HỘI TRẠI BÌNH PHƯỚC
Phóng viên Sen trắng

 

Đến với trại đã hơn 8g sáng. Lòng tôi cảm thấy rộn ràng khi nhìn đất trại nằm trên một thung lũng phủ đầy thảm cỏ xanh, được bao bọc bởi những ngọn đồi. Trên thảm cỏ rộng lớn đó, vươn lên chiếc cổng to mang tên Quảng Đức 2011 của GĐPT Bình Phước, với biểu tượng ba cánh chim hướng về Huy hiệu Hoa Sen trắng làm chân đế cho ngọn cờ Phật Giáo, tất cả được đặt trên bốn chữ “Vui sống Lục Hòa” để nói lên tinh thần trại của gần 300 Huynh trưởng và Đoàn sinh hội tụ về khu du lịch Lâm Viên Mỹ Lệ.

Ngày 16.07.2011. Hội Trại hè Ngành Thiếu chính thức được khai mạc, đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong dòng Lam sử của GĐPT Bình Phước, bởi từ mấy năm nay, với sự hình thành của Phân Ban GĐPT, đã đặt sự sinh hoạt của GĐPTVN vào vị thế vô cùng khó khăn về mặt pháp lý. Người ta đã gắn sự sinh hoạt này trong định chế “Hợp pháp” và “Không hợp pháp” bởi tác dụng của thế lực chính trị, mưu đồ phân chia GĐPT thành hai tổ chức đối lập. Sự sinh hoạt của GĐPTVN là sự kế thừa dòng lam sử chính thống 60 năm trong danh xưng GĐPT chứ đâu phải chỉ mới được hình thành hai mươi năm gần đây, khi Nhà nước làm giấy khai sinh cho Phân Ban GĐPT và đặt chúng tôi dưới sự quan tâm sâu sắc của ngành An Ninh.

Đón nhận chúng tôi về hội trại, người quản lý khu du lịch hẳn nhiên đã nhận thức được một sự thật: đó là tạo điều kiện để tuổi trẻ Bình Phước có một sân chơi. Một điều tuy đơn giản nhưng không phải nơi nào cũng nhận thức được. Và các anh làm nhiệm vụ an ninh cũng thế, các anh từng bước theo chúng tôi đến đây, đứng đâu đó lắng nghe và cảm thông với tổ chức GĐPTVN qua lời đạo từ của Ni Sư Thích nữ Hoa Liên đến chứng minh cho buổi lễ khai mạc: “Trong GĐPT từ xưa đến nay, có những vị đã xuất gia thành Hòa thượng, thành thượng tọa, thành Ni sư cũng trưởng thành từ màu áo lam. Vậy thì lớp huấn dạy thanh thiếu đồng niên như thế này vô cùng lợi ích cho xã hội. Xã hội ngày xưa, xã hội hôm nay và xã hội tương lai rất cần đến sự huấn dạy của các Anh, hướng dẫn cho đàn em của chúng ta đi vào cuộc sống nề nếp không bị tha hóa vì vật chất hiện tại, không bị biến hoại bởi những thành phần thanh thiếu niên hư, không bị lâm vào tình trạng cha mẹ đau khổ vì con cái nghiện xì ke, ma túy…”.

 

Hướng về trên hai trăm năm mươi đoàn sinh. Ni sư đã chân thành nhắc nhở:
“Chúng ta đã là đoàn sinh của GĐPT, chúng ta luôn luôn theo thể lệ của Gia đình là sống vui, sống khỏe và luôn luôn hướng về Phật. Chúng ta không quên là đoàn sinh GĐPT là đoàn sinh gương mẫu, là một thành viên của xã hội tốt đẹp, là đứa con ngoan trong gia đình và là đệ tử kiên trinh của Chánh pháp. Các em là mầm non, là cây tre đang lớn của Giáo hội, của gia đình. Các em phải thể hiện mình là Phật tử, thì cha mẹ của chúng ta rất vừa lòng khi cho các em đến với khối đại đoàn kết GĐPT này. Các em phải cố gắng giữ gìn năm giới của Đức Phật thì nhà lao không có hiện diện thanh thiếu niên hư, tòa án không phài xét xử những trẻ em vị thành niên. Thì như vậy tổ chức GĐPT đem lại lợi lạc cho bản thân các em, cho gia đình và cho xã hội”.

Lời nhắc nhở, dạy bảo của Ni sư, thật tha thiết chân thành, và quả thật Ni sư với y áo màu vàng của Chư Phật, với chiếc nón lá che đầu đến thăm từng lều trại, khệ nệ mang theo vài giỏ trái cây cho đàn con, dưới mắt tôi: Ni sư quả là hiện thân của một người mẹ.

Và có lẽ, những nhân viên an ninh, hay những người giữ nhiệm vụ bảo vệ khu du lịch ấy, hẳn cũng dõi theo, lắng nghe, và đồng tình với lời nói chuyện của một anh Trưởng trình bày về vấn đề Sinh thái môi trường. Lời trình bày của anh thật gần gũi thiết thực với bản thân, với đời sống chung quanh ta. Thể hiện bảo vệ môi trường sống bằng những hành động thật đơn giản. Đó chỉ là sự giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nơi thôn làng ta đang ở. Bảo vệ sinh thái môi trường, cũng là sự chọn lựa môi trường để sinh hoạt. Tuổi trẻ chúng ta chỉ trưởng thành trong sinh hoạt nơi những môi trường lành mạnh, làm những việc gì lợi ích cho mình và cho người. Cao hơn nữa, bảo vệ môi trường, chính là sự gạn lọc thân, tâm, ý để trở thành Phật tử chân chính. Đó cũng là ý nghĩa của hai từ “Đào luyện” trong mục đích của GĐPTVN.

“Đào luyện” đã bao hàm ý nghĩa sự tích cực chủ động, để tất cả những người mặc Áo Lam luôn sống hướng thiện, chứ không đơn thuần là “Giáo dục”, mà người ta đã hời hợt tiến hành khi sửa đổi nội quy. “Giáo dục” chỉ nói lên sự nhận lãnh của đoàn sinh (đối tượng được giáo dục) nơi huynh trưởng, người thay mặt tổ chức thực hiện công việc giáo dục. Thực chất, trong GĐPTVN, mọi đoàn viên từ đoàn sinh đến huynh trưởng luôn phải sống tỉnh thức, rèn luyện mình để trở thành người hữu ích cho nhân quần xã hội, cao cả hơn nữa là tìm sự an lạc giải thoát ngay chính cuộc sống cá nhân mình.

GĐPT là môi trường Sinh hoạt tu học. Đến với GĐPT, tuổi trẻ được chơi, Chơi để mà học, học để mà tu. Hội trại Quảng Đức của GĐPT Bình Phước đã thể hiện được tinh thần đó. Đêm lửa trại nổi bật hình ảnh tuổi trẻ sôi động của gần 300 trại sinh ngành Thiếu vui đùa ca hát, hẳn đă tác động đến những người đã theo sát chúng tôi để bảo vệ an ninh, vì lồng trong những tiết mục văn nghệ náo nhiệt thời đại là sự giáo dục ý thức về sự giữ gìn cảnh quan của môi trường, những bài ca điệu múa thấm sâu hồn dân tộc, và những bài hát thấm tình đạo vị để tâm hồn trại sinh hướng về cuộc sống vô ngã vị tha của người con Phật, để rồi tất cả lắng sâu vào lòng người qua bài ca cuối lửa: “Tình thương sáng lên khi đêm phủ kín …”.

Khi tất cả trại sinh yên lặng vào trong giấc ngủ, thì người an ninh trẻ tuổi được phân công ở lại trực đêm đã tìm đến bên tôi đang ngồi lặng lẽ bên ly café. Nhìn cậu ấy, tôi cảm thông với trách nhiệm của cậu, đáng lẽ ra, giờ này cậu cũng như những đồng đội khác được trở về yên ngủ trong mái ấm của gia đình. Tôi đã chia sẻ với người an ninh ấy về công việc của chúng tôi, về sự giáo dục tuổi trẻ mà tôi có diễm phúc được sống trong môi trường giáo dục này. Tuổi trẻ thời nào cũng cần được giáo dục, vì một loài hoa không những cần sắc, mà nó còn phải cần hương. Cái hương vị giải thoát tâm linh của một tôn giáo gắn liền xây dựng nên mạch sống của dân tộc này từ hơn hai ngàn năm, chắc chắn sẽ bền vững hơn cái hương vị của những chủ thuyết đương thời, tuy nó nồng nàn gay gắt hơn, nhưng lại sớm tan phân vì sự biến động tiến hóa của thời đại.

Buổi sáng trôi qua, thật yên bình, Tôi đã leo lên ngọn đồi để ghi nhận cảnh mặt trời hé rạng trong sương của bầu trời Bình Phước, dưới kia là toàn thể trại sinh đón chào một ngày mới bằng một tâm hồn trong sáng, trong một thân thể khỏe mạnh qua bài tập thể dục dưới sự hướng dẫn của Đời sống trại. Ngọn cờ Sen trắng trên kỳ đài vẫn nhè nhẹ tung bay, một ngày mới đã bắt đầu trong sự náo nức của toàn thể trại sinh đang hướng về trò chơi lớn dự định tiến hành vào trưa nay. Để chuẩn bị tốt cho công việc này Ban quản trại đã linh động san bằng khoảng cách kỹ năng của các đơn vị bằng những trò chơi nhỏ để tất cả có thể cùng hòa nhập.

Cuộc đời cũng chỉ là một trò chơi lớn, nhưng khác chăng là kết cục hiện hữu cuộc đời của mỗi người là tiếng khóc tiếc thương của những người còn ở lại, những giọt nước mắt nuối tiếc cho một cuộc sống đã qua đi, một cuộc sống mà khi còn hiện hữu đã mang lại an lạc hạnh phúc cho nhiều người. Giá trị cuộc sống của con người chỉ đơn giản là thế đó, nhưng để có giá trị này, mỗi người phải rèn luyện nhân cách của chính mình để sống hữu ích cho xã hội.

Trong trò chơi lớn của GĐPT phải thể hiện trọn vẹn tính huân tập trong nguyên lý giáo dục, những kỹ năng băng rừng, vượt suối, leo đồi chính là sự luyện tập tinh thần tự tin nơi chính mình, những chướng ngại giả định thử thách để trại sinh vượt qua cũng không ngoài ý nghĩa đó. Từ trong cuộc chơi này, mỗi trại sinh ngoài phần vui, còn phải học. Sự thành công hay thất bại trong cuộc chơi chính là dịp để các em rút tỉa kinh nhiệm cho chính bản thân mình trong cuộc sống đoàn thể. Nhìn gần 300 trại sinh vượt suối, tôi cảm thấy tâm hồn mình như sống lại lứa tuổi của các em. Thế đấy mà đã hơn bốn mươi năm tôi đã trôi lăn trong dòng thời gian vô tận.

Trò chơi lớn vừa kết thúc, thì hiệu còi tập trung chuẩn bị cho lễ Bế mạc trại, nhìn các em quần áo lấm lem tươi cười vì dư âm của một trò chơi lớn, tôi nhận thấy sự thành công của hội trại. Có lẽ phải chờ đến một ngày nào đó khi trưởng thành, thay mặt các thế hệ huynh trưởng hôm nay, đứng trên trọng trách của Ban Quản trại, các em mới cảm nhận hết được tất cả niềm vui của một cuộc trại thành công.

Bài ca dây thân ái được cất lên, thì đồng hồ đã qua thời điểm 17g30 của ngày 17 tháng 7. Tôi đang thu dọn hành trang thì Cậu An ninh trẻ tuổi tối qua đến ngỏ lời chia tay, không hiểu vì chân thành hay vì lý do ngiệp vụ mà cậu ấy hỏi tên và nơi tôi đang công tác. Tôi không ngần ngại nói tên, Pháp Danh của mình và nơi tôi đang làm việc. Nhưng qua việc làm giúp tôi gói ghém lều trại trong chiếc Balo bạc màu gắn liền với tôi trong những cuộc hành trình, tôi cảm thấy sự chân thành từ nơi con người đó. Xong việc tôi bắt tay cậu và ngỏ lời cám ơn vì hành động thân thiện này. Ngồi trên xe, nhìn lại khu du lịch Mỹ lệ với hình ảnh từng đoàn người Áo Lam vai balo gọn ghẽ tươi cười trở về sau 36 giờ trại, lòng tôi rộn rã. Tôi vội lấy ngay quyển sổ tay ghi lại cảm xúc của mình, trong đó, có đôi dòng ngắn ngủi: Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi được người Công An phụ giúp thu xếp hành trang để chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới trong vài ngày nữa.

Bước khởi sắc của GĐPT Bình Phước thể hiện qua hội trại chính là sự khẳng định vươn lên của GĐPTVN trước những cơn phong ba bão táp. Cũng như trên kỳ đài cao lớn của Trại, lá cờ Sen trắng đang tung bay theo những đợt gió cuộn trên nền trời u ám báo hiệu cơn giông. Phải nói rằng để lá cờ Sen trắng tung bay, thì gió phải đạt đến một tốc độ tối thiểu nào đó, vì những yếu tố và chất liệu tạo nên lá cờ khiến nó có khối lượng không phải nhỏ để có được sự tung bay. Chấp nhận khó khăn để bảo tồn truyền thống tốt đẹp của GĐPT, phải chăng cũng như lá cờ của chúng tôi đã chấp nhận những cơn giông để làm đẹp bầu trời.

603 lượt xem