Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,

Sống ở nước ngoài lâu, xa cách tiếng mẹ đẻ nhiều chục năm, có người ra đi khi chưa học rành tiếng Việt nên không hiểu tiếng Việt bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Spanish v.v.. là những thứ tiếng được xử dụng hằng ngày trên quê hương mới. Đó là lý do tại sao có 2 Huynh trưởng trẻ hăng say thảo luận với nhau về hai chữ “Phật học” và “Học Phật”; một người nói 2 chữ này hoàn toàn khác nhau người kia bảo không có gì khác nhau hết   !!

Chúng ta đứng ngoài nên sáng suốt hơn, chúng ta thử phân tích xem: Phật Học là gì và Học Phật là gì, giống nhau hay khác nhau? _ Nếu chúng ta dịch ra tiếng Anh thì 2 bạn HTR. kia sẽ hiểu rõ ràng:

Phật học là môn học về Đạo Phật/ Phật giáo (Buddhist Study, Study of Buddhism) giống như môn Triết học gọi là Philosophy, Thần học là Theology, Xã hội học là Sociology, Nhân chủng học là Ethnology v..v.. Như vậy, Phật học giúp chúng ta thông hiểu về giáo lý đạo Phật, trở nên một học giả hiểu rộng nghe nhiều (chúng ta thường gọi là “đa văn”) tinh thông Phật Pháp về phương diện lý thuyết.

Còn Học Phật là sao? Học Phật là học để thực hành Phật Pháp (Practicing Dharma). Phật Pháp (Dharma) là những lời dạy của đức Phật nhằm chữa lành bệnh của chúng sanh, không phải thân bệnh mà là tâm bệnh, đó là những bệnh gây ra phiền não, như tham ái, chấp ngã, thành kiến, đố kỵ, sân hận, si mê v.v.. gọi chung là vô minh. Bao nhiêu kinh điển, có tên chung là Phật Pháp, chính là những toa thuốc mà Đức Phật đã kê ra để giúp chúng sanh chữa lành những căn bệnh nan y đó. Bệnh nhân (là chúng sanh) muốn lành bệnh thì phải uống thuốc chứ không phải đọc tụng tên các vị thuốc hay tìm hiểu ai đã pha chế các thứ thuốc đó … vì vậy Đức Phật được gọi là vị Đạo Sư hay vị Lương Y, là người chỉ đường cho chúng ta đi theo, để đến đích giải thoát khỏi khổ đau phiền não, là người Thầy thuốc chỉ phương thuốc có công hiệu chữa lành tâm bệnh, nhưng có dùng thuốc hay không, có chịu đứng lên để đi hay không là tùy ở chúng sanh có muốn lành bệnh hay không, có muốn được giải thoát khỏi đau khổ phiền não hay không mà thôi!

Thưa Anh Chị Em,

Trong nhân gian cũng như trong kinh điển, chúng ta thường nghe nói: “bụng đói nói không no” nghĩa là bụng đói thì phải ăn mới no chứ cứ ngồi nói “cơm, cơm, cơm ….” hay ngồi kể ra bao nhiêu món ăn ngon thì không thể nào no được; tương tự như vậy, Phật Pháp cao sâu mầu nhiệm, có năng lực tiêu trừ phiền não, nhưng nếu chúng ta chỉ nghiên cứu, chép, đọc .. thì không thể nào hiểu được cái mầu nhiệm của Phật Pháp vì cái mầu nhiệm chỉ có ở trong áp dụng thực tế. Thật vậy, một phương thuốc hay là khi và chỉ khi nó chữa lành được một căn bệnh, căn bệnh trừ được rồi thì mới gọi là phương thuốc ấy hiệu nghiệm. Cũng vậy, Pháp Phật có muôn ngàn sai khác, mỗi pháp môn trị một căn bệnh khác nhau … và chỉ khi nào chúng ta biết áp dụng Phật Pháp vào cuộc sống để đem lại an lạc cho mình, làm lợi ích cho người chung quanh, trong hiện tại cũng như trong tương lai, thì khi đó Phât Pháp mới thật sự được gọi là cao siêu, mầu nhiệm và lúc đó chúng ta mới thật sự đã hoằng dương Phật Pháp. Nếu người Phật tử, nói chung, người HTr/GĐPT nói riêng chỉ “năng thuyết bất năng hành” (Nói lý thuyết suông mà không thực hành) hay “nói một đường làm một nẻo” thì đó gọi là “báng bổ Phật Pháp” (lời chư Tổ nói đó, thưa ACE Lam viên!)

Nói đi thì cũng phải nói lại, lời chư Tổ còn có dặn dò:

Tu mà không học là tu mù
Học mà không tu là cái đãy đựng sách

Nói tóm lại, người Huynh trưởng GĐPT phải học giáo lý Phật Đà, phải nắm vững nghĩa lý Kinh điển đã được học, nghĩa là phần “nội minh” phải “cứng cáp” nhưng quan trọng nhất là phải áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày để có thể bằng “thân giáo” mà nhiếp phục được đàn em của mình, bạn bè và người chung quanh.

Thân kính chúc Anh Chị Em Lam viên một tuần lễ mới mẻ, tinh tấn và hăng say trong công việc, đem lại lợi ích cho mọi người.

Trân trọng,
BBT

499 lượt xem