NHỮNG GÌ ĐỌNG LẠI SAU VỤ
“DI DỜI TƯỢNG PHẬT, NÚI BÀ RÁ TỈNH BÌNH PHƯỚC”?

Đây là sự vụ việc đã diễn ra từ ngày 29/9/2012, đến trung tuần tháng 4 năm 2013 này mới rộ lên bằng một videoclip mang tựa đề “Nguyễn Hữu Tư-Trưởng Ban Tôn Giáo Tỉnh Bình Phước Đập Phá TượngPhật”. Từ đây, nhiều giới tăng ni và Phật tử bày tỏ sự lo buồn sâu sắc, tuy âm ỉ nhưng cũng đã tạo nên nhiều nguồn dư luận khác nhau, tựu trung vẫn không có lợi cho người trong lẫn ngoài cuộc. Phài chăng vì thế mà một vài cơ quan truyển thông PG e ngại chọn giài pháp “an toàn” cho mình?

Nhưng những nguồn dư luận ấy đã tạm lắng xuống và cảm thấy có phần nhẹ nhỏm với sự quan tâm của trung ương Giáo Hội và phản hồi từ phía chính quyền tỉnh Bình Phước. Một số trang mạng thông tin Phật giáo cũng vội vã nhanh chóng đăng tin cải chính thực hư về sự thật vụ đập phá này (có trang ban ngay từ đầu ngại, không dám tham gia vì sợ …hố). Trong một chuỗi động thái lẹ làng này chỉ có duy nhất bài của PV Như Danh báo Giacngo.online là đáng quan tâm nhất. Ngắn gọn nhưng nêu bật được hai vấn để trọng yếu từ người chỉ huy việc di dời (ông Nguyễn Hữu Tư) và người cầm trịch Phật giáo tỉnh Bình Phước (HT Thích Nhuận Thanh). Cũng từ bài báo người đọc sẽ nhìn nhận sự việc ở góc độ khách quan nhưng cũng nhanh chóng có kết luận ngay trong tư duy người đọc. Cho đến tận thời điểm này khi đọc lại vẫn y nguyên cảm xúc ấy. Đó là cái hay của một bài báo. (Xin được nói thêm người viết vốn xưa nay ít khi có điều kiện tiếp cận báo Giacngo, kể cả báo mạng, nên đây là sự quan tâm duy nhất và có sức nặng nhất). Một giài pháp an toàn nhưng khôn ngoan của một trang báo PG mà tăng ni Phật tử hiện đang rất cần có được để bổ sung cho công hạnh hoằng pháp trong thời bùng nổ công nghệ thông tin này.

Như vậy, thực hư – sự thật vụ đập phá đã có kết luận rõ ràng từ Phật giáo và chính quyền địa phương. Qua đó, hầu hết dư luận đều không thắc mắc về tính pháp lý của việc làm di dời này mà chỉ tập trung vào một ý, đó việc đập phá là có thật như công văn số 256/UBND-NC ngày 22/01/2013 của Chính quyền tỉnh Bình Phước có xác nhận “ông Nguyễn Hữu Tư đã có đập phá một số tượng” và chính lời ông Nguyễn Hữu Tư trả lời PV Như Danh báo Giacngo.onile “Tuy nhiên, do các tượng Phật nhỏ ở phía trong hang, có khoảng 6 đến 7 tượng đục là bị nứt vì đế tượng được đắp bê tông dày quá, với lại các tượng làm bằng sành sứ, đoàn đã đập phá luôn. Ngoài ra còn có một tượng làm bằng đá Non Nước nhưng không di dời được (đúng là khi xem đoạn clip, ông có ra lệnh người khác mang khối đá to bổ vào kim thân tượng đá Non Nước này đến hai lần nhưng không bể) …Sau khi phá những tượng bằng sứ trong hang thì đoàn ra về…” dù trước và sau phát biểu đó ông Nguyễn Hữu Tư đã nhắc lại đôi lần câu “Mục đích của đoàn là di dời các tượng Phật đem về thờ cúng tập trung…” nhưng có lẽ dư luận tạm bằng lòng về kết luận này mà không cảm thấy an lòng vì con đường Phật giáo đi còn trải dài phía trước, chưa từng được một phút nghỉ ngơi cùng dân tộc.

Thử nghĩ đi, một nơi như núi Bà Rá được Nhà Nước liệt kê vào hạng mục di tích lịch sử cấp quốc gia với nhiểu hạng mục quan trọng nhằm tôn cao vị thề và giữ gìn ý nghĩa, mà để việc thờ cúng, đặt tượng tràn lan, mất kiểm soát như vậy để phài nhọc công thành lập đoàn di dời, đập phá; và ngay như –cũng theo lời ông Nguyễn Hữu Tư là khi đoàn ra về thì tượng Phật bà Quan Âm vẫn còn nguyên (có nghĩa là bị kẻ xấu đập phá để quay clip kích động), và để kẻ xấu nào đấy tổ chức quay video ngay lúc đang đập phá và sau khi đập phá.vv… như vậy, thì phài chăng công tác an ninh, sự quản lý của chính quyền các cấp của tỉnh Bình Phước quá yếu kém và lõng lẻo? nhưng khi sự việc đến như thế này rồi thì lại đổ tội cho kẻ xấu quay video đó!

Dù vậy, tất cả những chuyện đó là trách nhiệm điều tra, làm rõ của chính quyền sở tại sau này. Còn hiện tại, chúng ta thấy gì sau vụ việc không mấy tốt đẹp này?

Xin trả lời ngay: Đó là, dù đúng hay sai, kết quả còn lại vẫn chỉ là hình ảnh Phật giáo với sự tổn thương khá lớn, một vết chàm sẽ khó phai mờ trong hành trạng PG đồng hành cùng dân tộc.

Vấn đề này, trong năm vừa qua, người viết có nêu ra trong dịp kỷ niệm 30 thành lập GHPGVN (Bài viết có tựa đề “NHỮNG LO TOAN BA MƯƠI NĂM TRƯỚC, ĐỂ NGÀY SAU VỮNG BƯỚC TRƯỞNG THÀNH”), có đoạn như sau: "…c) Ở một góc dộ khác, tư thế pháp lý độc lập ấy không đuợc vận dụng linh hoạt, hay nói thẳng ra là hoàn toàn không có tác dụng. Đó là những cơ sở thờ tự, vì lý do này hay lý do khác, ngay như bị cho là xây dựng bất hợp pháp đi chăng nữa, nhưng những hình ảnh cưỡng chế, đập phá chùa vá các tượng Phật trước sự bàng quang, thờ ơ của lãnh đạo Phật giáo địa phương, dưới mắt quần chúng Phật tử vẫn là một hình ảnh xúc phạm, đau lòng. Từ đây sẽ không tránh khỏi cái nhìn thiếu thiện cảm và bên trong nhãn quan đó sẽ là một GHPGVN bị động. Nói một cách khác, chùa chiền, tượng Phật bị đập phá, gây tổn thương cho tăng ni Phật tử, để bảo vệ toàn vẹn tính pháp lý thế tục và pháp lý GHPGVN chăng? Không nên để chuyện này tiếp tục xảy ra, đó là sự lãnh đạo khôn ngoan…”

Trong trường hợp này, đọc Báo Cáo khá dài của BTS Phật giáo tỉnh Bình Phước số 214/BC-BTS ngày 22/4/2013 gời TW Giáo Hội, ở mục 5 chi cụm từ. Quan điểm của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh. Thực chất đó chính là quan điểm của chính quyền tỉnh, Ban trị sự chỉ lập lại mà thôi. Nếu như Ban trị sự Tỉnh có quan điểm thì sẽ không có tình trạng tụ do thờ cúng tràn lan, vô kiểm soát như vậy ở núi Bà Rá; cũng như không xảy ra sự việc làm nhọc công ông Nguyễn Hữu Tư lên tận nơi chỉ đạo đập phá và di dời, gây hệ lụy đau lòng như bây giờ..

Củng vậy, với những phát ngôn bất cập của HT Thích Nhuận Thanh cũng làm tăng thêm sự lo ngại, khi thì nói không hay không biết lúc thì nói khi di dời đập phá tôi có đi theo nhưng đi qua các hang thì tôi không có đi theo. Với ông Nguyễn Hữu Tư, Hòa Thượng cũng có nhận định “Khi ông Tư làm những hành động đó Phật tử phản ảnh là chính xác”. Khi ký vào Báo cáo gởi TW GHPGVN thì HT lại ca ngợi ông Nguyễn Hữu Tư "Đối với cá nhân ông Nguyễn Hữu Tư-Phó giám đốc Sở Nội Vụ, trưởng ban Tôn Giáo:Ông Nguyễn Hữu Tư là người rất am hiểu về quan điểm chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà Nuớc về tín ngưỡng tôn giáo…. Do đó, việc di dời am, miếu, tượng xây dựng trái pháp luật quanh núi Bà Rá của ông Nguyễn Hữu Tư là đúng…” (giacngo.onile).

Nếu đúng với nhận định của HT Thích Nhuận Thanh như trên thì ông Nguyễn Hữu Tư cũng nên nhận lỗi thiếu sót trong công tác di dời, gây hậu quả trong dư luận không tốt, không nên đánh bùn sang ao, đỗ lỗi cho kẻ xấu. Tạo lập lại lòng tin của chính quyền và nhân dân dành cho trong công tác nhạy cảm này của ông, giúp ông thận trọng hơn trong các công tác tương tự sau này.

Một vấn đề lo lắng nữa tưởng cũng cần nói ra, ấy là trong công văn của Ủy ban Nhân Dân tỉnh Bình Phước đã nêu trên, có nói đến một đối tượng thành viên trong công việc di dời, đập phá ấy là “Ban Hướng Dẫn Phật Tử Tỉnh, lực lượng huynh trưởng, đoàn sinh” đó có phài là tổ chức Gia Đình Phật Tử hay không, và thật sự tổ chức này có tham gia vào không? Theo tôi chắc chắn là không. Đây là tổ chức có truyền thống sinh hoạt và tồn tại hơn 60 năm qua, có kỷ cuơng, có luật định chặt chẽ, luôn giữ gìn truyển thống tốt đẹp của mình, không bao giờ tham gia vào các hoạt động mang tính nhạy cảm như thế và đập phá tuợng Phật cho dù với bất kỳ lý do nào với GĐPT cũng là một tội lớn. Hơn thế nữa GĐPT không phải là một đội ngũ lính đánh thuê, không dễ dàng theo lệnh người khác. Mong rằng suy nghĩ của người viết không sai vì niềm tin ấy đối với tổ chức này vẫn còn ngự trị nguyên vẹn trong trái tim mình và hàng triệu huynh trưởng đoàn sinh cả nước. Vậy thì xin đừng xúc phạm đến danh dự của GĐPT với những anh chị em có cả một cuộc đời hết lòng vì đản em thân yêu dưới mái chùa dân tộc chỉ để phụng sự chánh pháp và để trở thành một người Phật tử chơn chánh, một người công dân tốt.

                                        Mong thay!

DƯƠNG NHƯ TÂM

633 lượt xem