Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Phật xưa nhất xác định được niên đại của Việt Nam. Văn bia Vạn Phúc Thiền Tự Bi năm 1057 chép: Vua nhà Lý cho xây chùa và dựng một ngọn tháp trên núi Lạn Kha, bên trong tôn trí pho tượng Phật cao sáu thước (1,86 mét, thêm phần bệ thành 2,69 m)…

Tượng Phật A Di Đà cũng đã bao phen thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Thời gian trôi đi, tháp bị đổ, người dân tìm thấy tượng đã mất hết sơn son thếp vàng. Chính sự phát hiện pho tượng này mà đã đổi tên làng thành Phật Tích.

Vào thập niên 1940 trong thời kỳ kháng Pháp, vì áp dụng tiêu thổ kháng chiến, chùa Phật Tích bị… đốt, toàn cảnh bị tàn phá nặng và pho tượng cũng bị hư hại do súng đạn bắn vào, gãy phần đầu và cổ. Một nông dân đã đem đầu tượng về giấu. Hoà bình, ông đem đầu tượng giao lại cho chính quyền và gắn lại cho đến bây giờ.

Tôi nhìn thấy trên bút pháp cách điệu hình lá sen của tượng Phật có vết “vá”. Thầy Thích Minh Thiện – trụ trì chùa Phật Tích – bùi ngùi: “Đó chính là những vết đạn mà lính Pháp đã bắn vào tượng. Tượng không vỡ nhưng đành mặc áo vá”.

Bao bể dâu, gương mặt của tượng vẫn nguyên vẹn thần thái mà cha ông thuở xưa đã tạc. Mặt tượng hình trái xoan, mắt hé mở, đỉnh đầu có nhục khấu nhô lên, tóc xoăn, tai dài, cổ cao ba ngấn, vai rộng, thân dỏng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước, hai tay đặt ngửa trong lòng kết ấn thiền định hàng ma với tay trái đặt trên tay phải, chân ngồi xếp bằng tròn kiểu kiết già.

Thân tượng Phật mặc áo khoác, xếp thành nhiều nếp nhẹ nhàng buông xõa. Tượng ngồi trên tòa sen hình bán cầu dẹp, trang trí bằng những cánh hoa sen úp và ngửa. Trong mỗi cánh lại tạc hình rồng cuốn.

Dưới tòa sen là một con sư tư đội lên, tượng trưng cho Phật lực quy phục được cả mãnh thú. Chân bệ là một khối hình chóp, cắt thành bốn bậc, có bình đô hình bát giác. Trang trí chân bện là hình rồng, sóng, mây, lửa chập chờn, vần vũ.

So với tượng Phật đương đại thời nhà Đường bên Trung Hoa thì tượng Phật Trung Hoa có nét vạm vỡ trong khi tượng Phật thời Lý dáng thanh thoát, thon gọn.

Thầy Thích Đức Thiện – trụ trì chùa Phật Tích nhận định: “Tượng Phật A Di Đà mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thời Lý, trong mối giao lưu, tiếp biến văn hóa với các trường phái của Ấn Độ và trường phái Lục Triều, Trung Hoa. Theo tôi, đó là trường phái nghệ thuật Phật Tích, bởi sự lan tỏa của nó trong văn hóa Việt Nam”.

Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền thì khẳng định pho tượng này là tác phẩm điêu khắc A Di Đà cổ nhất và hoàn thiện nhất của thời Lý mà chúng ta còn lưu giữ được cho đến ngày nay.

Cũng tinh thần đó, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân cho rằng với tượng A Di Đà ở Phật Tích, mỹ thuật Việt Nam đã có được vẻ đẹp cổ điển, về chất cũng như về lượng, nó vừa vặn, thăng bằng với nhân cách dung dị và từ bi bác ái của làng xã và dân tộc.

Nguồn: Trích trong bài “Giải mã bảo vật quốc gia" của Phùng Nguyên trên TienPhongOnline

www.gdptthegioi.org

1334 lượt xem