Thưa Anh Chị Em Lam Viên bốn phương,

Mùa Phật Đản đã trở lại cùng với mùa Xuân, với mùa bồ đề thay lá, với mùa an cư kiết hạ của chư Tăng…

Bất cứ trong trường hợp nào ACE chúng ta cũng có dịp học tập. Anh Chị Em còn nhớ câu chuyện “Chàng Ngốc cất sữa” không? Có anh chàng kia muốn đãi khách bằng sữa của con bò cái, anh ta nghĩ rằng: nếu ngày nào cũng vắt sữa để dành thì lâu ngày sữa sẽ bị hư, chi bằng để dành sữa trong bụng con bò thì hay hơn!!! Nghĩ sao làm vậy, anh ta tách riêng, không cho lũ bò con đến gần bò mẹ, để dành sữa cho bữa tiệc sắp đến. Một tháng sau, đến khi cần dùng, anh ra mới đem bò cái ra vắt sữa; lúc ấy sữa đã cạn, không thể vắt ra được một giọt nào. Buổi tiệc của chàng Ngốc tất nhiên là thất bại thảm thương!

Thưa Anh Chị Em,

Câu chuyện cười của nhân gian nhưng đối với ACE chúng ta cũng rút ra được vài bài học quí giá, có phải không? Trước hết là bài học về “để dành không đúng cách” Chúng ta thấy nhiều người suy nghĩ rằng phải đợi có nhiều tiền mới làm việc Phật sự được – như bố thí chẳng hạn – nên cứ lo việc kiếm tiền, kiến tiền và kiếm tiền. Cho đến lúc quên hẳn mục đích ban đầu là kiếm tiền để làm Phật sự, mà chỉ còn lại mục đích ham tiền! Ý chí ban đầu dành cho việc Phật sự là bố thí đã khô cạn như bầu sữa của bò cái bị khô cạn vì không sử dụng đúng mục tiêu là nuôi bầy bò con.

Tiếp đến về ý nghĩa biểu tượng: trong việc tu hành, cứu cánh và phương tiện là hai việc phải rõ rang. Ví như cứu cánh, mục tiêu giáo dục GĐPT chúng ta là đem Đạo vào Đời, nội dung giáo dục là hoằng dương Chánh Pháp, còn những bộ môn Văn nghệ, Hoạt động thanh niên… là phương tiện để thu hút tuổi trẻ đến với Đạo Phật thông qua GĐPT. Nếu không hiểu như vậy, cứ sa đà theo văn nghệ thế gian với những lời ca ý nhạc khêu gợi dục vọng, ái dục, ham muốn… thì chúng ta đã tách phương tiện ra khỏi cứu cánh cũng giống như tách rời bò con ra khỏi bò mẹ thì sữa của bò mẹ cũng khô cạn, vì không cho con bú. Chánh pháp nếu không áp dụng vào đời sống hằng ngày của Phật tử thì cũng không còn là chánh pháp nữa mà chỉ còn là hý luận trong lúc “trà dư tửu hậu” mà thôi!

Bài học thứ ba là “ Chùa đất mà Phật bằng vàng” mới qúy. Nhiều vị xuất gia hay tại gia mà muốn xây cái chùa cho thật lớn rồi mới thuyết pháp (hay mời chư Tăng về thuyết pháp) nhưng quên rằng lao tâm lao lực để xây nên một cảnh chùa vĩ đại, đến khi khánh thành thì Thầy đã già yếu, sức đã kiệt, trí đã suy, không còn đủ minh mẫn để trao truyền lại cho Phật tử của mình những pháp giải thoát của ý chí, tâm nguyện xuất gia ban đầu của mình nữa.

Cuối cùng, trở về quán chiếu bản thân và bản tâm mình: chúng ta tu học và tu tập đạo giải thóat thì cứu cánh là giải thoát khỏi những đau khổ phiền não, khỏi những “nghiệp chướng” mà đi chùa, tụng Kinh, bố thí cúng dường, xây chùa, đúc chuông… là phương tiện. Chúng ta tu phương tiện là để tích đức (phước đức chứ không phải công đức), là tốt nhưng đừng quên cứu cánh để đến nỗi tách rời cứu cánh mà chỉ lo chạy theo phương tiện không thôi, thì sẽ làm kiệt quệ pháp giải thoát cũng giống như đem bò con ra xa bò mẹ, phương tiện không đưa đến cứu cánh – thì càng tu – Tâm càng bị nhiễm ô. Thật vậy, ví dụ mục đích của thiền định là thanh lọc tư tưởng, nghĩa là giữ gìn chánh niệm, sao cho tâm bình, khí hoà, không chạy theo ham muốn chán ghét khi có 1 tạp niệm khởi lên trong tâm. Nếu chúng ta không tỉnh thức, chúng ta sẽ “chạy theo” đủ thứ tạp niệm, thậm chí quên mất những bài học về quán sát hơi thở để định Tâm mà còn để tâm dong ruỗi đến những miền xa lạ. Tâm khởi lên đủ thứ phân biệt: yêu-ghét, lấy-bỏ, hơn-thua, thị-phi… đó chính là ta đã tạo ra những “nghiệp chướng nặng nề”. Câu chuyện của chàng Ngốc này nhắc nhở chúng ta từ vọng niệm quay về chánh niệm (Chàng Ngốc chỉ vì xa lìa chánh niệm, khởi lên một “niệm ngu” là “đề dành sữa” mới ra nông nổi như vậy thôi)

Thân kính chúc Anh Chị Em một mùa Phật Đản an lạc và giải thoát! [Năm Nhâm Thìn này có 2 tháng Tư (nhuần) nên ACE chúng ta có 2 ngày Rằm tháng Tư và một mùa Phật Đản dài hơn mọi năm]

Kính chào Tinh Tấn,

Trân trọng,
BBT

351 lượt xem