TIỂU SỬ

CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN
TÂM KIỂM – BẠCH HOA MAI
(1939 – 2022)

Phó Trưởng Ban Ngoại Vụ Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới
Nguyên Phó Trưởng Ban Thường Trực Hội Đồng Huynh Trưởng cấp Dũng GĐPTVN
Nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Tại Hải Ngoại
Nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Tại Hoa Kỳ

——— oOo ———

A. THÂN THẾ:

Huynh Trưởng cấp Dũng Tâm Kiểm – Bạch Hoa Mai sinh ngày 12 tháng 12 năm 1939 tại làng An Cư Đông, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình thâm tín đạo Phật, thấm nhuần tinh thần giáo lý Phật-đà, chính từ mái ấm gia đình đã trưởng dưỡng đạo tâm của anh từ thời còn ấu thơ. Anh là con thứ hai, cũng là con trai duy nhất trong gia đình có 7 anh chị em. Thân sinh là cụ ông Tâm Trực – Bạch Trung và thân mẫu là cụ bà Tâm Không – Phan Thị Lý.

Với tấm lòng hiếu đạo, nghĩa tình, Anh luôn canh cánh bên lòng những thiếu sót của bản thân đối với cha mẹ, thân quyến, vợ, con và luôn tìm cách báo đền, chăm sóc. Khi tuổi già, việc về lại nơi chôn nhau cắt rốn, hương khói phụng thờ tổ tiên, gìn giữ những gia tài tinh thần, truyền thống của gia tộc, và sự quan tâm, chăm sóc con, cháu tại Việt Nam, Hoa Kỳ luôn là niềm vui của Anh.

Với con đường học tập lập thân, Anh đã nỗ lực chu toàn, gắn bó đời mình với chuyên môn công chánh, xây dựng. Anh Tâm Kiểm có khả năng thiên phú trên nhiều lĩnh vực như hội họa, điêu khắc. Anh đã góp phần thiết kế, xây dựng, giám sát, thực hiện nhiều công trình cho cộng đồng, cho Phật Giáo và nhà Lam; trong đó, có thành quả thực hiện đắp tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cao 18m cho Khuôn hội Kỳ Viên, Đà Lạt và cùng Anh Tâm Phát – Võ Phác điêu khắc tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tôn trí tại Đài Lục Hòa trong khuôn viên Trại trường của GĐPTVN, đã thành dấu ấn thân thương còn mãi lưu lại.

B. QUÁ TRÌNH TU HỌC VÀ THĂNG TIẾN TỰ THÂN:

Sớm có nhân duyên với Tam bảo, vào năm 1948, khi mới 9 tuổi, anh sinh hoạt với Đoàn Đồng ấu Phật tử Khuôn hội Lăng Cô. Đến mùa Phật đản năm 1949, khi vừa tròn 10 tuổi, anh được song thân hướng dẫn quy y Tam bảo với cố Trưởng lão Hòa thượng đạo hiệu thượng Trừng hạ Nguyên, hiệu Đôn Hậu, trú trì Quốc tự Linh Mụ và được Bổn sư ban cho pháp danh Tâm Kiểm. Với chí nguyện trưởng dưỡng Bồ-đề tâm, năm 1970 tại Đại Giới đàn Vĩnh Gia (Đà Nẵng), Anh phát tâm cầu thọ tại gia Bồ-tát giới.

Trong tổ chức GĐPTVN, Anh đủ duyên tham dự và trưởng thành qua từng trại trường huấn luyện:

• Năm 1958 tham dự Trại Ta Dìu Đàn Em tại Chùa Từ Đàm, Thừa Thiên
• Năm 1959 tham dự Trại A Dục tại A-Nong, Thừa Thiên
• Năm 1964 tham dự Trại Huyền Trang, Tổ đình Báo Quốc, Thừa Thiên
• Năm 1970 tham dự Trại Vạn Hạnh 01 GĐPT Việt Nam tại Trại trường Đà Lạt.

Bằng tất cả tấm lòng tha thiết phụng sự Phật pháp, nêu gương hạnh dấn thân trong GĐPTVN, Anh được Tổ chức trân trọng tán dương và xếp vào hàng ngũ Huynh trưởng, trao truyền trách nhiệm từ thấp đến cao qua từng mốc thời gian thăng tiến:

• Thọ cấp Tập năm 1962 tại Đà Nẵng
• Thọ cấp Tín năm 1965 tại Đà Nẵng
• Thọ cấp Tấn năm 1970 tại Đà Lạt
• Thọ cấp Dũng năm 2008 tại Thái Lan.

C. ĐỜI SỐNG PHỤNG SỰ:

Anh Tâm Kiểm – Bạch Hoa Mai là một Huynh Trưởng xuất thân từ Đoàn Đồng ấu của Khuôn hội Lăng Cô. Với tư lương được trang bị từ ngày ấu thơ, anh sớm phát nguyện làm Huynh trưởng vào năm 1955 tại GĐPT Phú Hòa, trường Trung học Bồ Đề Huế.

Từ khi phát nguyện làm Huynh trưởng cho đến khi xả huyễn thân, hơn 70 năm làm đệ tử Tam bảo, sứ giả áo Lam, với chí nguyện Bồ-tát đạo, Anh lấy phụng sự Phật pháp, lý tưởng GĐPTVN làm đời sống của mình:

1. Sống đời Lam:

Nụ cười và hạnh tùy hỷ được Anh hàm dưỡng, trở thành niềm vui trong đời Trưởng, dấn thân phụng sự, gắn kết tình Lam từ quê hương đến Hoa Kỳ, Hải ngoại với các dấu ấn:

Từ năm 1958 đến năm 1962 tại BHD GĐPT Thừa Thiên, Anh gắn bó với GĐPT Lăng Cô trong vai trò Đoàn trưởng Đoàn Oanh Vũ Nam rồi Liên Đoàn trưởng.

Tại BHD GĐPT Đà Nẵng, Anh gắn bó sinh hoạt từ năm 1962 đến năm 1975 với các chức vụ: Đoàn trưởng Đoàn Thiếu Nam GĐPT Tân Hòa, Ủy viên Nam Oanh Vũ, Ủy viên Thiếu Nam, Tổng Thư ký.

Từ Đại hội Huynh trưởng toàn quốc năm 1967 cho đến khi định cư tại Hoa Kỳ, Anh được tín nhiệm trong vai trò Phụ tá Tổng Thư ký BHD Trung ương GĐPTVN đặc trách Văn phòng BHD Trung ương.

Từ Huế, Đà thành đến BHD Trung ương, Anh để lại những dấu ấn trong các lĩnh vực sinh hoạt, hành chánh, tổ chức Phật sự, các công trình trang trí cho Đại hội Huynh trưởng toàn quốc, các tập văn kiện đại hội, tài liệu tu học, sinh hoạt được Anh góp phần thực hiện in ấn chu đáo, thẩm mỹ, và chu toàn trách nhiệm Thư ký tòa soạn Báo Sen Trắng.

Hình ảnh của Anh vẫn còn in đậm trong lòng Lam viên tại Quốc nội, nhất là các Trại sinh của Anh qua các kỳ họp mặt, trại họp bạn, trại huấn luyện mà tiếng còi, trò chơi, tác phong, cung cách hành xử,… đến nay nhiều Lam viên vẫn còn nhắc mãi về Anh với dấu ấn Đời sống trại tại các kỳ trại do BHD Trung ương, miền Vạn Hạnh, miền Khánh Anh, BHD Thừa Thiên, Đà Nẵng, Gia Định tổ chức.

Sau khi sang định cư ở Hoa Kỳ, anh là một trong những Huynh trưởng có vai trò lớn trong việc xây dựng nền móng cho sinh hoạt của GĐPTVN tại Hoa Kỳ, góp phần xây dựng GĐPTVN tại Hải ngoại từ những ngày đầu phôi thai, với những phần hành mà Anh đã gánh vác từ năm 1977 đến khi mãn báo thân: Thư ký, Đoàn trưởng Thiếu Nam GĐPT Giác Hoàng, Gia trưởng GĐPT Lâm Tỳ Ni, Liên Đoàn trưởng GĐPT Pháp Vân, Thư ký Đoàn Huynh trưởng GĐPTVN, Phó Tổng Thư ký BĐH GĐPTVN tại Hoa Kỳ, Phó Trưởng ban, Vụ trưởng – Trưởng ban, Cố vấn BHD GĐPTVN tại Hoa Kỳ.

Khi GĐPTVN phát triển lớn mạnh trên khắp các quốc gia có người Việt sinh sống, Anh là một trong những người đã đặt nền móng cho sự ra đời của Ban Hướng dẫn GĐPTVN tại Hải ngoại, kết nối năm châu chung một nhịp cầu tình Lam truyền thống. Từ năm 1997 đến năm 2012 anh lần lượt đảm nhiệm: Tổng Thư ký, Phó Trưởng ban, Trưởng ban BHD GĐPTVN tại Hải ngoại.

Anh đã khai kiến nhiều Phật sự góp phần thăng tiến tổ chức, yểm trợ nhiều mặt cho GĐPT tại Quốc nội, và chung sức cùng Lam viên tại Hải ngoại, Hoa Kỳ thực hiện các Phật sự tu học, huấn luyện, trại họp bạn, hiệp kỵ truyền thống, xây dựng hệ thống hành chánh quy củ, sinh hoạt Hội đồng cấp sách tấn bổn phận, tổ chức các kỳ đại hội, hội thảo, họp mặt quy mô. Thành tựu của Anh thể hiện qua các vai trò Trưởng, Phó ban, thành viên Ban tổ chức, Trại trưởng, Trại phó, Đời sống trại, Huấn luyện viên,… dù với vị trí nào Anh cũng hết lòng phụng sự. Với sức sống của áo Lam tại Hải ngoại và Hoa Kỳ hôm nay cho thấy sự nhiệt thành, trách nhiệm và hiệu quả trong các Phật sự mà Anh đã góp phần cùng quý Anh Chị tại Hoa Kỳ, Hải ngoại vun đắp.

Năm 2004, khi sương đã tan đầu ngõ, GHPGVNTN phục hoạt dưới thiền trượng của đức Đệ tứ Tăng thống. Hòa thượng đệ nhất Phó Viện trưởng VHĐ thượng Tuệ hạ Sỹ đã chỉ đạo thành lập Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam trên Thế giới để đáp ứng cho sinh hoạt của tổ chức GĐPTVN trong giai kỳ mới. Tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, Đại hội thứ I của GĐPTVN trên Thế giới thành tựu viên mãn, hình thành nên BHD GĐPTVN trên Thế giới. Từ dấu ấn đó cho đến ngày xả báo thân, Anh đã gánh vác Phật sự với các chức vụ: Tổng Thư ký, Phó Trưởng ban Ngoại vụ.

Nhằm duy trì truyền thống Vụ trưởng, phụng hành giáo giới của chư tôn đức trong Hội đồng Tăng già Bản thệ, Hội đồng Giáo giới GĐPTVN, quý Huynh trưởng cấp Dũng GĐPTVN trên Thế giới đã kiến lập Đại hội lần thứ nhất năm 2016 tại Đà Lạt. Anh được Đại hội tín nhiệm đảm nhận vai trò Phó Trưởng ban đặc trách Hải ngoại BTT HĐHTr Cấp Dũng GĐPTVN.

Trong tinh thần phụng hành giáo giới của Tăng-già, với bản nguyện thiết tha phụng sự Tam bảo và lý tưởng GĐPTVN. Trong phần hành đảm đương tại BHD GĐPTVN trên Thế giới và Hội đồng cấp Dũng, Anh đã dấn thân trong lúc tuổi cao, chẳng ngần ngại những chuyến đi dài thăm viếng, kết nối Lam viên trong và ngoài nước. Những đề án đại hội, những văn kiện pháp quy được Anh khởi thảo, góp phần gìn giữ truyền thống của tổ chức, chịu trách nhiệm chính trong công tác tổ chức các kỳ Đại hội, Pháp hội Thù ân, Hội thảo Trần Nhân Tông, và nhiều năm đảm nhận vai trò Tổng Biên tập trang nhà GĐPTVN trên Thế giới, và là Trưởng phái Đoàn của Tổ chức GĐPTVN trên Thế giới tham dự Đại hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới tại Tích Lan.

2. Công đức hộ trì Phật pháp:

Khi Pháp nạn Phật giáo 1963 xảy đến, tuổi thanh niên, Anh dấn thân trong từng cuộc tranh đấu, cùng với Lam viên khắp cả nước, theo sự hướng dẫn của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, góp phần giải trừ Pháp nạn. Hình ảnh người trai áo Lam Tâm Kiểm có mặt trong mùa lịch sử nơi đất thiêng Từ Đàm, Đài Phát thanh, cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba,… bên cạnh chư tôn đức. Ngày bôn ba trong từng đoàn Tăng, Tín đồ, đêm viết biểu ngữ, nêu cao tinh thần Bi – Trí – Dũng, Anh nhớ từng khoảng khắc thiêng liêng khi các Thánh tử đạo tự thiêu, ghi lòng từng lời Thầy căn dặn. Tất cả đều là hành trang để nuôi lớn chí nguyện Phật tử Tâm Kiểm.

Đến giai kỳ Pháp nạn 1966 – 1967 Anh Đoàn Đình Điệp (nay là HT. Thích Minh Tâm), Anh Nguyễn Sỹ Thiều, Anh Nguyễn Khắc Từ, Anh Nguyễn Đình Luyện, Anh Bạch Hoa Mai, Anh Hà Xuân Kỳ, Anh Nguyễn Văn Giác, Anh Võ Văn Tùng, Chị Đinh Thị Liễu,… cùng Lam viên GĐPT Thừa Thiên theo sự hướng dẫn của chư tôn đức mà bảo vệ Phật giáo, lúc nằm trong tủ hồ sơ của Văn phòng BHD Thừa Thiên mà không khiếp sợ; khi giả làm Sư cô nương náu sự chở che của Sư Bà Thể Quán và Ni chúng nơi cửa thiền với pháp hiệu Diệu Tâm, Diệu Như, Diệu Minh, Diệu Cảnh, Diệu Đài mà dốc lòng hộ trì Phật sự giải trừ Pháp nạn, hoàn thành nhiệm vụ duy trì đài phát thanh cứu nguy Phật giáo (đặt tại Chùa Diệu Đế), tuần báo Thanh Quang (cơ quan tranh đấu, nghị luận của GĐPT Thừa Thiên).

Có thể nói, tâm nguyện suốt đời Anh là giữ gìn chánh tín Tam bảo, hộ trì Phật sự của GHPGVNTN, sống trọn đời Lam.

D. THỜI GIAN CUỐI ĐỜI:

Trong những năm cuối đời, anh thường xuyên sống với quê hương, thời gian anh ở Thừa Thiên trong năm ngày càng dài hơn ở Hoa Kỳ. Trước hoàn cảnh của đại dịch Covid-19, với những ảnh hưởng lớn đến toàn nhân loại, trong dòng chảy vô thường của đời sống, anh thọ bệnh sau khi nhiễm virus SARS-CoV2.

Anh trút hơi thở cùng vào lúc 18 giờ 05 ngày 06 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 04 tháng chạp năm Tân Sửu) tại bệnh viện phổi Đà Nẵng sau hơn 1 tháng điều trị.

Với 83 năm đến với cuộc đời, 74 năm sống cùng áo Lam, sự ra đi của anh để lại bao nhiêu thương nhớ cho gia đình và nhất là sự thương tiếc của các Lam viên Gia đình Phật tử Việt Nam, khi bao nhiêu Phật sự còn dang dở.

Chia tay Anh nơi cõi tạm trong vòng dây thân ái, tình Lam mãi thương nhớ Anh! Hẹn gặp lại Anh trong tâm nguyện “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

BAN TỔ CHỨC TANG LỄ

1971 lượt xem