Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,
Trong kinh sách xưa, không chỉ Kinh Phật mà cả Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư v.v.. đều có “ngôn ngữ biểu tượng” (symbolism); không phải ngày nay chúng ta đọc thấy khó hiểu mà chính người thời đại ấy cũng phải nghe giảng giải mới nắm bắt ý nghĩa được. Đức Phật thường nói Đạo cho đệ tử của mình nghe cả trong thính phòng và cả ngoài đồng ruộng, bên bờ sông, bên vách núi ven rừng v.v.. không câu nệ nơi chốn nào cả.
Một hôm, Phật và Tăng đoàn đi dọc theo sông Hằng, ngài gọi các vị tỳ kheo cùng đi, chỉ cho họ thấy một khúc gỗ đang trôi dưới sông và nói: _ các thầy tỳ kheo! Khúc gỗ kia, nếu không bị vướng mắc vào hai bờ, nếu không chìm đắm nửa chừng, nếu không bị mắc cạn vào một cồn cát nào đó, nếu không bị người ta vớt lên, nếu không bị dòng nước xoáy cuốn đi, nếu không bị mục nát từ bên trong thì sẽ cứ trôi như thế cho đến ngày ra được biển cả. Các vị cũng như vậy đó! trên đường tu Đạo, nếu các thầy không vướng mắc vào hai bờ, nếu không chìm đắm nửa chừng, nếu không bị mắc cạn vào một cồn cát nào đó, nếu không bị người ta vớt lên, nếu không bị nước xoáy cuốn đi và nếu không bị mục nát từ bên trong thì chắc chắn các vị sẽ đi tới đại dương của sự giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.
Các vị tỳ kheo hỏi: _ Bạch Thế tôn, xin người hãy giải thích rõ cho chúng con hiểu: thế nào là không bị vướng mắc vào hai bờ? thế nào là không chìm đắm nửa chừng? Thế nào là không bị mắc cạn vào một cồn cát? Thế nào là không bị người ta vớt lên, thế nào là không bị cuốn theo dòng nước xoáy? ….
Bị vướng mắc vào hai bờ, có nghĩa là bị vướng mắc vào 6 giác quan (Căn) và 6 đối tượng của chúng (Trần). Sống tinh cần và tỉnh thức thì các vị sẽ không đánh mất chánh niệm, và sẽ không bị kẹt vào những cảm thọ do sự tiếp xúc giữa 6 căn và 6 trần.
Chìm đắm nửa chừng tức là bị những sợi dây tham dục và mê đắm buộc chặt lại, không đủ sức gỡ ra để phải nửa đường bỏ dở sự nghiệp tu tập của mình.
Mắc cạn vào một cồn cát, có nghĩa là vướng vào sự phục vụ cái ngã của mình, suốt đời chỉ nhắm đến quyền lợi và hư danh mà quên đi mục đích sau cùng của mình là giải thoát.
Bị người ta vớt lên, nghĩa là mải mê những thú vui trần tục, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu ác, xao lãng và bỏ hẵn việc tu hành.
Bị cuốn theo dòng nước xoáy, tức là chìm đắm trong ngục tù của 5 thứ dục: ăn ngon, mặc đẹp, giàu có, nhục dục, hư danh, lười biếng và mê ngủ.
Mục nát từ bên trong nghĩa là đời sống đạo đức chỉ là giả dối bên ngoài, lường gạt quần chúng, lợi dụng tôn giáo, để mưu đồ và thoả mãn dục vọng cá nhân.
Thưa Anh Chị Em,
Chúng ta tuy không phải là các vị tỳ kheo nhưng mục đích tối hậu của chúng ta cũng là giải thoát và giác ngộ. Vì vậy chúng ta cũng phải hết sức tinh tấn, tỉnh thức, luôn tự soi rọi lại mình để đừng vướng vào một trong 6 trở ngại trên đây để có thể đi về biển lớn của giải thoát phiền não đau khổ vì được-mất, hơn-thua giữa cuộc đời này.
Thân kính chúc Anh Chị Em chúng ta, tất cả đều là những khúc gỗ trôi bình an và thanh thản giữa cuộc đời này, không bị vướng mắc vào 2 bờ, cũng không bị nước xoáy cuốn trôi hay bị người ta vớt lên …. để hoàn thành tốt đẹp hành trình tiến ra biển lớn của Giải thoát và Giác ngộ.
Trân trọng,
BBT
425 lượt xem
Tin khác
Duyên lành hội đủ, BHD GĐPT Gia Định trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập BHD GĐPT Gia Định vào ngày 01.12.2024 tại chùa Như…
Năm nay, GĐPT Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm Chu niên lần thứ 75. Trong tâm nguyện tri ân, tiếp tục truyền trao ngọn đèn vô tận cho thế hệ…
GĐPT Lâm Đồng hình thành và phát triển qua 75 năm (1949 – 2024). Khởi đầu từ Gia đình Phật Hóa Phổ Lâm Viên, thế hệ anh chị đi trước…
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2024 (nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn), Phật lịch 2568, thể theo lời cung thỉnh của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế…
Vào hồi 13g30 (giờ địa phương Thailand) ngày 7 tháng 10 năm 2024, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Tại Hải Ngoại lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2028 đã chính thức khai…