Anh chị em lam viên thân mến

Trong buổi giải trình luận khóa Bậc Lực tại quốc nội năm nay có nhiều huynh trưởng, luận khóa làm đi làm lại đến 3 lần mới đạt (tức 3 năm). Số anh chị em này thường than phiền: “chương trình Bậc Lực năm thứ IV, thứ V có mấy bộ kinh như Kim Cang, Lăng Nghiêm, …. thâm sâu quá, cao siêu quá, rất khó tiếp thu. Chúng tôi thường nhắn nhủ: “mình học kinh với cái tâm rổng rang, tĩnh lặng, đừng nôn nóng thì sẽ tiếp nhận được ý kinh một cách dể dàng và nhẹ nhàng thôi”. Quả thật thì đa số đều nôn nóng, đã đến Bậc học cuối cùng, ai cũng mong vượt qua. Chính vì nôn nao nên không thể tiếp thu được dể dàng.

Chúng tôi đã từng thấy có nhiều vị Thượng tọa giảng sư nhìn anh chị em học, nở nụ cười dịu dàng, từ mẫn rồi thốt lên một câu chung chung, không nhắm vào một ai: "hãy chánh niệm tỉnh giác”. Có lẽ thầy đã đọc được tâm niệm các anh chị em trong lúc này.

Ngày xưa, ngài Khánh Hòa, khi còn là một học tăng, giới luật rất nghiêm mẫn, học tập rất kiên trì và tinh thông. Khi ngài thọ cụ túc giới đã nổi tiếng thâm hiểu kinh tạng, oai nghi đức độ, đã có những buổi thuyết giảng kinh Kim Cang, được chư tôn đức ca ngợi. Nhưng ngài vẫn còn vướng những nghi vấn trong nghĩa lí vi diệu kinh Lăng Già nên ngài vẫn nuôi chí tầm sư học đạo.

Rồi ngài cũng được giới thiệu đến cầu học với Thiền sư Giới Không trong một am tranh nhỏ bé đó là am Trà Mây trên núi Dài Thất Sơn.

Khi được thiền sư hứa khả giảng giải tinh yếu kinh Lăng Già, sư Khánh Hòa lưu lại Trà Mây với vai trò thị giả, hầu cận thầy. Hằng ngày gánh mít, chuối, đu đủ, xuống núi đổi gạo và cứ 2 lần trong tuần, nương theo dòng suối sau am, lần đến đầu nguồn Cam Thủy lấy bầu nước tinh khiết về pha trà cho thầy. Đường đi vất vả khó khăn vì phải leo trèo trên sườn núi cheo leo. Nhà sư không nề khó nhọc, ngài cho rằng sự vất vả ấy cũng là diệu dụng. Thầy chỉ băn khoăn, không hiểu mình có khuyết điểm gì làm thiền sư không hài lòng, chưa khai thị cho mình lại có cử chỉ lạnh nhạt khi mình hầu trà. Dù sao sư chỉ biết nhẫn nhục.

Sáng sớm hôm ấy, ngài đi lấy nước xa hơn và chọn nước giữa giòng sỏi, lúc mặt trời vừa lên, nước vừa tinh khiết lại vừa có dương khí. Trên đường về am, thầy nhớ đến chùa cũ, nghĩ dến dòng sông Cửu Long, nghĩ đến rặng dừa xanh, ôm bình nước trong tay mà như ôm quả dừa vậy. (Ngôi chùa đầu tiên trong cuộc đời xuất gia của thầy và cũng là ngôi chùa tịnh dưỡng cuối đời rồi xã bỏ báo thân ở đó, là chùa Tuyên Linh ở Bến Tre).

Thế mà hầu trà lần này, thiền sư vẫn thái độ lạnh lùng như những lần trước, thiền sư chẳng nếm thử trà mà lắc đầu, sư Khánh Hòa có vẻ tủi hổ nhưng vẫn nhẫn nại.

Thật lâu thiền sư mới nói: "nước suối gì mà giống nước sông pha lẫn nước dừa thế thì còn pha trà gì được nữa?”.

Thì ra đó chỉ là thử thách và thiền sư đã quán chiếu thấy được tâm niệm của thầy Khánh Hòa. Thầy sụp xuống lạy sám hối.

Từ đó thầy rất bình thản và luôn luôn chánh niệm tỉnh giác, từ trong bước đi, trong trồng rau, trong bửa củi, trong lúc lấy nước, trong lúc hầu trà. Thiền sư bắt đầu ra tâm truyền đạt thâm nghĩa kinh Lăng Già cho thầy, không phải qua lời giảng giải trực tiếp mà qua thiền ngữ, qua ẩn ngữ đối thoại và qua công án. Sư Khánh Hòa tiếp thu rất nhanh. Chẳng bao lâu thầy đã thấu đạt nghĩa lí vi diệu của kinh.

Về sau thầy là một trong những vị đầu tiên góp phần chấn hưng đạo pháp. Ngài thành lập “lục hòa liên hiệp” tại chùa Long Hòa, Trà Vinh, ngài ra công đào tạo tăng tài, vận động tổ chức Phật giáo Việt Nam toàn quốc. Ngài đã thành lập “Phật học thư xá" tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn. Kết hợp tăng sĩ và cư sĩ thành lập: "hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học”.

Học đạo là thế đó, thưa anh chị em.
Hành đạo là thế đó, thưa anh chị em.

Hàng huynh trưởng chúng ta cần noi gương ngài Khánh Hòa trong việc “học đạo” và “hành đạo”. Dù chúng ta không thể như ngài, nhưng cũng được “chút xíu” chứ! Hành đạo trong tổ chức Áo Lam chúng ta

Thân ái

400 lượt xem