Lần nầy chúng tôi xin trao đổi về THẤT DIỆT TRÁNH (1) Nghe qua, có vẻ mới mẻ lắm phải không? Cũ rích rồi, đã hơn 25 thế kỷ rồi! Nhưng Giáo lý đức Phật thì lúc nào cũng mới.
THẤT DIỆT TRÁNH tức là bảy nguyên tắc diệt bỏ sự tranh cãi để đưa đến sự hòa hợp. Cách đây hơn 2500 năm, đức Thế tôn đã đưa ra những nguyên tắc nầy để xây dựng cuộc sống hòa hợp trong Tăng đoàn.
Có lẽ anh chị sẽ thắc mắc, vậy đây là luật nghi mà sao có thể sử dụng cho cư sĩ mình được? Xin thưa, đúng vậy, như pháp Lục hòa, đức Phật chế ra để áp dụng trong Tăng đoàn đấy, nhưng rồi Ưu bà tắc, Ưu bà di thấy cần vận dụng vào tập thể để tạo ra sự hòa hợp trong tu tập và phát huy vai trò “cận sự nam, cận sự nữ”. Sau nầy trong GĐPT chúng ta đã lấy sáu pháp Hòa kỉnh nầy làm căn bản để xây dựng tình yêu thương đoàn kết, sách tấn tu học trong tổ chức (trong đó quan trọng là “Khẩu hòa vô tránh, Kiến hòa đồng giải và Ý hòa đồng duyệt”. Nhưng nhiều khi cũng chưa đạt kết quả cao phải không? Vậy chúng ta có thể lấy THẤT DIỆT TRÁNH bổ sung thêm.
1- Hiện tiền tỳ ni: Khi có sự tranh chấp xẩy ra, muốn giải hòa, cần có mặt cả hai đối chất đương sự để giải quyết (điều nầy hơi khó đấy vì nhiều lúc, một trong các đương sự không có tâm lắng nghe, nên cần phải tìm hiểu và làm công tác tư tưởng trước). Khi đã có mặt các đối tượng và thành phần chủ trì, các đối tượng cần được thoải mái trình bày các quan điểm, các suy nghĩ của mình. Thành phần chủ trì dẫn chứng các giới điều trong Luật nghi để xét đoán những quan điểm, những suy nghĩ, những hành xử nào đúng với lời Phật dạy, điều nào không đúng với lời Phật dạy? Cứ đem lời Phật dạy mà giải quyết sự bất hòa.
Chúng ta thì có thể chỉ thu gọn trong Năm điều luật, trong Nội quy, trong quy chế Huynh trưởng.
Như vậy, nguyên tắc thứ nhất nầy cần hội đủ 5 yếu tố:
Pháp hiện tiền (Giáo lý đức Phật), Tỳ ni hiện tiền (Có mặt các đương sự tranh chấp) Nhân hiện tiền (phải nêu được nguyên nhân xẩy ra bất hòa), Tăng hiện tiền (tập thể Tăng chúng) và Giới hiện tiền (Luật nghi)
2- Ức niệm tỳ ni: Đương sự hồi tưởng lại thời gian qua đã phạm tội lỗi gì? (tự giác). Nếu không tự giác thì các Tỳ kheo khác chất vấn, như vậy sự tranh cãi có thể khó chấm dứt. Hồi đức Phật tại thế, xẩy ra trường hợp nầy, thì Ngài dạy các Tỳ kheo “Bạch tứ yết ma”: cho tỳ kheo bị chất vấn có thời gian nhớ nghĩ lại, nếu đã nhớ ra, nhận ra lỗi của mình, nên như Pháp sám hối. Còn thật tình vẫn không nhớ được thì hoan hỷ bỏ qua. (Chúng ta vận dụng nguyên tắc nầy thì cũng hay đấy chứ)
3- Bất si tỳ ni: tức nếu người phạm lỗi, phạm giới trong lúc tinh thần hỗn loạn hoặc vì một tác nhân nào đó làm cho đương sự bất bình tĩnh thì khi nào tinh thần đương sự ổn định mới xem xét lại. Nếu đương sự nhận ra lỗi lầm thì để đương sự sám hối (tức là phải đợi một thời gian)
4- Tự ngôn trị tỳ ni: Đương sự phải tự phản tỉnh, thấy được lỗi lầm của mình thì bộc bạch ra để sám hối, chỉ cần sám hối là sự tranh cãi chấm dứt ngay.
5- Mích tội tướng tỳ ni: Người phạm tội lỗi không nói tội lỗi của mình ra, chỉ nói quanh co để chuyển qua một hướng khác, cố tình làm dài dòng thì một vị Tỳ kheo trong chúng nêu lên từng tội một của đương sự để họ thấy mà nhận tội.
6- Đa nhân ngữ tỳ ni: Khi hai đối tượng tranh cãi không dứt, không giải quyết được thì tập trung các vị Tăng hữu đức (nguyên văn) có lẽ theo thông thường chúng ta hiểu, các bậc Tôn túc, Cao tăng hội ý giải quyết.
7- Như thảo phủ địa tỳ ni: Tức là chấm dứt sự tranh cãi như cỏ lấp đất: Cứ để tự nhiên một thời gian, Tăng đoàn duy trì sự thanh tịnh mọi người miên mẫn gìn giữ giới luật, gìn giữ uy nghi thì phần tử có lỗi sẽ tự nhiên chuyển biến.
Anh chị em thân mến, có lẽ thực tế chúng ta cũng đã thấy, trong tập thể lắm lúc cũng đã có sự bất hòa, tranh cãi mà đôi lúc vận dụng pháp Lục hòa chưa đem lại hiệu quả, vậy chúng mình bổ sung thêm TDT xem sao. Trong tài liệu diễn giải của Ni sư Thich nữ Minh Thăng có nói: “THẤT DIỆT TRÁNH là phương pháp tối hậu giúp cho đoàn thể Tăng già càng vững mạnh … tránh được sự tranh cãi, xích mích, nghi ngờ”
Qua bài nầy chúng tôi cũng chỉ trao đổi chừng mực để chúng ta có thể thử nghiệm xem sao, chứ chưa hẳn đây là nguyên tắc áp dụng cho GĐPT.
Rất mong chúng ta cùng nhau thử nghiệm và trao đổi.
Thân ái
BBT
(1) Phỏng theo tài liệu diễn giải của Ni sư Thích nữ Minh Thăng
487 lượt xem
Tin khác
Duyên lành hội đủ, BHD GĐPT Gia Định trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập BHD GĐPT Gia Định vào ngày 01.12.2024 tại chùa Như…
Năm nay, GĐPT Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm Chu niên lần thứ 75. Trong tâm nguyện tri ân, tiếp tục truyền trao ngọn đèn vô tận cho thế hệ…
GĐPT Lâm Đồng hình thành và phát triển qua 75 năm (1949 – 2024). Khởi đầu từ Gia đình Phật Hóa Phổ Lâm Viên, thế hệ anh chị đi trước…
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2024 (nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn), Phật lịch 2568, thể theo lời cung thỉnh của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế…
Vào hồi 13g30 (giờ địa phương Thailand) ngày 7 tháng 10 năm 2024, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Tại Hải Ngoại lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2028 đã chính thức khai…