TIỂU SỬ THÁNH TỬ ĐẠO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC
1897-1963

I/ THỜI KỲ THIẾU NIÊN:

Hòa Thượng Thích Quảng Đức sinh năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Trung Việt; thế danh Lâm Văn Tuất; Pháp danh Thị Thủy; Pháp tự Hành Pháp; Pháp hiệu Quảng Đức.

Lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho xuất gia học đạo, thọ giáo với Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm. Năm 15 tuổi, Ngài thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ-kheo. Sau khi thọ giới, Ngài ở tu 3 năm tại núi Ninh Hòa. Sau đó, chuyên tu hạnh Đầu Đà, một mình với chiếc bình bát đi hóa đạo khắp nơi, rồi về nhập thất tại chùa Thiên Ân, Ninh Hòa, Nha Trang.

II/ THỜI KỲ TRUNG NIÊN:

Năm 1932, Chi Hội An Nam Phật Học tại tỉnh Ninh Hòa thỉnh Ngài làm Chứng Minh Đạo Sư và Giáo Hội Tăng Già Trung Việt mời Ngài làm chức Kiểm Tăng ở tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo ở miền Trung, Ngài đã kiến tạo và trùng tu được tới 14 ngôi chùa.

Năm 1943, Ngài vào Nam đi hóa đạo tại các tỉnh Sài gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường, Hà Tiên, rồi đến Nam Vang 3 năm chuyên nghiên cứu kinh điển chữ Pali.

Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Ngài đã khai sơn và trùng tu được 17 ngôi chùa. Như thế là Hòa Thượng Quảng Đức đã có công trùng tu và khai sơn tất cả 31 ngôi chùa. Ngài thường ở chùa Long Vĩnh, nên được người đời gọi là Hòa Thượng Long Vĩnh.

Một di ảnh của Bồ Tát thời trung niên.

III/ THỜI KỲ LÃO THÀNH:

Năm 1953, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mời Ngài nhậm chức Trưởng Ban Nghi Lễ. Và theo lời thỉnh cầu của Hội Phật Học Nam Việt, Ngài nhận chủ trì chùa Phước Hòa, Bàn Cờ, Sài Gòn – trụ sở của Hội.

Đến năm 1963, chứng kiến chế độ tàn bạo độc tài âm mưu tiêu diệt Phật Giáo của Ngô triều, Ngài phát nguyện thiêu thân để cứu nguy cho dân tộc và đạo pháp.

IV/ THỜI KỲ SẮP VIÊN TỊCH:

Vào ngày 20 tháng 4 (nhuận) năm Quý Mão (nhằm ngày 11.6.1963), sau buổi lễ cầu siêu tại chùa Phật Bửu, hàng ngàn Tăng Ni đang diễn hành trên các đường phố để đòi chính phủ thực thi 5 nguyện vọng chân chính của Phật Giáo Việt Nam và đòi phải chấm dứt chính sách kỳ thị tôn giáo. Khi đi đến ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Ngài từ trên xe ung dung bước xuống, đến ngồi kiết già tại giữa ngã tư, rồi tự tay mình quẹt lửa châm vào y hậu. Sau khi ngọn lửa bắt xăng bốc cháy cao phủ kín cả thân người trên 15 phút, Ngài vẫn ngồi kiết già lưng thẳng như tượng đồng đen, tay còn bắt Ấn Tam Muội. Đến lúc lửa hạ ngọn, Bồ Tát gật đầu 3 lần như cúi chào vĩnh biệt, rồi ngã ngửa xuống.

Bức ảnh lịch sử do phóng viên Hoa Kỳ Malcolm Browne chụp đúng thời điểm Bồ Tát tự thiêu.

Trước giờ thị tịch, Bồ Tát thốt ra những lời tâm huyết như sau:

“Trước khi tôi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng từ bi, bác ái mà đối xử với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo, để giữ vững nước nhà muôn thuở”.

Và Ngài không quên nhắn nhủ Tăng Ni và Phật Tử:

“Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Phật Tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật Pháp”.

Kim thân của Bồ Tát Quảng Đức quàn lại chùa Xá Lợi 5 ngày. Đến ngày 16.6.1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo cùng đông đảo Tăng Ni và Phật Tử đưa Ngài về An Dưỡng Địa cử hành trọng thể lễ Trà Tỳ.

Sau khi hỏa thiêu suốt ngày, xương thịt đều tiêu hết nhưng trái tim Bồ Tát vẫn còn y nguyên, mặc dù đã thiêu bằng lửa điện trên 6 tiếng đồng hồ. Hiện nay trái tim Bồ Tát tôn thờ tại chùa Ấn Quang trụ sở tạm của Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất(*).

Trái tim được thiêu đốt nhiều lần với nhiệt độ cao vẫn còn nguyên vẹn.

Sự thị tịch của Bồ Tát, có 2 điều huyền diệu:

1. Khi lửa cháy phủ người mà Ngài vẫn ngồi như tượng đồng đen, tay bắt ấn tam muội, chân ngồi kiết già, không hề lay chuyển.

2. Khi trà tỳ, xương thịt cháy hết, trái tim vẫn còn y nguyên. Sự huyền diệu này làm cho Tăng Ni và Phật Tử trong ngoài nước đều vô cùng khâm phục.

Linh cốt Bồ Tát, được tôn thờ tại các chùa sau:

  • Việt Nam Quốc Tự, trụ sở Viện Hóa Đạo.
  • Chùa Ấn Quang, trụ sở Giáo Hội Tăng Già toàn quốc.
  • Tháp Đa Bảo, chùa Phước Hậu, Trà Ôn.
  • Chùa Từ Nghiêm, trụ sở Ni Bộ Bắc Tông,
  • Chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận), nơi di tích cuối cùng của Bồ Tát.

Tóm lại, Bồ Tát dùng nhục thân làm ngọn đuốc đốt lên để phá tan mây mù vô minh hắc ám của Ngô triều, làm chấn động năm châu, tất cả các nước trên thế giới đều lên tiếng bênh vực phong trào tranh đấu chân chánh của Phật Giáo Việt Nam lúc ấy.

Nhờ ngọn lửa từ bi của Bồ Tát mà cứu nguy được cả Dân tộc và Đạo pháp, làm cho Liên Hiệp Quốc phải tận tâm chú ý đến nước Việt Nam bé nhỏ và cử một phái đoàn đến can thiệp; cả thế giới đều kính phục sự can đảm anh dũng của dân tộc Việt Nam nói chung và của Phật Giáo Việt Nam nói riêng.

Bồ Tát tuy viên tịch, nhưng ngọn lửa Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi của Bồ Tát vẫn còn sáng chói mãi trong lòng người Phật Tử trong và ngoài nước đến muôn đời chẳng hết.

NAM MÔ ĐẠI HÙNG, ĐẠI LỰC, ĐẠI TỪ BI QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT

Đài tưởng niệm Bồ Tát ở góc ngả tư Ngài tự thiêu
được kiến tạo sau khi chấm dứt Pháp Nạn 1963.
Công viên – Đài tưởng niệm nơi khu vực Bồ Tát tự thiêu
được kiến tạo nhiều năm sau biến cố ’75.

CHÚ THÍCH:
(*) Bản tiểu sử này viết từ thời gian trước. Hiện trái tim bất tử đang được ký thác tại ngân hàng nhà nước Việt Nam.

NGUỒN GỐC – XUẤT XỨ TÀI LIỆU:

– Chấp bút: Sa Môn Thích Thiện Hoa.
– Nguồn: 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam (1920-1970).
– Sưu tập – Hiệu chỉnh – Chú thích – Trình bày: Quảng Mẫn.

7832 lượt xem