Anh chị em Lam viên thân mến.!
Ngày trước có nhiều câu chuyện được truyền tụng trong quần chúng để chứng tỏ: Bất cứ điều gì xảy ra cho con người đều do “số phận”.
Chuyện thường được kể đi kể lại nhiều nhất là “số chết nước”. Người có số chết nước thì thế nào cũng phải “chết nước”. Hoặc sỉa chân xuống hố, xuống sông, hoặc bị chìm đò, hoặc bị nước lũ cuốn trôi….
Có một vị chức sắc trong một làng nọ, được thầy tướng số mách bảo: “Số ông là phải chết nước”. Từ đó ông hết sức đề phòng, không dám qua sông, qua đò, không dám xuống bến, xuống ao. Ngày nào cũng phập phồng lo sợ, mất ăn, bỏ ngủ, thân hình mỗi ngày một tiều tụy. Vợ con đều lo lắng buồn rầu.
Thế rồi, một sáng kia, thức dậy rửa mặt, úp mặt vào thau nước mà chết! Chuyện hư thực chẳng hay, chỉ biết được truyền tụng rộng rãi, ai ai cũng biết.
Dĩ nhiên, là Phật tử, chúng ta chỉ tin ở nhân quả báo ứng, tin ở duyên sinh. Qua câu chuyện nầy, chưa bàn đến vấn đề tin tưởng, chúng tôi nhận thấy, sao người ta quá dại dột. Giá như “số phận” là đúng đi, thì cứ thanh thản mà nhận lấy, chạy trốn ngã nào? Làm gì phải lo âu hốt hoảng, chuốc lấy đau khổ dai dẳng rồi cuối cùng…. cũng chết nước!!
Với Đạo Phật thì không thế, tất cả những gì xảy đến cho ta đều do nghiệp báo. Mà “nghiệp” là do chính mình tạo lấy, không ai đặt để cả. Bởi thế, chúng ta có thể chuyển cái “nghiệp” của mình nhờ tu. “Tu là chuyển nghiệp”. Chính vì vậy mà các thầy tướng số bao giờ cũng lấy câu ngạn ngữ: “Số bất cập đức” để rào đón. Tục ngữ mình cũng còn nhiều câu khuyên răn người đời tu nhân tích đức: “Đức năng thắng số.”
Trong những mẫu chuyện đạo cũng có chuyện nói đến vấn đề nầy. Chuyện “Cửa Thiền” thỉnh thoảng cũng đề cập đến. Chuyện một Thiền sư nhập thiền thấy được một đệ tử của mình sắp xả bỏ báo thân, liền gọi chú ấy đến chuyện trò rồi cho chú về thăm nhà, thầy dặn dò: “Kì nầy con về thăm gia đình, cứ thong thả, ở lại với cha mẹ lâu lâu cũng được, không sao”.
Năm hôm sau, chú trở lại chùa, vào bái tạ sư phụ với niềm hỉ lạc. Sư phụ ngạc nhiên, gạn hỏi nhiều điều. Ngài cặn kẻ hỏi đi, hỏi lại: “Con về nhà có làm điều gì đặc biệt, khác thường không?”. Chú đáp:
– Bạch Thầy, vẫn như thường khi, không có gì là đặc biệt.
– Vậy con nhớ lại, trên đường về nhà có gì xảy ra?
– Bạch Thầy, chẳng có gì xảy ra, vẫn bình an vô sự.
– Con nhớ kĩ lại đi, con có giúp ai điều gì lớn lao không?
– Chẳng có gì đâu.
– Vậy con thuật lại tỉ mỉ rõ ràng những gì trải qua trên đường về nhà cho thầy nghe nào.
Thì ra, lúc qua đò, chú thấy một ổ kiến được bao phủ bằng lá, trôi lềnh bềnh trên dòng sông, nhiều con đã chơi vơi, chết chìm trong nước. Nhờ người lái đò chèo đến sát ổ kiến, chú vớt lên, qua đến bờ bên kia, chú cẩn thận đặt vào một gốc cây có cỏ bao quanh.
Vị Thiền sư nở nụ cười hoan hỉ, gương mặt phương phi của người giờ đây thêm rạng rỡ.
Thưa các anh chị em, thế đó, chỉ một cử chỉ nhỏ thôi mà cứu vớt được biết bao nhiêu chúng sinh! Nhờ đó, chú đã được chuyển nghiệp. Nhân quả, nghiệp báo là vậy.
Lại có một câu chuyện nực cười nầy nữa:
Có một ông phú hộ được bạn tặng một chiếc quạt bằng lông công rất đẹp. Quả là quí hiếm!
Hàng ngày, ông dành nhiều thời gian ngồi ngắm nghía. Một ngày kia có một vị khách vốn là bạn thân ngày trước ghé thăm, ông chỉ lên cây quạt khoe khoan. Vị khách trầm trồ khen ngợi rồi bảo: “Số phận của nó ngắn ngủi lắm, chỉ tồn tại có 3 hôm thôi, vào giờ ngọ ngày thứ 3, nó sẽ tan tành như xác pháo.”
Bán tín, bán nghi, nhưng câu nói ấy đã làm cho ông phú hộ băn khoăn lo lắng. Ngày thứ 3 đã đến, số phận đến với cây quạt như thế nào?
Trưa hôm ấy, mâm cơm đã dọn ra, cả nhà chỉ còn chờ ông phú hộ. Thưa đi, thưa lại, mời đi, mời lại, ông ta vẫn ngồi lặng yên, đôi mắt dán vào cây quạt không chớp. bà vợ nổi xung, thét lên: “Cái quạt chứ gì mà ghê gớm thế, đã trưa rồi, mọi người chỉ đợi một mình ông”. Ông ta cũng nổi tức, hét lại: “Thì cứ ăn đi, ai bảo đợi, bảo chờ đâu!”. Cứ thế, gần một tiếng đồng hồ, cơm canh đã nguội. Rồi lời qua, tiếng lại, mỗi lúc một ồn ào. Ông phú hộ lớn tiếng quát tháo nhưng mắt vẫn không rời cây quạt, bà vợ nổi cơn thịnh nộ, giật mạnh cây quạt treo trên tường xuống, đập nát tan tành.
Đúng là số phận cây quạt đã chấm dứt vào giờ ngọ! Phải thế không, thưa các anh chị?
Riêng tôi thì không nghĩ vậy. Ông khách nầy là bạn thân thiết trước kia của ông phú hộ, chắc chắn quá khứ đã nhiều lần tới lui. Tính tình hung dữ của bà vợ ông phú hộ, chắc ông đã rõ. Tâm lí ông phú hộ ra sao, chắc ông đã nắm được. Vậy dựa vào “duyên, sinh”, người huynh trưởng chúng ta có thể giải thích vấn đề nầy một cách dễ dàng thôi. Cái gì cũng do nhiều nhân, nhiều duyên kết hợp lại:
– Trước hết, ông khách đã hiểu tâm lí ông phú hộ: mê mệt đắm say với những vật quí giá mà mình có được, chứ không có trí tuệ.
– Bà vợ ông ta là con người quá nóng nảy, hay giận dữ.
– Gia đình nầy không hề có sự trao đổi, bàn bạc với nhau trước một vấn đề quan trọng. Ai cũng giữ riêng suy tư của mình, mỗi người là một ốc đảo (mất hạnh phúc gia đình là chính ở đây).
– Sự bực mình chờ đợi của cả gia đình trong bữa cơm trưa.
Trong chuỗi nhân duyên, nếu có một nhân hay một duyên thay đổi thì sự việc sẽ thay đổi.
Giá như ông phú hộ thông báo cho cả gia đình biết điều người khách nói và bàn bạc kĩ lưỡng với nhau, có “kế hoạch chung”, chẳng hạn, trưa đó ăn cơm sớm hơn, rồi cả nhà quây quần lại vui vẻ chờ xem “số phận cây quạt” xảy ra như thế nào? Chắc chắn, sự việc sẽ khác đi.
Âu đây cũng là một bài học cho chúng ta. Những điều gì mình biết được hoặc những điều gì mình đang tư duy, cũng nên trao đổi, chia sẻ với nhau “Kiến hòa đồng giải”. Chúng ta nên mạn đàm, thảo luận để có sự nhận định sáng hơn và thống nhất “Ý hòa đồng duyệt” tránh chuyện “Ông nói gà, bà nói vịt”, gây hiểu lầm, rồi “Cái mẩy sẩy cái ung” thì thật là đáng tiếc.
Lần nầy chúng tôi muốn thưa với các anh chị em đôi điều như vậy. Mong anh chị em suy gẫm!
Thân ái chào tất cả.
Ban biên tập.
341 lượt xem
Tin khác
Duyên lành hội đủ, BHD GĐPT Gia Định trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập BHD GĐPT Gia Định vào ngày 01.12.2024 tại chùa Như…
Năm nay, GĐPT Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm Chu niên lần thứ 75. Trong tâm nguyện tri ân, tiếp tục truyền trao ngọn đèn vô tận cho thế hệ…
GĐPT Lâm Đồng hình thành và phát triển qua 75 năm (1949 – 2024). Khởi đầu từ Gia đình Phật Hóa Phổ Lâm Viên, thế hệ anh chị đi trước…
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2024 (nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn), Phật lịch 2568, thể theo lời cung thỉnh của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế…
Vào hồi 13g30 (giờ địa phương Thailand) ngày 7 tháng 10 năm 2024, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Tại Hải Ngoại lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2028 đã chính thức khai…