DẪN NHẬP

Giờ Giao thừa trừ tịch canh ba năm Kỷ Sửu đã điểm. Mối giao hoà giữa ngày và đêm, giữa trời và đất; giữa tự tình dân tộc bốn ngàn năm: Hồn thiêng sông núi, cùng Tổ tiên trăm họ hội về. Từ Cung Trời Đâu Suất Di Lặc thiên tôn chờ nhân duyên xuất thế, Ngài đã đi trước thời gian hơn 2500 năm ánh sáng từ lúc kim khẩu Phật Thích Ca thọ ký cho A Dật Đa Bồ Tát sẽ thành Phật Di Lặc tương lai. Thiền tự khắp nơi rộn ràng ba hồi chung cổ nghinh đón đấng siêu phàm sẽ đản sanh xuất thế để khai hội Long Hoa. Vùng tâm thức của chúng ta cũng tịch lặng trong nhịp bước giao thừa nhưng rồi sẽ lại bùng lên mới hơn, sôi động hơn, hứa hẹn một tương lai tăng huy và phục dựng, tăng trưởng những hạnh lành và hồi phục những gì đã gãy đổ, chia lìa.

Gia Đình Phật Tử 70 năm trước là hoài bão của liệt đại tiền nhân cho một hướng đi tuổi trẻ; cho cơ đồ phục hưng Chánh Pháp tại quê hương; vực dậy và kết tụ những tiềm năng đạo hạnh để chấn chỉnh nền đạo đức nước nhà…

Nhìn nhận chính tuổi trẻ là nguồn sinh động không bao giờ cạn; thành tựu Phật ân không thể thiếu lòng nhiệt thành và công sức tuổi trẻ là thấu suốt Hoa Nghiêm tạng qua hình ảnh của Thiện Tài đồng tử nhẹ nhàng dũng tiến trên 52 cấp chứng nhìn thẳng vào mọi điều thuận lợi và vô ngại trước mọi chướng duyên trên đường cầu Đạo. Thái độ của bậc Xuất thế gian là tìm phương chuyển hoá, đưa người từ nơi tối tăm ra vùng ánh sáng, chuyển hoá nguy nan đau khổ thành tự tại niết bàn chứ không phải để cho chúng ràng rịt lấy mình trong mỗi hành động hay trên từng bước đi. Muốn thực thi được đại nguyện “ Làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh ” thử hỏi, con người cần phải chuyển hoá từ đâu trước? Tự bản thân chúng ta hay từ tha nhân vạn loại; Từ thân thể, hình tướng hay từ Tâm thức linh thông? Sẽ không có câu trả lời đúng nếu chúng ta còn chới với  trong vô minh, cực đoan với thường và đoạn kiến.

Lịch Sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam dù trải qua bảy thập niên biến thiên dưới lớp lớp thời gian dày phủ lên sau mỗi tầng biến động của Pháp nạn và chiến loạn quê hương nhưng không sâu dày đến nổi sinh loài, vạn loại ngơ ngẩn nhìn nhau không nhận ra thân phận, vết tích của nhau sau cuộc chia ly hơn ba mươi năm để từ đó Gia Đình Phật Tử Việt Nam hoá thân thành Thế giới. Chính trong thời kỳ đất nước qua phân, đạo đức hỗn mang mà GĐPT sinh ra; cũng trong lúc quê hương điêu tàn, đạo Pháp bị nguy vong mà GĐPT phát triển; và nay vì sao tổ chức GĐPT có mặt trên 10 quốc gia châu lục thì chúng ta chắc biết hơn ai hết. Không phải bổng nhiên mà Gia Đình Phật Tử kết thành Thế Giới. Thời gian và những thử thách nghiệt ngã  ngay tại quê nhà và khắp trên các vùng dung cư đã đẩy đưa tổ chức từng bước ổn cố các Châu, Quốc gia; hỗ tương hoạt động và kết minh thành Hải Ngoại, và từ đầu Thiên Niên Kỷ 2000, bước đi của Lâm Thời Thế giới đến Lễ hội hành hương và Đại Hội Thế giới lần I năm 2004 tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ để chính thức hình thành, và năm nay Đại Hội lần II 2008 tại Bangkok, Thái Lan mới thực sự chuyển động toàn tâm ý trên đường phát triển. Mất 8 năm GĐPT Việt Nam mới đi hết chặng đường nhất thống mà mọi việc dường như lúc nào cũng mới mẻ trong giai đoạn khởi trình.

Nhìn lại con đường lịch sử 70 năm phát triển, Gia Đình Phật Tử luôn chuyển động để sinh tồn, dù cho có lúc GĐPT bị đặt lên “giá tử hình” hay bị các thế lực vô minh đẩy vào “điểm chết”, nhưng GĐPT vẫn hiện hữu hồi sinh. Đủ thấy sức mạnh tiềm ẩn của GĐPT lưu chuyển nguồn sức sống vô cùng.

Đêm nay, giờ Giao thừa linh thiêng đang điểm phút giây Vũ trụ chan hoà: Én từng đàn bay lượn trời xuân; mai, cúc, đào, hồng  đang nhuộm màu nắng mới. Từ Quê hương Việt Nam múi giờ đang dần chuyển động Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, Âu Châu: Pháp, Đức, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch; tận cùng cực Bắc Canada qua các miền Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ… Những cánh tay Lam đang hướng về nhau cùng vẫy gọi: Chào mừng Trang Nhà Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới ra mắt trong tự tình dân tộc, trong chánh Pháp viên chiếu trên suốt quãng đường đồng cam cộng khố có nhau để Thế giới hôm nay hội tụ một nhà.

Nam Mô Di Lặc Tiên Quang Phật

554 lượt xem