NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN
ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19

Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông
ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa
đêm mùng 8 tháng Tư Tân Sửu trong Tuần lễ Huân Tu của GĐPTVN.

oOo

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Tất cả các anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) quốc nội, hải ngoại, các châu lục quý mến.

Nhân lễ Phật Đản Phật lịch 2565, Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN đã cung thỉnh tôi chia sẻ một thời pháp thoại trong Tuần Lễ Huân Tu cho Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPTVN trong và ngoài nước. Vì không tổ chức tập trung được do đại dịch COVID-19 đang bùng phát khắp nơi trong quốc nội cũng như hải ngoại. Cho nên các anh chị em trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương thế giới, các châu lục tùy theo điều kiện của mình mà tổ chức đại lễ Phật Đản PL.2565 phù hợp với hoàn cảnh thực tế, để thăng hoa đạo tâm, đạo lực của chính mình và tất cả các anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPTVN quốc nội và hải ngoại, thế giới. Cho nên hôm nay tôi muốn chia sẻ với tất cả các anh chị em với đề tài của pháp thoại “Người Huynh Trường GĐPTVN đối với đại dịch COVID-19″, nhằm Phật Đản PL.2565.

Là một Huynh Trưởng hay một Đoàn Sinh GĐPTVN đang bất cứ ở đâu, đang sinh hoạt ở đâu trên thế giới này, trong quốc gia này, thì quý vị phải nhớ mình là một Huynh Trưởng, Đoàn Sinh có căn bản niềm tin đối với Tam Bảo, mà như điều luật thứ nhất trong 5 điều luật của GĐPTVN đã ghi rõ, và mấy anh chị em từ bản thân mình, cũng như hướng dẫn cho các Đoàn Sinh của mình đã từng quỳ trước Tam Bảo và đọc hằng tuần là: “Phật Tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện”.

Quy y Phật thì nhất định phải nương vào trí tuệ của Phật, phải huân tập trí tuệ của Phật trở thành ra trí tuệ của mình. Đã quy y Pháp thì phải nương tựa vào chánh pháp của Đức Phật mà tu hành để có một đời sống an lạc, cao thượng. Và đã quy y Tăng thì phải nương vào đức thanh tịnh hòa hợp của Tăng để soi lối dẫn đường đi cho đúng chánh pháp, đi cho đúng lời Đức Phật dạy, và đi cho đúng hoài bão mà Chư Phật thị hiện giữa thế gian này.

Như trong Kinh A Hàm cũng như văn hệ Nikaya, Đức Thế Tôn chúng ta đã khẳng định sự ra đời của Ngài là “vì lợi ích cho đa số, đem lại an lạc và hạnh phúc cho thế giới trời người, hàn gắn lại những gì đã bị đổ vỡ, dựng đứng lại những gì đã bị xiêu vẹo, bật ngọn đèn cho mọi người thấy và chỉ đường cho mọi người đi”. Cái gì đã làm cho thế gian khổ đau? Đó là tham, sân, si. Cái gì đã làm cho thế gian này nghiêng đổ? Đó là tham, sân, si. Cái gì đã làm cho thế gian này xiêu vẹo? Đó là tham, sân, si. Cái gì đã làm cho thế gian này tối tăm? Đó là tham, sân, si. Cái gì đã làm cho thế gian không có con đường sáng để đi? Đó là tham, sân si. Cho nên sự có mặt của Đức Phật giữa cuộc đời là để giúp chúng sinh loại bỏ tham, sân, si ở nơi tâm của họ qua nhiều phương pháp khác nhau, qua nhiều pháp môn tu học khác nhau, nhưng không ngoài mục đích làm cho thế giới trời người được tăng trưởng phước đức đến chỗ toàn hảo; không ngoài mục đích làm cho tất cả chúng sinh thấy rõ chân lý, tự mình nổ lực tu tập, chấm dứt khổ đau, đến nơi an lạc hạnh phúc.

Đại dịch COVID-19 xảy ra làm cho toàn thể nhân loại lo lắng, khốn đốn, điều ấy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà tất cả đều có nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của nó. Nó xảy ra đúng với những gì nhân duyên, nhân quả mà chính thế giới con người đã tạo ra. Con người vì do tham dục mà đã khai thác thiên nhiên một cách thái quá để phục vụ cho lòng tham dục của mình; ức hiếp các loài sinh vật để phục vụ cho lòng tham dục của mình; bóc lột từ đáy sâu của lòng biển, những hang mỏ ở núi rừng để phục vụ cho lòng tham dục của chính mình qua những dụng cụ, những phương tiện của khoa học hiện đại. Cho nên khoa học hiện đại nếu không sử dụng được, không điều khiển được với tâm từ bi, với tâm đầy trí tuệ, thì tất cả nhưng phương tiện ấy trở thành những tai họa. Và tai họa lớn lao nhất đã làm cho môi trường sống của con người và thế giới bị ô nhiễm; đã làm cho thực phẩm bị ô nhiễm; đã làm cho mọi nguồn nước bị ô nhiễm; đã làm cho không khí bị ô nhiễm. Nói tóm lại mọi điều kiện cần đủ và sống cho loài người và toàn thể chúng sinh đã bị lòng tham con người làm cho bị ô nhiễm. Đất, nước, gió, lửa, 4 đại chủng ấy hiện nay trên ở trên quả đất này không có yếu tố nào là không bị ô nhiễm bởi những chất phóng xạ, bởi những nhà máy sản xuất, bởi những nhà máy điện tử hạt nhân do những nhà khoa học tạo ra và do những người lãnh đạo chính trị của các quốc gia trên thế giới sử dụng thiếu tuệ giác, thiếu chánh kiến, đưa tới tà kiến, và cuối cùng dùng những thế lực đen tối ấy để dọa dẫm nhau, để ra điều kiện với nhau và làm cho cả thế giới đều khuynh đảo. Cho nên tất cả chiến tranh, bạo lực, bệnh tật nó xảy đến với thế giới con người không phải không có lý do. Sóng thần, động đất, núi lửa, khí hậu biến đổi bất thường, tất cả những hiện tượng ấy xảy ra đối với thế giới con người không phải không có lý do. Lý do rất chính đáng là nó đi từ nơi tâm mù quáng của con người, nơi tâm tham dục của con người.

Cho nên, là Phật Tử nói chung, là một Huynh Trưởng, một Đoàn Sinh GĐPT nói riêng, khi đã biết quy y Tam Bảo, đặt niềm tin, trí tuệ, tình thương và đời sống của mình vào ở nơi Tam Bảo thì phải ý thức được rằng mọi sự hiện hữu giữa đời này, xảy ra cho người này người kia, xảy ra cho đất nước này đất nước kia, xảy ra cho vùng miền này vùng miền kia, tất cả không ra ngoài nhân quả, nghiệp báo. Nhân đã gieo, duyên đã đủ thì quả báo ắt tự đến và tự lãnh thọ, dù đó là nhân thiện hay nhân ác, duyên thiện hay duyên ác, tất cả không thoát khỏi nhân quả nghiệp báo. Vì vậy, là một Huynh Trưởng, một Đoàn Sinh GĐPT, chúng ta phải tin sâu vào nhân quả, nghiệp báo. Và chúng ta phải nỗ lực tu tập để chuyển hóa nghiệp quả của chúng ta, bởi vì Đức Phật dạy: “Tất cả các pháp đều là vô thường, không có gì là không biến đổi, không có gì là không thay đổi, mà thay đổi ngay trong từng sát-na, ngày trong từng khoảnh khắc.” Cho nên chúng ta phải nhìn cho sâu mọi chuyện đang xảy ra với chúng ta đều không ra ngoài nhân quả, mà nhân quả ấy chính là “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác.” Tâm của nhân loại vì tham dục, do tham dục dẫn dầu, do tham dục tạo tác cho nên bây giờ quả báo đến với thế giới loài người một cách tệ hại, xấu xa dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đứng trước tình trạng ấy, người Huynh Trưởng GĐPT, người Đoàn Sinh GĐPT phải biết nỗ lực tu học; phải biết ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, bái sám; và không tiếp tay với những kẻ thiếu trí tuệ, thiếu từ bi, trong mọi hành động của họ, không tung hô, không hùa theo đối với những kẻ chủ trương tham dục, mà chúng ta thực tập đời sống thiểu dục tri túc. Có thiểu dục, có tri túc, là nhất định chúng ta có an lạc, chúng ta có hạnh phúc. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết trong đời sống thì chúng ta có nhiều thì giờ để tu học, chúng ta có nhiều thì giờ để chia sẻ hạnh phúc, an lạc và làm những công việc hữu ích đến cho nhiều người, đến cho đa số.

Con người ngày nay không có thì giờ cho nhau, cha mẹ không có thì giờ cho con cái, con cái không có thì giờ cho cha mẹ, anh chị em không có thì giờ cho nhau, bạn bè đối với nhau cũng vậy. Tất cả không ra ngoài tham dục. Tham dục cướp mất thời gian và tiêu thụ thời gian của chúng ta rất nhiều, không đưa chúng ta đi tới sự an ổn nào cả. Và bằng chứng, nền văn minh vật chất đã đem lại cho chúng ta những điều đáng tiếc ấy. Cho nên nhân dịp Phật Đản PL.2565 lại trở về, Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN tổ chức Tuần Lễ Huân Tu, nghĩa là huân tập sự tu dưỡng cho người Huynh Trưởng và Đoàn Sinh GĐPTVN. Nhân đây tôi mong rằng tất cả quý vị phải nhớ lấy những điều sau đây:

Thứ nhất, làm điều gì, nói điều gì, nghĩ điều gì, phải có chất liệu “Tri thời”. Tri thời có nghĩa là biết đúng lúc cần nên nói; đúng lúc cần im lặng; đúng lúc cần hành; đúng lúc không cần hành động; đúng lúc cần suy nghĩ và đúng lúc không cần phải suy nghĩ. Nhờ biết đúng lúc hành động và đúng lúc không hành động cho nên lúc nào người Phật Tử, người Huynh Trưởng GĐPTVN, cũng như Đoàn Sinh GĐPTVN cũng có ba nghiệp thanh tịnh. Sống giữa một xã hội hưởng thụ xa hoa, mà ta biết lúc nên làm và không nên làm, nên nói và không nên nói, nên suy nghĩ và không nên suy nghĩ thì chúng ta không bị thời đại xa hoa phung phí ấy cuốn hút, đánh chìm chúng ta trong bóng đêm cuộc sống. Và sống trong một xã hội, một thời đại khó khăn mà ta biết nói đúng thời, im lặng đúng thời, hành động đúng thời, không hành động đúng thời, suy nghĩ đúng thời, không suy nghĩ đúng thời, ta biết thực hành đúng như vậy thì sống trong một xã hội đầy khó khăn ta vẫn có an lạc, ta vẫn có hạnh phúc, vẫn có đủ thẩm quyền để đem lại sự bình an cho chính mình và cho người khác, và tất cả những ai có nhân duyên tu học với chính chúng ta.

Thứ hai, là phải biết “Tri xứ”. Tri xứ tức là phải biết xử sở của mình đang hành hoạt, xứ sở ấy nhân quả nghiệp báo của người dân như thế nào, văn hóa tín ngưỡng của họ như thế nào, trình độ đạo đức của họ ra sao, dân trí học hành ngang đâu mình phải biết. Biết để làm gì? Biết để nói đúng lúc hay im lặng đúng lúc; biết để hành động đúng lúc và không cần hành động; biết để cần tư duy và không cần tư duy. Nhờ vậy mà ba nghiệp lúc nào, ở đâu cũng thanh tịnh và đem lại được lợi ích cho xứ sở đó. Một Huynh Trưởng khi không nói thì thôi, nhưng khi đã nói, nói đúng thời, nói đúng chỗ thì lời nói của một Huynh Trưởng thực sự có giá trị, có hữu ích. Một Huynh Trưởng khi không hành động thì thôi, nhưng khi hành động mà đúng thời, đúng xứ thì hành động ấy nhất định phải đem đến lợi, chứ không phải đưa tới vô ích, vô nghĩa. Và một người Huynh Trưởng khi đã để tâm đến một công việc gì đó, mà đúng thời, đúng chỗ, thì việc để tâm ấy đưa tới sự hữu ích, chứ không phải để tâm một cách vô ích, vô nghĩa. Đó là điều thứ 2 mà tất cả các anh chị em phải lưu ý, chiêm nghiệm và thực tập.

Điều thứ ba, “Tri nhân” – biết người. Giao công việc gì cho ai thì phải biết gốc rễ của người đó, phải biết nhân duyên của người đó, phải biết cái nhân quả nghiệp báo của người đó để giao công việc; phải biết sở trường, sở đoản của người đó để trao trách nhiệm, chứ không phải mình trao trách nhiệm cho nó xong việc. Không thể trao cái cày cho người cầm bút; không thể trao cây bút cho người đi cày; không thể trao đạo đức cho một kẻ ăn trộm; không thể đưa một người ăn trộm lên ngồi trên bàn thờ trang nghiêm; và không thể đưa một người đạo đức mà đi giam tù. Cho nên tri nhân là yếu tố rất quan trọng để chúng ta ứng xử và sự ứng xử đó thành công. Dù một người có tâng bốc ta đến mức nào, dua nịnh ta đến mức nào, cũng không phải vì tâng bốc dua nịnh ấy mà ta trao trách nhiệm cần thiết, huyết mạch của đạo lý cho họ. Và dù một người mà có ý kiến bất đồng với ta đến chừng nào, nhưng tâm họ tốt, tâm họ muốn xây dựng, thì không phải vì sự bất đồng ấy mà ta trở thành đối lập với họ, ta xa lánh họ, mà ta phải gần gũi, phải kham nhẫn để lắng nghe. Vì vậy, yếu tố tri nhân là yếu tố mà tất cả các anh chị em phải lưu ý thực tập.

Yếu tố thứ tư là “Tri sự”. Tri sự tức là biết việc, biết sự kiện. Nghĩa là một sự kiện xảy ra ta phải biết sự kiện ấy tới từ đâu, do nhân gì mà có sự kiện ấy, do duyên gì mà hình thành sự kiện ấy; và do nhân duyên như thế nào mà kết quả của sự kiện ấy thất bại hay thành công thì ta phải biết. Và khi biết như vậy rồi, thì người Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT hành hoạt không lý do gì mà chúng ta thất bại, chúng ta phàn nàn. Chúng ta phàn nàn thất bại và đổ lỗi cho nhau là vì chúng ta thiếu yếu tố tri sự. Có nghĩa là không biết rõ sự kiện từ nguyên nhân, từ tác duyên để đi tới một hậu quả đáng buồn. Đã biết việc rồi, đã biết sự kiện rồi, thì sự kiện nào dẫn tới lợi mình, lợi người, lợi đời này, đời sau thì chúng ta làm; mà những sư kiện nào chỉ đưa tới lợi trước mắt và thiệt hại nhiều đời về sau thì chúng ta không làm. Mà đã biết sự kiện rồi thì có những sự kiện làm trước mắt có khó khăn, có thiệt hại, nhưng nó sẽ thành tựu lâu dài về sau, thì chúng ta cương quyết làm và làm một cách kiên trì, không thoái thất tâm của chúng ta. Đó là người Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPTVN biết ứng dụng tri sự vào trong đời sống tu tập và hành hoạt của mình, vì tổ chức, vì lý tưởng Áo Lam.

Và thứ năm là “Tri pháp”. Tri pháp là phải biết phương pháp; phải biết nội pháp và ngoại pháp. Một Huynh Trưởng GĐPTVN mà đối với nội điển; đối với giáo lý Đức Phật dạy; pháp học, pháp hành không nắm vững thì lấy cái gì mà hướng dẫn cho các em! Cho nên yếu tố tri pháp, mà nhất là biết nội pháp, không thể thiếu. Không biết nội pháp thì làm sao mà có thể biết mình đang đứng ở đâu trên con đường tu học; đang đứng ở đâu trong niềm tin Tam Bảo của mình; đang đứng ở vị trí nào của người Huynh Trưởng GĐPTVN; đang đứng ở vị trí nào trong tinh thần hộ trì Chánh Pháp, hỗ trợ Tăng-già? Cho nên một Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPTVN phải tri pháp, tức là phải biết nội pháp. Không những vậy, mà phải biết ngoại pháp. Ngoại pháp là pháp ở bên ngoài. Pháp ở bên ngoài có những pháp hỗ trợ cho nội pháp phát sinh một cách tốt đẹp; có những ngoại pháp bên ngoài nó hỗ trợ nhưng làm đảo lộn nội pháp và làm cho nội pháp biến chất, biến thể, thì người Huynh Trưởng GĐPTVN cũng phải biết rõ cái ngoại pháp và nội pháp này. Nhờ biết rõ nội pháp và ngoại pháp như vậy, cho nên người Huynh Trưởng GĐPTVN mới tu học vững chãi, và mới kiên định được lập trường của một Huynh Trưởng GĐPTVN, mới có khả năng để thực hiện được mục đích, lý tưởng của người Huynh Trưởng GĐPTVN và lý tưởng của tổ chức Áo Lam. Nếu không biết nội pháp và ngoại pháp, chúng ta không vận dụng được những gì tốt đẹp vào trong đời sống của người Huynh Trưởng, và chúng ta không giúp được các Đoàn Sinh của mình đi đúng hướng.

Cho nên nhân mùa Phật Đản PL.2565, tôi chia sẻ thời pháp thoại này đến với tất cả các anh chị em Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPT để quý vị biết rằng trong mùa đại dịch này chúng ta phải làm gì. Chúng ta không cần phải tranh nhau mà chích vắc-xin, chúng ta có thể nhường vắc-xin cho người khác. Bởi vì người khác họ không có năm yếu tố, họ không biết năm yếu tố để ứng dụng, đó là Tri thời, Tri xứ, Tri nhân, Tri sự, Tri pháp. Cho nên một sự kiện dù đơn giản xảy đến họ cũng mất bình tĩnh, họ không đủ bản lĩnh để sống. Trái lại một người Huynh Trưởng được trang bị bởi năm chất liệu Tri thời, Tri xứ, Tri nhân, Tri sự, Tri pháp, cho nên mình phải phát huy năm chất liệu hiểu biết này thì tự bản thân của mỗi Huynh Trưởng có nội lực, có đạo lực.

Khi mà nội lực đã có, đạo lực đã tăng tưởng thì tất cả các loài vi khuẩn gây độc hại từ bên ngoài đi vào cơ thể chúng ta, nó sẽ được tất cả những chất liệu lành tính trong cơ thể chúng ta ôm nó lại, khoanh vùng nó lại và tự nó chuyển hóa. Nó không còn là đối nghịch mà nó trở thành sống chung với cơ thể chúng ta một cách hòa bình, và nó hỗ trợ cho cơ thể chúng ta một cách kiên cường, vững mạnh. Cho nên tiêm vắc-xin mà không có nội lực, cơ thể bị suy nhược thì càng chích vắc-xin càng đưa mình đi tới chỗ hủy diệt một cách nhanh chóng; gặp những tai họa một cách nhanh chóng; gặp những phản ứng, dị ứng một cách nhanh chóng. Trái lại chúng ta có nội lực và có đạo lực từ bên trong, thì tất cả những cái chướng duyên từ bên ngoài khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta nó không làm khuynh đảo được cơ thể chúng ta, nó không làm cho tâm chúng ta bị lay chuyển, thì nhất định những thứ hung thần, ác khí ấy sẽ bị đạo lực và nội lực trong cơ thể chúng ta, trong tâm hành của chúng ta chuyển hóa, trị liệu, và nó sẽ trở thành một phần tương thích với cơ thể chúng ta và hỗ trợ cơ thể chúng ta. Đây là điều mà tất cả các anh chị em phải lưu ý thực tập để chúng ta biến mùa đại dịch COVID-19 này trở thành những gì thuận lợi cho gia đình, cho tổ chức, cho quốc gia, cho xã hội. Và đó mới là sự hiến cúng, dâng cúng đại lễ Phật Đản PL.2565 của người đệ tử Phật chúng ta lên Đức Phật một cách có ý nghĩa, một cách có giá trị. Và giá trị hơn hết là nhờ thực tập năm điều hiểu biết này mà ba nghiệp của chúng ta luôn luôn ở trong sự thanh tịnh; nhờ sự thanh tịnh ấy mà Giới-đức của người Phật Tử tăng lên, Định-đức của người Phật Tử tăng lên, Tuệ-đức của người Phật Tử tăng lên.

Chính sự tăng trưởng này mới là tăng trưởng đáng mừng, có ý nghĩa hơn bất cứ sự tăng trưởng nào khác; sự phát triển này mới là sự phát triển bền vững hơn bất của sự phát triển nào khác; và duy trì lý tưởng tổ chức bằng sự duy trì này mới là sự duy trì có ý nghĩa nhất, có giá trị nhất; và chắc chắn chúng ta đem những gì cao đẹp từ nơi Giới đức, Định đức, Tuệ đức của chúng ta khiến ba nghiệp chúng ta thanh tịnh mà dâng cúng lên đại lễ Phật Đản PL.2565 thì chắc chắn Đức Phật từ bi, hoan hỷ đối với sự dâng cúng của chúng ta, hồn thiêng sông núi của đất nước cũng chứng minh, hỗ trợ cho sự dâng cúng của chúng ta, liệt vị anh linh các Thánh Tử Đạo cũng tùy hỷ với sự dâng cúng, cúng dường đại lễ Phật Đản PL.2565 của toàn thể Huynh Trưởng, Đoàn Sinh GĐPTVN quốc nội và thế giới.

Cầu nguyện Đức Phật từ bi gia hộ cho tất cả các anh chị em cũng như thân quyến có vô lượng an lành trong đại lễ Phật Đản PL.2565.

NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT.

Ban Biên Tập Trang Nhà GĐPTVN Trên Thế  Giới

2528 lượt xem