NGÀY GIỖ NHỚ ANH
(Nhân ngày giỗ thứ 20 anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ)
Thị Nguyên


Hình minh họa

Trước 30-04-1975 tôi chỉ là một Huynh Trưởng cấp Tập ở một miền quê nghèo hẻo lánh, nhưng luôn luôn thao thức về tiền đồ của tổ chức. Những nghĩ rằng khi chiến tranh kết thúc nếu mình còn may mắn sống sót thì sứ mạng kế thừa sự nghiệp nhà Lam rõ là oằn nặng cả đôi vai. Tuổi ấu thơ tôi đã kinh qua ngay trong vùng giải phóng. Ở lứa tuổi đồng niên đã tự phấn đấu nuôi thân bằng rau củ quả và sinh hoạt học tập được hướng dẫn bởi những tư tưởng đấu tranh đầy thù hận khởi đầu từ nền móng gia đình. Luân Lý, Đạo Đức bị chà đạp vì cho là của tầng lớp phong kiến mục nát thối rửa. Cho nên con cái cháu chắc mà xỉ vã nhục mạ đấu tố các bậc trưởng thượng, gọi họ bằng thằng bằng con là chuyện thường ngày ở huyện. Nhà chùa nhà thờ đình làng am miếu bị đập phá, gấp rút xây dựng nền văn hóa “Duy vật vô thần” theo chủ thuyết Marxt Lenine. Bởi vậy nơi nào chủ thuyết nầy đi qua thì sinh hoạt tôn giáo chỉ là cái vỏ giả tạo, hình thức chứng tỏ nơi nầy có tự do nhưng các tôn giáo không vươn lên được bởi chủ thuyết Marxt Lenine “bách chiến bách thắng” muôn năm. Cho nên với tôi sự phá sản về vật chất còn có thể khôi phục được. Nhưng sự phá sản về Văn Hóa tinh thần dân tộc là có tội với non sông Tổ quốc, có tội với liệt đại tiền nhân, với hồn thiêng sông núi. Biến cố 30-04-1975, chiến tranh kết thúc, hòa bình đã lập lại, mình cũng may mắn còn sống sót, nhưng thực hiện được lý tưởng và sứ mạng Áo Lam rõ là còn khó hơn việc mò kim đáy biển.

Vì tương lai con cái, sau mấy lần cải tạo, tôi quyết định đi vào Nam xây dựng vùng kinh tế mới. Muốn nhưng nào có được, kết quả tôi lại vào Sài Gòn và đưa đẩy tôi gặp anh Nhật Thường, Nhật Hồng và anh Như Tâm, anh Nguyên Phương, Tâm Liên, Tâm Vinh, Chị Tâm Minh. . . . Âu cũng là nhân duyên cả. Khi ngày tháng bạn bè anh chị em đi ngang qua đời tôi đều để lại những bài học bổ ích nên tôi luôn luôn đa tạ cuộc đời, cuộc đời thiêng liêng mầu nhiệm và ý nghĩa vô cùng.

Anh Nhật Thường và anh Như Tâm đã để lại cho Huynh trưởng thế hệ chúng tôi bài học giá trị ngàn vàng. Đó là “ĐỪNG BAO GIỜ NÓI VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ CHƯỚNG DUYÊN CỦA BẢN THÂN VỚI NGƯỜI CỘNG SỰ, NGƯỢC LẠI MÌNH RẤT CẦN SỰ CỘNG TÁC CỦA HỌ” (Bài học thứ nhất). Và từ đó thế hệ chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho thế hệ đàn anh của mình và tự xem đó như là nghĩa vụ thiêng liêng không có gì ghê gớm cả.

Các anh đều là những con người bé nhỏ nhưng chí khí can trường, uy vũ bất năng khuất. Nghèo khó nhưng tiết tháo, vàng bạc kim cương không mua chuộc được các anh. Bài học thứ hai: Sẵn sàng lấy thân mình trải thảm cho em út vươn lên, Bảo trợ nâng đỡ và thành toàn cho đàn em. Tôi có làm được gì cho Tổ chức cũng là do sự tài bồi, dạy dỗ bằng gương lành hạnh tốt của tất cả các anh chị. Anh Như Tâm thường hay động viên tôi viết cuốn Cẩm Nang Liên Đoàn Trưởng và viết tiếp tập “Sứ Mạng áo Lam” Tập hai nhưng cả hai tôi đều không làm được bởi anh đã viết cuốn ĐỘI TRƯỞNG phân tích truyền trao ngọn lửa tự tâm mà bất cứ lúc nào và ở đâu tôi không thể dừng lại hay thoái xuất chí hướng. Cuốn Gia Trưởng, không đơn thuần nói về vai trò trách nhiệm bổn phận của một GIA TRƯỞNG mà là nó gói ghém tất cả lý thuyết xây dựng tổ chức GIÁO DỤC SINH HOẠT TU HỌC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM. Cuốn SỨ MỆNH ÁO LAM nêu lên 10 điều tâm niệm của một Huynh Trưởng nên anh chị em Lam viên coi đây như là TÁC PHẨM KINH ĐIỂN của tổ chức. Để dương cao cờ Chánh Kiến, để không hỗ thẹn trước tiền nhân tạo dấu ấn khắc sâu vào LAM SỬ anh Như Tâm đã tư vấn cho anh Nhật Thường xử dụng hội đồng Cấp vô hiệu hóa sự vận động hội nhập Giáo hội mới của anh Thị Hóa – Cao Văn Tiến. Anh Nhật Thường lập Hội Đồng Kỷ Luật anh Thị Hóa thu hồi cấp Tín của anh nầy. Ngày ấy Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Gia Định chỉ còn 11 đơn vị, sĩ số Huynh trưởng và Đoàn sinh giao động trên dưới 100 mỗi đơn vị. Ngày nay Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Gia Định đã lên gấp hai số đơn vị ngày ấy và sĩ số Đoàn viên giao động ở số bình quân 150. Cuộc thế không dừng lại ở những con số nầy. Có lúc anh chị em chúng tôi kéo đến nhà anh tham khảo ý kiến có nên thành lập Hội Đồng Kỷ Luật để xữ lý một số Anh Chị Em vấp phải sai lầm không khuyên can được không? Anh Nhật Thường đứng bật dậy rồi ngã xuống trong xe lăn và nói lớn “Cực cùng chẳng đã chúng ta mới dùng hình thức kỷ luật để thể hiện quan điểm lập trường trước những khúc quanh có tính chất lịch sử. Tổ chức ta là tự nguyện, việc chưa thông thì phải khai thông, tuyệt đối không được bỏ nhau. Hơn nửa Kỷ Luật chỉ có ý nghĩa với những con người thuần thiện, Kỷ luật không có ý nghĩa với kẻ không tuân kỷ luật.”

Lịch sử đã chứng minh “Hạnh đức của một Huynh trưởng được đánh giá qua sự ra đi của người ấy khi giả từ cuộc đời nầy”. Cứ nhìn lễ tang chị Cúc, anh Giao, anh Từ, anh Tú, anh Cường, anh Thiều, anh Đồng, Anh Thạnh, anh Lợi chúng ta thấy rất rõ.

Với tôi anh Như Tâm, anh Tâm Liên, anh Bổn Đồng, chị Tâm Chánh, anh Nhật Thường, anh Nhật Hồng, anh Tâm Bản đều là những bậc thầy rất lớn. Từ những cột mốc thời gian có những bản nhạc lịch sử ra đời như bài Mục Kiền Liên, bài “Chúng ta là chim” “Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” “Bài ca cuối lửa đêm giả từ” “Bản dự thảo Nội Quy Quy Chế” của anh Chuẩn v.v. . và đưa tôi đi giới thiệu với các anh Văn Đình Hy, anh Lê Cảnh Đạm, anh Lê Cao Phan… cũng như những dấu ấn của từng kỳ ĐẠI HỘI và những nhân vật làm nên lịch sử.

Nói đến anh Như Tâm qua tác phẩm Gia Trưởng và Đội Trưởng nỗi bật vai trò nhà ‘LÝ LUẬN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC.” Khi nhắc đến “CƯƠNG YẾU ĐIỀU HÀNH” “HÀNH CHÁNH TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ” chứng tỏ anh là một nhà QUẢN TRỊ ĐIỀU HÀNH giỏi, rành rẽ về Công Pháp và bang giao quốc tế.

Thấm nhuần những bài học lịch sử cần khắc cốt ghi tâm hàng Phật tử chúng tôi hôm nay và mai sau quyết tâm duy trì ĐỨC TIN và BẢN CHẤT PHI CHÁNH TRỊ qua màu TRẮNG bất nhiễm của Huy Hiệu HOA SEN TRẮNG tám cánh.

Bước vào tổ chức tôi có đam mê ngành NGHIÊN HUẤN, TU THƯ và ngày đêm không dám nhòm mỏi. Năm 1995 tôi được làm Phụ Tá Nghiên Huấn cho anh Nguyên Từ – Nguyễn Đức Thương một Huynh trưởng siêng năng cần mẫn thuộc dạng hiếm có. Chúng tôi đã đi khắp nước tổ chức động viên tu học, tu chỉnh tài liệu, nhưng đến năm 2000 tôi rời chức Phụ Tá Nghiên Huấn bằng một quyết định khiển trách do anh Nghiên Huấn đề nghị.

Ngày tháng cứ vùn vụt trôi qua, có những lúc tôi rất hụt hẫng nhưng rồi sớm trở lại bình thường bởi tôi biết đức A Di Đà sẽ bổ xứ để duy trì mạng mạch đạo pháp. Đàn em chúng ta sẽ xuất sắc hơn thế hệ chúng ta. Lẽ ra ở lứa tuổi 68 tôi không nên ra tham gia Ban Hướng Dẫn Quốc Nội và Thế Giới vì tôi chiếm hết hai ghế trong hai tổ chức nầy trong khi đó thế hệ trẻ còn có nhiều Anh Chị Em hơn hẳn chúng tôi. Nếu thiết tha với tiền đồ của tổ chức thì ở đâu nào có quan trọng gì.

Giờ đây có những công trình nghiên cứu còn dỡ dang, nhưng tất cả đàn em yêu thương đã sẵn sàng kế thừa, thế thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Các anh chị kính yêu. Đi sau các anh chị, chúng em cũng tận tình gánh vác. Kế thừa lực lượng mỗi ngày một hùng hậu hơn. Thế thì ta còn lo điều chi. Kẻ xấu ư? Đã gọi đây là cõi Ta Bà thì chuyện gì mà không có. Có điều ông bà ta thường dạy “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Chỉ lo mình chưa tốt đừng lo cuộc đời không có người tốt.

Bản nguyện độ sanh còn thì lo gì vận nước, Đạo pháp, Tổ chức. Lương thực cất trong kho lâu lâu phải đem sàng sảy lại, loại bỏ phần mối mọt là lẽ đương nhiên. Đến đi, lên xuống, được mất vào ra, âu cũng là nhân duyên cả. Việc đáng làm đã làm dù bất kỳ trong cương vị nào nên xin hãy cứ vui mà tự tại thong dong.

Nhớ anh!

THỊ NGUYÊN

456 lượt xem