Thưa ACE Lam Viên bốn phương:

Mở đầu Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã nói:

« Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng »

Cuộc đời này, thế gian này, cõi Ta Bà này quả thật rất ít chuyện vui mà nhiều chuyện đau lòng; vì vậy nếu chúng ta nhắm mắt lại, đừng thấy nhiều quá, chắc rằng sẽ được bớt đau lòng chăng? _ một ví dụ cụ thể, thời gian gần đây anh chị em chúng ta cũng đã kinh nghiệm điều này quá nhiều rồi! Những bài viết trên internet, những lời qua tiếng lại, những sự thật và những sự giả dối, những cái đúng cái sai … ôi thật là quá nhiều chuyện để người ta đau lòng; nếu không nghe những cái đó, không đọc thấy những điều đó, không phải là “hạnh phúc hơn một chút” hay sao!

Cho nên có người khuyên chúng ta hãy “đóng bớt các căn lại” ví dụ: không thấy, không nghe, không nói chẳng hạn _ Không thấy và không nghe thì khó mà chủ động lắm, chỉ có “không nói” thì chúng ta có thể làm được. Không nói là giữ thái độ im lặng, nhưng im lặng cũng “ba bảy đường im lặng”: im lặng mà hoan hỷ, vui vẻ chấp nhận sự hiểu lầm, sự vu khống, sự oan ức, vì “oan ức không cần biện bạch” cũng có thể im lặng mà đau khổ, bực tức, phiền não, trách móc rằng “sao lại có những người ác đức như thế! không nói thành , trắng nói ra đen ..” v..v.. cái này chỉ có mỗi người tự hiểu mình im lặng theo kiểu nào mà thôi, phải không? !   !!

Tuy nhiên, còn một vấn đề nữa mà chúng ta chưa đề cập đến; đó là “không nói, có phải là không nói” hay không? _ câu hỏi hơi lạ, nhưng vấn đề lại rất gần gũi với chúng ta.

Thưa Anh Chị Em,

Thật vậy, chúng ta không nói, có nghĩa là miệng không phát ra âm thanh, không ai nghe được nhưng không phải là chúng ta “không nói” đâu nha! Chúng ta thường oán trời trách đất khi có chuyện không may mà chúng ta cho là “do Trời hại”; chúng ta cũng thường oán người này, trách người kia khi họ xúc phạm đến mình, chúng ta cũng có khi “mắng” người này, “chưởi” người khác khi họ làm điều gì mình cho là sai trái, vô liêm sĩ v..v.. nhưng vì mình nói mình nghe hoặc “nói trong tâm” nên không ai nghe, chứ không phải là không nói. Vì vậy, “không nói” phải là hoàn toàn đóng một căn _ một cánh cửa lại, không nói năng mà chỉ im lặng để tránh khẩu nghiệp, bởi vì chúng ta đều biết rằng trong 10 điều ác (thập ác) về Thân, Miệng và Ý thì miệng chiếm hết 4! (đó là 4 tội = nói dối, nói lời độc ác, nói hai lưỡi, nói thêu dệt)

Người Huynh Trưởng GĐPT chúng ta biết rằng Phật giáo không chủ trương “đóng các căn lại” để đừng thấy đừng nghe, đừng nói, mà điếu cốt yếu là giữ cho cái thấy, cái nghe, cái nói được thanh tịnh. Nếu cái thấy chỉ thuần túy là cái thấy, cái nghe thuần túy là cái nghe, thì đó là chánh niệm tỉnh thức, không bị ngoại cảnh chi phối, không bị tâm phân biệt lôi kéo. Thật vậy, có một câu nói của nhà Thiền

Đối cảnh không tâm mạc vấn thiền
(đối trước cảnh mà không khởi tâm thì khỏi cần thiền _ vì đó chính là thiền rồi)

Vì sự thực hành Thiền có 3 điểm cốt yếu; đó là: đưa Tâm về nhà, Buông Xả và Thư giãn.

Đưa Tâm về nhà, là hướng dẫn Tâm đến chánh niệm, là xoay Tâm vào trong, và an trú trong bản tính tự nhiên của nó:

Hãy an trú tịch nhiên
Cái Tâm mệt mỏi này
Bị nghiệp làm xơ xác
Với tư duy cuồng loạn
Như sóng vỗ không ngừng
Trong biển lớn sinh tử
Hãy an trú tịch nhiên
(thơ của Nyoshul Khempo)

Buông Xả là giải phóng Tâm ra khỏi ngục tù chấp thủ (bởi vì chúng ta đều biết rằng tất cả mọi phiền não, đau khổ, sợ hãi đều do sự chấp thủ mà ra)

Thư giãn là khoáng đạt, giải toả Tâm khỏi mọi căng thẳng.

Thưa Anh Chị Em,

Các bạn có nhớ bức họa “tam không” vẽ 3 con Khỉ: 1 con bịt mắt. 1 con bịt miệng và 1 con bịt tai hay không? _ Hình ảnh đó cũng gợi lên cho chúng ta về lời khuyên “đóng các căn lại” hay “giữ Tâm bình thản khi đối diện với trần cảnh”

Ngoài ra, còn một bài học nữa là về 2 chữ “Tam không” _ tam không đây không phải không thấy không nghe không biết mà đây có thể nói là “châm ngôn” của việc thực hành hạnh Bố thí. Nếu chúng ta bố thí mà Tâm chúng ta có được 3 cái không này thì việc bố thí được gọi là bố thí ba la mật, có công năng cao nhất; 3 cái không đó là:

Không thấy có người cho
Không thấy có người nhận
Không thấy có vật đem cho (của cải vật chất hay tinh thần)

Bố thí như vậy là bố thí với Tâm không _ thi ân không cần báo đáp, không còn nhớ nghĩ đến việc ấy nữa.

Thân kính chúc Anh Chị Em thân tâm thường an lạc.

Trân trọng,
BBT

379 lượt xem