Anh chị em Lam viên thân mến!
Trong lá thư trước đó, chúng tôi đã xuyên qua bài giảng của Sư bà Huệ Tâm để anh chị em mình thấy được tình hình Phật giáo trước đây hơn 80 năm và suy gẫm, quán chiếu tình hình Phật giáo hiện tại. Bình tâm nhận ra sứ mệnh của chúng ta quá kỳ vọng của hội An nam Phật học (kỳ vọng vào Gia đình Phật hóa phổ, tiền thân GĐPT hiện nay). Bác Tâm Minh Lê đình Thám, người đầu tiên cùng với Đại sư Giác Tiên cổ xúy thành lập hội. Cũng là người đầu tiên cùng với các vị tiền bối khác thành lập đoàn Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ.
Trong lá thư ấy chúng tôi cũng gợi ý anh chị em chúng ta hãy nhìn lại những tác phẩm giáo dục của tổ chức GĐPT mới có thể thấy được kết quả giáo dục của minh. Đến hôm nay chắc chắn mỗi chúng ta ai cũng nhìn thấy rồi. Trong tất cả các thời kỳ, qua tất cả các thời đại, người đoàn viên GĐPT vào đời là những công dân gương mẫu, nếu là công nhân, làm việc tích cực là viên chức, dù địa vị nào, chưa có ai tham ô móc ngoặc, hối lộ đục khoét của dân, là thầy giáo, y bác sĩ, hết lòng dạy dỗ, hết lòng cứu chữa bệnh nhân … Đối với tổ chức, gắn bó, phục vụ nhiệt tình. Trong những cơn bão lụt lớn trước đây, đã từng có những Huynh trưởng bỏ mình trong công tác cứu nạn. Trong các khu dinh điền thời Ngô đinh Diệm hoặc các vùng kinh tế mới sau 1975, nơi nào có được năm, bảy anh em Huynh trưởng thì nơi đó mọc lên được một ngôi chùa bằng tranh lá, dù hoàn cảnh rất bức bách, ngăn cấm triệt để. Ở Hải ngoại thì nơi nào quy tụ được mươi,mười lăm anh chị trưởng thì vài tháng sau đã có được hình bóng Đoàn trẻ Áo lam .
Gần đây tại quốc nội có nhiều Huynh trưởng bị bức bách bằng cách nầy hay cách khác buộc phải rời bỏ tổ chức GĐPT thì anh chị em nầy đã khắn khái xác định rõ lập trường của mình .
Ngày nay tại quốc nội, đạo đức thanh niên càng ngày càng xuống dốc trầm trọng, tệ nạn xã hội càng ngày càng đầy dẫy nhưng đã có trường hợp nào tội phạm xã hội lại có đoàn viên GĐPT chưa ?
Thưa anh chị em, thật tình mà nói, thật lòng mà nhìn, hiện tại vẫn có một số đoàn sinh lớn, huynh trưởng trẻ tại quốc nội, vì học hành, vì kế sinh nhai phải rời gia đinh bố mẹ, rời luôn cả Gia đình Phật tử, sống theo bạn bè ngoài đời, đạo đức cũng từ từ tụt hậu. Huynh trưởng tại hàng của chúng ta đã có một số (tuy không nhiều ) rơi vào nhậu nhẹt bê tha, ban đầu thì bảo là “vì xã giao đối đãi, “vì “giao tiếp làm ăn”, nhưng dần dần biến chất lúc nào không hay !
Nhìn số quần chúng Phật tử thì thế nào ? Một ngườì khách quan đã nhận xét: “ . . . bên cạnh đó một số vụ việc, hiện tượng mà dư luận cũng như báo giới đã phản ảnh về hình ảnh của người Phật tử, tạo sự ngộ nhận đáng tiếc về đạo Phật. Đạo giác ngộ giải thoát trở thành mê tín dị đoan. Đã thế lại còn diễn ra hiện trạng, tuy không rầm rộ nhưng bền bĩ, có những tổ chức sử dụng nhiều biện pháp tinh vi, kể cả dùng tiền bạc, vật chất mua chuộc, lôi kéo Phật tử bỏ đạo, tạo bất ổn trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, ảnh hưởng đến mạng mạch Phật pháp, người quan tâm đến đạo pháp làm sao không khỏi băn khoăn suy nghĩ . . .
Theo nhận định của một số người mà báo giới cũng đã đề cập, bức tranh khá phổ biến về tình hình tu học của người Phật tử hiện nay là nặng về hình thức, mang tính phong trào, có lượng mà ít chất. Người đi chùa những năm gần đây hầu hết là ông già, bà lão đến chùa để tìm chỗ nương tựa khi tuổi xế chiều, còn lại là đàn bà, phụ nữ đến chùa để cầu an cầu siêu, nhương sao giải hạn…”
Phật tử tại gia thì thế nhưng tu sĩ thì sao? Quý vị nào về quê hương, đi qua các con đường trước các trường cơ bản, trung cấp hoặc cao cấp Phật học ở Sàigòn trong giờ tan học cũng thấy cảnh tượng Tăng sinh trẻ cỡi Honda, liệng như bướm. Có những buổi sáng tinh mơ trong vài quán cà phê, thỉnh thoảng vẫn có các tu sĩ trẻ ngồi nhấp nháp nghe nhạc … đời.
Chúng tôi không dám nói nhiều hơn nữa vì e rằng cái nhìn của mình có phiến diện chăng? Hơn nữa không dám… Xin mượn lời thổn thức của một vị tôn đức:
“Gần đây, nhiều Phật tử thắc mắc: Tăng ni bây giờ quá đông nhưng người tu quá ít, trường lớp bây giờ quá nhiều nhưng chất lượng dạy và học chưa có là bao, hình thức sinh hoạt bên ngoài thì rôm, nhưng tinh thần và nội dung quá kém, chùa chiền tu sửa thật nhiều và thật đẹp nhưng quy luật thiền môn, giải thoát tâm linh thì quá yếu. – Đó là một số chùa ở thị thành, còn thôn quê thì sao? Một mảnh đất cỏn con với một ngôi chùa nho nhỏ để dân gởi gắm tâm linh trau dồi đức hạnh cũng bị chiếm dụng, thì trách gì mà đạo đức không bị xói mòn, lòng người không ly tán! Niềm tin không lung lay! Tăng ni thì tìm nơi phồn hoa đô thị mà ở chen chúc nhau sống với phương tiện tân thời…”
Có lẽ nhiều anh chị đã mỉm cười “Chúng ta lo bao đồng quá! Đâu phải là trách nhiệm của chúng ta? Lo cho đàn em của mình đã không xuể đâu lại với tay cao xa dữ vậy!” Nói thế thật không sai, nhưng vậy thì nhiệm vụ bảo vệ Đạo pháp của chúng ta ở đâu? Chỉ việc bảo vệ không cho người ta phá chùa là bảo vệ đạo pháp ư ? Bảo vệ ngôi chùa cao cả tinh thần của người Phật tử kia! “Mái chùa che chở hồn dân tộc” mà chúng ta chỉ bảo vệ “mái chùa” còn không bảo vệ “hồn dân tộc” sao? Hơn nữa chúng ta phải tâm niệm những kỳ vọng mà bác Tâm Minh đã đặt cả vào chúng ta, vào Gia Đình Phật Tử.
Thưa các anh chị,
Chúng tôi có nói gì đến những việc cao xa đâu ? Chỉ cần đem hết tâm trí lo cho đàn em của chúng ta, mỗi đoàn viên sẽ là một công dân, một cư sĩ hộ pháp ngày mai. Các em còn có ảnh hưởng đến gia đình của mình, mỗi gia đình cũng có năm, bảy thành viên, mỗi thành viên cũng có ít nhất năm, bảy thân hữu trong xã hội, lo gì không đáp ứng được kỳ vọng của bác. Chỉ cần đơn vị hạ tầng của chúng ta có phát triển được không hay lại là èo ọp ? Hàng lãnh đạo chúng ta phải tư duy nhiều hơn nữa. Dù sao bức thư của anh chị em mình đây cũng là một tiếng chuông đấy, phải không thưa các anh chị?
Trong giáo từ của hội đồng Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPT/VN trong dịp thọ giới thập thiện và Bồ tát tại gia của hàng huynh trưởng lãnh đạo quốc nội ngày 14/12/08, quý ngài đã nhấn mạnh: “Riêng với tổ chức GĐPT, đại đức tăng luôn luôn xác định là con cháu kế thừa Đức Tôn của Phật giáo. Đến một địa phương nào mà thấy vắng bóng sinh hoạt của GĐPT, biết rằng Phật giáo ở địa phương đó rồi đây sẽ lụm tàn, vì tre tàn mà không có măng mọc”.
Mong rằng anh chị em chúng ta ý thức rõ trách nhiệm của chúng ta đối với đàn em của mình và của đạo pháp trong lúc nhiễu nhương này.
Thân ái!
BBT
444 lượt xem
Tin khác
Duyên lành hội đủ, BHD GĐPT Gia Định trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập BHD GĐPT Gia Định vào ngày 01.12.2024 tại chùa Như…
Năm nay, GĐPT Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm Chu niên lần thứ 75. Trong tâm nguyện tri ân, tiếp tục truyền trao ngọn đèn vô tận cho thế hệ…
GĐPT Lâm Đồng hình thành và phát triển qua 75 năm (1949 – 2024). Khởi đầu từ Gia đình Phật Hóa Phổ Lâm Viên, thế hệ anh chị đi trước…
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2024 (nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn), Phật lịch 2568, thể theo lời cung thỉnh của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế…
Vào hồi 13g30 (giờ địa phương Thailand) ngày 7 tháng 10 năm 2024, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Tại Hải Ngoại lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2028 đã chính thức khai…