Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ăn và món ăn

NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT (Phần I)

HT Thích Thái Hòa giảng

tại Thiền Viện Chân Không 4,

Luân Đôn vào chiều ngày 14-7-2017

(Các Phật tự tại London kính ghi tả)

Nam mô Phật đà da

Nam mô Đạt ma da

Nam mô Tăng già da

Thưa đại chúng, trước khi nghe pháp thoại, xin đại chúng ngồi ngay thẳng, thân và tâm có mặt trong nhau để chúng ta thiền tập, khiến cho ba nghiệp của tất cả chúng ta giờ này thanh tịnh. Nhờ ba nghiệp thanh tịnh mà đưa tới sự chuyển hóa những chủng tử tâm hành không lành mạnh thành những chủng tử tốt đẹp.

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”,

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra với thân nghiệp thanh tịnh, tôi biết tôi đang thở vào và đang thở ra với thân nghiệp thanh tịnh.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra với ngữ nghiệp thanh tịnh, tôi biết tôi đang thở vào và đang thở ra với ngữ nghiệp thanh tịnh.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra với ý nghiệp thanh tịnh, tôi biết tôi đang thở vào và đang thở ra với ý nghiệp thanh tịnh.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ thân thể này không phải đơn thuần là của tôi, mà nó liên hệ với mọi người và mọi loài ở trong mọi không gian.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, thân thể này không những chỉ có riêng trong hiện tại mà còn liên hệ cả trong quá khứ và tương lai.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, những gì của tôi trong quá khứ đang có mặt với tôi hôm nay trong giờ phút này. Và những gì tương lai của tôi cũng bắt đầu có mặt với tôi trong giờ phút này.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, bóng đêm và ánh sáng, khổ đau và hạnh phúc, tất cả đều đang có mặt ở trong tâm tôi.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Thở vào và thở ra, tôi ý thức rất rõ, thiền là phương pháp làm cho tâm tĩnh lặng, giúp tôi thấy rõ tôi hơn trong mọi hành xử của cuộc sống.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

Khi nghe tôi thỉnh tiếng chuông, xin đại chúng khởi tâm buông xả, thiền tập.

Boong (tiếng chuông Chùa)….

Xin đại chúng chuyển động thân thể, xoa hai tay và làm các động tác như đã thường làm.

Khi nghe tiếng chuông, xin đại chúng ngồi ngay thẳng để nghe pháp thoại.

Boong (tiếng chuông Chùa)…

oOo

Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 14 tháng 7 năm 2017. Tôi lại gặp quý vị lần thứ hai tại Thiền viện Chân Không 4, thủ đô Luân Đôn. Với sự gặp gỡ này, tôi xin chia sẻ pháp thoại với đề tài “Nếp sống của người đệ tử Phật chúng ta”.

Thưa đại chúng, sở dĩ chúng ta được gọi là đệ tử Phật là vì chúng ta xác nhận đức Phật là Thầy của chúng ta. Chúng ta nương tựa vào Ngài mà học pháp, hiểu pháp, chứng nghiệm pháp. Vì chúng ta xác nhận đức Phật là Thầy chúng ta nên chúng ta nương tựa vào Tăng. Tăng là đoàn thể xuất gia gồm bốn vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni trở lên, sống hòa hợp với nhau trong thanh tịnh, để cùng đồng hành với chúng ta đi về nơi giải thoát, nơi giác ngộ. Do đó, chúng ta được gọi là đệ tử của đức Phật.

Đã là đệ tử của đức Phật, chúng ta cũng biến lời dạy của Ngài trở thành đời sống của chúng ta. Chúng ta phải biến lời dạy của Ngài trở thành nếp sống của chúng ta. Muốn vậy, người đệ tử Phật chúng ta phải thực tập những phương pháp sau đây:

Thứ nhất, định hướng trước khi đi. Là đệ tử Phật, chúng ta phải có định hướng trước khi đi. Đi đâu, chúng ta phải có định hướng. Trong đời sống, nếu có định hướng thì hành động của chúng ta sẽ không bị lạc lối. Nếu chúng ta sống mà không có định hướng thì sống sẽ bị lạc lối, lầm đường.

Người đệ tử Phật đi hướng nào? Chúng ta phải đi theo hướng của đức Phật. Đức Phật đã dạy chúng ta. Và sự chỉ dạy của đức Phật đối với chúng ta không phải là lý thuyết, mà chính là Ngài đã thực nghiệm và đã chứng nghiệm trước khi ngài dạy cho chúng ta.

Như Lai là gì? Như Lai là những gì Ngài nói thì Ngài đã làm. Và những gì Ngài đã làm thì Ngài mới nói. Nói và làm đúng với nhau, cho nên gọi là Như Lai. Những gì Như Lai nói thì Như Lai làm. Những gì Như Lai đã làm thì Như Lai mới nói. Nói và làm nhất như với nhau thì gọi là Như Lai, gọi là Phật, gọi là Thế Tôn.

Như vậy, định hướng của người đệ tử Phật là chúng ta phải nói theo cách nói của Như Lai, phải làm theo cách làm của Như Lai, để tạo ra hạnh hoa trái của Như Lai ngay trong đời sống này. Vì vậy sự chân thật, sống với chân thật, nói với chân thật, chết cho chân thật, đó là cái hướng của người đệ tử Phật. Và chúng ta phải thật tâm với sự chân thật đó trong đời sống chúng ta mỗi ngày.

Thưa đại chúng, ở nơi thủ đô Luân Đôn này, đi đâu mà không định hướng thì khó đạt tới đích mình muốn đến. Hai ngày chúng tôi đi thăm thủ đô Luân Đôn này, có anh Tâm Đạt, anh Thiện Hạnh (anh Mười) đưa chúng tôi đi, nhưng muốn đi đến đâu phải có định hướng, biết điểm đến đó là hướng nào, rồi phương tiện nào để đến đó và trên đường đi đến đó có bao nhiêu trạm xe điện, xe lửa, bao nhiêu đoạn đường đi bộ. Đi bộ phải đi như thế nào, lên xe điện ngầm phải đi như thế nào, phải ngồi ở toa nào, rồi xuống ở cửa nào.

Nếu mình không định hướng mà đi, thì sẽ đi lạc đường, đi mấy cũng không đến được chỗ muốn đến trong thủ đô Luân Đôn này. Và khi về mình cũng không biết đường nào để trở về lại nhà, nếu mình không nhớ địa chỉ nhà mình ở hướng nào.

Quý vị biết rằng, người đi không có định hướng, mất phương hướng trong cuộc sống, tâm trạng của họ rất lo lắng, rất sợ hãi. Cảm giác khi nào cũng cảm thấy bồn chồn khó chịu. Có khi nào quý vị đi mà bị mất phương hướng chưa? Đi trong thành phố Luân Đôn này mà mất phương hướng là mình bị lạc lõng giữa thế giới con người. Huống hồ trong cuộc sống mà chúng ta không có định hướng. Làm người mà không có định hướng, thì chúng ta làm người để làm gì? Trước khi đến đây, chúng ta là gì? Sau khi kết thúc cuộc đời này, chúng ta là gì? Đi về đâu? Vì vậy, người đệ tử Phật phải có định hướng, mà định hướng của chúng ta là Phật. Phật là chỗ định hướng cho hàng đệ tử Phật nương tựa, quay về, nhìn hướng đó mà đi. Và mỗi buổi sáng mai thức dậy, người đệ tử Phật phải làm gì trong định hướng đó? 

(Còn tiếp theo…)

 

839 lượt xem