Anh chị em Lam Viên thân mến!

Thế gian thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương” Không cần tự quảng cáo. Không cần nói xấu người. Biết lắng nghe điều phải. Biết nhận diện cái tốt. Tôn trọng sự thật. Hàm ân sự dẫn dắt. Ra sức học tập tu trì. Thầy hiền bạn tốt luôn ở bên ta.

Trong kinh “Phân biệt lục giới” số 162 bộ Trung A Hàm có câu chuyện rằng:

Phất Ca La Sa Lợi là một hiền giả nghe đức Thế Tôn vốn thật con vua, chí tín xuất gia sống hạnh không nhà đắc quả Vô Thượng Bồ Đề Chánh đẳng Giác. Tại trú xứ, ông hướng về Ca Ty La mà đảnh lễ Thế Tôn tự ý xuất gia, cắt ái ly gia từ đấy. Một hôm trên đường du hoá tại nước Ma Kiệt Đà, hai thầy trò có duyên gặp nhau nơi lò Gốm. Phật thấy vị Tỳ Kheo nầy hành hoạt giống như mình nên mới hỏi:

– Nầy Tỳ Kheo, tôn sư thầy là ai? Y cứ vào ai mà thầy xuất gia học đạo thọ pháp?
– Thưa hiền giả Sa Môn Cù Đàm chính là thầy tôi. Tôi y cứ vị ấy mà xuất gia học đạo thọ pháp.
– Vậy thầy đã gặp Sa Môn Cù Đàm lần nào chưa?
– Dạ chưa.
– Nếu gặp Cù Đàm thầy có nhận ra không?
– Khó mà nhận ra.

Thấy tâm địa thầy hiền thiện Phật bảo:

– Nay ta sẽ nói cho thầy nghe một thời pháp, phần đầu phần giữa và phần cuối đều thiện lành, có nghĩa có văn thanh tịnh phạm hạnh. Đó là sáu giới. Thầy hãy lắng nghe suy tư ghi nhớ. Rồi Phật dạy:

Con người có sáu giới tụ đó là : Địa Giới, Thuỷ giới, Hoả giới, Phong giới, Không giới và Thức giới kết nên thân phận con người. Lại có sáu xúc xứ tức sáu cơ quan giao dịch tiếp xúc với thế giới vật lý bên ngoài là:

– Nhãn xúc thấy sắc – Nhĩ xúc nghe tiếng – Tỷ xúc ngửi mùi – Thiệt xúc nếm vị – Thân xúc cảm xúc, ý xúc biết pháp. và 18 ý hành là:

– Mắt thấy sắc an trú nơi hỷ, nơi ưu, nơi xả.
– Tai nghe tiếng an trú nơi hỷ, nơi ưu, nơi xả.
– Mũi ngửi mùi an trú nơi hỷ, nơi ưu, nơi xả.
– Lưỡi nếm vị an trú nơi hỷ, nơi ưu, nơi xả.
– Thân xúc chạm. An trú nơi hỷ, nơi ưu, nơi xả.
– Ý nhân thức pháp. An trú nơi hỷ, nơi ưu, nơi xả.

Cuối cùng ta nói con người có bốn trụ xứ là:
– Chân đế trụ xứ. – Tuệ trụ xứ – Thí xả trụ xứ – Tịch tỉnh trụ xứ.

Thế tôn lại thi thiết giảng giải:

* NỘI ĐỊA GIỚI: Thân nầy có nội địa giới chấp thọ nơi hữu hình mà có đó là cứng như da thịt xương, gan, thận, tim, mật, ruột, bao tử, lá lách v.v.

Tỳ kheo quán biết rằng chúng không phải của ta, cũng không là tự ngã của ta. Tâm không nhiễm trước địa giới. Đó là hạng tỳ kheo không buông lung. Là tỳ kheo trí tuệ.

* THUỶ GIỚI: gồm có nội thuỷ giới được chấp thọ nơi hữu tình mà có ra như nước mắt, mồ hôi, máu mủ, mở tuỷ, đàm giải. Ngoại thuỷ giới là chất lỏng trong thế giới vật lý.

Các Tỳ kheo phải quán biết. Thuỷ giới không phải sở hữu của ta. Không phải tự ngã của ta. Tâm không nhiễm trước thuỷ giới. Đó là tỳ kheo không buông lung. Là Tỳ kheo Trí tuệ

* HOẢ GIỚI: Gồm có nội hoả giới tức thân nhiệt hơi ấm trong ta do chấp thọ nơi hữu tình mà có. Nhiệt lượng sưởi ấm thân, tiêu hoá thức ăn. Bên ngoài có lửa, có nhiệt, có điện.

Tỳ kheo quán biết: Hoả giới không phải sở hữu của ta, không phải tự ngã của ta, nên không nhiễm trước hoả giới. Đó là tỳ kheo không buông lung. Là Tỳ Kheo trí tuệ.

* PHONG GIỚI: Gồm có Nội phong giới là: chất khí lưu vận bên trong theo hơi thở, trong máu huyết, mềm mại tuần lưu khắp châu thân. Ngoại phong là chất khí lưu động trong thế giới vật lý.

Tỳ kheo quán biết như thật rằng. Nội ngoại phong giới không là sở hữu của ta. Không là tự ngã của ta. Tâm không nhiễm trước nơi không giới. Đó là Tỳ Kheo không buông lung. Là Tỳ Kheo trí tuệ.

* KHÔNG GIỚI: Nội không giới được chấp thọ nơi chúng hữu tình mà sinh ra. Nó gồm những khoảng không kỳ diệu nơi thân thể, như trong mắt trong mũi trong lổ tai trong bao tử, ruột v.v. Ngoại không giới là khoảng không trong vũ trụ đất trời.

Tỳ kheo quán. Không giới không là sở hữu của ta, không là tự ngã của ta. Tâm không đắm trước nơi không giới. Đó là Tỳ Kheo trí tuệ không buông lung.

* THỨC GIỚI: Gồm có năm đó là Lạc thức, khổ thức, hỷ thức, ưu thức, xả thức. Tỳ kheo phải biết nhân lạc thức mà sanh lạc thọ. nếu do lạc thức sanh nó sẽ không mạnh, lại tiếp tục diệt. lần nầy thì dể thôi nên được tỉnh chỉ tức có nghĩa lạc thức đã nguội lạnh. Tỳ kheo phải biết khổ thức sanh khổ thọ liền có cảm giác khổ thọ. Cho nên nếu diệt khổ thức khổ thọ không sanh. nếu có sanh thì do khổ thức còn sót lại. Tiếp tục đoạn diệt sẽ được tỉnh chỉ. Khổ thức hoàn toàn nguội lạnh.
Hỷ thức sanh hỷ thọ nên tự thân liền biết hỷ thọ. Nếu diệt hỷ thức hỷ thọ cũng diệt ngay. Từ đó hỷ thức sẽ hoàn toàn nguội lạnh
Ưu thức sanh ưu thọ, nên tự thân liền cảm giác ưu thọ. Nếu diệt ưu thức ưu thọ cũng diệt. Ưu thức sẽ được tỉnh chỉ.
Xả thức. Xả thức sanh xả thọ. tự thân biết mình có cảm giác xả thọ. Nên diệt xả thức xả thọ cũng diệt. Xả thức sẽ được tỉnh chỉ.
Tóm lại nhân các thức mà sanh các thọ. Cho nên khi diệt thức thì thọ cũng diệt.

Một khi đã xả thanh tịnh rồi thì nhập vô lượng không xứ, nương tu vào đó duyên vào đó nhập vô lượng thức xứ, vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Cũng như người thợ vàng khi đã luyện được thành vàng thì tha hồ chế tác ra sản phẩm tuỳ ý.

Lại nữa khi Thức được xả thì không còn du nhập vào bất kỳ thức xứ nào. Thật sự đi vào chỗ tịch diệt.

Vì các ý sau đây đã được tịnh trừ: tôi có, tôi là, tôi sẽ là, tôi không là, tôi có sắc, tôi không sắc, tôi có tưởng, tôi không tưởng… đều thuộc ngã mạn cống cao, phóng dật. Tỳ kheo đến đây có thể biết chắc như thật sự sanh đã dứt phạm hạnh đã vững. việc cần làm đã làm xong không còn tái sinh.

Đến đây Phất Ca La Sa Lợi phủ phục dưới chân Phật mà bạch rằng:

– Con thật ngu muội si mê đứng trước bậc lương điền tôn sư vô sở trước mà không nhìn ra lại mạo phạm gọi Thầy là hiền hữu. Mong Thế Tôn cho con sám hối. nhất định không tái phạm.

Anh Chị Em Lam Viên thân kính!

Phật là thế, Tổ chúng ta là thế, Thầy chúng ta là thế. Tất cả chúng ta hãy y pháp vâng làm. Đó là nguồn năng lực vô biên giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, phiền não được tịnh lạc an vui.

Chúc Anh Chị Em vô lượng an lạc./.

NGUYÊN TÍN Nguyễn Châu

574 lượt xem