TIỂU SỬ
CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN
NGUYÊN Y – LƯƠNG HOÀNG CHUẨN
(1920 – 1976)
Q. Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Nguyên Đệ Nhất Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Thủ Đô – Đại Diện Miền Quảng Đức.
Nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Nẵng.
——— oOo ———
Anh Lương Hoàng Chuẩn, Pháp danh Nguyên Y, sinh ngày 14 tháng 1 năm Kỷ Mùi (1920), tại làng Phước Tích, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình có truyền thống Phật Giáo. Anh có tất cả 10 anh chị em ruột. Anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hường, chị đã hết lòng hỗ trợ cho anh trong mọi lãnh vực hoạt động.
Anh chị sinh 4 người con, 1 nam, 3 nữ. Con gái anh – chị Lương Thị Khiêm Cần – về sau tiếp tục hoạt động trong Gia Đình Phật Tử Từ Nghiêm, Sài Gòn rồi xuất gia với Pháp hiệu Thích Nữ Huệ Ngạn. Anh quy y từ khi còn niên thiếu nhưng chỉ sinh hoạt trong hệ thống Giáo Hội, khởi đầu từ Khuôn Giáo Hội Phú Hòa, thành phố Huế.
Gần gũi với Chư Tôn giáo phẩm, tâm đắc việc sáng lập các tổ chức giáo dục trẻ của Cố Đại Lão Hòa Thượng Giác Tiên và Cư Sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám như Đoàn Đồng Ấu Phật Tử, Gia Đình Phật Hóa Phổ, Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, Hướng Đạo Phật Tử. Sự tái sinh hoạt của các tổ chức này với mô hình tổng hợp thống nhất dưới danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ – mở rộng cửa cho tất cả giới trẻ không phân biệt thành phần, cũng như những điều kiện trói buộc khắt khe đã đưa tổ chức này nhanh chóng phát triển và tiến đến Đại Hội thống nhất, là tiền đề để đi đến thống nhất các tập đoàn Phật Giáo trên 3 miền đất nước Nam-Trung-Bắc về sau này – đã là chất men cuốn hút anh nhập cuộc với tổ chức vào năm 1951. Năm 1952, anh là Đoàn Trưởng Oanh Vũ sinh hoạt tại Gia Đình Phật Tử Phú Hòa, Thừa Thiên – Huế, kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên và là Ủy Viên Oanh Vũ Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Phần.
Anh là một Huynh Trưởng có đạo tâm khả kính, tận tụy phục vụ Gia Đình Phật Tử. Hội Phật Học đặc cách xếp cấp Tấn theo quyết nghị số 84/HDTH ngày 10.3.1956, được Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học (HT. Trí Quang) ký duyệt y số 655 HC/TTS ngày 13.3.1956 (cấp Tấn trong quyết nghị này còn có Anh Nguyên Tín – Nguyễn Châu, nay là Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam).
Năm 1957, anh đưa gia đình vào Đà Nẵng và làm việc trong ngành kế toán Cục Công Binh. Ở đây anh làm Cố Vấn cho Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Nẵng. Với khả năng và nhiệt tình say mê Phật sự, phục vụ tổ chức của anh, anh đã được Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Đà Nẵng công cử liên tiếp 4 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Nẵng (1957-1958, 1959-1960, 1961-1962, 1963-1964).
Năm 1960, Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc tại Nha Trang, anh đã được đề cử giữ chức vụ Ủy Viên Oanh Vũ Nam Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN.
Trong mùa Pháp Nạn 1963, do tích cực tham gia cuộc vận động đòi hỏi bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội của Phật Giáo, anh đã bị bắt và bị cầm tù. Cho đến ngày 1.11.1963, cuộc cách mạng của quân và dân chấm dứt chế độ Ngô Đình Diệm, anh được trả tự do vào đầu năm 1964.
Năm 1966, Phật Giáo đứng về phía cộng đồng dân tộc đòi hỏi chính quyền thực thi chế độ dân cử pháp trị, nối tiếp truyền thống bất khuất của dân tộc, kêu gọi hòa bình, đem lại an lạc cho toàn dân. Anh đã tích cực tham gia phong trào này nên bị bắt và bị đày ra đảo Phú Quốc cùng với một số anh em GĐPT.
Năm 1967, anh được đưa về trại giam Quang Trung và được trả tự do nhưng lại mất nhiệm sở và bị trục xuất ra khỏi thành phố Đà Nẵng, nhà cửa bị nhà cầm quyền chiếm đoạt. Năm sau (1968), anh đưa gia đình vào Sài Gòn và làm việc với Ban Hướng Dẫn Trung Ương trong chức vụ Phó Trưởng Ban phụ trách ngành Nam.
Ngày 30.6.1968, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Thủ Đô (Sài Gòn), anh đắc cử Trưởng Ban – là đệ nhất Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Thủ Đô thời bấy giờ – kiêm nhiệm Đại Diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại Miền Quảng Đức theo Nội Quy.
Năm 1969, anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN Võ Đình Cường bị bắt. Anh được công cử vào chức vụ Quyền Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, Quyền Vụ Trưởng GĐPT Vụ trong Tổng Vụ Thanh Niên. Kế đến, anh được Viện Hóa Đạo mời giữ chức vụ Phụ Tá Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên.
Với phẩm chất đạo đức khiêm ái và khả năng lãnh đạo năng nổ, nhạy bén, tích cực trên mọi lĩnh vực Phật sự, anh được Hội Đồng Xếp Cấp Ban Hướng Dẫn Trung Ương duyệt thuận và đệ trình Viện Hóa Đạo chuẩn y xếp anh vào hàng Huynh Trưởng cấp Dũng (Quyết định 082/HDTƯ/QĐ ngày 1.1.1970 thâm niên tính từ 1.1.1964).
Năm 1975, đất nước thống nhất trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới, cơ cấu nhân sự của tổ chức và Vụ, Viện bị đảo lộn. Riêng anh, cho đến cuối đời vẫn âm thầm miệt mài phục vụ tổ chức, thực hiện lý tưởng GĐPTVN trong khả năng hữu hạn của mình. Anh được Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên lúc đó là thầy Trí Quảng mời làm Phụ Tá Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên. Trong thời gian này hàng tuần anh đều đến thăm viếng các đơn vị GĐPT của Ban Hướng Dẫn Thủ Đô cũng như Ban Hướng Dẫn Gia Định. Đặc biệt anh thường nhớ rất rõ và đến tụng kinh cầu siêu nhân ngày giỗ kỵ tứ thân phụ mẫu của các Huynh Trưởng. Ý tưởng thống nhất các GĐPT Sài Gòn thành một Gia Đình Phật Tử Quảng Đức năm 1976 tại Cô Nhi Viện Quách Thị Trang (hồ Kỳ Hòa ngày nay) là do sáng kiến của anh, là tiền đề cho sự tái sinh hoạt của Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Đức sau này.
Do tai biến mạch máu não, anh lìa trần vào lúc 14 giờ 15 phút ngày 25.10.1976, nhằm ngày 3 tháng 9 năm Bính Thìn tại tư gia, hưởng dương 57 tuổi. Nhục thân anh được an táng ở nghĩa trang Thông Tây Hội, Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, Sài Gòn. Tang lễ của anh được Ban Hướng Dẫn Trung Ương cáo phó trên tờ Tin Sáng và Trưởng Ban Võ Đình Cường ký thông tư hướng dẫn về tổ chức tang lễ cùng các nghi thức khác, GĐPT Quảng Đức – Saigon trực tiếp hộ tang. Đến 49 ngày, Tổng Vụ Thanh Niên tổ chức Chung Thất trai tuần tại Tổ Đình Ấn Quang (văn phòng tạm của Viện Hóa Đạo).
Tháng 3 năm 1993, chị và các con đã tổ chức lễ cải táng cho anh. Tro cốt được đưa về an vị tại Linh đường Quảng Hương Già Lam Tu Viện, đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, Tp. HCM.
Anh Chuẩn mất, nhưng cuộc đời anh là một tấm gương sáng chuẩn mực để Huynh Trưởng và Đoàn Sinh các cấp noi theo. Từ lúc chọn cho mình lý tưởng áo lam, anh đã sống hết mình dốc lòng thành toàn sứ mạng giáo dục trẻ, phục vụ Giáo Hội, Đạo Pháp và Dân Tộc, không tiếc tài sản và thân mạng đến hơi thở cuối cùng. Anh mất đi xác thân hình hài nhưng là để sống mãi trong tâm hồn những người con áo lam miệt mài với sự nghiệp giáo dục GĐPT. Và chúng tôi nghĩ mai đây tên anh sẽ oai nghi xuất hiện dưới kỳ hiệu Sen Trắng trong những ngày hội sinh hoạt truyền thống Dũng ngành Nam, hay Ngành Oanh Vũ Nam thân ái nhắc tên “Oanh Vũ Cồ” trên mọi miền đất nước với tâm nguyện “Hoàn độ như thị hằng sa chúng”. Anh đang ở cận kề bên chúng tôi trong sứ mạng thiêng liêng cao cả này.
3123 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…