Thế rồi mùa xuân mới cũng đã đến. Tết nay năm con rồng tuy là một huyền thoại về sự siêu việt và vinh thăng nhưng ấn tượng về một “năm Thìn bão lụt” tại Việt Nam vẫn còn đó; nó tương đương với nạn đói năm Ất dậu 1945 tại miền Bắc Việt Nam. Ai cũng hy vọng vào một tương lai tươi đẹp nhưng quên rằng nó phải được xây dựng trong một quá khứ tươi đẹp và hiện tại an lạc tri túc. Có hay không những chất liệu đó để thiết lập nên những lầu các an toàn vững chãi!

Này em! Ngoài trời kia vẫn rộn ràng chim én bay và hoa mai đơm cành rực nắng – Nắng nhuộm vàng hoa mai hay hoa mai mang màu nắng là một sự hòa hợp tuyệt diệu của đất trời mà không có một họa sĩ tài danh nào tô điểm nổi. Tiếng chuông chùa chầm chậm ngân xa, hương trầm theo gió bay khắp nẻo. Trên con đường đến chùa áo vàng, áo xanh, hồng, vàng… muôn sắc nhè nhẹ tung bay, đường vắng và rộng cho đôi chân bước nhẹ thêng thang, những mỗi lo âu thường trực xin buông xuống nên lòng nhẹ bước.

Tuổi trẻ tìm đến nơi rộn ràng; người già đi đến nơi yên lắng – trong một vòm xuân mà những thế hệ có những trạng thái thụ hưởng mùa xuân khác nhau Khác với bài thơ Xuân vãn (Xuân muộn) của Giác Hoàng Nhân Tông đã viết:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

Nghĩa:
Khi trẻ chưa từng hiểu sắc không – Xuân hoa trăm sắc lại gởi lòng – Bây giờ biết rõ mùa xuân ấy – nệm cỏ vui xem rụng cánh hồng

Nhìn thấy hoa nở biết hoa sẽ tàn, được thời niên thiếu biết đến lúc già … lẽ sắc không thật là kỳ diệu, nó chi phối hoàn toàn mọi sự mọi vật được cho là kiên cố chắc chắn nhất – nó làm cho các vị thánh hiền phải sẵn sàng buông thỏng cho cái Ta và cái của Ta tan biến vì không thể nào cưỡng lại sức mạnh của nguyên lý diệu kỳ này, muốn mạnh như nó ta phải tương đồng với nó, an tâm sống với sự vô thường xả ly và vô trụ. Trong khi hoàn vũ này đang đi vào hoại diệt; vạn vật rồi không thoát cuộc tử sinh mà nó vẫn tươi vui như cành hồng phất phơ trước gió, như đào mai từ trong gió rét gọi xuân về – nó tự hào rằng bất sinh bất diệt trước cảnh trăm hoa nở rồi lại rụng tàn – tuổi thanh xuân rồi sẽ già lão, đó là một nhành mai của Mãn Giác Thiền Sư cảnh tỉnh đại chúng – vẫn còn có một nhành mai không rơi rụng khi xuân tàn – vì nó bất sinh bất diệt – Nếu tìm thấy các bất sinh đó ta sẽ không thấy nó bị diệt – như ban sơ mới gặp tuy vẫn trắng tinh màu ký ức nhưng vẫn nhớ rằng bóng dáng này rất thân quen như cuộc tử sinh cũng là một sự thân quen mà ta đã từng trải bao lần như Thiền sư Nhất Hạnh bắt gặp khi còn trẻ:

“Như chợt thấy bóng hình em thuở trước…”

Trực diện vào vấn đề để mở toang tấm lòng đại lượng ra, để nhìn thấy chông gai dưới chân ta bước chỉ là sự tôi luyện và thử thách sự an lạc bất biến với năng lực cảm thọ của hàng trí giả – mục đích không ở bên ngoài cũng không ở bên trong nếu sen không tỏa hương trong bùn thì sen không quí; nếu sen không nở trong lửa hồng thì sẽ không ai biết có một trái tim bất diệt vẫn tồn tại từ lòng tin chắc thật không gì lay chuyển được trong một thế giới nguy vong, để hàng trăm, hàng nghìn vị bồ tát dũng mãnh từ đất hiện lên làm cuộc chấn hưng chánh Pháp, để những hạt bồ đề kham nhẫn 30 năm lẫn trong bùn đất chờ đại sự nhân duyên tùy thuận trổ sanh. Đạt Ma tổ sư 9 năm diện bích, chừng mở mắt ra nhà Lương đã diệt, nhà Tùy suy vi. Khi Nam Bắc nối liền dân số chưa đầy 30 triệu chừng chớp mắt một cái 30 năm số lượng lên gần 90 triệu… Nếu đại bi tâm vô ngại thì không lo Lương mất hay được Tùy; càng không lo dân số 25 hay 85 triệu, vì con đường Bồ Tát đi chưa bao giờ rời khỏi chúng sinh mà cầu nhập Niết bàn.

Đi cùng chúng sinh nhìn thế sự vô thường hay ảo hóa không ngừng chu chuyển với tình yêu như trẻ thơ vô tư không điều kiện. Trước khi viên tịch bác Tâm Minh Lê Đình Thám từng thốt lên câu: “Vô thường là Thường”. Mùa xuân đến rồi đi, xuân đi trăm hoa rơi rụng nhưng vẫn còn một đóa kỳ hoa thấp thoáng trổ đêm qua.

Đức Quảng

444 lượt xem