VÌ SAO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ RA ĐỜI?

(Hòa Thượng Thích Minh Châu – 1552)

oOo

Gia Đình Phật Tử ra đời với mục đích giáo dục Thanh Thiếu Nhi theo tinh thần đạo Phật, vì những nguyên nhân chính sau đây(*):

1) Một số lớn các em nhờ sự may mắn, sống trong một hoàn cảnh vật chất quá đầy đủ, do vậy không chịu lo học, lo tập sống tự lập, chỉ biết sống ỷ lại và vui chơi; Gia Đình Phật Tử sẽ cố gắng làm một trường luyện tập các em biết sống đoàn thể, biết tự lập, biết tháo vác để sau này gặp những hoàn cảnh khó khăn, các em có thể biết ứng dụng, sống ích lợi cho mình, cho mọi người.

2) Cuộc chiến tranh đã qua và hiện tại đã làm một số em mồ côi cha mẹ lưu lạc gia đình, sống cô quạnh, không lý tưởng. Gia Đình Phật Tử ra đời, thể theo lòng từ bi của Chư Phật, nguyện tiếp đón các em, sống trong Đại Gia Đình Phật Tử, mong đem những gì vui tươi, trong sạch của tuổi trẻ cho các em.

3) Gia Đình Phật Tử lại có cao vọng giới thiệu một phương pháp giáo dục đặc biệt dựa trên giáo pháp Phật dạy và một đời sống lý tưởng đúng với chân tinh thần đạo Phật.

Phương pháp giáo dục và lý tưởng trên có những đặc điểm sau đây(*):

  • TỪ BI – TÔN TRỌNG SỰ SỐNG:

Trong khi mọi sự tuyên truyền hô hào chủ nghĩa, giai cấp, tôn giáo… đấu tranh và xem thường sanh mạng, Gia Đình Phật Tử thể theo lòng Từ Bi của đạo Phật, chỉ biết tuyên dương một đời sống hòa đồng, tương trợ, tương ái, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, chủng tộc, chỉ biết tôn trọng đời sống của mọi loài và mặc tẩn sự tàn sát. Gia Đình Phật Tử dạy cho các em rằng sống là phải thương yêu giúp đỡ nhau, sống là phải tôn trọng sự sống của muôn loài. Chỉ có sống thương kính nhau mới là sống chơn chánh, mới đáng là một người Phật Tử.

  • SÁNG SUỐT – TÔN TRỌNG SỰ THẬT:

Trong khi mọi sự tuyên truyền, cổ động hô hào chủ nghĩa, tôn giáo của mình là hơn tất cả, công kích mạt sát nhau và dùng mọi phương tiện để kéo quần chúng vào phe cánh của mình, Gia Đình Phật Tử thể theo hạnh Trí Tuệ của Chư Phật, chỉ biết tôn trọng sự thật, tôn trọng lý trí, soi sáng mọi người. Gia Đình Phật Tử dạy các em biết tôn trọng lẽ phải, tìm hiểu sự thật, phát chiếu lý trí. Gia Đình Phật Tử dạy các em học Phật Pháp tức là học để tìm hiểu sự thật. Gia Đình Phật Tử nêu rõ rằng: Ngu dốt là một tội nặng đối với mình, đối với mọi người, mê mờ là chưa biết sống; vì rằng người mê mờ ngu dốt sẽ sống để tàn hại nhau. Gia Đình Phật Tử không bao giờ khuyên công kích và mạt sát một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa nào, vì trong sự mạt sát và công kích đã có nghĩa là mê mờ ngu dốt rồi. Gia Đình Phật Tử cố gắng phát động một phong trào văn nghệ mới xây dựng trên tinh thần Bi-Trí-Dũng của Gia Đình Phật Tử, của đạo Phật.

  • TRONG SẠCH – AN TỊNH:

Thể theo mục đích đạo Phật, giải thoát mọi loài khỏi sự ràng buộc của vật chất, Gia Đình Phật Tử chỉ tán thán một đời sống an tịnh giải thoát, ngoài sự chi phối của vật dục. Người Phật Tử phải là những người tập giữ thân thể, lời nói và ý niệm trong sạch, ăn mặc giản dị, biết đủ; vì con người có sống trong sạch, giản dị, kham khổ mới sống sáng suốt và mới làm chủ được vật dục. Gia Đình Phật Tử còn chú trọng giới thiệu sự hệ trọng của những phút an tịnh, lắng đứng các vọng niệm lăng xăng, không dong ruổi ngoại cảnh. Chính những phút an tịnh làm tăng trưởng định lực con người, giúp người tự tại đối với hoàn cảnh và phát chiếu trí tuệ. Cho nên các buổi họp, các buổi trại đều có để dành những phút tịnh niệm, và trong sự tu tập hằng ngày của Huynh Trưởng và Nam Nữ Phật Tử, có giới thiệu những pháp môn Quán Tưởng, Sổ Tức, Niệm Phật để giúp đối trị loạn tưởng, chuyên tâm nhứt cảnh, tăng trưởng định lực con người.

  • HỶ XẢ:

Người Phật Tử không nên đem một bộ mặt đau thương để làm hoen ố thêm cuộc đời vốn đã đau khổ. Cho nên Gia Đình Phật Tử chú trọng hạnh Hoan Hỷ, hạnh của những người biết sống vui vẻ, dầu gặp những chướng ngại chông gai. Gia Đình Phật Tử lại còn khuyến khích hạnh Phóng Xả, nghĩa là hạnh của những người biết quên mình, hy sinh cho mọi loài, biết trừ diệt mọi sự oán thù tật đố, sống hòa thuận vui vẻ.

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ CHỈ LÀ MỘT CƠ QUAN GIÁO DỤC ỨNG DỤNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN TRONG SẠCH CHƠN CHÁNH, Gia Đình Phật Tử không phải là một cơ quan chuyên lo tuyên truyền đạo Phật để lôi cuốn tín đồ Phật Tử.

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ CHỈ LÀ MỘT TỔ CHỨC GIÁO DỤC THANH THIẾU NHI DỰA TRÊN NỀN TẢNG TINH THẦN ĐẠO PHẬT, tạo cho thanh, thiếu nhi một đời sống chơn chánh lợi ích cho mình, cho mọi người. Cho nên Gia Đình Phật Tử chỉ áp dụng những phương tiện trong sạch chơn chánh để thực hiện mục đích của mình. Gia Đình Phật Tử không lôi cuốn thanh, thiếu nhi cho đông để làm vây cánh đối lập với các đoàn thể khác; Gia Đình Phật Tử không dựa vào áp lực chánh trị, không dựa vào sức mạnh khủng bố để mở rộng thế lực; Gia Đình Phật Tử không dùng những danh lợi vật chất, những cách tuyên truyền nhồi sọ để dụ dỗ mê hoặc thanh, thiếu nhi. Gia Đình Phật Tử chỉ biết giới thiệu một cách vô tư một lối sống chơn chánh hợp với lẽ phải, thuận với tuổi trẻ, đúng với tinh thần Bi-Trí-Dũng. Thanh, thiếu nhi vào Gia Đình Phật Tử chỉ vì thấy đời sống của Gia Đình Phật Tử hợp với chí hướng của mình, có lợi ích cho chính mình, nên vui lòng, sung sướng và vinh hạnh được làm một Phật Tử trong Đại Gia Đình Phật Tử.

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ RA ĐỜI, GIỚI THIỆU CHO THANH NIÊN MỘT LÝ TƯỞNG:

Trong lúc đào tạo một thế hệ mới, biết sống đúng với nghĩa căn bản của con người, Gia Đình Phật Tử giúp các Huynh Trưởng hiểu các em mình, thương các em, biết hy sinh cho các em. Gia Đình Phật Tử là sợi dây liên lạc thắt chặt tình anh em giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước, giữa thanh niên với thiếu nhi, giúp cho tuổi trẻ hiểu rằng tuổi trẻ phải biết sống trong tình thân hữu, nâng đỡ dìu dắt hy sinh cho nhau.

KẾT LUẬN:

Mục đích của Gia Đình Phật Tử đúng đắn và rõ ràng như thế. Nếu không tán thành và không hưởng ứng thì chỉ có những hạng người sau này:

– Chấp chủ kiến không chịu tìm hiểu.
– Ưa sống ích kỷ.
– Thiên trọng vật dục.
– Không hiểu thanh niên.
– Những người vong bản.

DL. 1952
THÍCH MINH CHÂU

(*) Trong nguyên bàn là chữ này.

———=oOo=———

PHỤ LỤC
(Một số hình ảnh lịch sử Hòa Thượng Thích Minh Châu với Gia Đình Phật Tử – trước năm 1975)

(Hình ảnh trong bài do Thư Viện GĐPT bổ sung)

1218 lượt xem