Thưa Anh Chị Em Lam Viên bốn phương,

Nhiều người khi học được Kinh Pháp Bảo Đàn hay đọc được những câu chuyện Thiền, nghe các thiền sư nói chuyện với nhau _ nghe quen tai mà chưa thâm nhập được _thì cứ tự cho rằng mình tu đốn ngộ, chỉ cầu làm Phật, nói toàn ngôn ngữ thiền mà quên rằng trước khi làm Phật, phải làm người cái đã!

Kinh Pháp Cú, đức Phật không chỉ dạy cho đệ tử xuất gia của ngài mà còn dạy cho cả đệ tử tại gia nữa; cho nên chúng ta thường nghe (nói theo ngôn ngữ của thời kỳ hiện đại) có 5 hệ thống giáo dục để đào tạo một người Phật tử từ địa vị phàm phu lên hàng Thánh: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa.

Vì thế trong những loại sách “Học làm người” tác giả thường ghi lại những mẩu chuyện, những lời dạy .. của những vị Thánh nhân như đức Phật, đức Khổng Tử, Lão Tử v..v.. Khi làm người còn chưa xong thì dứt khoát không thể làm Thánh làm Phật được! Làm người thì phải tin Nhân Quả, làm Phật tử đã quy y thì phải giữ 5 Giới v..v.. cho nên nếu muốn xét đoán một người có phải là Phật tử hay không thật là quá dễ! Đây cũng là thước đo giá trị những bài báo, bài văn nhang nhảng trên báo chí hay trên “net” trong thời đại “bùng nổ thông tin” này.

Những người của thế hệ tiền chiến hay hậu chiến (nghĩa là trước chiến tranh thế giới và sau chiến tranh) được học những sách như “Cổ Học Tinh Hoa” (nghĩa là những tinh hoa của thời xưa cổ, hay của nền giáo dục xưa cổ) hay Quốc Văn Giáo Khoa Thư với những bài giảng văn ngắn nhưng súc tích, lời văn làm cảm động người đọc _ cho đến hơn nửa thế kỷ sau học sinh vẫn có người còn nhớ thuộc lòng!

Có một điều đáng ghi nhớ là ở giai đoạn đó, GĐPT chúng ta cũng có những tác phẩm mà không chỉ đoàn sinh GĐPT được thưởng thức, cả quần chúng cũng biết đến nữa; đó là những cuốn sách, những vở kịch, những lời ca v..v.. mà chúng ta ngày nay chỉ rất quen thuộc với các bài hát còn những cuốn sách như “Đây Gia Đình”, “Thử Hoà Điệu Sống”, “Sứ mệnh Huynh Trưởng”, “Suối từ” v..v.. cũng như những tờ báo Mùa Hoa Đạo, Hải Triều Âm, Liên Hoa … không còn được lưu truyền nữa.

Trong Lá Thư Đầu Tuần hôm nay, BBT xin trích từ cuốn Đây Gia Đình_ với “Mấy Lời chúc Tết” của anh Trưởng Ban (BHD /GĐPT Việt Nam) trong buổi tiệc trà thân mật ở chùa Từ Đàm, cách đây hơn 50 năm.

Thưa Anh Chị Em,

Tôi được hân hạnh cử ra chúc mừng ACE trong dịp đầu năm.

Sự chúc Tết là một tục lệ rất xưa, không phải riêng của dân tộc VN chúng ta mà của cả mọi dân tộc. Từ khi loài người biết ước ao hy vọng là lệ chúc Tết bắt đầu. Tuy năm nào chúng ta cũng lặp đi lặp lại những lời nói đã cũ, nhưng năm nào cũng thấy cần phải nói lại; bỏ đi thì thấy hình như lạt lẽo, không đành! Bởi vì thời gian tuy là bà già khọm như mùa Đông, nhưng lại có thể biến hoá thành một nàng thiếu nữ 18, tươi đẹp như mùa Xuân. Đứng trước sự biến hoá kỳ diệu ấy, lòng chúng ta ngong ngóng đợi chờ, như đợi chờ một tấn kịch sắp diễn. Trong buổi kịch, trước khi màn sắp vén lên, chúng ta hy vọng, mong ước tấn tuồng sẽ hay người diễn sẽ khéo, cách xếp đặt sẽ đẹp. Cũng thế, trong lúc xuân vừa về, mới hé ra một chéo màn, chúng ta hy vọng ước ao rằng tấn tuồng của năm nay sẽ làm hài lòng chúng ta. Nhưng tấn tuồng trên sân khấu có một điểm khác với tấn tuồng đời. Đó là: khi đi xem kịch, chúng ta chỉ là những khán giả, nhưng trong tấn kịch đời, chúng ta vừa là khán giả vừa là diễn viên. Chúc mừng nhau trong dịp đầu năm chính là một cách trao cho nhau những nguyện vọng tha thiết, những lời dặn dò, trước khi chúng ta diễn tấn tuồng mới để tấn tuồng khỏi lỗi nhịp, vấp váp, vụng về..

…..ACE chúng ta mỗi người đều có những nguyện vọng, ước mơ thầm kín, thiết tha riêng mà tôi không thể biết nên không thể chúc mừng cho hết được. Tôi cũng không chúc ACE giàu có, sang trọng, danh vọng đâu, vì những thứ ấy người ta đã chúc nhiều và nhàm lắm rồi. Vả lại, giàu sang danh vọng thường tụ tán như bèo mây; chúng đến không ai hay, chúng đi không ai biết. Đuổi theo chúng đã nhọc công mà lắm khi còn gây ra những hành vi cử chỉ xấu xa làm lỗi nhịp cho cả tấn tuồng chung rộng lớn.

….Chúng tôi xin chúc anh chị em chúng ta làm thế nào cho xứng đáng là nhũng người đang theo dấu chân Phật, đó là luôn đi trên con đường Từ Bi và Trí tuệ. Từ bi là động lực chính để hành động và Trí tuệ là ngọn đèn soi sáng con đường chúng ta đi. Với Từ Bi và Trí tuệ, đi đâu chúng ta cũng không bị lạc đường và ở đâu chúng ta cũng tìm được nguồn vui sống

Với Từ bi và Trí tuệ, tấn kịch đời sẽ thêm phần ý vị xuất sắc, và thiếu chúng là đen tối, xấu xa.

Thưa Anh Chị Em,

Có phải những lời chúc trên đây luôn luôn hữu hiệu, không cần phải đợi Tết mới chúc nhau hay không? _ Bởi vì khi trong lòng đã có mùa xuân của Từ Bi và Trí Tuệ thì dù ngoài trời mưa gió hay giông bão gì, chúng ta cũng vẫn có sự an lạc.

Thân kính chúc Anh Chị Em luôn sống trong một mùa Xuân miên viễn vì “Tâm xuân vũ trụ xuân _ Tâm bình thế giới bình”

Trân trọng,
BBT

415 lượt xem