Thưa Anh Chị Em Lam Viên bốn phương,

Khi Thái tử Tất Đạt Đa ra đời, có 2 vị Long vương đến phun 2 dòng nước để tắm cho ngài, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng với ý nghĩa biểu tượng: Thái tử là con người đặc biệt, có thể chịu đựng nổi sức mạnh của 2 dòng nước, kham nhẫn nỗi sức nóng lạnh, tượng trưng cho những áp lực nặng nề thường xuyên tác động lên con người, đó là những được-mất, khen-chê, khổ-vui, vinh-nhục v.v.. Làm sao để sống thoải mái thảnh thơi giữa hai dòng nước? _ Ai làm được điều này chính là Bậc Thánh.

Chúng ta học Phật là học những đức tính của chư Phật (Hạnh) nên Châm ngôn của GĐPT (Ngành Thanh Thiếu và Huynh trưởng) là Bi Trí Dũng, còn của ngành Đồng (Oanh Vũ) là Hòa Tin Vui. Nhiều người cho rằng Hoà Tin Vui là dễ nên dành cho con nít! _ Xin thưa, không phải như vậy đâu! Sống Hoà thuận, Vui vẻ với mọi người quanh mình, tin tưởng và yêu mến họ cũng như làm cho họ tin tưởng thương mến mình, đó là cả một nghệ thuật của đời sống. Đó cũng chính là mục đích luân lý và đạo đức con người _ đặc biệt là người Phật Tử, vì ACE chúng ta ai cũng phải sống giữa 2 dòng nước của cuộc đời, hành trang “lên đường” là Từ Bi và Trí Tuệ.

Thật vậy, mục đích của chúng ta, những người con Phật, những người Phật tử tại gia, những Huynh trưởng GĐPT, luôn noi gương đấng Cha lành nên hơn ai hết, phải có nếp sống vị tha, nghĩ đến người khác, hướng đến mục đích cao thượng là “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” chứ không phải chỉ biết vun bồi cho riêng mình, nhằm thỏa mãn những ham muốn ích kỷ, những ước nguyện hẹp hòi, những toan tính chi ly đi ngược lại với lòng bao dung hoan hỷ mà chúng ta hằng thực tập.

Muốn sống Hoà thuận, Vui vẻ với mọi người, trước hết chúng ta phải hoàn thiện mình bằng cách loại bỏ tính kiêu căng ngã mạn, nếu có. Muốn hoà đồng với mọi người, chúng ta phải biết quên “cái tôi” của mình, phải trau giồi và tự huấn luyện mình bỏ những thói hư tật xấu để huân tập những đức tính. Ví dụ như tập đừng nóng giận, đừng nhăn nhó, đừng chỉ trích người khác, chỉ nên tự soi rọi lại mình.

Muốn hoà đồng với mọi người chung quanh thì phải tập tánh đối xử bình đẳng; đừng vì yêu ghét mà sinh thành kiến, đừng phân biệt thân sơ, phe nhóm v..v.. Chúng ta hãy tập nhìn sâu (quán chiếu) vào phương pháp này: giữ Tâm bình đẳng _ không yêu-ghét, lấy-bỏ. Nhìn mọi sự vật, hiện tượng, cho đến con người với cái Tâm vô tư, không thành kiến, tập thấy một vật, một hiện tượng, một con người “như – nó – là” không phê phán, không suy diễn, không chấp trước.

Muốn hoà đồng, hoà họp với mọi người chung quanh, chúng ta hãy tập tính khiêm tốn, hãy là Thầy của chính mình và là học trò của mọi người, vì cho đến một ngọn cỏ, một lá cây, .. cũng có điều cho chúng ta học tập; cả trong sự im lặng hoàn toàn cũng có những bài Pháp rất hay … và gần nhất là Thân và Tâm chúng ta cũng không ngừng dạy chúng ta .. Đức Phật nói: hãy lắng nghe những bài thuyết pháp của chính Thân và Tâm mình.

Muốn hoà thuận và vui vẻ với mọi người quanh mình, chúng ta phải có Tình thương và lòng Tin; khi đã có tình thương thì những sự khác biệt về tâm tư tình cảm, về tuổi tác, về trình độ học vấn, về giai cấp xã hội v..v.. không còn đưa đến những va chạm hay đụng độ lớn nữa vì:

“Khi thương trái ấu cũng tròn”
hay:
“Khi thương thương cả đường đi”

Khi đã có Tình thương và lòng Tin thì những thành kiến, cố chấp, kỳ thị v..v.. sẽ không còn tồn tại nữa. Đó là lý do tại sao nội dung châm ngôn của Ngành nào trong GĐPT cũng có chất liệu này (BI, Từ Bi, Tình thương) và đó cũng là lý do tồn tại của GĐPT hơn 70 năm qua.

Cuối cùng, muốn sống hoà đồng hoà hợp với thế giới chung quanh mình, chúng ta cần luôn giữ chánh niệm tỉnh thức, luôn tự nhắc nhở mình: “Mọi lỗi lầm do Thân, Lời, Ý tôi gây ra, cầu mong được tha thứ” Chúng ta sám hối đã đành, mà còn mong những ai /cái gì /con vật gì bị hại do những lỗi lầm đó gây ra, tha thứ cho mình nữa.

Thân kính chúc ACE Lam viên bốn phương “một ngày như mọi ngày” an lạc và thảnh thơi.

Trân trọng,
BBT

563 lượt xem