NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI
Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới. Một kỷ nguyên của chánh kiến, thấy rõ thế gian là vô thường và những gì cấu tạo nên nó chỉ là do quan hệ duyên khởi và trống rỗng tự ngã.
Những nỗi khổ đau của con người ở trong thế gian không do một ai có thẩm quyền áp đặt, mà chính là do lòng tham dục, tính hận thù và sự kiêu căng nơi tâm họ tạo nên.
Tâm cũng vô thường như bất cứ những sự vô thường nào ở trong thế gian, nên những khổ đau của con người không phải là tuyệt lộ. Nó có thể thay đổi khi nhân và duyên của nó được thay đổi. Nhân và duyên làm thay đổi khổ đau của thế giới con người là Bát Thánh Đạo. Thực hành Bát Thánh Đạo, do Đức Phật công bố tại vườn Nai sau khi Ngài thành đạo, trong thời thuyết giảng đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Nai thì những khổ đau của thế giới con người sẽ bị diệt tận.
Nên ngày thành đạo của Thế Tôn đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên Trung Đạo của Chánh Kiến, Chánh Tư Duy,… từ bậc Giác Ngộ hoàn toàn. Và một niềm tin mới, một niềm tin mọi khổ đau của con người có thể diệt tận và hạnh phúc, an lạc của con người có thể có mặt ngay trong đời sống này.
Lại nữa, ngày thành đạo của Đức Thế Tôn lại mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên từ bỏ mọi huyền đàm, suy tưởng, và phải biết đối diện với cái thực tế trước mắt là khổ và diệt khổ, bằng con đường thực nghiệm, đoạn tận phiền não ở nội tâm, chứ không phải bằng con đường nô lệ thần linh qua việc tế tự, lễ nghi để cầu xin ban ân sủng hay tìm cầu chạy bươn theo hướng trục vật.
Lại nữa, ngày thành đạo của Đức Thế Tôn đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên của ý thức tự giác và tự nguyện. Tự giác và tự nguyện học đạo; tự giác và tự nguyện tầm đạo; tự giác và tự nguyện ứng dụng đạo; tự giác và tự nguyện chứng đạo; tự giác và tự nguyện hoằng đạo, để đem lại sự an bình và tốt đẹp cho cuộc đời.
Chính ý thức tự giác, tự nguyện ấy là khởi điểm cho mọi nền tảng hạnh phúc và văn minh của nhân loại. Con người không thể nào có hạnh phúc khi bị người khác sai sử. Nếu bị người khác sai sử làm vua, làm tổng thống, làm người xuất gia cho đến ngay cả bị sai sử làm hòa thượng đi nữa, vẫn bị khổ đau như thường. Nó khổ đau, vì những việc làm ấy không có gốc rễ từ ý thức tự nguyện và tự giác. Và xã hội loài người không thể nào có văn minh, tiến bộ, nếu trong những lãnh vực sinh hoạt của chúng, thiếu ý thức tự giác và tự nguyện này.
Vì vậy, ngày thành đạo của Đức Thế Tôn là ngày mở ra một kỷ nguyên mới về đời sống ý thức tự giác và tự nguyện để làm lực đẩy xã hội loài người đi lên.
Và ngày thành đạo của Đức Thế Tôn là ngày không những mở đầu cho sự có mặt của trí tuệ toàn hảo của bậc Đại Giác Ngộ, mà còn là ngày khởi đầu hạnh nguyện đại bi và trách nhiệm giáo hóa của Ngài đối với muôn loài như Ngài đã nói: Ngài thuyết pháp không quan tâm đến sự tôn trọng hay không tôn trọng của thế gian mà vì là trách nhiệm của Ngài đối với đời.[1]
Với trách nhiệm ấy, không đến với Ngài từ bất cứ quyền uy nào, mà từ ý thức tự nguyện, tự giác với đầy đủ hai chất liệu của đại trí và đại bi, khiến cho ngày thành đạo của Ngài đối với nhân loại là một nhu cầu khẩn thiết và trở thành bất tử trong lịch sử văn minh của thế giới con người.
Lịch sử ấy chỉ có nghĩa đích thực, khi nào những người đệ tử của Ngài, có đời sống biết nương tựa Pháp, học Pháp, hành theo Pháp và chứng ngộ Pháp. Sống với đời sống như vậy, thì không có đời sống nào cao quý hơn; biết cúng dường Phật bằng học Pháp, hành theo Pháp và chứng ngộ Pháp, thì không còn có bất cứ sự cúng dường nào cao hơn; biết thiết lập đạo tràng để học Pháp, hành theo pháp và chứng ngộ Pháp, thì không còn có bất cứ sự thiết lập nào cao hơn; biết thương yêu và phụng sự cuộc đời bằng cách học Pháp, hành theo Pháp và chứng ngộ Pháp, thì không còn có bất cứ sự thương yêu và phụng sự nào cao hơn; và biết làm lễ kỷ niệm ngày thành đạo của Đức Thế Tôn bằng cách học Pháp, hành theo Pháp và chứng ngộ Pháp, thì không còn có bất cứ lễ kỷ niệm nào có ý nghĩa cao hơn nữa cả.
Vì vậy, là đệ tử Thế Tôn, chúng ta phải tu học tinh cần, để thấy Pháp và chứng ngộ Pháp, khiến mọi không gian đều là không gian của đạo, và khiến cho mọi thời gian đều là thời gian thực nghiệm đạo và chứng đạo, như Thế Tôn đã chứng và đã thành.
Đó là ý nghĩa hướng về và kỷ niệm ngày Thế Tôn thành đạo của những hàng đệ tử Phật chúng ta.
THÍCH THÁI HÒA
[1] Kinh Xà Dụ, Trung Bộ I, tr 140A, ĐHVH, 1973.
1872 lượt xem
Tin khác
Các em Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử thân mến. Tết Trung Thu Giáp Thìn (2024) năm nay các anh chị cùng Quý Thầy, Quý Sư Cô và Quý bác…
THẮP LỬA TRÊN CAO NGUYÊN Kính gửi toàn thể anh chị em Lam Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Thầy đi hoằng pháp suốt 4 ngày ở…
Gia Đình Phật Tử Việt Nam toàn cầu chúc mừng năm mới – Giáp Thìn 2024
Hội Hiếu GĐPTVN tại CamPuChia Nhân mùa Vu Lan báo hiếu phụ mẫu hiện tiền, vào ngày 12 tháng 7 năm Quý Mão nhằm ngày 27/8/2023, hai đơn vị GĐPT…