Anh chị em Lam viên thân mến,

“Giai đoạn nầy đây chính là lúc Phật tử chúng ta càng phải siêng năng học Phật, càng nêu cao gương sáng Từ bi và Trí tuệ của Phật để cứu độ cho mình và nâng đỡ mọi tâm hồn đau khổ” (1)

Đây chính là lời của Hòa thượng Thích Đôn Hậu cách đây 64 năm mà như tuồng ngài đang nói với chúng ta hôm nay.

Anh chị em thân mến, khi đã chọn GIA ĐÌNH PHẬT TỬ làm lý tưởng, làm lẽ sống chắc hẵn chúng ta đã nhận rõ: Nơi đây chính là môi trường để chúng ta tu tập chuyển hóa bản thân, giải thoát khổ đau cho chính mình mà cũng chính là môi trường cho chúng ta thực tập “nâng đỡ mọi tâm hồn đau khổ”, trước mắt, trong phạm vi nhỏ hẹp “đàn em của chúng ta”.

Nhưng chính mình đang khổ đau thì làm sao cứu giúp ngưởi khác bớt đau khổ? Còn nếu nói anh chị Trưởng là những người đã hết khổ đau, có đúng không? Nếu thật sự như thế thì chúng ta đã là một vị Bồ tát hay một vị Thanh văn rồi! Chúng ta đang trên bước đường giải trừ đau khổ và đã vơi đi nhiều rồi, nhẹ gánh bớt rồi, “người đi trước vớt người đi sau” là tinh thần “độ tha” của đạo Phật. Thế mà người đàng trước khổ đau nặng chịch, e phải chìm ngũm, có đâu vớt được ai! phải không, thưa các anh chị?

Vậy, để giúp tha nhân (trước mắt là các em của mình) cũng vơi dần khổ đau như mình (đó chính là cứu cánh, mọi giáo dục của Gia Đình Phật Tử là phương tiện) thì chúng ta phải tinh tấn tiến tu.

Khi nhìn lại những nấc thang của người Huynh trưởng, phải thấy cho rõ mức tiến tu của mình. Nấc thang Kiên, Trì, Định, Lực … cũng chỉ là phương tiện “Hóa thành dụ”. Nhưng chính những phương tiện nầy đã giúp chúng ta tiến dần đến cứu cánh nên qua mỗi nấc thang phải nên tự quán chiếu lại mình.

Các anh chị em có nhận thấy không? khi chúng ta thật sự có kết quả trong tu tập bản thân thì việc giáo hóa cho đàn em lại có nhiều hiệu quả.

Ở các em cũng thế, người anh Trưởng, người chị Trưởng không chỉ nhìn kết quả tu học của các em qua những chứng chỉ Vượt bậc mà nhìn ở tính tình, phong thái, sự giao tiếp, ngôn ngữ, cử chỉ … nói chung là “nếp sống hiền thiện” của các em.

Có lẽ, có anh chị sẽ thắc mắc: Mục đích của chúng ta là “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chơn chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” kia mà! Đúng vậy, nhưng Phật tử chân chính thì phải là người biết chuyển hóa, vơi dần đau khổ. Có ai tự xưng là Phật tử chân chính mà càng ngày càng chồng chất đau khổ, không biết đường vượt thoát khổ đau? mà con người đầy khổ đau thì làm sao xây dựng được xã hội theo tinh thần Phật giáo? Xã hội theo tinh thần Phật giáo phải là xã hội thanh bình an lạc.

Vậy, nhớ lời Hòa thượng Thích Đôn Hậu măm xưa, anh chị em mình cùng cố sắng tu tập nhé!

Trân trọng
BBT

(1) Trong bài diễn văn khai mạc ngày kỷ niệm Thập bát chu niên của HỘI VIỆT NAM PHẬT HỌC – Mồng 8 tháng 2 Phật lịch 2513 – Dương lịch 1950 của ngài Thích Đôn Hậu – Chánh Hội trưởng Tổng trị sự.

403 lượt xem