Thưa anh chị em Lam Viên,

Nhân đọc chuyện “Người được ca ngợi” trong truyện cổ Phật giáo của Hòa thượng Minh Chiếu, tôi tự gẩm lại, cười thầm một mình rồi viết lá thư này gởi đến các anh chị em đây.

Thời Phật tại thế, có một lão tăng ẩn tu trong rừng sâu, người đời thường gọi Ngài là Hòa thượng Nhất Cú vì Ngài chỉ biết duy nhất một câu kệ:

“Sa môn nào với tư tưởng thanh cao, tinh tấn tu trì trong sự tịch tịnh, vị ấy sẽ được an tịnh, thông suốt và không còn phiền não.

Trong những ngày bố tát Ngài cũng chỉ đọc một bài kệ đó. Thế mà chư thiên trong vùng lại tán thưởng, hoan nghênh vang rền.

Một hôm cũng vào ngày bố tát, có hai vị tỳ kheo thong suốt tam tạng cùng đi với một tăng đoàn đông đảo ngang qua khu rừng, Hòa thượng Nhất Cú đang ẩn cư. Hòa thượng vui vẻ ra nghinh đón và thỉnh cầu: “Thật là hiếm có được dịp quý hiền giả ngang qua đây, xin quý Ngài hoan hỷ nán lại một buổi và xin quý Ngài đọc luật cho bần tăng và chư vị nơi đây nghe.”

Đoàn khách tăng ngạc nhiên vì ngoài Hòa thượng này ra, không còn có một ai khác. Vị tỳ kheo dẫn đoàn hỏi;

– Nhưng thưa thầy, ngoài thầy ra thì ở đây có thấy bóng dáng nào nữa đâu?

– Có đấy, vào những ngày tuyên giới khu rừng này vang dội tiếng hoan nghênh của Chư thiên.

Thế rồi tăng đoàn cũng phân tòa, một vị tỳ kheo tuyên đọc giới luật, vị kia triển khai giảng rộng.

Nhưng chẳng có tiếng hoan nghênh nào cả. Đoàn khách tăng lấy làm lạ, Hòa thượng này có lẩm cẩm không?

– Có chư thiên nào đâu Hòa thượng?

Vị lão tăng cũng sửng sờ, vì sao lại khác hẳn mọi khi như thế?

Rồi Hòa thượng Nhất Cú bèn đọc lên câu kệ thường nhật, thì trong khu rừng lại vang tiếng tung hô của Chư thiên.

Thật là một điều kỳ lạ. Đoàn tỳ kheo trở về bạch Phật sự thể như vậy. Nghe xong đầu đuôi, Thế tôn dạy:

– Này các tỳ kheo, ta chưa bao giờ gọi ai là người thông suốt giáo pháp khi họ đã học nhiều, họ đã hiểu nhiều giáo pháp. Những kẻ nào chỉ biết có một câu mà hiểu thật chu đáo, hành trì thật miên mẫn mới gọi là người thông suốt giáo điển.

Thì ra thế! Thưa các anh chị em, tôi nhớ lại, có một lần đang trao đổi với một huynh trưởng đàn em vấn đề gì đó, lời qua tiếng lại, bất đồng ý nhau, rồi huynh trưởng này bảo: “Anh phải suy nghĩ lại đi!”

Câu nói có vẻ trịch thượng làm tôi bực mình rồi. (Sau này, gẫm lại thì có gì là trịch thượng đâu? “Trịch thượng” là do cái tâm cống cao của mình nổi lên lúc ấy). Nhưng cũng đã dừng lại đúng lúc!

Thấy anh im lặng, em lại làm hơn: “Quyết định cái gì cũng cho có lý đàn em mới nể…” Tôi nổi sùng rồi đấy. Nhưng đã học rồi, đã thực tập rồi, đã dạy cho các em cách chuyển hóa cơn giận rồi!

Lời qua (mà) tiếng lại
Giải quyết chi đâu?
Sao không dừng lại
Kẻo hố (mà) thêm sâu!

Tôi im lặng theo dõi hơi thở. Cơn giận có lắng xuống thật.

Được thế, em mình lại bồi thêm: “Anh đã thấy cái sai của anh rồi chứ? Thấy sai anh mới im lặng, thằng em này nói đúng không?”

Tôi tiếp tục nhẫm câu hát:

Lời qua (mà) tiếng lại
Đưa ta tới đâu?
Sao không dừng lại
Mỉm cười nhìn nhau.

Nhưng không dừng lại được nữa, không mỉm cười nhìn đứa em ngây ngô của mình được nữa mà chỉ nhìn “bằng nửa con mắt”.

Nộ khí trỗi lên, nổi trận lôi đình, tôi không còn biết chuyển hóa là gì, quát cho một trận tơi bời. Em nhìn tôi sững sờ, có lẽ ngạc nhiên với thái độ của tôi lúc đó. Giá ngay bấy giờ có tấm gương đằng trước để nhìn cái mặt mình, chắc là hung tợn lắm, như một con quỹ chứ không giống con người chút nào! Nói thì hay lắm, dạy các em cũng “ngon lành lắm” mà tu thì “dở ẹt”!

Đúng thế thưa các anh chị em, nhiều khi mình cứ tưởng mình tu giỏi lắm rồi, làm thầy thiên hạ được rồi, nhưng tu hay không, có chư thiên rõ thôi. Thật sự, tu khó lắm chứ, đâu có dễ!

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Khó nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.

Trong gia đình nhiều khi cha con không hiểu ý nhau, con có suy nghĩ của con, cha có quan điểm của cha rồi chẳng hợp tính nhau. Vợ chồng cũng không chịu khó nhẫn nhịn nhau (thiếu tu) đâm ra lủng củng. Cả hai đều là huynh trưởng thì còn biết dè dặt đôi chút không thì “dĩa bay”, “tên lửa phóng” là chuyện thường. Làm sao, mọi thành viên trong gia đình đồng tu, hỗ trợ nhau tu mới êm đẹp được. Ở chợ, lại càng phức tạp hơn nhưng vì lâu lâu mới gặp lại một lần nên xếp vào loại khó thứ hai. Còn trong gia đình, chạm trán nhau hằng giờ hằng ngày! Tu chùa (chùa đây là chùa có nề nếp tu tập) vậy mà dễ vì có nề nếp, có luật nghi, có sách tấn nhau. Còn tu ở GĐPT thì sao? Điều này ai cũng biết rồi, ai cũng thấy rõ rồi. Anh chị em mình đều đang tu ở GĐPT đây, nhưng nó là thế đó. Còn chờ ở sự tinh tấn tiến tu ở mỗi chúng ta.

Mà tu ở GĐPT đạt thì lại hỗ trợ cho mình tu “tại gia” dễ dàng, giúp chúng ta xây dựng hạnh phúc gia đình.

Cho nên trang thư này cũng chính là lời phát lồ sám hối của bản thân tôi trước quý anh chị lớn và trước cả đàn em của mình nữa.

Trong kinh Pháp cú Thế Tôn có dạy:

“Không phải vì nói nhiều
Mới xứng danh trì pháp
Những ai tuy nghe ít
Nhưng thân (1) hành đúng pháp
Không phóng túng, buông lơi
Mới xứng danh trì Pháp” (PC câu 259)

Xin thân ái chào tất cả anh chị em.

Một người anh

– (1) Theo chú thích của thầy Thích Trí Đức trong bản dich kinh Pháp Cú – Phật Học Viện Trung Phần xuất bản 1959: “thân đây là Namakayena, tức danh uẩn chứ không phải Rupakayena tức sắc uẩn, vậy đây có nghĩa là “tự mình (tâm) hành đúng pháp”

339 lượt xem