Anh chị em Lam Viên thân mến

Có một lần về thăm quê, tôi ghé lại văn phòng một Ban Hướng Dẫn tỉnh, tình cờ gặp hai huynh trưởng đang vui vẻ chuyện trò với nhau, hình như đang trao đổi Phật sự. Họ mừng rỡ tiếp đón tôi, sau khi trịnh trọng mời trà, các anh cầm tôi ở lại chơi và xin phép được tiếp tục câu chuyện của hai anh đang bỏ dỡ. Tôi không để ý nội dung câu chuyện và cũng để khỏi phải cắt đứt câu chuyện đang liên hoàn, tôi xin phép đi vòng quanh thưởng lãm những tranh ảnh trên tường.

Bỗng đột nhiên, người huynh trưởng đàn anh – tôi đoán là cấp lãnh đạo – lại lớn tiếng, huynh trưởng đàn em cũng không giữ lời nói ôn tồn như lúc ban đầu, có vẻ đang xung khắc. Rồi huynh trưởng đàn anh thét lên: “em đang nói chuyện với ai đây?”. Huynh trưởng em, với giọng bướng bỉnh: “dạ, em đang nói chuyện với một vị quốc vương”. Huynh trưởng anh bỗng dịu nét mặt và cười ha hả: “xin lỗi em, anh có nóng”.

_ “Xin anh hoan hỷ tha thứ, người có lỗi lớn chính là em. Em đã để mất chánh niệm”.

Hai anh em lại tiếp tục chuyện trò vui vẻ khoảng mươi lăm phút rồi kết thúc trong sự hòa ái.

Em huynh trưởng kia xin phép tôi ra về vì đang có việc cần. Anh huynh trưởng lớn trở lại tiếp chuyện với tôi. Anh tự giới thiệu, anh là một ban viên Ban Hướng Dẫn tỉnh. Tôi rất ngạc nhiên, không lẽ nhờ câu nói “xóc óc” của một đứa em mà làm cho anh ta thay thái độ sao? Nhưng nếu thế thì sao đứa em kia lại không đắc chí và tiếp tục ngang bướng nữa đi? Thật khó hiểu, tôi đánh bạo hỏi ngay: “ban nãy tôi nghe lóm thấy thái độ chuyện trò của hai anh em, ban đầu từ tốn hòa nhã, sau lại trở nên nghiêm khắc và anh hình như lúc đó hơi nóng. Mà sao đang nóng như vậy, khi nghe câu nói “xóc óc” của đứa em lại biến đổi ngay thành thái độ dịu dàng?

¬Không phải nói “xóc óc” đâu, chú ấy nhắc nhở em đấy. Tôi cũng chưa hiểu được thế nào thì anh ta lại tiếp:

Anh không nhớ Na Tiên tỳ kheo trả lời vua Di Lan Đà khi vua thỉnh cầu được mạn đàm trao đổi giáo pháp với tỳ kheo sao?

Thì ra thế!

Thưa anh chị em, lúc vua Di Lan Đà muốn tham vấn giáo pháp với tỳ kheo Na Tiên, tỳ kheo nói: “đại vương muốn nói chuyện theo cách của bậc trí giả hay cách của vị đế vương?”

Nhà vua hỏi lại: “cách nói chuyện của bậc trí giả là thế nào? Cách nói chuyện của vị đế vương là thế nào?”. Na Tiên đáp: “bậc trí giả, tuy có chất vấn lẫn nhau nhưng biết lắng nghe nhau, biết dẹp bỏ thành kiến của mình, thảo luận rốt ráo để tìm ra điều đúng, điều sai, còn bậc đế vương nói chuyện bằng quyền uy, không bao giờ lắng nghe kẻ khác, cứ cho mình lúc nào cũng đúng, nếu không tranh luận nổi thì lại dùng uy lực áp đảo”.

Vua liền bảo: “vậy trẫm xin chọn cách nói chuyện của bậc trí giả, dù đang là một vị đế vương”.

Hay quá phải không, thưa anh chị em?

Khi tranh luận cần phải đứng trên vị thế bình đẳng, không kể gì vua chúa hay hạ tiện, phải dẹp bỏ cái “ta” của mình mới đi đến một kết luận hợp lý. Hàng huynh trưởng chúng ta, khi thảo luận giáo pháp hay bàn bạc Phật sự gì cũng nên như thế. Nhưng dù đàn anh hay đàn em, luôn luôn phải biết dùng lời ái ngữ, Đàn em thì phải tôn trọng đàn anh, phải có “tôn ti trật tự”, không thể nói ngang bướng được. Đàn anh thì phải dịu dàng với đàn em, đón nhận những ý kiến hay của đàn em.

Chúng ta còn nhận ra ở đây một bài học rất giá trị nữa, không biết anh chị em có thấy được không?

Trên bước đường tu tập, dù đàn anh hay đàn em, chúng ta vẫn còn mang “cái tâm chúng sanh”, đôi lúc cái “sân” vẫn đột xuất trổi lên khi có tác duyên bên ngoài mà ta thiếu chánh niệm, như trường hợp hai anh em ở đây. Nhưng họ đã biết hổ trợ nhau, giúp đỡ nhau tu tập, nhờ vã vào nhau mà cả hai đều biết dừng lại đúng lúc. Em thì biết khéo léo nhắc nhở anh, anh thì biết giáo hóa em bằng cách dừng cơn giận và nở nụ cười thoải mái. Anh này là đệ nhị tăng thân của anh kia và ngược lại.

Nếu đâu đâu cũng có những đệ nhị tăng thân của nhau thì chắc chắn việc tu tập của chúng ta ắt sẽ chóng có kết quả.

Rất mong. đâu đâu cũng như thế.

Thân ái chào tất cả
BBT

402 lượt xem