Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,

Nói về tu học và tu tập, đức Thế Tôn luôn ví người thực hành Phật Pháp (hành giả) như người chăn trâu với con trâu chính là Tâm của mình _ Hành giả phải luôn chăn giữ “con trâu lòng” thật cẩn thận, đừng để nó chạy rông, dẫm đạp lên lúa mạ của người khác; dụng cụ của người chăn Trâu chính là Giới, Định và Tuệ. Hành giả dù là người xuất gia hay tại gia cũng phải hết sức giữ gìn chánh niệm.

Xin hãy lắng lòng để nghe lời đức Phật dạy:

Người xuất gia giỏi cũng phải biết và làm với Thân và Tâm của mình giống như người mục đồng đối với con Trâu của họ vậy!

Nếu người mục đồng nhận diện được con Trâu của mình thì người xuất gia cũng phải nhận ra được những yếu tố cấu tạo nên sắc thân của mình.

Nếu người mục đồng nhìn ra được con Trâu của mình ở giữa một bầy Trâu thì người xuất gia cũng phải nhận ra được những hành động nào của thân, miệng, ý của mình là thiện (nên làm) hay bất thiện (không nên làm)

Nếu người mục đồng biết tắm rửa sạch sẽ cho Trâu thì người xuất gia cũng phải biết buông xả, gột rửa, thanh lọc Tâm mình khỏi những ô nhiễm của 3 chất độc Tham, Sân, Si.

Nếu người mục đồng biết chăm sóc các vết thương của Trâu thì người xuất gia cũng phải biết hộ trì 6 căn Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý của mình để cho 6 trần không thể lung lạc được.

Nếu người mục đồng biết un khói để Trâu khỏi bị muỗi đốt thì người xuất gia cũng phải biết đem Phật Pháp truyền bá cho người chung quanh để họ được lợi lạc.

Nếu người mục đồng biết tìm đường đi an toàn cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết tránh những con đường đưa đến danh lợi, sắc dục, hý trường, v.v..

Nếu người mục đồng biết thương yêu trâu thì người xuất gia cũng phải biết quí trọng những niềm vui an lạc do thiền tập đem đến.

Nếu người mục đồng biết tìm bến tốt cho Trâu qua sông thì người xuất gia cũng phải biết nương vào “Bốn sự Thật mầu nhiệm” để biết bến biết bờ.

Nếu người mục đồng biết tìm nơi có cỏ non và nước uống cho Trâu thì người xuất gia cũng phải biết rằng “Tứ Niệm Xứ” là mảnh đất tốt để trổ hoa giác ngộ.

Nếu người mục đồng biết bảo trì những vùng thả trâu thì người xuất gia cũng phải biết thận trọng khi tiếp xúc với quần chúng và thu nhận của cúng dường

Nếu người mục đồng biết dùng những con trâu lớn làm gương cho trâu con thì người xuất gia cũng phải biềt nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của các bậc Thầy đi trước.

Thưa Anh Chị Em,

Người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tuy không phải là người xuất gia nhưng cũng có thể coi như “xuất gia” ở một mặt nào đó, ở một lúc nào đó, trong một tâm thái nào đó … Tại sao? _xin thưa: vì “xuất gia” có 3 nghĩa đó là: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia. Anh Chị Em Huynh trưởng chúng ta, ngoài gia đình thế tục, chúng ta còn một đại gia đình rộng lớn là Gia Đình Phật Tử, không khác gì gia đình huyết thống, đó là gia đình tâm linh của chúng ta, gia đình này hôm nay đã lan rộng khắp thế giới. Chúng ta có anh chị em “ruột thịt” từ châu Á sang châu Âu, từ châu Mỹ đến châu Úc … như vậy coi như chúng ta đã phần nào xuất thế tục gia. Còn “phiền não gia” và “tam giới gia” thì ai xuất được chỉ tự mình biết lấy mà thôi. Thế cho nên những lời đức Phật dạy cho chư Tỳ kheo, anh chị em chúng ta vẫn có thể linh động áp dụng cho mình.

Ước mong chúng ta đều là những người mục đồng giỏi!

Kính chào tinh tấn!
Trân trọng,
BBT

683 lượt xem