Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,

Trong xã hội loài người, không có ở đâu mà không phân biệt giai cấp, chỉ là lộ liễu hay kín đáo mà thôi. Ở Á Đông thì con người được xếp thành 2 hạng: quân tử và tiểu nhân. Ở xã hội Ấn Độ thời đức Phật thì vấn đề phân chia giai cấp quá nặng nề, và giai cấp bị khinh khi nhất là “giai cấp cùng đinh”. Chỉ có đức Phật dám thu nhận hạng người này vào trong Tăng đoàn của ngài để chứng minh cho mọi người thấy rằng giá trị con người không phải ở nơi giai cấp mà là ở nơi hành vi của mình.

Thưa Anh Chị Em
Thật vậy, trong Kinh “Hạng Cùng Đinh” có kể câu chuyện như sau:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn ở Kỳ Viên, đắp y, mang bát chuẩn bị vào thành Xá Vệ để khất thực. Trong thành Xá Vệ cùng lúc ấy, có một người Bà la môn cũng đang chuẩn bị để dâng cúng vật thực. Đức Thế tôn ôm bình bát đi từ nhà này sang nhà khác, và đến gần nhà của người Bà la môn. Thấy đức Phật từ xa đến người Bà La môn nói: “hãy đứng lại, này ông thầy tu kia! Hãy dừng lại, này ông đạo bần tiện đê hèn! Hãy đứng lại đó, này người cùng đinh khốn khổ!”

Khi nghe như vậy, đức Thế tôn ôn tồn nói: “Này ông Bà la môn, ông có biết người cùng đinh là thế nào và cái gì làm cho người ta trở thành cùng đinh không?”
_ Không, quả thật tôi không biết! này Gotama, tôi không hiểu cùng đinh là thế nào và những gì làm cho ta trở thành cùng đinh; xin hãy chỉ dạy cho tôi !
_ Hãy nghe đây ông Bà la môn: Mới sinh ra không ai là cùng đinh, không ai là bà la môn; trở thành cùng đinh hay trở thành bà la môn là do ở hành vi; những hạng người sau đây:

1. con người dễ nóng giận, nhiều thói hư tật xấu, bản tính giả dối, ưa gạt gẫm, phỉnh lừa.. _người ấy là cùng đinh;
2. con người không có lòng bi mẫn đối với chúng sanh, thường làm tổn thương chúng sanh;
3. người đi tiêu diệt thôn xóm, vây hãm thôn xóm, áp chế và chinh phục, người ấy là cùng đinh;
4. người nào trộm cắp hay cướp đoạt tài sản, của cải của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, người ấy là cùng đinh.
5. người nào giựt nợ rồi bỏ trốn, khi được hỏi thì lại nói ngược “tôi có thiếu nợ gì đâu”, người ấy là cùng đinh;
6. người nào vì lòng tham giết bạn để đoạt của, người ấy là cùng đinh;
7. người nào được mời làm nhân chứng mà vì lợi mình đã nói lời giả dối, người ấy là cùng đinh;
8. người nào dùng quyền lực áp bức hãm hiếp hay dụ dỗ phụ nữ, người ấy là cùng đinh;
9. người nào mắng chưởi hay đánh đập cha mẹ, người ấy là cùng đinh;
10. người nào giàu có mà không phụng dưỡng cha mẹ già, người ấy là cùng đinh;
11. người nào khi được hỏi về những điều phải trái thiện ác mà không chỉ dạy hết lòng, còn giấu kín những hiểu biết của mình, kẻ ấy là cùng đinh;
12. người nào đã làm điều ác mà không biết sám hối, còn giấu nhẹm, ấy là người cùng đinh;
13. người nào không đối đãi tốt với người đã đối xử tốt với mình, ấy là người cùng đinh.
14. người nào lường gạt, khuấy nhiễu, hoặc không dâng cúng vật thực cho một tu sĩ đi khất thực, một đạo sĩ ẩn dật, một người bà la môn … người ấy là cùng đinh;
15. người nào bị u mê, vô minh che lấp, lại bày trò tiên tri bậy bạ để mưu sinh bất chánh, người ấy là cùng đinh;
16. Kẻ nào tự tâng bốc mình, khinh rẻ người khác, kẻ ấy là cùng đinh;
17. Kẻ nào có tính ưa khấy nhiễu, tham lam vô độ, không biết hổ thẹn, không sợ gây tội lỗi, kẻ ấy là cùng đinh;
18. người nào mắng chưởi, nguyền rủa Phật và các đệ tử Phật, người ấy là cùng đinh;
19. người nào chưa đạt quả vị A la hán mà tự xưng A La Hán, người ấy là cùng đinh.

Sau khi nghe những lời giảng dạy của đức Phật, người Bà la môn tán thán công ơn của ngài như sau: lành thay, bạch đức Gotama! Cũng như người kia dựng lại ngay ngắn một vật đã bị lật đổ, hay khám phá ra một vật đã được giấu kín, hay vạch đường chỉ lối cho người lạc bước, hay cầm đèn soi sáng trong đêm tối … giáo pháp của ngài thật cao thượng, con xin được quy y với đức Gotama, nơi Giáo pháp của ngài và nơi các vị đệ tử của ngài!

Thưa Anh Chị Em,

Tâm Từ của đức Thế tôn đã cảm hóa người Bà La Môn một cách kỳ diệu, từ một người không hiểu biết, phát ngôn bừa bãi, ông ta quay góc 180 độ khi thấy thái độ bình thản và từ ái của đức Thế tôn, ông ta đã “giác ngộ” được ý nghĩa 2 chữ cùng đinh khi nghe đức Phật từ bi giảng giải, rồi trở thành đệ tử Phật.

Là đệ tử Phật, là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, chúng ta có trách nhiệm hoằng dương chánh Pháp, chúng ta phải noi theo gương ngài “dựng lại ngay ngắn” những gì đã bị làm xáo trộn, “cầm ngọn đèn” Phật Pháp soi sáng cho bóng tối tan đi v.v.. bằng cách mở rộng lòng thương và trau giồi Trí tuệ để có thể quán chiếu những sự việc trong đời sống hằng ngày _ để những lời nói, ý nghĩ và việc làm của chúng ta từ thể chất đến tinh thần đều trong sạch.

Thân kính chúc Anh Chị Em một ngày đầu tuần an lạc và thảnh thơi.

Trân trọng,
BBT

430 lượt xem