Từ khi “trở thành việt kiều” đến nay đã ba mươi chín năm, tôi về VN nhiều lần, nhưng lần nầy đặc biệt Tôi về đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 4:30 chiều, ngày 2 tháng 3 sau chuyến hành trình hơn 40 giờ, rất mệt. Tôi đón chiếc taxi để về nhà gia đình chị vợ tạm trú. Nắng chiều đã không còn gay gắt nữa, thế nhưng dòng xe máy chen chút,lượn lờ bám xung quanh chiếc taxi đã không giúp cho cái nóng Sài gòn suy giảm.Anh tài xế gợi chuyện sau khi biết tôi đã lâu về quê hương. Anh nói rất tự hào là thành phố “thay da đổi thịt” từng ngày…Tổng dân số của thành phố đã tăng vọt một cách chóng mặt, vào năm 2011, phải hơn 7 triệu rưởi trên một diện tích khoảng 2000 cây số vuông. Đến năm nay,theo ước tính nếu cộng luôn số dân chúng từ các tỉnh về sinh sống, không có hộ khẩu thì tổng số phải hơn 10 triệu. Để so sánh, năm 1974, dân số Sài gòn là 1.825.297 người còn dân số của Gia Định là 1.422.653 người. Thế cho nên, trên căn bản mọi thay đổi đã không đổi thay được gì! Nhưng có một thay đổi, đó là chiếc điện thoại di động và chiếc xe máy. Tại đây đã bày bán rất nhiều mặt hàng của những quốc gia sản xuất điện thoại và rất nhiều kiểu mã mà tôi không tìm thấy được tại Montreal. Tôi thử tìm kiếm trên mạng thì thấy rằng về giá cả của Samsung, Iphone so với giá tại Montreal thì không xê dịch bao nhiêu, rẻ hơn khoảng vài chục trên tổng giá hơn ngàn đồng Canada. Trang mạng của hệ thống bán lẻ có tên là “Thế Giới Di Động”, về mục giải đáp mua trả góp tôi đọc được nhiều câu hỏi ví như vừa mua máy mới 2, 3 tháng, máy còn tốt nay muốn đổi lấy đời mới 4G thì điều kiện như thế nào? v.v…và v.v… Ngày xưa lúc cậu của tôi từ Hà Nội vào Sài gòn sau năm 75, tìm thăm gia đình thì “cái đổng, cái đài” là niềm ao ước, là minh chứng cho sự thành đạt của một thanh niên bộ đội có dịp vào Nam… Ngày nay cái điện thoại di động, cái xe máy đời mới đã thay thế cho “cái đài, cái đổng” để xác định “đẳng cấp” của thanh niên… thời đại! Ôi, đây là sự “thay da đổi thịt” sao!

Nhà Từ Đường:
Sau khi nghĩ ngơi vài ngày tôi cùng Hiếu, em trai bay ra Đà Nẳng để về Hội An, quê nội bắt đầu chuyến Về Nguồn. Tôi bước chân vào làng Kim Bồng lần nầy là lần thứ hai, lần đầu cách đây đã… 60 năm! Lúc đó tôi khoảng 8, 9 tuổi, tôi về với mẹ tôi vào dịp cuối năm để cúng chạp mã ông bà. Hồi xưa, muốn vào làng thì phải đi đò, bây giờ chúng tôi về đây bằng xe máy, thật tiện lợi. Trước mặt tôi, ngôi từ đường không hề thay đổi, có chăng là xuống cấp thê thảm. Tôi còn có thể mường tượng được hình ảnh bác tôi, năm đó, ngồi tại bàn nước ở giữa nhà, nhâm nghi ly rượu rồi trách móc các em và con cháu thâu đêm… Bác là con trai trưởng chịu trách nhiệm hương hỏa, cúng giổ tổ tiên. Ngày nay, bác đã quá vãng, con trai cũng không còn, cháu đích tôn thì đã vào Sài gòn sinh sống, còn chúng tôi thì ở nước ngoài, cách xa quê hương đất tổ, cho nên ngôi từ đường không còn ai chăm sóc! Vì sanh sống, mọi người đã tứ tán khắp nơi. Dòng họ của tôi nổi tiếng nghề mộc tại Kim Bồng, nhưng nay còn mấy ai theo nghề của tổ tông? Vật đổi sao dời! Vạn pháp vô thường, vậy cái gì còn có thể gìn giữ, để làm cội nguồn cho dòng họ?

Tổ đình Viên Giác – Hội An
Đây là ngôi chùa mà Hòa thượng Như Điển đã thế phát xuất gia tu học năm 1964 với hòa thượng Thích Long Trí, pháp danh Chơn Ngọc, pháp tự Đạo Bảo, thuộc dòng Lâm Tế, pháp phái Chúc Thánh. Hiện nay, chùa Viên Giác Hội An do Hòa thượng Như Tịnh làm Trụ trì, là pháp đệ của Hòa thượng Như Điển. Còn hòa thượng Như Điển định cư tại Đức từ năm 1977, đã khai sơn nên chùa Viên Giác Đức quốc, hiện là Phương trượng, còn ngôi vị Trụ trì hiện nay là Thượng tọa Thích Hạnh Giới, đệ tử của Hòa thượng Như Điển. Xét về sự truyền thừa thì chúng ta được biết vào năm 1694, tổ Minh Hải Pháp Bảo, tự là Đắc Trí đến Hội An khai sơn chùa Chúc Thánh, nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế. Tổ Minh Hải xuất kệ truyền thừa, lập nên phái thiền Lâm Tế ChúcThánh. Kệ truyền thừa Pháp danh như sau:
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường.
Kệ truyền thừa pháp tự:
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung
Hòa thượng Thích Như Điển, pháp tự là Giải Minh thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tôn đời thứ 41, pháp phái Chúc Thánh đời thứ 8. Hòa thượng Như Điển là sư phụ truyền tam quy, ngũ giới cho tôi vào năm 1984 tại Niệm phật đường Quan Âm, thành phố Montréal. Những năm đầu lưu lạc hải ngoại, với tâm trạng bất an, tôi đã được sư phụ Như Điển dẫn dắt vào Đạo, đã chỉ cho tôi con đường phải nương theo. Ngày nay hồi tưởng lại, tôi cũng không sao nhận được nhân duyên nào khiến tôi theo thầy Như Điển, quy y Tam bảo? Thuở đó, tôi chẳng biết gì về đạo Phật, chẳng phải là một phật tử đúng nghĩa… phải chăng vì thầy là người đồng hương, cùng xứ Quảng với tôi?… Dù bằng bất cứ lý do gì thì việc Thầy khiến tôi quy y Tam bảo đã cứu vớt đời tôi, đã cho tôi một lý tưởng để sống. Tôi vô cùng biết ơn sư phụ Như Điển. Trong cuốn Hương Lúa Chùa Quê, thầy Như Điển đã miêu tả mặt tiền của cổng chùa Viên Giác như sau:
“Trước cổng Tam Quan có con đường đất chạy vào, nối liền với đường cái lớn chắn ngang phía trước. Hai bên đường dẫn vào chùa, thuở tôi mới đến năm 1964là những hố rác, và sau nầy Thầy tôi cho dọn sạch, cho nước vào và trồng 2 ao rau muống ở đó. Đến năm 68, 69 người nhập cư vào phố Hội khá đông, Thầy tôi cho những người nầy làm tạm những ngôi nhà tranh, sau khi đổ đất lấp đầy hai ao rau muống ấy, để họ làm nhà che mưa, che nắng. Thế rồi ngày lại tháng qua, nơi nầy trở thành cái chợ, buôn bán sầm uất; khiến cho bộ mặt của ngôi chùa không còn quang đảng như xưa nữa…” Hôm nay, tháng 3 năm 2017, cái chợ trước cổng chùa Viên Giác có lẽ không lớn hơn mà cũng chẳng nhỏ hơn so với trước đó, vì lẽ con đường đất nối liền con đường cái phía trước vào cổng chùa đâu có thay đổi… Chúng tôi phải đẩy xe máy len lỏi mới vào được tận cổng Tam Quan, mà cũng không thể gọi là Tam Quan vì hai cửa nhỏ hai bên đã bị che khuất bởi hai cái xạp, ít nhất là cho đến 3 giờ chiều, giờ chợ tan nhóm. Cái chợ nầy làm tôi nhớ đến bài học “Mười bức tranh chăn trâu”của thiền tông mà chị Tâm Minh Vương Thúy Nga đã hướng dẫn chúng tôi thảo luận tại trại Huyền Trang 1 Canada. Đó là bức tranh thứ mười, Nhập triền thùy thủ(Thỏng tay vào chợ) diễn tả bậc giác ngộ đi vào chợ đời thông dong tự tại, hành hoạt như một phàm phu nhưng không dính mắc vào tâm, vào cảnh như một phàm phu. Bồ tát làm tất cả các pháp thế gian nhưng không có pháp thế gian nào được thực hiện. Tất cả đều là Không.

Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt:
Rời Hội An trở lại Đà Nẳng, tôi đi thăm chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà(Bãi Bụt). Đà Nẳng có ba ngôi chùa Linh Ứng, mà đây là ngôi chùa Linh Ứng trẻ nhất, chính thức khánh thành vào năm 2010. Tương truyền vào thời vua Minh Mạng, có một pho tượng phật không biết từ đâu trôi dạt về bãi cát nơi đây. Dân chài ven biển đã phát hiện, cho đó là điềm lành, họ lập am thờ tự. Kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn. Bãi cát nơi mà tượng phật dạt vào được gọi là Bãi Bụt và chính là nơi dựng nên chùa Linh Ứng ngày nay. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn được biết đến bởi là nơi có pho tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam (67m). Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn cát tường, tay kia cầm bình nước cam lồ như người mẹ hiền dõi mắt trông chừng đàn con đang phiêu bạt ngoài biển khơi. Tôi đứng đây nhìn ra biển Đông bất giác xúc động vô cùng. Dường như hình ảnh con thuyền bé nhỏ, dài mười ba thước, ngang hơn ba thước với hằng trăm sinh mạng lặn hụp theo từng cơn sóng dữ của ba mươi chín năm về trước, lại hiện ra trước mặt, sống động vô cùng. Sóng gió gầm rú, gào thét, mưa như thác lũ chụp xuống con thuyền. Chúng ta không là gì cả, thật sự nhỏ bé, yếu đuối trước sự thịnh nộ của biển cả. Với cái bao la của trời đất, tôi bổng nhiên hụt hẳng và sự sợ hải lại tràn ngập trong tôi như năm xưa tôi đã từng sợ hải! Tôi ngước mặt nhìn lên, chiêm ngưởng Đức Quán Thế Âm, Mẹ Hiền dường như mỉm cười, ấn Cát tường hướng về tôi, nước Cam lồ rưới xuống… sự sợ hải tan biến, niềm an lạc quanh tôi. Tôi quây đầu nhìn ra biển, mặt biển phẳng lỳ, trời trong mây trắng, không một con sóng nhỏ…

HUẾ:
Huế là thành phố bên ngoại, thế nhưng cũng chỉ là lần thứ hai tôi đặt chân đến. Ôi, tôi đã cách biệt với nguồn cội ngay từ thuở xa xưa: quê cha, đất mẹ chỉ là những ký ức mơ hồ, phai nhạt.Từ Đà Nẳng, muốn đi Huế phải vượt đèo Hải Vân. Hồi xưa, việc qua lại trên đèo thật khó khăn, nguy hiểm vì đường đèo chật hẹp, uốn khúc, nên để giảm tai nạn xe đâm nhau ngược đường, xe phải đi thành đoàn cùng lên đèo hoặc cùng xuống đèo. Như vậy suốt đoạn đường đèo chỉ có một chiều xe chạy. Ngày nay đã có đường hầm xuyên đèo, nên việc thông thương giữa Đà Nẳng và Huế trở nên dể dàng, thuận tiện. Tôi và anh Thịnh người anh họ là con của chị ruột mẹ tôi, vượt đèo Hải Vân bằng xe máy để có thể nhìn ngắm phong cảnh tuyệt đẹp của quê hương.

Tổ đình Từ Hiếu:
Sau khi thăm lăng vua Tự Đức, chúng tôi viếng chùa Từ Hiếu. Chùa Từ Hiếu nằm khuất trong một rừng thông trên một vùng đồi của phường Thủy Xuân, huyện Hương Thủy. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của đất thần kinh. Chùa được hòa thượng Nhất Định khai sơn năm 1843, gọi là “An Dưỡng Thảo Am ” để chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ già và tịnh tu. Hoà thượng Nhất Ðịnh nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên hòa thượng nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, dị nghị, hòa thượng lội bộ xuống chợ cách đó hơn năm cây số để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Với lòng hiếu thảo,với sự chăm sóc tận tình của ngài đối với mẹ, bệnh của mẹ ngài ngày một thuyên giảm. Tiếng thơm về lòng hiếu hạnh của ngài được mọi người biết đến, truyền tụng.Tháng 10 năm 1847, ngài Nhất Định viên tịch, ngài Cương Kỷ là đệ tử lên kế vị, đã cho xây dựng lại am An Dưởng thành một ngôi chùa, hoàn thành vào năm 1848, được vua Tự Đức đặt tên là Từ Hiếu. Chùa Từ Hiếu đến nay trãi qua nhiều đời trụ trì, góp phần đào tạo nhiều danh tăng, thiền sư… giúp phật pháp đương thời hưng thịnh. Năm 1939, sau khi hòa thượng Huệ Minh viên tịch, hòa thượng Chơn Thiệt kế vị trụ trì. Ngài Chơn Thiệt có tám vị đệ tử xuất gia: Thượng tọa Chí Niệm,Thiền sư Nhất Hạnh, Thượng tọa Chí Mãn, Thượng tọa Chí Viên, Thượng tọa Chí Thắng, Thượng tọa Chí Mậu, Ni sư Lưu Phong, Ni sư Lưu Phương. Năm 1968,hòa thượng Chơn Thiệt viên tịch, thượng toạ Chí Niệm kế vị trụ trì cho đến năm 1979 thì viên tịch. Thiền sư Nhất Hạnh còn lưu vong không về được nên Thượng tọa Chí Mậu nhận trách nhiệm điều hành Tổ đình. Năm 2005, thiền sư Nhất Hạnh được phép về nước, thầy đã phổ biến cho đồng bào phật tử quê nhà những phương pháp thực tập Phật giáo ứng dụng đã được thầy áp dụng ở Tây phương hơn 40 năm qua. Như tại tổ đình Từ Hiếu, thiền sư Nhất Hạnh cho áp dụng phương pháp tu của Làng Mai…

Tổ Đình Thiền Tôn:
Chùa Thiền Tôn là một ngôi cổ tự quan trọng đối với Phật giáo Việt nam, do tổ Liễu Quán khai sơn, tọa lạc tại ấp Ngũ Tây, xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, cách đây trên 300 năm. Xét về mặt truyền thừa, chúng ta được biết Tổ khai sáng tông Lâm Tế là Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền truyền đến đời thứ 21 là Ngài Vạn Phong Thời Ủy ở Chùa Thiền Đồng (Trung Hoa) Ngài Vạn Phong Thời Ủy lại truyền pháp xuống theo bài kệ:
“Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không”.
Vào khoảng năm Đinh Tỵ 1677, thiền Sư Nguyên Thiều Siêu Bạch tuân chỉ chúa Nguyễn Phúc Chu sang Trung Hoa thỉnh thiền sư Thạch Liêm qua Nam Hà,Thuận Hoá lập giới đàn truyền giới tại chùa Thiền Lâm, Linh Mụ tại Huế và chùa Di Đà tại Hội An. Phái đoàn cùng đi với thiền sư Thạch Liêm có các ngài như ngài Minh Hải Pháp Bảo, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Vật Nhất Tri, Minh Lượng Thành Đẳng v.v… Sau khi pháp sự lập giới đàn truyền pháp hoàn mãn, thiền sư Thạch Liêm trở về Trung Hoa bằng đường biển, các thiền sư đi theo vẫn ở lại, tiếp tục hoằng pháp. Theo như bài kệ của ngài Vạn Phong Thời Ủy thì quý thiền sư, pháp danh chữ Minh là thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tôn đời 34. Ngài Minh Hải Pháp Bảo ở lại Hội An, khai sơn tổ đình Chúc Thánh, lập phái thiền Chúc Thánh. Còn ngài Minh Hoằng Tử Dung thì khai sơn chùa Ấn Tôn (tức chùa Từ Đàm ngày nay) hoằng pháp với ý nghĩa là lấy sự truyền tâm làm tông chỉ. Ngài Liễu Quán cầu pháp với tổ Minh Hoằng Tử Dung và được trao cho công án để tham cứu. Sau một thời gian tham cứu, ngài Liễu Quán liễu ngộ và được ngài Tử Dung ấn chứng. Tổ Liễu Quán đã đặt ra một pháp phái mới gọi là phái Liễu Quán, và xuất kệ truyền pháp như sau:
“Thiết Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
Đức Bổn Từ Phong
Giới Định Phước Huệ
Thể Dụng Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả
Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý
Diễn Xướng Chánh Tông
Hạnh Giải Tương Ưng
Liễu Ngộ Chơn Không”.
Như vậy, tổ Thiệt Diệu Liễu Quán thuộc đời thứ 35 phái thiền Lâm Tế chánh tông hay là Sơ tổ phái Liễu Quán tại Việt nam. Chùa Thiền Tôn từ khi khai sơn là một thảo am, đến nay là một ngôi tổ đình uy nghiêm đã trãi qua hơn 300 năm. Trong suốt thời gian đó đã qua nhiều lần sửa chửa, trùng tu mà gần đây nhất năm 2000 do hòa thượng Thích Thiện Siêu, trụ trì đời thứ 11 khởi công đại trùng tu (hòa thượng Thiện Siêu còn là trụ trì tổ đình Từ Đàm). Ngài Thiện Siêu là đệ tử của Đại Lão Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên, Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN. Sau khi khánh thành ngôi tổ đình Thiền Tôn vào tháng 3 năm 2001, ngài viên tịch vào tháng 8 cùng năm. Ngài có tên húy là Tâm Phật, tự Trí Đức, hiệu Thiện Siêu, dòng Lâm Tế Chánh Tôn đời thứ 43, và thiền phái Liễu Quán đời thứ 9. Thượng tọa Thích Trường Phước, húy là Tâm Tại, xuất thân từ tổ đình Thiền Tôn, đệ tử ngài Đệ nhị Tăng Thống Giác Nhiên, hiện trụ trì chùa Quan Âm, thành phố Montréal, tỉnh Québec, quốc gia Canada. Thân mẫu của tôi, bán thế xuất gia với thượng tọa Trường Phước được ban pháp danh Nguyên Ngôn, tự Hỷ Lạc, hiệu là Tịnh Minh vừa viên tịch tháng 10 năm 2016 vừa qua. Hôm nay tháng 3 năm 2017, tôi đứng giữa sân Tổ đình, ngắm nhìn xung quanh, mường tượng hình bóng của mẹ đã từng quét lá sân chùa ngày nào. Mẹ tôi đã về đây tu học trong lòng đất Tổ một thời gian ngắn, mẹ nói để có thể gần gủi với tổ tông, cảm nhận được dòng pháp nhủ luân chuyển…Phía sau lưng Tổ đình, trên triền dốc có dăm ba cái mộ, trong đó có mộ bia của ông cố, ông bà ngoại tôi, và các cậu, các dì chỉ có hình ảnh, tên và pháp danh mà thôi. Có lẽ mẹ tôi cho lập mộ bia ở đây là muốn nhắc nhở chúng tôi khi thăm viếng ông bà thì cũng phải lên tổ đình để đảnh lễ tổ tông của mẹ. Con người có hai phần: thân và tâm; ông bà, tổ tiên thuộc về cội nguồn của thân; thầy tổ, pháp phái thuộc về nguồn cội của tâm. Phải ghi nhớ và đền ân cả hai mới tròn hiếu đạo!

Chùa Phước Duyên:
Chùa Phước Duyên do Hòa thượng Tâm Ưng Đảnh Lễ (1918-1968) kiến tạo giữa năm Mậu Tý, 1948. Chùa tọa lạc trên một vùng đất rộng, giữa đồng lúa xanh bên dòng sông Bạch Yến thuộc địa phận làng An Ninh, xã Hương Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, nay là phường Hương Long, thành phố Huế.Ngày nay chúng tôi thấy có rất nhiều ngôi mộ được chôn cất xung quanh chùa, có cái còn nằm án trước cổng tam quan… Người chết dường như muốn tranh nhau vào chùa để nghe câu kinh tiếng kệ, giải thoát não phiền của cõi địa ngục chăng? Hình ảnh nầy làm tôi không sao không liên tưởng đến vị đại đệ tử của Đức Phật, ngài Ma Ha Ca Diếp, đêm khuya thanh vắng ngồi nhập định giữa bãi tha ma, thuyết pháp cho vong linh còn phưởng phất đâu đây, xã bỏ oan khiên, nghiệp chướng, mau vượt thoát tam đồ ác nạn!
Tiếng đại hồng chung trong đêm vắng ngân vang, hòa quyện trong tiếng kệ:
“Hồng chung khởi thỉnh tiếng ban đầu
Bảo kệ ngâm cao thoát nhiệm mầu
Trên thấu Thiên đàng vui an lạc
Dưới thông Địa ngục diệt đau sầu.
Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu khổ bổn tôn, Cứu bạt minh đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát…”
Trụ trì chùa Phước Duyên hiện tại là hòa thượng Thích Thái Hòa. Ôn Thái Hòa, tiếng gọi thân thương mà anh em chúng tôi gọi ngài, một trong những vị tôn túc đã hết lòng chăm lo, bảo bộc Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong bao nhiêu nămqua giữa cơn biến động không lường của thế sự. Khắp mọi miền đất nước và ngày nay tại các châu lục, nơi nào tổ chức GĐPT cần đến, đều có sự hiện diện của Ôn, bất kể tuổi đã cao, bất kể đường xa mệt nhọc, ngài đều không từ nan.Trong chuyến viếng thăm hoằng pháp Bắc Mỹ vào tháng 6 năm 2016, Hòa thượng đi cùng với thị giả là gia đình chị Nhuận Pháp Nguyên Trần Thị Phượng Liên. Tại Canada, Hòa thượng dừng chân ở 5 nơi Vancouver, Montréal, Ottawa, Toronto và Hamilton, là những nơi có tổ chức GĐPT. Đâu đâu, Ôn cũng dành nhiều thì giờ lắng nghe và khích lệ huynh trưởng cùng các em đoàn sinh GĐPT bằng những bài pháp thoại ngắn, gọn nhưng rất trong sáng đã giải tỏa cho chúng
tôi biết bao nhiêu âu lo, phiền muộn. Tại Montréal, trong thời pháp thoại ở chùa Trừng Thủy, mẹ của tôi sư cô Hỷ Lạc có phước duyên được ngâm bài thơ “Lời Thơ Dâng Mẹ” cung kính cúng dường Ôn và đại chúng. Bài thơ nầy in trong tập thơ “Sương đọng ven trời” đã được Ôn ký tên làm quà tặng cho mẹ tôi. Không ngờ được, đây lại là lần cuối tôi được nghe mẹ ngâm thơ vì bốn tháng sau mẹ đã ra đi, từ giả cõi mộng, như “Lời thơ dâng mẹ” của Ôn mà mẹ tôi đã ngâm:
“… Mẹ tình
như ngọc lưu ly,
mênh mông biển cả
nay thì còn đâu!
Chấp đôi tay lại
nguyện cầu,
Đất Thiêng cõi Thánh,
Mẹ an nhiên về./-

Chùa Thiên Mụ:
Từ giả chùa Phước Duyện, chúng tôi viếng chùa Thiên Mụ tọa lạc gần đó. Vã lại đã đi Huế thì phải thăm chùa Thiên Mụ, vì đây là ngôi chùa cổ và đẹp nhất đất thần kinh. Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên -Nguyễn Hoàng. Chùa Thiên Mụ nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống dòng sông Hương thuộc làng An Ninh, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Dưới thời chúa Quốc – Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo Đàng Trong, chùa Thiên Mụ được trùng tu, xây dựng lại quy mô hơn. Năm 1710, chúa Quốc cho đúc một chiếc chuông lớn, nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Đến với Thiên Mụ, khách thập phương không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương giang duyên dáng. Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Nơi đây, sớm chiều tiếng chuông chùa ngân vang vọng cùng với khói hương ngào ngạt tỏa ra giữa thanh không vắng lặng, đã hấp dẫn và say đắm biết bao lòng người xứ Huế, và du khách bốn phương. Tiếng chuông chùa Thiên Mụ từ bao đời đã đi vào ca dao, để lại nỗi nhớ nhung trong lòng người xứ Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế…
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”.
Ngày nay, nét cổ kính của chùa Thiên Mụ vẫn còn đó, dòng sông Hương vẫn lững lờ trôi nhưng không sao hấp dẫn và lôi cuốn tôi như đoạn văn trên đã diễn tả. Những hàng quán nhập nhằn dựng tạm bợ trước cổng chùa, xe máy, xe chở khách du lịch từng đoàn tới lui, tiếng kêu réo nhau ơi ới… ồn áo, náo nhiệt… Chùa Linh Mụ nay là một điểm du lịch như bao nhiêu điểm du lịch khác, chỉ là mượn cảnh chùa để chiêu khách mà thôi, đâu còn là ngôi cổ tự để hành hương, lễ bái, để chiêm ngưỡng công trình tâm linh mà tiền nhân đã dầy công xây dựng. Nét dễ thương hiền diệu của cô gái Huế với tà áo dài trắng bên dòng sông Hương, trước cổng chùa Thiên Mụ chỉ còn trong dĩ vãng… Đáng tiếc thay

HÀ NỘI:
Rời Huế, chúng tôi đi Hải Phòng thăm cậu út, người em trai còn lại của mẹ mà tôi chỉ gặp được một lần khi cậu thăm nuôi tôi trong trại cãi tạo. Xong, ra Hà Nôi, thăm vài nơi như Văn Miếu, Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc và “Hà Nội 32 phố phường”.

SÀI GÒN:
Trở về Sài gòn, tôi đại diện cho BHD/ Canada theo chỉ thị của HTr. Trưởng ban, chỉ kịp tham dự Lễ Cúng Dường Trai Tăng của HT Thích Bổn Đạt tổ chức tại Tu viện Quảng Hương Gia Lam ngày 20/03/2017, để tạ ân chư Tôn Đức đã hộ niệm, đưa tiễn Thân mẫu là Sa di ni Bồ tát Giới, pháp danh Tâm Tài, pháp tự Từ Phát, pháp hiệu THÍCH NỮ CHỦNG QUANG vừa viên tịch lúc 10h50 ngày 07 tháng 03 năm 2017, trụ thế 93 năm. Hòa thượng Thích Bổn Đạt,Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại Tại Cananda, Viện chủ Tu Viện Phổ Đà Sơn (Québec) và là thành viên Hội Đồng Tăng Già, Phó Trưởng ban đặc trách Hải Ngoại, Ban Thường Trực Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPT Việt Nam Trên Thế Giới. Ngài cũng là một trong những vị Tôn Túc tại Canada đã hết lòng giáo dưỡng, bảo bọc cho GĐPTVN tại Canada. Chúng tôi nhớ lại năm đó vào tháng 10 năm 1992, tuân hành Thông Điệp của Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ Tam Tăng Thống, chư Tăng Ni đã tổ chức Đại Hội Tăng Già Canada tại chùa Quan Âm, thành phố Montréal,Canada để thành lập GHPGVNTN HN Tại Canada. BHD/GĐPTVN Tại Canada cùng với hai đơn vị miền Đông là GĐPT Chánh Kiến (Ottawa) và GĐPT Quan Âm (Montréal) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hổ trợ cho Đại Hội Tăng Già Canada lần thứ nhất, thành công viên mãn. Kể từ những ngày đó, tình thầy trò chúng tôi keo sơn gắn bó.

Công ty FDI:
FDI viết tắt Fast Delevery International là công ty vận chuyễn hàng hóa quốc tế đi và đến khắp nơi tại Việt Nam. Công ty cung ứng bao quát mọi dịch vụ từ vận chuyển hàng hóa nội địa và hàng hóa xuất nhập khẩu, bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ, dịch vụ khai báo hải quan, dịch vụ đóng gói.v.v..
nghĩa là từ A đến … Z. Tọa lạc trong tầng 9, cao ốc Hải Âu, 39B Trường Sơn, Phường 4, Quận Tân Bình, Tp. HCM, Việt Nam và có chi nhánh ở 3 thành phố kinh tế quan trọng: Hà Nội, Hải Phòng, và Đà Nẳng. Công ty thành lập năm 2003 và đang phát triển rất tốt. Tôi đến thăm công ty vào buổi xế chiều cuối tháng 3. Muốn đến văn phòng làm việc của anh chị Phượng Liên, phải đi qua một dẫy những bàn làm việc của các nhân viên. Những bàn làm việc nầy được ngăn bằng những tấm bình phông, để không gian làm việc của mỗi nhân viên đều có khoảng cách riêng tư. Mỗi người một phận sự. Phượng Liên thì bận đối đáp, chỉ đạo trên điện thoại. Phận sự của người khách không báo trước như tôi thì chỉ dõi mắt quan sát… và chúng ta chỉ cần quan sát trang phục, phong cách làm việc của nhân viên là ta có thể nhận định được sức sống của công ty. FDI là một công ty trẻ đầy sức sống được điều khiển bởi hai người trẻ đầy năng lực, nhiệt huyết, và niềm tin. Tôi được gặp anh chị Phượng Liên vào tháng 6 năm 2016 vừa qua, anh chị làm thị giả cho ôn Thái Hòa trong dịp ngài thăm các đơn vị GĐPT tại Bắc Mỹ. Tôi rầt quý gia đình chị, (gồm 3 người, anh, chị và cháu gái) ngay từ lần gặp gở đầu tiên ấy. Đó là một gia đình… Phật hóa phổ đúng nghĩa! Những người trẻ thành công trên thương trường, có tài sản, có học vị, được nể nang trong xã hội, tôi cũng đã từng gặp gở, nhưng người biết xử dụng tài sản mình có một cách thông minh đầy từ bi và trí tuệ tạo niềm an lạc cho mình và cho tha nhân thì phải có… nhân duyên mới gặp được! Anh chị Phượng Liên là đệ tử tại gia của ôn Thái Hòa, ngài là Tổng Thư Ký Ban Thường Trực Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Mỗi khi Hòa thượng và Chư Tôn Đức hoặc thăm viếng, ủy lạo các đơn vị GĐPT các miền của đất nước, và tại hải ngoại hoặc giả quang lâm chứng minh, trợ duyên cho các kỳ Đại Hội Huynh trưởng thì anh chị Phượng Liên đều cúng dường phương tiện chuyên chở Chư Tôn Đức, cùng như tịnh tài để ủy lạo, giúp đở cho các đơn vị gặp khó khăn, thiếu thốn. Bằng cách nầy, anh chị Phượng Liên đã hành hạnh Bố thí một cách trọn vẹn: tài thí và pháp thí (gián tiếp). Các GĐPT huynh trưởng và đoàn sinh được thừa hưởng pháp ân từ Chư Tôn Đức, củng cố niềm tin, phát huy nội lực, phát triễn GĐPT sẽ vượt thoát được nội ma, ngoại chướng. Suy tư một cách chính chắn, thì công đức vô lậu nầy của anh chị Phượng Liên, giám đốc công ty FDI không thể đong đo, suy lường cho được!…Đóa sen trắng dâng tặng cho vị Phật tương lai! Nam Mô công đức lâm bồ tát ma ha tát!
(Tôi không cố tình tán dương anh chị Phượng Liên vì làm thế vô ích mà thôi, tôi chỉ muốn lấy tấm lòng của anh chị làm mẩu mực cho mình. Mô Phật!)

Quảng Hương Già Lam:
Tu viện Quảng Hương Gia Lam (Gò Vấp) do Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ tạo dựng đầu năm 1962. Chủ trương của Hòa thượng xây dựng Quảng Hương Già Lam để có nơi cư trú tu học cho lớp Tăng sinh trẻ, có trình độ đại học đời cũng như đạo. Lúc đầu Hòa thượng đặt tên là Giải Hạnh Già Lam. Năm 1964, Hòa thượng lại đổi tên chùa là Quảng Hương Già Lam. Quảng Hương là pháp danh của một Tăng sinh tu học tại Phật- học-viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, sau được bổ nhiệm làm trú trì chùa Khải Đoan, Ban Mê Thuột, đã tự thiêu lúc 12 giờ 25 phút ngày 18 tháng 8 năm Quý Mão (5.10.1963), trước mặt chợ Bến Thành Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ dạo đó,có tên gọi Quảng Hương Già Lam.Tăng sinh đến Quảng Hương Già Lam nhập chúng tu học khóa đầu tiên vào năm 1962 là 6 vị. Về sau mỗi năm mỗi đông và cao điểm nhất là vào đầu năm 1975 với tổng số Tăng sinh viên là 120 vị. Chương trình Phật học, tất cả sinh viên Tăng đều học trường Cao đẳng, các khóa đầu, về sau học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Chương trình thế học, tùy Tăng sinh tự chọn ngành học: y, dược, luật, triết,
kiến trúc, văn chương…

Lễ Giổ Ôn Già Lam:
Ngày thứ ba 28 tháng 3 năm 2017 tôi về Tu viện Quảng Hương Gia Lam để tham dự lễ húy nhật Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ do quý anh chị Trưởng thông báo. Cố Hòa thượng Trí Thủ là Đại Ân sư của GĐPTVN và hơn thế nữa Ngài còn là ân sư của hằng bao thế hệ tăng ni. Hạnh nguyện của Cố Hòa thượng là đào tạo Tăng tài để hoằng pháp lợi sanh. Thế nên, Hòa thượng đã thành lập nhiều Phật học-viện: Phật học viện Linh Quang, Phật học viện Báo Quốc – Huế, Phật học viện Phổ Đà – Đà Nẵng, Phật học viện Hải Đức – Nha Trang, Phật học viện Linh Sơn – Đà Lạt và Tu viện Quảng Hương Già Lam. Trong Đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ 5 và kỳ 6, Ngài được giao trách nhiệm hết sức quan trọng và nặng nề là Viện trưởng Viện Hóa Đạo để thay thế Hòa thượng Thích Thiện Hoa vừa viên tịch. Đến năm 1975, Ngài lại phải gánh thêm một trách vụ nặng nề nữa, là xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Năm 1976, Ngài mở Đại giới đàn Quảng Đức. Năm 1980 Đại Giới Đàn Thiện Hoa ở chùa Ấn Quang và làm Đàn chủ. Đây là giới đàn cuối cùng của Giáo Hội Thống Nhất và giới tử đông nhất 1500 vị vừa xuất gia vừa tại gia. Ngày 07-11-1981 Đại hội Thống nhất Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, thành lập Giáo Hội toàn quốc với danh xưng “Giáo Hội Phật giáo Việt Nam”. Ngài được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, nhiệm kỳI. Ngày 02 tháng 3 năm Giáp Tý, tức ngày 02 tháng 4 năm 1984, sau một cơn suy tim đột ngột, Ngài đã thâu thần viên tịch tại Bệnh viện Thống Nhất, thọ 76 tuổi đời, 56 tuổi đạo. Hôm nay đây, trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, Chư Tôn Trưởng Lão Hòa Thượng trong Hội Đồng Chứng Minh, và Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh chủ trì, dâng hương thành tâm đảnh lễ tưởng niệm Cố Đại Lão Hòa Thượng Thich Trí Thủ nhân ngày kỵ giỗ lần thứ 33 của Ngài.Tôi rất hoan hỉ được cùng với các anh chị huynh trưởng lãnh đạo GĐPT tham dự đại lễ nầy. Tôi là một phật tử, một huynh trưởng… thời cận đại. Tôi chưa từng “sống” trong thời kỳ tranh đấu cho Phật giáo bình đẳng của năm 63 cũng như những năm sau đó. Và tôi đã rời khỏi Việt nam vào cuối năm 1978, tôi cũng chẳng biết gì về tinh thần kiên trì chịu đựng để bảo tồn tổ chức của anh em áo lam… Tôi đứng bên lề lịch sử Phật giáo, nên trước đó có cái nhìn vô cùng phiếm diện. Con người thường chọn lựa hoặc đen hoặc trắng, hoặc theo hoặc chống và thường khi chúng ta quyết định theo cảm tính và chúng ta cũng thường khi “hùa theo” cảm tính. Đó là tinh thần của Khổng giáo. Chúng ta chạy theo hiện tượng mà không quan tâm đến bản chất. Nên chúng ta thật là điên đão! Người chọn lựa không trắng, không đen, không theo, không chống là người chấp nhận cả trắng lẫn đen, cả theo lẫn chống vùi dập, đánh phá. Người ấy là một người Vô Úy và Đại Từ Bi. Đó là Đức Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ.

Lễ Giổ Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám:
Sáng nay, ngày thứ hai 3 tháng 4 năm 2017 nhằm ngày 7 tháng 3 năm Đinh dậu, BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tổ chức lễ húy nhật lần thứ 48 cố cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, sáng lập GĐPT Việt Nam cùng Lễ Hiệp Kỵ và Trai đàn chẩn tế cầu siêu cho Ân sư, Cố vấn, Bảo trợ, Gia Trưởng, Huynh trưởng và Đoànsinh GĐPT Việt Nam.Tôi đến Quảng Hương Gia Lam rất sớm khoảng 6 giờ sáng mà sân chùa đã đầy anh chị em GĐPT. Còn đứng sớ rớ thì chị Xuân Hòa kéo tôi vào chánh điện để kịp dự lễ Thọ cấp Tấn cho 13 Huynh Trưởng đang sinh hoạt tại các BHD GĐPT: Bình Thuận, Gia Định, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thừa Thiên, Lâm Đồng… Buổi lễtrang nghiêm, cảm động dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thượng Thủ cùng quý Hòa thượng trong Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh và quý anh chị Huynh trưởng cấp Dũng trong BHD Trung Ương GĐPT chúng ta bắt đầu làm việc gì cũng phát nguyện, nhỏ như Oanh vũ vào đoàn cũng phát nguyện cho đến lớn như huynh trưởng mỗi lần Thọ cấp hoặc nhận nhiệm vụ là phát nguyện. Phải biết việc phát nguyện hết sức quan trọng. Phát nguyện với Tam bảo, phát nguyện với chính chúng ta, trước sự chứng minh của Chư Tôn Đức, sự chứng kiến cũa huynh trưởng đàn anh là dấu ấn không phai, là năng lượng giúp chúng ta vượt khó, kiên định hoàn thành tâm nguyện, đi trọn con đường Lam. Giống như ta nhận Giới và đắc được Giới thể vậy, sẽ không sai sót, sẽ không mất Giới.Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, một trong những vị khởi xướng Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, người sáng lập GĐPT đã từng có lời phát nguyện dõng mãnh, biểu lộ tâm nguyện của một Bồ tát hóa thân. Đó là vào mùa Đông 1934, Hòa-Thượng GIÁC-TIÊN viên-tịch, ý-thức được trách-nhiệm hoằng-dương Chánh-pháp và duy-trì sinh-hoạt Giáo-Hội, nên trong lời ai-điếu Hòa-Thượng Bổn-Sư, Đạo-hữu đã phát-nguyện dõng mãnh như sau:
“Kiến-tướng nguyên vọng, kiến-tánh nguyên chơn, viên giác diệu-tâm ninh hữu ngã;
Chúc-pháp linh truyền, chúc-sanh linh độ, thừa-đương di-huấn khởi vô nhân.”
Tạm dịch:
“Tướng các Pháp tuy vọng, tánh các Pháp vốn chơn, Hòa-Thượng đâu có mất, còn;
Chánh-Pháp, cần phải truyền, chúng-sanh cần phải độ, lời di-huấn đó, con nguyện
xin gánh-vác.”
Hôm nay, Quảng Hương Già Lam như là một Nhà Từ Đường của Gia Đình Phật Tử mà anh chị em áo Lam tựu về từ khắp mọi miền đất nước. Chúng ta thấy có đại diện cho BHD GĐPT Quảng Đức Sài Gòn, BHD Gia Định, BHD Đồng Nai, BHD Khánh Hòa, BHD Bình Thuận, BĐH Miền Tây Nam Phần, Ban Chấp hành Đoàn Cựu Huynh Trưởng GĐPT Việt Nam, BHD Thừa Thiên, BHD Quảng Nam1, Quảng Nam 2 (Quảng Tín cũ), BHD Bình Định, BHD Cam Ranh, BHD Lâm Đồng, BHD ĐacLak, BHD Đac Nong, BHD KonTum, BHD Gia Lai, BHD Ninh Thuận, BHD Bình Phước, BHD BaRia – Vũng Tàu .v.v. Tuy thành phần tham dự rất đông, (theo ướt tính của tôi phải trên 300 huynh trưởng nam nữ) chương trình khép kín, liên tục, thế nhưng huynh trưởng Minh Trung Đặng Viên Ngọc Trai, Phó Tổng thư ký Thường trực BHD/TG đã dẫn chương trình điều động buổi lễ nhịp nhàng, lời giới thiệu rõ ràng, súc tích giúp cho buổi lễ thập phần trang nghiêm và tràn đầy đạo vị.
Lời Cảm Niệm của của Huynh trưởng cấp Dũng Nguyên Hoành Lê Văn San, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đồng cấp Dũng – Tổng thư ký Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam
“…Hiệp Kỵ thắp sáng nguồn ân
Soi đường lý tưởng tiền nhân tô bồi
Gìn lòng sen trắng tinh khôi
Cho nguồn hiếu đạo dệt nôi nhiệm mầu
“… Lớp Huynh trưởng hậu bối kế thừa, được thừa hưởng gia tài GĐPT Việt Nam, quá lớn lao vĩ đại, với mục đích: Đào luyện thanh thiếu Đồng niên thành Phật tử chân chánh, Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Tinh thần Phật giáo, phát huy tinh thần báo đáp tứ trọng ân. Do đó GĐPT luôn luôn hun đúc truyền thống tri ân và báo ân, sự huân tập trường kỳ trong Lam viên, được thăng tiến mang từng dấu ấn lịch sử qua cột mốc thời gian…”
Lễ Giổ anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ:
Tôi được chị Xuân Hòa mời dự lễ giổ của anh Từ ngày chủ nhật 9 tháng 4 năm 2017 tại chùa Vạn Phước. Đây là ngôi chùa mà hồi xửa, hồi xưa bà Ngoại tôi từng đi khi còn sanh tiền, lúc đó Ôn Tâm Hướng là trụ trì. Và tôi cũng đã có về đây một lần theo lệnh của mẹ tôi để vấn an, và cúng dường Ôn. Lễ Giổ anh Từ được tổ chức trong vòng thân mật có tính cách gia đình, ngoài vài anh chị lớn là bạn áo lam của anh Từ thì tôi là người trẻ nhất và lạ lẫm nhất được chị Xuân Hòa thông báo mời dự. Được tham dự lễ giổ của anh là một vinh dự cho em, em một lần nữa có dịp đọc lại tiểu sử của anh, được chiêm nghiệm lại những hoạt động của anh, những đóng góp của anh cho Phật giáo, cho tổ chức GĐPT thật là to lớn, làm cho em, thế hệ đi sau tủi hổ vô cùng.

KẾT THÚC MỘT CHUYẾN ĐI:
Tôi có một buổi chiều ăn cơm và trao đổi từ giả với các anh chị tiền bối như chị Diệu Thuần Phạm Thị Xuân Hòa, anh Nguyên Hoàng Lê Văn San, anh Nguyên Hạnh Phạm Phước Hùng, anh Nguyên Thanh Ngô Văn Chơn và anh Minh Trung Đặng Viên Ngọc Trai. Anh Ngọc Trai có hỏi thăm lúc trước trong nước, tôi sinh hoạt tại đơn vị nào? Hởi ôi, hồi còn trong nước tôi chưa từng là phật tử nữa thì làm sao biết được GĐPT mà sinh hoạt! Chỉ tại hải ngoại, tôi bước vào GĐPT một cách “tình cờ” và tôi từng ví là mình đã “nhảy dù” xuống tổ chức. Năm 1982, tôi có phận sự đưa mẹ tôi đến Niệm Phật Đường Quan Âm
(Montréal) hằng tuần nơi mà mẹ tôi và một số bác lớn tuổi chung sức gầy dựng. Lúc đó, thầy Minh Tâm (cố Hòa thượng Thích Minh Tâm, khai sơn chùa Khánh Anh, Pháp quốc) và thầy Như Điển (khai sơn chùa Viên Giác, Đức quốc) là Lãnh Đạo Cố Vấn Hội Phật giáo Quan Âm. Quý thầy chia nhau thường xuyên sang Montréal, ban ngày chỉ dạy cho các bác phương thức điều hành một ngôi chùa (không có Thầy trụ trì) từ chủ lễ, cầu an, cầu siêu, đọc sớ…, buổi chiều thì giảng pháp cho phật tử… Tôi làm quen với đạo Phật từ lúc đó. Năm 1984, tôi quy y Tam Bảo với thầy Như Điển, lúc nầy GĐPT đã bắt đầu tập họp. Nhưng không lâu sau năm 1985, GĐPT ngưng sinh hoạt, BHT giải tán vì các anh, các chị tranh chấp “quyền hành” lãnh đạo. Các bác trong Ban Trị Sự yêu cầu tôi xây dựng lại GĐPT. Thế là mùa hè năm 1986, GĐPT Quan Âm làm lễ ra mắt và tôi thành… Liên đoàn trưởng, lúc đó tôi đã 38 tuổi rồi (nhưng trẻ nhất chùa). Năm 1987, anh Tâm Trí Tư Đồ Minh triệu tập một cuộc hội thảo huynh trưởng GĐPT Canada tại Toronto. Cuộc hội thảo chuyển thành Đại Hội Huynh Trưởng và công cử một Ban Hướng Dẫn Lâm Thời. Anh Tâm Trí là Trưởng ban, anh Minh Chơn Nguyễn Văn Chính là Tổng thư ký và tôi được đề cử là… Phó Tổng thư ký. Chắc chắc rằng chỉ tại hải ngoại mới có trường hợp… như tôi! Tu mà chưa thấm tương chao. Lòng vòng ngoài ngõ chưa vào thiền na. Vì như thế mà anh Tâm Trí tức khắc tổ chức những trại huấn luyện Lộc Uyễn, A Dục… Tôi vào GĐPT và thành huynh trưởng như thế đó! Bằng cánh cửa… bên hông! Và đều đó đã lẫn quẫn trong tâm trí của tôi hơn 30 năm nay!
Làm thế nào để xây dựng một thế hệ kế thừa tại hải ngoại? Làm thế nào để duy trì, giữ gìn truyền thống GĐPT? Và truyền thống đó là gì? Có những gì thay đổi được, những gì không? Chuyến đi nầy là để tìm cách giải quyết những câu hỏi đó cho tôi. Truyền thống là văn hóa, là sản phẩm của con người được lưu truyền qua
các đời qua các dòng tộc, huyết thống và có giá trị về nhân văn nhân bản, có tính trường tồn. Được mọi người bảo tồn và giữ gìn một cách thiêng liêng. Với những gì tôi quan sát được, với những gì tôi cảm nhận được thì truyền thống GĐPT là những điều sau đây:
1.- Tính thống nhất, bất khả phân; gồm tính bao dung chấp nhận để chuyễn hóa.
2.- Tính tự nguyện hay là phát nguyện, lập nguyện.
3.- Tinh thần báo đáp Tứ trọng ân.
4.- Sống theo châm ngôn Hòa Tin Vui, Bi Trí Dũng và 5 điều luật của GĐPT (theo
tinh thần Đạo từ của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thượng Thủ HĐTG CM giáo
huấn trong Đại Hội Thế Giới kỳ IV tại Thái Lan vừa qua). Như vậy, theo ý tôi ngoài những điều trên, tất cả những điều khác đều có thể
thay đổi nhất là về hình thức có ghi trong Nôi Quy hay Quy Chế Huynh Trưởng. Dĩ nhiên, sự thay đổi phải tuân theo quy trình được quyết định qua một Đại Hội Huynh Trưởng, không được tùy tiện.Thế hệ kế thừa được xây dựng dầu ở quốc nội hay ở hải ngoại đều dựa trên 4 điều vừa kể. Đó là truyền thống phải giữ gìn, duy trì. Cây có cội; nước có nguồn; con người thì có tổ, có tông; tổ chức thì có truyền thống phải giữ gìn…

Về nguồn sao!…
Một chuyến ư?…

Thị Nguyện HNT ghi

1503 lượt xem