Người Việt Paris đón Tết Canh Dần
                                                         Bích Xuân

Mồng một Tết, dưới những cơn mưa tuyết vừa qua, ai đã từng đi chùa thì chuẩn bị để đi lễ chùa với áo ấm, khăn choàng cổ, găng tay vì thời tiết mùa xuân trong ngày Tết lạnh dưới 6, 7 độc C. Lạnh thì lạnh nhưng bà con có thói quen ngày mồng một Tết phải đi lễ xin lộc đầu năm, ai quen chùa nào thì đến chùa đó. Tết ở xứ người mà không ra khỏi nhà là không phải Tết nên bà con kéo nhau đến chùa mới có không khí ngày Tết. Có người ở xa cũng đến chùa để thắp một nén nhang, niệm một câu kinh, hay cầu xin điều gì đó, một phong tục rất là thiêng liêng trong dịp Tết.

Ở đâu có người Việt là ở đó có chùa, cây nêu, hoa, pháo, bánh chưng xanh trong dịp Tết, và hình ảnh mái chùa là tượng trưng cho những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Mồng một Tết, chùa nào cũng đông đúc người đến.

Có người, nhân dịp tết họ đi chùa khác, xem có khác gì với chùa mình đã từng đi hay không? Có chùa, đa số khách thăm viếng là giới trẻ, chùa khác, người trung niên thì nhiều, rất ít người trẻ. Có những chùa, bán thức ăn chay trong dịp Tết và những ngày cuối tuần, và có Ban văn nghệ.  Chùa khách Việt là chùa Khánh Anh, chùa có nhiều người Tàu đến là chùa Linh Sơn, chùa Quán Âm. Có điều lạ, năm nay, thấy có nhiều thanh niên, thiếu nữ trẻ đến lễ chùa nhiều hơn những năm về trước.

Chùa có Ban văn nghệ gia đình Phật tử phụ trách. Chùa nào không có văn nghệ, sau những buổi lễ lớn, như Lễ Phật Đản, Tết khách đến lễ Phật, xin lộc xong rồi ra về, nếu có văn nghệ thì bà con ở lại chùa để xem văn nghệ, trong lòng vui vẻ, phấn khởi vì có con, em, cháu của họ ca, múa trong Ban văn nghệ chùa.

Mùng 1 tết, đoàn Lân Paris đủ màu sắc, xanh, đỏ, trắng, vàng kéo nhau đến trước Tòa Thị Chính ở quận 13 Paris, với chiêng, trống ì xèo, để Lân nhảy múa đem may mắn đến cho mọi người, một tập tục văn hoá của người Á Châu, khách đi đường dừng chân ghé lại đứng xem, trên đại lộ Ivry, xác pháo hồng cũng rơi đầy góc phố.

Hội Liên Đới Xã Hội, tổ chức Hội chợ xuân Tân Niên, trình diễn văn nghệ đón mừng xuân Canh Dần rầm rộ. Anh…Rân "chủ xị", mướn rạp hát ngay giữa trung tâm Paris, với phòng chứa 500 người, nhưng vì trời lạnh lẽo, đi bộ tê cóng từng ngón tay, ngón chân, vã lại, rạp hát không có parking, nên số người đến trễ vì tìm chỗ đậu xe cả tiếng, có số tìm không  được chỗ bỏ về luôn.

Năm nay, ngày mồng một Tết, tại Pháp lại rơi đúng vào ngày Lễ Tình yêu (Saint Valentin) nên sau khi đi lễ chùa buổi sáng, buổi tối, người ta đưa nhau đến các tiệm ăn. Các nhà hàng được trang hoàng thật đẹp để dành riêng cho những cặp tình nhân, những đôi vợ chồng. Từng cặp đôi đủ mọi lứa tuổi, tay tronc tay bên nhau bên ánh đèn mờ ảo. Đời thật đẹp và thơ mộng khi người ta đặt tên cho Lễ Tình Yêu, để có bên nhau, để yêu mến nhau nhiều hơn. Người viết không dám đưa máy lên chụp, thỉnh thoảng chỉ liếc trộm hình ảnh đẹp một tí thôi…

Còn gì hạnh phúc và vui sướng cho bằng khi được cả hai mùa xuân trong một  ngày: Mùa xuân Dân Tộc, và mùa xuân Tình Yêu đằm thắm trong cuộc đời.

Bích  Xuân
Paris 14 Janvier  2010

Xem tiếp hình phía dưới.


Xin lộc đầu năm

 
 
 
Chùa Khánh Anh đêm giao thừa
Chùa Khánh Anh văn nghệ mừng xuân Canh Dần


Người Pháp hát nhạc Việt


          Năm Canh Dần thiếu nữ chào đón "ông ba mươi"


Hoạt cảnh Hội Nghị Diên Hồng


Các em chúc tết ông bà, cha mẹ và hát bằng tiếng Việt                    

  
Văn nghệ mừng xuân Canh Dần tại Espace Reuilly

470 lượt xem