Thật tình âu cũng là duyên! Tôi đang ngồi sắp chương trình cho thành show diễn thì anh Tiểu huynh trưởng phone từ  Cam Ranh vào, báo GĐPT Thanh Sơn muốn tham gia một tiết mục múa Lời Ru Âu Lạc trong vòng 5 phút. Còn gì bằng! Tôi vui mà GĐ Thanh Sơn cũng mừng cứ tưởng tượng ra một ông Trưởng ban tổ chức “dễ tính” mới hỏi đã chấp nhận liền. Thậm chí đến Tiểu huynh trưởng xin tham gia ca khúc Em là vì sao sáng tưởng niệm Quách Thị Trang thì tôi cũng dễ dàng đồng ý ngay.Té ra giọng ca anh cũng nghiêm chỉnh trầm ấm không thua gì Sĩ Phú, Duy Trác có điều chắc không thường ca hát nên hơi bị “rè” thôi.
Anh Nguyễn Phúc Quang với bài Em là vì sao sáng

Có điều tôi phải “trách” anh Quang lại sau khi hỏi anh sinh năm mấy, anh thành thiệt trả lời năm 1954! Vậy là anh thua chị Trang đến 6 tuổi vậy mà dám kêu chị bằng Em! Anh đổ thừa tại nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết nhạc như vậy thì phải ca như vậy! Tuy nhiên, truyện Kiều cũng có câu: “Thác là thể phách còn là tinh anh” nên chị Trang vẫn cứ trẻ mà chúng ta đầu bạc tới nơi rồi.

Thương các em Quảng Tú, Diệu Hoàng, Hữu Quỳnh…tuy không có trách nhiệm gì trong hội thi nhưng cũng tự nguyện tháp tùng theo chúng tôi để phụ đỡ mọi chuyện nhọc nhằn. Các em đã từng với tôi vượt qua 2 biên giới Cambodia và Thailand mang vác hành lý  đến Bangkok để yểm trợ đại hội Thế giới, hôm nay các em đến đây với lòng nhiệt thành áo lam quý mến (cũng ngầm hiểu là ủng hộ cho riêng tôi), Lưu Ly ở trong Ban tổ chức thì khỏi nói, tất cả đồng xuất hiện trong bản họp ca Quy Kính Phật Đà, thêm “nữ sĩ” Hoàng Khánh Linh có mặt đã làm cho sân khấu càng sáng lên.

Lời ru Âu Lạc quả là một hiện tượng mới về nguồn cội quê hương trên sân khấu Cam Ranh. Dưới ánh đèn sân khấu các em GĐPT Thanh Sơn đã hóa thân thành mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân hơn 4000 ngàn năm trước với những y trang hiện đại lấp lánh rạng ngời.

Khánh Phương thướt tha trong áo dài lam diễn tả ca khúc Sen Nở Chân Không tưởng niệm chị Không Liên Hoàng Thị Thảo, một người chị hiền hòa độ lượng tiếp nối vị trí của chị Hoàng T Kim Cúc cho đến năm 1994 chị từ trần trên đường Phật sự tại Huế. Khánh Phương đã giúp tôi thả một gánh nặng trên vai xuống Cam Ranh khi hát bài này trong mắt lệ, viết từ năm 1994 mà đến hôm nay mới hát được nên lời.

Bây giờ xin nói về các thí sinh, Nguyễn Phạm Kiên Thệ số 34 từ Gia Định giọng ca mô phạm chuẩn mực nhã chữ luyến hơi đầy đủ trong các âm vực trầm bổng; qua các giai điệu thay đổi, xứng đáng làm một ca sĩ chuyên nghiệp khi đã chọn độ khó của bài Đạo Ca Tịch Diệt của Nguyễn Hiệp, tổng điểm là 28.

Thí sinh số 31 Dương T Bích Loan đến từ Khánh Hòa đã chọn going nhạc Pop với bài Mẹ! Con trở về của Mạnh Quân với tổng 27,5 điểm. Loan có giọng nữ cao (soprano) phong phú của nhạc viện. Cao đến nổi bên kỹ thuật không kịp hạ tiếng treble khi em vượt các quãng âm bát độ. Tôi nói, bởi giàn âm thanh này chì có 3 triệu rưỡi nên không chở nổi âm thanh em; Ngọc Hải còn bồi thêm “Em về Gia Định hát thì có giàn âm thanh thuê đến 14 triệu”!!!

Nguyễn Hoàng Phượng Vỹ số 04 từ Bình Định thanh thoát với bài Lạy Phật con trở về của Như Vinh. Bài này có độ khó nhất định về quãng âm ton majeur (trưởng) âm hưởng của thể loại nhạc tiền chiến (thì anh Như Vinh vốn là nhạc sĩ tiền chiến còn sót lại mà!) số điểm 27 chưa nói được gì khi Phượng Vỹ đã có đầy đủ tố chất để làm một ca sĩ chuyên nghiệp.

Hồng Hạnh số 26 đến từ Gia Định vững bước tự tin trên sân khấu với bài ca tưởng niệm chị Hoàng Cúc Thanh Khiết hương. Em không điêu luyện như ca sĩ, không trau chuốt ca từ  điệu nghệ như nghệ sĩ, nhưng tâm tư, ánh mắt ngời niềm tin và tình thương nhìn vào khoảng không gian bao la khi nói về chị Cúc, bài ca lại gần gũi với những người áo lam chúng ta, tổng điểm 26 là thể hiện được tâm tư qua bài hát ấy.

Thí sinh số 36 Hồ Khánh Vân đến từ Đà Nẵng với giọng ca và thể hiện rất trữ tình, nhịp nhàng qua bài Con xin sám hối của Vũ Ngọc Toản. Đây cũng là một giọng ca chuyên nghiệp đây! Nhưng dường như bài sám hối này rất rộn rã mà  Ngọc Hải nói: “Giới trẻ bây giờ có cách sám hối riêng của họ”; thầy phát biểu rằng: “Chỉ nghe em hát rất hay không để ý em hát gì!” Tổng điểm là 26.

Phụ diễn chương trình Lưu Ly đã “rền rĩ” gọi tên anh Lương Hoàng Chuẩn, tưởng niệm một người anh đã vì đạo pháp mà từ bỏ nhà cửa công việc bị trục xuất ra khỏi Đà Nẵng trong mùa pháp nạn 1966. Cứ mỗi khi anh chị em cất lên bài hát tưởng niệm là MC đã thay phiên nhau để nói về công hạnh của quý anh chị áo lam khuất bóng làm cho không khí lắng đọng và chìm sâu, chìm sâu vào tâm khảm những người áo lam nguyện trọn đời giữ Đạo.

Đức Quảng

514 lượt xem