuống dòng sông Ni Liên Thuyền lập nguyện. “Nay ngồi đây truy tìm đạo lý, nếu không chứng vô thượng chánh đẳng giác, quyết không đứng lên, nguyện này thành bình bát kia phải trôi ngược dòng sông”. Bình bát này đã trôi nghịch dòng, ngài thấy và không nhặt lên, (Thầy trò Đường Tăng còn giữ bình bát vàng vua Đường trao như là một kỷ vật nên đã đến đất Phật nhận được kinh cũng như không, vì không có chữ, đến khi dâng hiến tất cả mọi công đức và những gì mình có được, làm vốn liếng cho tất cả chúng sanh gieo duyên cùng Tam Bảo mới nên ngôi Chánh Giác).

    – Ngồi trên Tòa Bồ Đề là ngồi trên lập trường Vạn Pháp Đều Không. Đó là mũi đột phá nội ma ngoại chướng, mở ngũ căn tịnh lạc thông lưu cùng vũ trụ, đạt trí tuệ Bồ Đề như biển.

    Không thọ hưởng dục lạc như ở hoàng cung, không khổ hạnh ép xác như ở khổ hạnh lâm. Thiểu dục tri túc là TRUNG ĐẠO, được vậy là DŨNG. Con đường Trung Đạo là con đường dấn thân, không chạy trốn, là con đường hiện thực, tích cực của đạo Phật, là con đường không xa rời thế gian mà giác ngộ đạo lý Bồ Đề, là con đường xây dựng xã hội tịnh lạc an vui để tiến đến giác ngộ. Đây là con đường truy lùng và thể nghiệm tự thân… Như Kinh Lăng Nghiêm đã mô tả, Tôn giả A-Nan sau khi nghe Phật giảng trạch về tự tâm, Phật tử phải biết mình là ai. Mình từ đâu lại? Tại sao lại phải tuần lưu trong sanh tử, lên xuống trong ba cõi sáu loài, chịu nhiều buồn thương đau khổ, và KIẾN TÁNH thấy được TAM THÂN TỨ TRÍ cũng không ngoài thân ngày mà phát bài kệ để chúng ta tuyên tụng trong các buổi lễ phát nguyện làm Huynh Trưởng: “Diệu trạm tổng trì bất động tôn…”

    – Truy tìm tiền duyên nghiệp kiếp mỗi người một khác, hoàn cảnh y báo chánh báo mỗi người không đồng. Quê cha tịch tịnh là một nhưng những đứa con hoang mỗi người một phương, từ đó lộ trình phản phục cũng sai khác nhau. Do vậy, phương thức hạ thủ tu trì không ai giống ai. Có thế, Đức Thế Tôn Như Lai mới để lại “Vô lượng pháp môn tu”. Có điều đã biết trần gian là giả huyễn, tam giới là không thật, thì phải kiên trì với hạnh XẢ LY, xa rời THAM ÁI CHẤP THỦ. Tinh thần phá chấp được kiến lập từ đó. Kinh Bản Sanh, Bản Sự, Kinh Vị Tằng Hữu giúp chúng ta xây dựng báu hạnh, mở cửa tuệ giác, khai thông đạo mạch, nghịch lưu tấn xuất thoát ly sanh tử, chúng ngộ Bồ Đề.

    Chứng nhập đạo quả, thắng vượt nội ma ngoại chướng mới phát tỏa quang huy, đến đi vô ngại tự tại, mới nên ngôi Chánh Giác Bồ Đề. Bằng thuyết giảng đạo lý nhiệm mầu – và ở đạo tràng ấy chỉ có bậc thượng căn đại trí mới hiểu thấu và chứng ngay Vô Sanh Pháp Nhẫn. Thế Tôn rất hiểu điều này, nhưng ngài không làm khác. Bởi lẽ đi vào TỤC ĐẾ ngài phải có đội ngũ cán bộ siêu tuyệt, đó là chư Hiền, Thánh, vô sự Tỳ Kheo mới có thể NGŨ TRƯỢC ÁC THẾ THỆ TIÊN NHẬP, và ngài đã trở lại vườn Lộc Uyển độ cho nhóm 5 người mà Kiều Trần Như là thượng thủ, kế đến thuyết Thập Nhị Nhân Duyên độ cho hàng Bích Chi Duyên giác, thuyết Lục Độ Ba La Mật độ cho hàng Bồ Tát đạt Phật thừa viên mãn.

    – Thuận theo dòng đời được biểu hiện là sông mê như dòng ANÔMA trên căn bản Nhân thừa, hạnh nghiệp tuy có được công danh, địa vị tiền tài, vợ đẹp con ngoan, nhưng rồi cũng chỉ đến biển khổ muôn trùng khó thoát. DŨNG của Phật giáo là nghịch lưu tấn xuất, tốc xả mê đồ mới có thể siêu sanh Tịnh Độ.

    Kết thúc 50 năm hoằng hóa độ sanh, triển khai vô lượng phương tiện, ngài ung dung nằm giữa hai nhánh Ta La song thọ nhắc nhở: “Điều Như Lai hiểu và biết như lá trong rừng, pháp ta dẫn độ đã thuyết như lá trong nắm tay này”. Thế nên Phật tử phải biết cách phân biệt nắm lá trong tay được chiết xuất từ lá trong rừng chứ không phải là nắm lá nhặt nhạnh từ bờ bụi vô danh nào. Ngài đã trao phương tiện trạch pháp là Tam Pháp Ấn và dặn dò hãy lấy GIỚI làm thầy. “Giới còn là đạo ta còn”. Giới là chìa khóa mở cửa kho tàng trí tuệ chứ không phải kiến thức. Trong Bát Nạn, THẾ TRÍ BIỆN THÔNG là một trong 8 nạn, là món SỞ TRI CHƯỚNG, một vật cản trên đường giải thoát giác ngộ. Nên những bậc giữ giới thường phát ra hạnh đức ngọt ngào đạo vị. Đọc sách Ngữ Lục của chư Tổ, Phật tử rõ thấu điều này.

    III. GĐPT-VIỆT NAM VÀ TRUYỀN THỐNG DŨNG.

    Đã kinh qua 60 năm, GĐPT Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên của Phật giáo Việt Nam, không phân biệt tông chi giáo hệ, nhằm xây dựng cho tương lai đạo pháp, góp phần xây dựng xã hội, trật tự an toàn, văn minh và tiến bộ. GĐPT không đặt nặng vấn đề khoa giáo từ chương mà mở rộng con đường KHAI KHOÁNG KHÍCH LỆ ĐỘNG VIÊN để tuổi trẻ TỰ TÍN, TỰ CHỦ, ĐỨNG VỮNG TRÊN ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH và sẳn sàng dấn thân nhập cuộc mà không bị dòng đời cuồng loạn cuốn trôi. Ngược lại còn chỉnh hướng dòng đời đến đích thanh lương thẩm mỹ.

    Để duy trì tính đồng bộ thống nhất, thăng tiến lẫn nhau, xóa cho được đầu óc cục bộ địa phương, tất cả vì màu cờ sắc áo, hòa quyện trong cộng đồng quốc dân, đưa cuộc sống văn hóa đạo đức ngày một phát triển, khiến đạo mạch luân thông không dứt mất, nên hội Dũng ngành Nam được tổ chức theo đơn vị BHD cấp Tỉnh, Thị. Nhưng ở một số tỉnh miền Trtung có từ 200 đơn vị trở lên, BHD cấp Tình, Thị có thể ủy thác cho các ban viên Đại diện Quận, Huyện tổ chức. Cốt lõi vấn đề là làm tỏ rõ mục đích yêu cầu của ngày Dũng, cập nhật hóa những vấn đề xã hội để tuổi trẻ nhập cuộc đúng hướng mà quốc gia dân tộc đang cần.

    1)- Hình thức:

    Hình thức thích hợp nhất cho lễ hội ngày Dũng là sinh hoạt trại dã ngoại. Tạo điều kiện cho các em cùng ăn cùng ở cùng thảo luận bằng chính sức cần lao và trí tuệ của mình. Giải phóng tuổi trẻ khỏi mái nhà, mái trường, gao tiếp cùng thiên nhiên bao la, tạo điều kiện cho trẻ tháo vát năng động, tâm hồn được cởi mở thông thoáng, thu giãn, cầu tiến, nên phải lựa chọn địa điểm thích hợp để tổ chức quy mô nghiêm túc. Đầu tư xây dựng cấu trúc mô hình toàn cảnh, từ cổng trại lễ đài, giá đuốc, khu vực lập làng hạ trại, khu sinh hoạt vui chơi lửa trại hội thảo, trò chơi lớn… Tất cả đều phải thực hiện sa bàn, bản vẽ kỹ thuật chi tiết, và khi kết thúc với hình ảnh ghi nhận từ thực tế đối chiếu, ta sẽ có những bài học với những ưu khuyết rõ nét. Cho nên, là một Huynh Trưởng GĐPT-VN khi tham gia trại trường không cần Ban Quản Trại thuyết minh, ta cũng nắm được cơ cấu tổ chức, tình hình sinh hoạt cũng như chất lượng tu học của các đơn vị tham gia như thế nào. Cũng như chủ đích, mục tiêu Phật sự cần phải đạt trong thời gian tới.

    Về hình thức, những công trình chung phải có:

    1. Lễ Đài: Đủ chắc, độ cao từ 1 mét đến 1,5 mét, có bàn thờ Phật, bàn kinh đủ chỗ cho một ban kinh sư làm lễ.

    2. Cột Cờ: Trước lễ đài, kích cỡ tương xứng với lễ đài. Từ trong lễ đài nhìn ra bên trái là Giáo kỳ Phật Giáo Thế Giới, bên phải là kỳ hiệu sen trắng, kích cỡ nhỏ hơn giáo kỳ. Vì GĐPT-VN là một tổ chức nội thuộc Phật giáo và không có quyền đối ngoại, do vậy ta không treo quốc kỳ.

    3. Giá Đuốc: GĐPT-VN là một tổ chức giáo dục của Phật giáo, lấy trí tuệ làm sự nghiệp (Duy tuệ thị nghiệp) lấy tình thương làm động lực dấn thân nên đuốc Dũng không thể gắn vào đâu cũng được mà cần phải có giá đuốc để tôn trí một cách chắc chắn và cung nghinh di dời một cách tôn nghiêm, cắt cử người hộ đuốc từ đầu cho tới lúc bế mạc tắt đuốc.

    4. Cổng Trại: Cổng trại là bộ mặt của Trại. Đây là một công trình chung, mô hình phải do BQT thiết kế. Đơn vị nào đăng cai thực hiện phải tôn trọng mô hình này, nhất thiết không được tự động thay đổi

    5. Lửa Trại: Dọn dẹp vệ sinh an toàn khu vực lửa trại, xin phép báo trình chủ quản sở hữu khu vực, đề phòng hỏa hoạn làm thiệt hại cây cối môi trường chung quanh. Đêm lửa trại khi nào cũng là đêm cuối cùng trên đất trại. Vì văn nghệ lửa trại là bản tổng kết nhận thức về toàn bộ thành bại buồn vui, cảm nhận của mọi thành viên của trại qua ngôn ngữ diễn đạt nghệ thuật.

    BQT không nên chận đứng các tiết mục không tôn trọng chủ đề, có ý thức xuyên tạc làm tổn giảm uy tín của tổ chức, làm rạn nứt sự đoàn kết theo tinh thần Lục Hòa. Vì tất cả mọi sự kiện đều có nguyên nhân của nó. Thành tựu kết quả ta có bài học ưu điểm, thất bại ta có bài học khuyết điểm. Bài học có giá trị hay không, khi nào cũng phải trả một giá khá đắt. Cho nên sinh hoạt văn nghệ lửa trại là văn nghệ tự biên tự diễn, và để có thể trình bày trước đám đông, nghệ sĩ đã phân tích dàn dựng kịch bản để có thể nhập vai, tức đã học tập bày tỏ quan điểm chung, và BQT giải quyết tồn đọng của vở diễn để hoàn thành sứ mạng giáo dục của mình. Do đó những kịch bản chuẩn bị sẵn, dàn dựng công phu tiền khai mạc ở đơn vị sẽ lạc lỏng đơn điệu.

    6. Trò Chơi Lớn: Thường các BHD quy tụ những Huynh Trưởng tầm cỡ. Lễ hội truyền thống Dũng được tổ chức như một trò chơi lớn quy mô, là một sân chơi tạp kỷ kéo dài từ lúc lên đường, từ đơn vị cho đến giờ bế mạc dây thân ái. Từ lễ khai mạc, bế mạc v.v… đều là những thứ mục, do đó đòi hỏi mọi thành viên của trại đều nhập vai và liên đới chịu trách nhiệm chung về sự thành bại của trại, không ai được rời vị trí hay ở lại vị trí một cách chiếu lệ tiêu cực.

    Khởi đầu trò chơi lớn phải có “Câu chuyện lên đường”, mã hóa tổ chức lộ trình, diễn tiến thứ mục qua các trạm, bao gồm cả thời lượng nội dung khảo hạch. Bố cục câu chuyện lên đường là bố cục của trò chơi, là bố cục của hội Dũng, nhà biên đạo phải kết hàm súc ngắn gọn có tác động mạnh tâm lý cuộc chơi. Phát huy tinh thần tập thể, tính năng động vị tha đồng thời cũng phát hiện được những mũi nhọn đột phá thao lược của những nhà tổ chức lãnh đạo giỏi trong khuôn khổ Đội, Chúng, Đoàn. Các Huynh Trưởng khảo hạch đóng vai trò của nhân vật trong kịch bản và từ đó sẽ loại được tính tùy tiện làm khó trại sinh, làm tốn hao thời gian và chất lượng của trò chơi (của kịch bản). Mật thư bản tin thao tác tại các trạm đã được chuẩn hóa từ khối sinh hoạt tiền khai mạc trại. Không được quá khó gây ách tắc và mất sự hưng phấn, làm nản lòng trại sinh. Ngược lại cũng không quá dễ tạo sự khinh xuất bất cẩn dẫn đến sai sót. Tất cả các trại đều có cẩm nang giải mã bật đèn xanh thông trạm khi đã quá thời lượng cho phép.

    Có phương án phụ để tháo gỡ chướng ngại có thể đến từ bất cứ nơi nào, tất cả đều có dự đoán trước trong câu chuyện lên đường.

    2)- Nội dung lễ hội truyền thống Dũng.

    Lễ hội truyền thống Dũng luôn luôn làm rõ nét hai nội dung chính:

    1- Nhớ ơn Như Lai đã dũng mãnh cắt ái ly gia thực hiện chí hướng xuất trần, tìm cầu chân lý cứu độ chúng sanh. Ra sức tu học phụng sự chúng sanh, phụng sự Tam Bảo góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo…

    2- Vạch công tác thực hiện, quyết tâm hoàn thành mọi Phật sự để truy tiến báo ơn Thế Tôn.

    Hai nội dung nầy gắn liền với thực cảnh không gian và thời gian của từng địa phương. Tạo điều kiện để Huynh Trưởng, đoàn sinh tham gia diễn đàn “Vai trò của thanh thiếu niên trong cuộc sống hiện tại”, đúng với tinh thần Dũng mà chúng ta đã long trọng khai hội.

    IV- KẾ HOẠCH TỔNG QUÁT.

    Phần A
    Tùy thuộc hoàn cảnh môi trường từng địa phương và nhất là khả năng nhân sự, kinh tế tài chánh mà mỗi nơi địa phương lên kế hoạch tổng quát mỗi năm, chuẩn bị hội đủ các điều kiện để có thể vạch chương trình thực hiện hoàn mãn.

    Sau đây chỉ gợi ý một số vấn đề, ủy viên các ngành thanh thiếu nam thuộc BHD nghiên cứu.
    1- Phát triển tổ chức phấn đấu đạt chỉ tiêu số lượng Huynh Trưởng và đoàn sinh tham gia bao nhiêu phần trăm so với năm trước.
    2- Hộ trì Tam Bảo Hạ trường – Giới đàn quy y – Sa di + Sa di Ni – Đại giới đàn Cụ Túc – Huynh Trưởng + Đoàn sinh xuất gia – gia đình quyến thuộc quy y Tam Bảo – Tịnh tài tịnh vật cúng dường – Dự trù thực hiện nội bộ – Huy động.
    3- Công tác xã hội – giúp đỡ các gia đình neo đơn, quan quả đói nghèo – nuôi học bổng – cứu trợ.
    4- Phát hành kinh sách, nhang, lịch hàng năm, bỏ heo tiết kiệm chuẩn bị trại Dũng.

    Trên đây là kế hoạch phát động phong trào thuộc ngành Nam, công việc hoặc thành tích chào mừng lễ hội truyền thống.

    Phần B
    Tổng kết Phần A ta có được khả năng đích thực về nhân sự, tài chánh, từ đó lên chương trình chi tiết thực hiện lễ hội. Không thể có một kế hoạch chung nào được vạch sẳn để cho các Tỉnh, Thị đồng bộ áp dụng. Vì như vậy sẽ khô cứng thiếu sinh khí, không phát triển óc sáng tạo, làm nghèo sự phong phú đa dạng của lễ hội chúng ta. Có điều một số tiết mục chung cần đề cập:

    1- Hóa trang – Hoạt cảnh: Trong quá khứ nhiều đơn vị đã có chủ đề “Thanh thiếu nhi Phật gáo đón mừng Từ Phụ xuất gia”, trong đó có:

    – Đồng Ấu Phật tự, Phật Hóa Phổ, Thanh niên học Đức dục, Hướng Đạo Phật tử, Học sinh Phật tử, Sinh viên Phật tử và cuối cùng tất cả các phái đoàn này đã hóa thân thành GĐPT Việt Nam dưới cờ sen trắng, hàng ngũ chỉnh tề, thay đổi trang phục có nhịp điệu. Khán giả ngạc nhiên trong kính trọng, không cười nói ồn ào, tạo dấu ấn sâu đậm trong đoàn sinh và quan khách.
    – GĐPT Việt Nam trên hành tinh chào đón hội Dũng:
    Ngày nay GĐPT-VN có mặt trên 33 nước, có tổ chức hẳn hoi. Mỗi quốc gia có mỗi biểu tượng riêng. Nhìn lễ hội này có thể thấy được diễn tiến lịch sử của tổ chức.
    – Dựa theo bố cực của trò chơi lớn, tổ chức hóa trang khai mạc hội, sau đó lên đường khiến bố cục ấy được củng cố và có tác dụng tâm lý tốt đẹp trong đoàn sinh và Huynh Trưởng.

    2- Rước đuốc Dũng: Theo đúng truyền thống lễ hội nhân gian về hội theo từng địa phương. Biên đạo lại mang tinh thần Phật giáo, hòa quyện văn hóa nhân gian và văn hóa Phật giáo để tăng tiến cuộc sống tinh thần tại địa phương. Như ở Cao Nguyên có tù và, khèn, chinh cổ. Miền trung có chấp lệnh, chinh cổ, cổ nhạc v.v… Những vấn đề nầy cần tập luyện nghiêm túc, tuyệt đối không được luộm thuộm bôi bác thiếu văn hóa.

    3- Hội thảo: Vai trò thanh thiếu niên trong xã hội hiện tại. Đặt vấn đề trước những sự kiện gây bức xúc lòng người. Ví dụ ở hôm nay:

    – Ma túy, mối hiểm họa tiêu diệt tuổi trẻ, làm thế nào để ngăn ngừa và phòng chống hiểm họa ma túy.
    – Tin học và vấn đề phát triển đất nước
    – Công nghiệp hóa và vấn đề môi trường
    – Làm thế nào để hợp pháp hóa tổ chức GĐPT trong cộng đồng sinh hoạt quốc dân – (Huynh Trường ngành Nam)
    – Kiến lập sân chơi cộng đồng cho đoàn sinh GĐPT.

    4- Giờ chia tay có câu chuyện chia tay – cũng gọi là câu chuyện lên đường – Vì chúng ta có chủ đích biến hội Dũng như là một trạm chuyển tải năng lượng tạo sức bật có định hướng cho tuổi trẻ, tự giải quyết lấy những vấn đề xã hội và bản thân bằng trí tuệ và sức lực đang có. Cho nên theo thứ tự đơn vị xa gần mà tuần tự thứ lớp lên đường và trở về một cách dứt khoát, không được la cà đất trại bất kỳ lý do gì, và cuối cùng là BQT. Có như thế mới thấy được cung bậc của tiếng còi lần cuối của Đời Sống Trại có ý nghĩa như thế nào. Có thấy phút hân hoan reo vui bên nhau nó ngắn ngủi làm sao! Có những ăn năn cần xin lỗi đã không có thời gian, có những cảm tình sâu lắng muốn bày tỏ đã không kịp. Chính những thôi thúc ấy đã nhả tơ keo sơn gắn bó ngọt ngào.

    LỄ KHAI MẠC

    1) – Sắp xếp vị trí.
    – Thượng tòa: Trên lễ đài, chư Tôn giáo phẩm chứng minh.
    Phía sau hàng Giáo phẩm là chư Thượng Tọa, Đại Đúc, Tăng Ni (xuất gia).
    – Hạ tòa: Phía trước – chính giữa, Đại diện BHD/TƯ – chủ tọa: Anh Trưởng Ban Cấp Tỉnh, Thị địa phương.
    Sau là Ban viên BHD địa phương và khách mời trong GĐPT, các BHD tỉnh bạn.
    Phía trái: Ban Bảo Trợ, các nhà Mạnh Thường Quân, chính quyền (nếu có)
    Phía phải: Quý đạo hữu, Gia Trưởng, LĐT ngành Nữ (xem sơ đồ)

    2) – Chương trình khai mạc.
    Cung nghinh chư tôn giáo phẩm, chư tôn cố vấn.
    Liệt vị quan khách quang lâm lễ đài theo sơ đồ như trên.

    a/- Niệm Phật cầu gia bị – Cử bài ca chính thức – Phút tưởng niệm chư Thánh tử đạo, Huynh Trưởng và đoàn sinh quá cố.
    b/- Tuyên bố lý do
    c/- Giới thiệu thành phần tham dự.
    Rước đuốc từ một Tổ Đình, chùa gần đó về trại, có chương trình ăn khớp với chương trình tại trại trường (liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm), khi đã tôn trí đuốc Dũng xong.
    d/- Đọc quyết định thành lập BQT.
    e/- Diễn văn khai mạc trại
    f/- Trao còi lệnh cho Đời Sống Trại. (Kể từ giờ phút này Thư Ký nhường quyền điều hành cho ĐST – hết nhiệm vụ). ĐST nhận nhiệm vụ tuyên hứa đưa trại đến thành công.
    g/- Khai còi hiệu.
    h/- Cử trại ca.
    – Trình diện trại sinh + BQT lên chủ tọa và chư Tôn chứng minh.
    i/- Ý kiến Ban Bảo Trợ hoặc Đại diện quan khách.
    j/- Huấn từ của BHD/TƯ
    k/- Đạo từ của Đại diện chư tôn Cố Vấn
    l/- Giáo từ của Đại diện Giáo Hội cao nhất được mời.
    m/- Cảm tạ của BQT – Hồi hướng.
    n/- Hướng dẫn chư Tôn và quan khách tham quan các đơn vị. (Khối hành chánh, Ban thông tin báo chí hướng dẫn quan khách)
    o/- Đời Sống Trại phổ biến chương trình trại, hiệu lệnh trại, kỷ luật trại – Tan hàng.
    – Một số đơn vị có tiết mục trình diện trại được lồng vào một chủ đề hóa trang có nội dung phong phú, được thuyết minh làm tỏ rạng ý nghĩa hội Dũng của tổ chức.

    V- KẾT LUẬN.

    Lễ hội truyền thống Dũng được tổ chức quy mô chừng nào thì phát sinh những vấn đề nhiều chừng ấy, giúp cho BHD Tỉnh, Thị định hướng sinh hoạt, vạch chương trình bổ sung kế hoạch sinh hoạt trong năm hoặc dự kiến cho năm tới.

    Ủy viên Nam Phật tử và Ủy viên Thiếu Nam thấy rõ tài năng và thực lực sinh hoạt ngành mình với từng đơn vị để hướng dẫn giúp đỡ cụ thể.

    Mở sân chơi giao lưu kết thân dưới nhiều dạng thức khác nhau. ĐST phải có bài ca kết thân khi tập họp chung lần đầu và bài ca chia tay khi báo cáo hoàn tất nhiệm vụ.

    Trại của GĐPT-VN được tổ chức dưới bất cứ hình thức nào cũng là một giáo trình tổng hợp, Huynh Trưởng các cấp lẫn trại sinh đều là học viên. Tham dự một hội lễ trại quy mô, Huynh Trưởng và đoàn sinh ai nấy đều thấy trưởng thành hơn, đúng đắn hơn, chững chạc hơn trong tinh thần tập thể, gắn bó và sẳn sàng gánh vác sứ mệnh trước Đạo Pháp và Dân Tộc và nhất là với tổ chức GĐPT-VN vậy.

 

BBT

4241 lượt xem