Nhân húy nhật bác Tâm Minh-Lê Đình Thám suy ngẫm về câu nói bất hủ của người
“Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai hậu .”
Đối với phật tử Việt Nam, nhất là đối với đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam thì hầu như ai cũng biết về thân thế và đạo nghiệp của bác sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám, vị sáng lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam vì bác Tâm Minh-Lê Đình Thám là một cư sĩ phật tử ưu tú của Việt Nam, Bác là một trí thức phật tử, một bác sĩ y khoa tài năng, đồng thời bác cũng tinh thông hán học và uyên thâm phật học. Là một cư sĩ đã từng là giáo thọ sư cho các lớp phật học đào tạo Tăng tài, thuyết giảng về giáo lý đạo Phật cho tứ chúng phật tử, đồng thời biên dịch nhiều bộ kinh Đại thừa Phật giáo và trước tác những khảo luận về giáo lý đạo Phật, đồng thời bác là người đã góp công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Chỉ phác thảo vài nét về thân thế và sự nghiệp của bác như thế chúng ta đã thấy ngưỡng mộ và quý kính biết bao một cư sĩ lỗi lạc của Phật giáo nước nhà trong tiền bán thế kỷ XX.
Đạo nghiệp của bác thật đáng ngưỡng mộ như thế, bác đã góp phần rất lớn cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, riêng đối với hàng phật tử trẻ tuổi thì công hạnh của bác lại càng lớn lao hơn. Là một trí thức Tây học, tinh thông hán học và uyên thâm Phật học lại là một công dân yêu nước nên bác luôn canh cánh trong lòng nỗi nhục của người dân đang sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp cùng với một nền văn hóa nô dịch mà chính quyền thực dân đang ra sức áp đặt lên đời sống người dân hầu thực hiện mưu đồ đưa dân tộc đến chổ vong bản, quên nỗi buồn mất nước. Thế cho nên khi nghĩ đến việc cứu nguy dân tộc, phục hồi những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như khi nghĩ đến công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà bác nghĩ ngay đến thế hệ trẻ. Thế nên vào ngày 14 tháng 8 năm 1938, trong kỳ Đại hội đồng của Tổng hội An Nam Phật Học tại Huế, bác đã phát biểu: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”. Đó là một câu nói bất hủ được xuất phát từ một vị Phật tử có tư duy sâu sắc và luôn ưu trư trăn trở cho tiền đồ của Phật giáo nước nhà, một câu nói của một người vừa có TÂM vừa có TẦM đối với tiền đồ của Phật giáo nước nhà. Chúng ta có thể xem câu nói trên của bác là một tuyên ngôn khởi đầu cho một chiến lược hình thành và phát triển một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử là Đoàn Phật học Đức dục, tiếp theo là Gia Đình Phật Hóa phổ. Đó là tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam ngày nay.
Với tổ chức GĐPTVN, Bác được xem là vị sáng lập cùng với những người có công lớn trong giai đoạn sơ khai này như anh Phạm Hữu Bình; anh Đinh Văn Nam (nay là cố HT. Minh Châu); anh Ngô Điền; anh Ngô Thừa, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Nguyễn Hữu Quán, Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quỵ, Hoàng Ngọc Phu, Lê Đình Duyên. Năm sau có các anh mới: Ưng Hội, Tráng Thông, Lâm Công Định.
Từ những ý tưởng ban đầu của bác nay đã biến thành hiện thực và GĐPTVN đã được hình thành và không ngừng phát triển cho đến nay đã trên 70 năm, GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên có bề dày truyền thống, có uy tín lớn đối với cộng đồng xã hội. Trước năm 1975 tại miền Nam VN tổ chức GĐPT phát triển rất mạnh trên khắp các tỉnh thành với một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh và một số lượng đoàn viên đông hơn bất kỳ một tổ chức thanh thiếu niên nào đang hoạt động. Sau năm 1975 do hoàn cảnh chính trị của đất nước, GĐPT tạm thời bị chìm lắng một thời gian, nhưng sau đó lại tiếp tục phát triển và giờ đây đã truyền bá khắp thế giới, có thể nói nơi nào có người Việt sinh sống là có GĐPT.
Gần một thế kỷ hiện diện trên quê hương, GĐPTVN đã thực hiện một cách tích cực mục đích đã đề ra là “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành phật tử chơn chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Đối với đạo pháp GĐPT đã góp phần phụng sự và hộ trì, xiễn dương chánh pháp, có rất nhiều những vị tăng tài xuất thân từ tổ chức GĐPT. Đối với dân tộc, xã hội, GĐPT đã đào tạo hàng trăm ngàn công dân tốt đã và đang góp phần xây dựng xã hội trên tinh thần tư bi, hỹ xã, vô ngã vị tha. Cũng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng;: Đã là đoàn viên GĐPT thì không vướng vào tệ nạn xã hội!
Những nhà văn hóa, những nhà xã hội học đang cảnh báo xã hội ta hiện nay đang suy đồi đạo đức nghiêm trọng. Một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên sống tha hóa đạo đức, sống không mục đích, không lý tưởng và tệ nạn xã hội ngày một gia tăng. Đây là một vấn nạn mà những người có trách nhiệm đang ra sức tìm giải pháp chấn chỉnh từ trong gia đình ra đến học đường, xã hội hầu định hướng thanh thiếu niên có một cuộc sống hướng thượng, vị tha, sống có lý tưởng để tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Nhưng không biết vì vô tình hay cố ý mà người ta quên đi hay không đề cập tới vai trò giáo dục thanh thiếu niên trong những đoàn thể tôn giáo. Vai trò đóng góp một cách tích cực của các đoàn thể giáo dục thanh thiếu niên của tôn giáo không được đánh giá đúng mức và không được khuyến khích, từ đó vị thế của GĐPT không được xem trọng, không được khuyến khích, hổ trợ, đối với GĐPT truyền thống thì việc này càng khó gấp bội lần! Thế nhưng dù phải gặp bao gian khổ, bao phong ba bão táp của thời cuộc, bao nghịch cảnh, chướng duyên bủa vây, GĐPTVN vẫn tiếp tục xây dựng và không ngừng phát triển, vì trong hoàn cảnh nào cũng luôn tuân thủ mục đích của tổ chức và luôn tâm niệm và thực hành câu nói bất hủ của bác Tâm Minh- Lê Đình Thám, vị sáng lập GĐPTVN:
“Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”.
Tâm Lễ
Nguồn wwwgdptbariavungtau.com
2806 lượt xem
Tin khác
Gia Đình Phật Tử Việt Nam toàn cầu chúc mừng năm mới – Giáp Thìn 2024
Hội Hiếu GĐPTVN tại CamPuChia Nhân mùa Vu Lan báo hiếu phụ mẫu hiện tiền, vào ngày 12 tháng 7 năm Quý Mão nhằm ngày 27/8/2023, hai đơn vị GĐPT…
HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI – HỖ TRỢ HỌC PHÍ NIÊN KHÓA 2022 – 2023 Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chương trình Vòng tay…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…