Thưa Anh Chị Em Áo Lam bốn phương,
Mặc dù chúng ta đã từng dạy cho đàn em mình “nghệ thuật nghe Pháp thoại” nghĩa là chúng ta đã biết thái độ nghe Kinh, nghe Pháp, phải như thế nào mới đúng cách, nhưng đôi khi chúng ta vẫn còn phạm nhiều sai lầm trong vấn đề này, nhất là nghe quý Thầy giảng Kinh qua hệ thống viễn liên hay nghe băng kinh v.v.. . Điều đáng lưu ý là không những chúng ta ngày nay mà hồi xưa, lúc đức Phật còn tại thế cũng đã có những người nghe Kinh, học Kinh thiếu nghiêm túc rồi. Xin chia sẻ với ACE câu chuyện về nghe Pháp và nguyên nhân của chướng ngại khiến người ta khó lòng nghe hiểu chánh Pháp.
Thuở đó, có 5 người đệ tử tại gia của đức Phật đến nghe ngài giảng Pháp tại chùa Kỳ Viên. Trong khi đức Phật đang giảng nói, một người ngồi ngủ gục, một người lấy ngón tay vẽ vạch dưới đất, người thứ ba ngồi phía sau gần gốc cây, lắc nhẹ vào cành lá, người thứ tư ngẩng đầu lên nhìn bầu trời còn người thứ năm, ngồi gần bên đức Phật chăm chỉ nghe lời Phật, chẳng bỏ sót câu nào. Tôn giả A Nan đứng hầu bên cạnh Phật, nhìn thấy rất rõ cả năm người nên khi đức Phật giảng xong, tôn giả thưa riêng với ngài về thái độ nghe kinh của họ. Đức Phật nói: “này A Nan, năm người cư sĩ này còn chưa dẹp bỏ xong các thói quen của họ trong kiếp trước. Người ngồi ngủ gục, kiếp trước vốn là một con rắn, thường khoanh mình lại nằm trong xó, ngủ triền miên. Người thứ hai thì kiếp trước là một con trùn thường chui qua chui lại trong đất. Người thứ ba kiếp trước là một con khỉ, cứ luôn chuyền cành nọ sang cành kia. Người thứ tư, đời trước là một nhà chiêm tinh cứ ngẩng đầu lên xem các vì sao trên trời còn người thứ năm kiếp trước là một nhà toán học. Này A Nan, cần phải chú tâm chăm chỉ mới biết nghe chánh Pháp. Vẫn còn rất nhiều người chẳng biết chú ý lắng nghe”
Tôn giả A Nan thưa hỏi: “Bạch đức Thế tôn, có những sự ngăn cản nào khiến cho người ta không nghe hiểu được chánh pháp đang giảng nói?” Đức Phật đáp: “Có 3 thứ độc lớn ngăn cản người nghe khó lòng thấu hiểu được chánh pháp, đó là: tham, sân, si, nhất là tham, lửa tham đốt cháy tâm tất cả chúng sanh không hề ngưng nghỉ” rồi đức Phật nói lên bài kệ sau đây:
Lửa nào bằng lửa tham
Chấp nào bằng sân hận
Lưới nào bằng lưới si
Sông nào bằng sông ái
(Kệ số 251_ Kinh Pháp Cú)
Nhà thơ Phạm Thiên Thư dịch:
Lửa nào bằng tham dục
Ngục nào bằng tâm sân
Lưới nào hơn mê đắm
Sông ái dục nhận chìm
Lời dạy của Đức Thế Tôn áp dụng vào thời nào cũng đúng; ACE chúng ta dù kiếp trước không phải là con rắn hay con khỉ, kiếp này vẫn ham ngủ và có thể ngủ gục khi đang nghe giảng Pháp (ở nhà hay ở trại đều có thể ngủ ngon lành !!) cũng có thể ngồi nghe giảng mà tâm đang ở mãi tận đâu đâu (“tâm viên ý mã”) hoặc ngồi nghe giảng mà không thấy giảng sư, không thấy đại chúng, lòng như lửa đốt vì tâm đang dán chật vào một cuộc vui đã bị lở hẹn v.v.. và v.v..
Đây là đề tài mà anh chị em chúng ta cần suy gẫm và quán chiếu về ba Độc Tham, Sân, Si và Ái dục.
Thân kính chúc Anh Chị Em một mùa Vía Quan Thế Âm an lạc và giải thoát.
Trân trọng,
BBT
705 lượt xem
Tin khác
Duyên lành hội đủ, BHD GĐPT Gia Định trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập BHD GĐPT Gia Định vào ngày 01.12.2024 tại chùa Như…
Năm nay, GĐPT Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm Chu niên lần thứ 75. Trong tâm nguyện tri ân, tiếp tục truyền trao ngọn đèn vô tận cho thế hệ…
GĐPT Lâm Đồng hình thành và phát triển qua 75 năm (1949 – 2024). Khởi đầu từ Gia đình Phật Hóa Phổ Lâm Viên, thế hệ anh chị đi trước…
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2024 (nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn), Phật lịch 2568, thể theo lời cung thỉnh của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế…
Vào hồi 13g30 (giờ địa phương Thailand) ngày 7 tháng 10 năm 2024, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Tại Hải Ngoại lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2028 đã chính thức khai…