Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực v�t, ngoài trời và thiên nhiên

NIỆM ÂN PHẬT ĐẢN

Hạ về, từng vạt nắng vàng óng ả tỏa sắc, rực rỡ cả đất trời bao la, làm cho muôn chim cũng phấn khởi líu lo hát vang trên bầu trời xanh ngát và ngàn hoa cũng rộ nở khoe hương khoe sắc, gió thoảng nhẹ lay, làm cho hoa kia múa lên những vũ điệu huy hoàng

Nắng Hạ tháng tư, từng đóa sen xòe cánh tỏa hương thanh khiết, rực rỡ đón chào. Hòa cùng niềm hân hoan của cả muộn loài. Hạ về, ngày Rằm Tháng Tư trọng đại, dấu ấn ngày Đức Thế Tôn xuất thế, Thái tử Tất Đạ Đa ra đời

Ngày Phật Đản, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại, nhờ sự ra đời của Đức Phật, mà hôm nay, nhân loại được thừa hưởng một gia tài tri thức to lớn. Sự vĩ đại của Đức Phật đã làm cho cả thế giới kính ngưỡng tin yêu, tôn vinh, đảnh lễ tán thán quy y

Ngày Phật Đản, những người con Phật trên khắp năm châu, hướng lòng niệm ân tưởng nhớ, ngợi ca uy đức kỳ vĩ của Đức Bổn Sư, chiêm nghiệm thực tập hành trì Tám Con Đường Chân Chánh – Tam Vô Lậu Học mà Ngài đã gian khó nỗ lực đi qua, đạt đến vô thượng chánh đẳng chánh giác

Phật Đản: Ngày sinh thái tử Tất Đạt Đa (chứng đạo thành Phật, hiệu: Thích Ca Mâu Ni), tại vườn Lâm Tỳ Ni, ngày Rằm tháng Tư năm 624 TCN

Bát Chánh Đạo: Còn gọi Bát Thánh Đạo. Tám con đường giải thoát khổ não, là giáo lý căn bản Đạo Đế (trong Tứ Diệu Đế), là con đường chân chánh duy nhất giải thoát lậu hoặc

1. Chánh Kiến: Cái nhìn, cái thấy đúng đắn – sự thật – chân lý, mọi sự mọi vật đều từ duyên sinh. Người có chính kiến, kiến giải thật tướng, không mơ hồ trước những triết thuyết mù mờ ngẫu tượng viễn kiến, siêu nhiên thần quyền ngoại giới. mà phải tỉnh thức thể nhập bản thể giác ngộ, vượt qua ngã chấp – pháp chấp, hiển bày trí tuệ bát nhã toàn triệt

2. Chánh Tư Duy: Suy tư đúng đắn, hướng đến lợi ích dân sinh, tương quan xã hội. Với tâm từ vị tha, nỗi đau khổ của mỗi người, là nỗi đau đớn của chính mình

3. Chánh Ngữ: Nói đúng sự thật, “Hiển bày chân lý ngay bây giờ và tại đây”. Lời nói có giá trị xác quyết thực tại, giải thoát nỗi khổ – niềm đau cho người. Luôn luôn thực hiện ái ngữ, giúp cho mọi người vươn lên trong cuộc sống

4. Chánh Nghiệp: Cái thấy, cái biết, lời nói, việc làm chân chánh, nhận chân được giá trị cuộc sống thực tại. Trân quý tha nhân, đây là những đồng sự, đồng hành phụng sự thành toàn sự nghiệp cao cả – lợi lạc quần sinh

5. Chánh mạng: Có đời sống nhân bản chân chánh. Không vụ lợi cá nhân, vị kỷ giai cấp – phe nhóm, đè bẹp lên đời sống nhân chủ, không bình đẳng

6. Chánh Tinh Tấn: Trí tuệ quyết trạch, ý chí tỉnh giác, nỗ lực quyết tâm đoạn diệt tập khí – lậu hoặc

“Các pháp bất thiện từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, các pháp bất thiện đã sanh phải được trừ diệt. Các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, Tinh tấn trì chí quyết tâm khiến cho các thiện pháp đã được sanh, duy trì phát triển”

7. Chánh Niệm: Ý thức nhất tâm tỉnh giác, biết rỏ hiện tượng đang hiện diện và tại đây, quán chiếu trong từng mỗi sát na sinh diệt, để chế ngự tham ái

8. Chánh Định: Trú tâm an định, phá vỡ vỏ ngoài giả tạo, ngủ vùi trên gối mộng tự ngã hư vô. Tỉnh thức – nhận chân được vô thường – vô ngã

Tứ Diệu Đế, thời pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng tại Vườn Nai, giác ngộ năm anh em ông Kiều Trần Như. Bát Chánh Đạo là giáo lý căn bản, là bước đi hành giả bước vào Đạo Đế. Thực tập Bát Chánh Đạo hành giả bước vào Thánh Đế, nhận chân thật tướng, bản thể thanh tịnh, tiến tu thành toàn Giới – Định – Huệ

“Đấy là giới, đây là định, đây là tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn…” – Kinh Đại Bát Niết Bàn –

1. Giới: “Phòng phi – chỉ ác”, đề phòng sai trái, ngăn ngừa – dừng lại điều ác. Tỉnh giác, tinh tấn chế ngự ba nghiệp xấu ác, tăng trưởng thiện lành, thanh sạch – khinh an thân tâm

“Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra, giới như thầy thuốc giỏi, chữa được các loại bệnh, giới như ngọc minh châu, phá tan mọi tối tăm, giới như thuyền bè, vượt qua biển khổ. Giới như chồi ngọc, trang nghiêm pháp thân v.v…” – Khóa Hư Lục –

Giới gồm có:

• Nhiếp luật nghi giới, thực hành những giới điều đã thọ
• Nhiếp thiện pháp giới, chuyên tâm thực hành, toàn thiện giới pháp
• Nhiêu ích hữu tình giới, vì mục đích nhiêu ích – lợi lạc, thiện hóa đời sống tha nhân

2. Định: Trạng thái tập trung – nhất tâm quán tưởng – niệm sâu, lắng đọng vọng thức, vượt qua dòng bộc lưu – liễu thoát câu hữu, chiếu kiến ngũ uẩn giai không

3. Tuệ: “Bát nhã”, quyết nghi – đoạn diệt phiền não – thông đạt chân đế. Qua công phu lắng nghe học hỏi, tham khảo suy tư, hành trì tu tập (Văn – Tư – Tu) hình thành nên Tuệ

Trí có năng lực thấu suốt tục đế, thấu rõ không tướng – thông đạt chân đế gọi là Tuệ. Trí có tác dụng lên Tuệ, Tuệ bao hàm cả Trí. Trí và Tuệ tương thông, hình thành Trí Tuệ

Trí Tuệ vô lậu, nhận thức các pháp hiện hữu do duyên khởi, do nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà diệt. Bản chất của các pháp là vô thường – vô ngã

Giới – Định – Tuệ, ba môn học nằm trong hệ thống giáo dục Phật Giáo, ba môn vô lậu học thù thắng. Khởi hành thực tập Giới – Định – Tuệ vô lậu, là chìa khóa mở cửa hạnh phúc. Thực tập Giới – Định – Tuệ vô lậu, hành giả không rơi vào ba cõi, tự tại vượt ra phiền não

Thực tâp Bát Chánh Đạo, là tu Thân – Khẩu – Ý. Muốn chuyển hóa tam nghiệp, phải thực hành Tam Vô Lậu Học. Thực hành Bát Chánh Đạo – tu tập Tam học vô lậu, hoàn thiện nhân cách Phật Đà, bước vào biển giác ngộ, giải thoát hoàn toàn

Thái tử Tất Đạt Đa, con người lịch sử, sau sáu năm khổ hạnh, bốn mươi chín ngày đêm ròng rả hành thiền, giác ngộ thực tiễn, liễu ngộ chân đế giải thoát, chứng đạo thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni

Sự thành công nào cũng biểu thị lòng kiên trì quyết tâm, nỗ lực tinh tấn không nãn mõi, mới thành toàn đạo nghiệp bền lâu chắc chắn

“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy nương tựa vào chính mình, đừng nương tựa vào ai khác”

                                     Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM

901 lượt xem