Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,

Kinh Kim Cang có dạy: “… Đối với các pháp, nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Chẳng trụ nơi Sắc mà bố thí, chẳng trụ nơi Thanh mà bố thí… bố thí như vậy thì phước đức có được sẽ vô cùng lớn”.

Khi đọc đến đây, vài Anh Chị Em trong chúng ta thắc mắc rằng: Phần nhiều bố thí là bố thí tiền bạc, áo quần, thuốc men, thức ăn v.v.. tất cả đều là “sắc” chứ sao đức Phật lại dạy là đừng trụ vào sắc mà bố thí? Những thứ này không phải là “sắc” hay sao? Lại nữa, khi bố thí thì phải nói, phải giải thích, v.v.. chứ làm sao mà không trụ vào (âm) thanh được?

– Xin thưa, không phải ý như vậy!

Bố thí không trụ vào sắc có nghĩa là bố thí mà không dính mắc, không cố chấp (“bố thí” là “cho” là xả, còn “trụ” là bám víu, dính mắc, chấp thủ).

Thật vậy, khi CHO – bố thí – là cứu giúp, cứu khổ, cứu trợ v.v.. những người đang thiếu thốn, đang đói lạnh, đang đau khổ đang cần sự giúp đỡ của mình; mình đem CHO họ cơm áo, gạo, tiền, thuốc men… với tình thương vô điều kiện (unconditional Love) không so đo tính toán, không cần báo đáp, không phô trương, không quảng cáo, không chê bai những ai không có điều kiện để bố thí giống như mình, không phê phán người này người kia không làm cùng lúc với mình hay cùng phương cách như cách của mình v.v.. tất cả những điều này đều là “trụ” vào hình tướng và âm thanh. Cho mà còn ham được khen, được tán thán công đức, ai chưa kịp làm như mình thì mình phê bình là chậm chạp, là thờ ơ, rồi mình thất vọng, mình phiền não… đủ thứ chuyện hết!!   !! như vậy là bố thí chưa đúng cách, vì còn cố chấp dữ quá! Cũng giống như mình ăn chay rồi chê những người không ăn chay vậy đó!

Xin kể Anh Chị Em nghe câu chuyện bố thí cúng dường để từ đó chúng ta rút ra được những bài học hay: Đại sư Nhất Cư (Nhật) là một thiền sư lỗi lạc, được Đại chúng trong Chùa kính nể. Một hôm có một vị quan lớn mời đại diện chư Tăng của Chùa đến dự tiệc tại nhà mình. Chùa cử Đại Sư đi. Khi Sư đến, những người gác cổng thấy Sư ăn mặc xuề xoà, nghĩ rằng không phải khách quí, không cho vào cửa. Sư trở về chùa, thay bộ y áo mới, đến nơi dự tiệc liền được kính cẩn mời vào. Trên bàn tiệc, Sư không ăn, chỉ lấy thức ăn và cơm bỏ vào trong tay áo tràng… Chủ nhân thấy vậy thưa rằng: Bạch Đại Sư, xin mời Đại Sư dùng cơm, chốc nữa ăn xong, chúng tôi sẽ có phần cúng dường Sư đem về. Sư cười trả lời: Ta đang cho cái áo ăn đó chứ! các ngài mời cái áo chứ đâu có mời ta! Chủ nhân hiểu ra, cúi đầu đảnh lễ sám hối!

Thưa Anh Chị Em,

Bài học Đại Sư dạy Anh Chị Em chúng ta là bố thí cúng dường thì cốt ở cái tâm thành không phải ở hình thức, cúng dường kiểu vị quan lớn trong câu chuyện trên đây đúng như Đại Sư nói là cúng dường áo quần sang trọng chứ không phải cúng dường chư Tăng!   !

Cũng vậy, bố thí, cúng dường, cứu trợ … đều có nghĩa là “cho” thì chủ yếu là tìm một phương pháp, lên một kế hoạch, sao cho có được nhiều tiền bạc, thuốc men, áo quân, vật dụng v.v.. để thực hành bố thí, chứ không phải chỉ kêu gọi suông rồi thắc mắc, phê phán lung tung, thậm chí chê bai… những ai không có bề mặt nổi, không hô hào cứu trợ như mình! Chuẩn bị cứu trợ là tập trung trí tuệ để phân công phân nhiệm, kết hợp nhịp nhàng từ trong nước ra hải ngoại, sao cho việc cứu trợ được hoàn hão, tiền cứu trợ phải hoàn toàn đến tay người cần cứu trợ v.v.. Công việc đòi hỏi phải động não chứ không chỉ đứng ngoài nhắc nhở! mà có khi không biết đối tượng cần nhắc nhở là ai!

Thật vậy, CHO và NHẬN tuy là những việc chúng ta gặp hằng ngày, vì không ai trên đời này mà chưa từng nhận hay chưa từng cho; nhưng người CHO và người nhận ai hạnh phúc hơn ai, cái này còn tùy. Bà mẹ cho con bú sữa, cho con tất cả những gì quí giá nhất của đời mình, có khi đứa con không biết để nói một lời cảm ơn nhưng người mẹ cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nàng Tu-Xa-Đa cúng dường bát sữa cho đức Phật, không ngờ được rằng mình đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tu luyện của một đấng giác ngộ. CHO không chỉ có lợi ích đối với người nhận mà lợi ích đem về người CHO rất lớn, vì hành động bố thí giúp chúng ta bớt tham lam, học hạnh XẢ LY, BUÔNG BỎ … Cao hơn một tầng là bố thí Ba La Mật, ở đây người bố thí, cúng dường, cứu trợ không thấy có người cho, người nhận và cả vật đem cho (gọi là 3 KHÔNG); bố thí như vậy chính là đã đạt đến tinh thần vô ngã mà Kinh Kim Cang muốn đề cập. “Của cho” không chỉ là vật chất mà có khi còn là tinh thần nữa (một lời nói, một cử chỉ, sự lắng nghe, sự chia sẻ v.v..)

Thân kính chúc Anh Chị Em Áo Lam luôn tỉnh thức – trong từng ý nghĩ, lời nói và cử chỉ, hành động – để đừng phạm sai lầm trong cư xử hằng ngày, trong việc CHO và NHẬN.

Trân trọng,
BBT

391 lượt xem