Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,


Người xưa có xếp loại ba hạng người dựa vào “con mắt” của họ _không phải là con mắt thịt mà là con mắt của sự hiểu biết, của trí tuệ.
Thứ nhất là hạng người không có mắt (nghĩa là không có con mắt Đời và Đạo) việc Đời cũng dở mà việc Đạo càng dở hơn)
Thứ hai là hạng nguời có mắt “chột” (nghĩa là chỉ có một con mắt Đời _hạng này thành công trong đời về kiến thức, về sự nghiệp nhưng không biết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, không biết phát triễn tâm linh ….
Thứ ba là hạng người sáng cả hai mắt (Đời và Đạo), nghĩa là về Đời cũng thành công, có kiến thức cao có sự nghiệp lớn mà về Đạo cũng đạt được trí tuệ căn bản của một người sống Đời vui Đạo, làm lợi ích cho mọi người.
Đối với nhà Phật, việc đánh giá con người rõ ràng hơn, căn bản hơn, không dựa trên sự thành công hay thất bại mà dựa trên cái Tâm của người ấy.

Đức Phật dạy:
ở đời có 4 hạng người,

1)      hạng người chuyên làm khổ mình
2)      hạng người chuyên làm khổ người
3)      hạng người chuyên làm khổ người và khổ mình
4)      hạng người chuyên làm lợi mình, lợi người
Có người nói: số 3 là tập hợp của số 1 và 2, tại sao phải để riêng?

_Xin thưa, vì hạng thứ nhất chỉ chuyên làm khổ mình chứ không làm
khổ người, hạng thứ hai chỉ chuyên làm khổ người khác chứ không làm khổ mình. Đó, chỉ có một chút xíu thôi, nếu không khai triễn vẫn có người không hiểu, lại thắc mắc.
Thế nào là “chuyên làm khổ mình” ? _Đó là hạng người chìm đắm trong dục lạc thế gian, quên hết trời đất, thiên hạ, chỉ biết hưởng thụ và tiêu phí tuổi trẻ, tiền bạc … vào những “cuộc vui  suốt sáng, trận cười thâu đêm” để đến khi thức giấc vì bệnh hoạn, nghèo nàn, không ai ngó tới thì đã quá muộn màng, thân bại danh liệt ! Đó là lý do mà đức Thế Tôn gọi thế gian này là “ngôi nhà lửa”

_Nhưng thế gian lại ham chơi, không chịu chạy ra khỏi để đến khi biết ngôi nhà đang cháy thì đã hết một đời!


Thế nào là “chuyên làm khổ người” ?  _Đó là hạng người ích kỷ, thấy người khác vui thì mình buồn, thấy họ khóc thì mình vui, nên chuyên tìm chuyện hại người; ví dụ ăn cắp của cải của người khác mà lại nói ngược là người ta ăn cắp của mình, hở một chút là đòi bắn bỏ, thủ tiêu, vu oan giá họa cho người khác những tội mà người ta không hề có, còn phần mình thì “tội mê mê như kê lộn đậu” nhưng cứ “đấu tranh miệng lưỡi” lộng giả thành chơn, cả vú lấp miệng em … dùng đủ thủ đoạn để hạ uy tín người khác nhằm để tự nâng mình lên v.v.. (nhưng tự nâng thì đâu có được!)
Thế nào là “chuyên làm khổ người và khổ mình”? _Đó là hạng người thiếu trí tuệ, dễ bị mua chuộc, đi vào con đường xấu mà không tự biết. Tại sao dễ bị mua chuộc ? _tại vì ham danh lợi, địa vị hay tiền tài, sắc đẹp … đến khi bị “sập bẫy” rồi ăn năn cũng không kịp, đã lở hại người tốt, đã lở nhúng tay vào chàm, đâu có nói năng gì được nữa ! Đến lúc đó, khóc cũng không ai thương, cười thì cười ra nước mắt! Đúng là làm khổ mình và đồng thời cũng làm khổ người một cách thiếu trí tuệ.
Hạng thứ tư là hạng người hiếm quí giữa xã hội nhiễu nhương này; đó là hạng người biết quy y Tam Bảo, biết giữ Giới như giữ gìn cặp mắt của mình, chỉ cần giữ 5 Giới của người Phật Tử tại gia cũng đủ góp phần làm cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc rồi. Thật vậy, người giữ Giới không sát sanh thì không bao giờ hại người hại vật; vì sát sanh không chỉ là dùng gươm dao đâm chết người mới gọi là sát sanh mà có thể sát sanh bằng lời nói ác độc, lời nói vu oan giá họa cho người ta, lời nói gây chia rẽ nội bộ của người ta, làm cho anh chị em người ta nghi ngờ nhau, ghét nhau, xa rời nhau, lời nói vu khống, làm cho thiên hạ tưởng thật xúm vào tấn công người ta v.v.. những thứ đó đều là hình thức sát sanh cả.
Hạng người thứ 4 không bao giờ làm những điều ác đức như vậy. Họ không những không sát sanh mà còn phóng sanh, không trộm cắp mà còn bố thí v.v.. nghĩa là đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác cho nên không bao giờ hại người, không xúc phạm đến người khác, không lấy của người khác _các bạn có nghe chữ “đạo văn” hay không? Đạo văn là ăn cắp văn của người khác, sao chép lại (copy) của họ mà nói của mình, đó là một hình thức của trộm cắp, không cần phải đào tường khoét vách mới gọi là ăn trộm đâu. Hạng người thứ 4 không bao giờ làm những chuyện mất tư cách đó. 5 Giới thì tất cả Phật tử đều biết cả rồi, huống gì anh chị em Huynh trưởng chúng ta thì đã thuộc lòng tưởng không cần nhắc thêm.
Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Chúng ta là Huynh trưởng, nhiệm vụ chính là giáo dục thanh thiếu niên, tuổi trẻ Phật giáo hải ngoại hay trong nước, cũng đều có cùng một tâm niệm, đó là “vì đàn em thân yêu.” Chúng ta không được ai trả lương, không đuợc ai bổ dụng, nhưng hàng hàng lớp lớp đều tự nguyện qua những lớp huấn luyện để trở thành Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử phục vụ tuổi trẻ như các Anh Chị của mình đã từng phục vụ mình. Người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử không những không được trả lương mà còn phải đưa đón các em đi sinh hoạt bằng xe riêng của mình, mua thức ăn cho các em nếu các em kêu đói bụng bằng tiền túi của mình, tổ chức sinh nhật tại Đoàn, Gia Đình … cho các em cũng đều tự túc, điều này không chỉ xảy ra một vài ngày mà đã từ hơn mấy chục năm nay với truyền thống “gia đình” như vậy. Ở  trong nước, người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử còn tự nguyện đi xây những căn nhà tình thương cho những người già cả yếu đuối không có nhà ở, cơm ăn, còn vào bệnh viện giúp những bệnh nhân cô quả cô đơn mà quá nghèo, v.v..
Chúng ta hãy tự soi rọi lại mình xem thử mình là hạng người thứ mấy trong 4 hạng người trên đây và “nhanh chân” trở lại hạng thứ 4 vốn là hạnh nguyện của anh chị em chúng ta, nếu chúng ta đã lở một lần lạc bước vào các hạng kia!
Còn nói về “con mắt” hay cách nhìn … thì học Phật Pháp chúng ta cũng đã biết, có 5 thứ mắt: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn.
Nhục nhãn là con mắt thường của mỗi người, ở trên mặt/ trên thân thể con người, của chúng sanh ở cõi Dục giới
Thiên nhãn là mắt / cái thấy của chư Thiên hay các vị tu thiền định ở cõi  Sắc giới.
Huệ nhãn là mắt / cái thấy bằng trí tuệ của hàng Thanh Văn Duyên Giác
Pháp nhãn là cái thấy bằng trí tuệ sâu hơn của chư Bồ Tát với hạnh nguyện cứu  độ chúng sanh
Phật nhãn là cái thấy của chư Phật, thông suốt pháp giới.
[Chúng ta có dịp nghiên cứu về “5 cái thấy” nhiều hơn khi học về Kinh Kim Cang]
Thân kính chúc Anh Chị Em tinh tấn trong tu học và tu tập để thân tâm thường được an lạc.
            Trân trọng,
BBT

399 lượt xem