Thưa Anh Chị Em Lam Viên bốn phương,
Châm ngôn của Gia Đình Phật Tử (Ngành Thanh Thiếu và Huynh trưởng) là Bi – Trí – Dũng, còn của ngành Đồng (Oanh Vũ) là Hòa – Tin – Vui. Nhiều người cho rằng Hoà Tin Vui là dễ nên dành cho “con nít”! _ Xin thưa, không phải như vậy đâu! Sống Hoà thuận, Vui vẻ với mọi người quanh mình, tin tưởng và yêu mến họ cũng như làm cho họ tin tưởng thương mến mình, đó là cả một nghệ thuật của đời sống. Đó cũng chính là mục đích luân lý và đạo đức con người _ đặc biệt là người Phật Tử.
Thật vậy, mục đích của chúng ta, những người con Phật, những người Phật tử tại gia, những Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, hơn ai hết phải có nếp sống vị tha, nghĩ đến người khác, hướng đến mục đích cao thượng là “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” chứ không phải chỉ biết vun bồi cho riêng mình, nhằm thỏa mãn những ham muốn ích kỷ, những ước nguyện hẹp hòi, những toan tính chi ly đi ngược lại với lòng bao dung hoan hỷ mà chúng ta hằng thực tập.
Muốn sống Hoà thuận, Vui vẻ với mọi người, trước hết chúng ta phải hoàn thiện mình bằng cách loại bỏ tính kiêu căng ngã mạn, nếu có. Muốn hoà đồng với mọi người, chúng ta phải biết quên “cái tôi” của mình, phải trau giồi và tự huấn luyện mình bỏ những thói hư tật xấu để huân tập những đức tính. Ví dụ như tập đừng nóng giận, đừng nhăn nhó, đừng chỉ trích người khác, nên tập trung vào để tự soi rọi lại mình.
Muốn hoà đồng với mọi người chung quanh thì phải tập tánh đối xử bình đẳng; đừng vì yêu ghét mà sinh thành kiến, đừng phân biệt thân sơ, phe nhóm v.v.. Chúng ta hãy tập nhìn sâu (quán chiếu) vào phương pháp này: giữ Tâm bình đẳng _ không yêu-ghét, lấy-bỏ. Nhìn mọi sự vật, hiện tượng, cho đến con người với cái Tâm vô tư, không thành kiến, tập thấy một vật, một hiện tượng, một con người “như – nó – là” không phê phán, không suy diễn, không chấp trước.
Muốn hoà đồng, hoà hợp với mọi người chung quanh, chúng ta hãy tập tính khiêm tốn, hãy là Thầy của chính mình và là học trò của mọi người, vì cho đến một ngọn cỏ, một lá cây, … cũng có điều cho chúng ta học tập; cả trong sự im lặng hoàn toàn cũng có những bài Pháp rất hay … và gần nhất là Thân và Tâm chúng ta cũng không ngừng dạy chúng ta … Đức Phật nói: hãy lắng nghe những bài thuyết pháp của chính Thân và Tâm mình.
Muốn Hoà thuận và Vui vẻ với mọi người quanh mình, chúng ta phải có Tình thương và lòng Tin; khi đã có tình thương thì những sự khác biệt về tâm tư tình cảm, về tuổi tác, về trình độ học vấn, về giai cấp xã hội v.v.. không còn đưa đến những va chạm hay đụng độ lớn nữa vì:
“Khi thương trái ấu cũng tròn”
hay:
“Khi thương thương cả đường đi”
Khi đã có Tình thương và lòng Tin thì những thành kiến, cố chấp, kỳ thị v.v.. sẽ không còn tồn tại nữa. Đó là lý do tại sao nội dung châm ngôn của Ngành nào trong Gia Đình Phật Tử cũng có chất liệu này (BI = Từ Bi, Tình thương) và đó cũng là lý do tồn tại của Gia Đình Phật Tử hơn 70 năm qua.
Cuối cùng, muốn sống hoà đồng, hoà hợp với thế giới chung quanh mình, chúng ta cần luôn giữ chánh niệm tỉnh thức, luôn tự nhắc nhở mình: “Mọi lỗi lầm do Thân, Miệng, Ý tôi gây ra, cầu mong được tha thứ” Chúng ta sám hối đã đành, mà còn mong những ai /cái gì /con vật gì bị hại do những lỗi lầm đó gây ra, tha thứ cho mình nữa.
Thưa Anh Chị Em,
Nói rộng ra một chút, Bi Trí Dũng còn là phương châm hành động của Bồ tát nữa đó. Thật vậy, vì trong Đại thừa, sự hành đạo chủ yếu của Bồ tát vẫn là Bố thí nhưng nội dung Bố thí không chỉ là của cải vật chất mà gồm cả ba phương tiện: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Để thực hành Tài thí, Bồ tát phải giàu có (giàu tiền của, giàu tình thương, v.v..) để thực hành Pháp Thí, Bồ tát phải trau giồi trí tuệ, thông hiểu Phật Pháp, để thực hành Vô úy thí, Bồ tát phải có nghị lực, có quyết tâm và dũng cảm. Đó là lý do tại sao chúng ta thường nghe nói “Gia Đình Phật Tử cũng là một pháp môn tu” hay “sinh hoạt và tu học trong Gia Đình Phật tử là đang đi trên con đường Bồ tát đạo” _ cũng là một ý đó.
Thân kính chúc Anh Chị Em Lam viên bốn phương “một ngày như mọi ngày” an lạc và thảnh thơi.
Trân trọng,
BBT
680 lượt xem
Tin khác
Duyên lành hội đủ, BHD GĐPT Gia Định trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập BHD GĐPT Gia Định vào ngày 01.12.2024 tại chùa Như…
Năm nay, GĐPT Lâm Đồng tổ chức kỷ niệm Chu niên lần thứ 75. Trong tâm nguyện tri ân, tiếp tục truyền trao ngọn đèn vô tận cho thế hệ…
GĐPT Lâm Đồng hình thành và phát triển qua 75 năm (1949 – 2024). Khởi đầu từ Gia đình Phật Hóa Phổ Lâm Viên, thế hệ anh chị đi trước…
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2024 (nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn), Phật lịch 2568, thể theo lời cung thỉnh của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế…
Vào hồi 13g30 (giờ địa phương Thailand) ngày 7 tháng 10 năm 2024, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN Tại Hải Ngoại lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2028 đã chính thức khai…