Kính thưa quí vị, và anh chị em
Gia Ðình Phật Tử (GÐPT) là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ của Phật giáo. Ðoàn sinh GÐPT thoạt đầu là con em của các đạo hữu của các chùa, quí Thầy giao cho huynh trưởng GÐPT nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục các em theo tinh thần Phật giáo. Ngoài những buổi học ở trường, ngày Chủ nhật, các em theo cha mẹ đến chùa; ở đó các em được chơi mà học và học mà chơi. Theo năm tháng, tổ chức lớn mạnh, phát triển cực kỳ nhanh chóng từ trong nước ra hải ngoại, đến nay GÐPT đã có mặt khắp nơi từ Âu Châu, Úc Châu đến Mỹ, Canada…
Trong GÐPT có đủ nam, phụ, lão, ấu; đứng đầu là bác Gia trưởng đến các anh/chị Huynh trưởng rồi đến Ðoàn sinh. Tuổi của các em đoàn sinh từ 6, 7 tuổi đến 18, 20 chia thành 2 Ngành: Nam và Nữ. Mỗi Ngành có 3 độ tuổi: Oanh Vũ (từ 6 đến 12); Thiếu (từ 13 đến 18) và Thanh (từ 18 trở lên). Như vậy, nói về giáo dục tuổi trẻ Phật giáo trong GÐPT là chủ yếu đề cập đến các em Oanh Vũ và các em ngành Thiếu. Ở cái tuổi “giao thời” 13, 14… các em chưa phải người lớn cũng không còn là trẻ con, cơ thể cũng như tâm hồn đang trải qua thời kỳ thay đổi rõ rệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến tính tình, tâm tư, tình cảm… của các em. Do vậy, công việc của các anh chị huynh trưởng không phải dễ dàng, cần phải có đức tính yêu trẻ, hiểu trẻ, và rất nhiều kiên nhẫn nữa. Xin mời quí vị nghe cuộc mạn đàm giữa những Huynh trưởng trẻ A,B,C,D,E đang thao thức, băn khoăn, lo lắng về những biểu hiện của các em đoàn sinh của mình; liệu mình có đủ khả năng hướng dẫn tốt các em ở các độ tuổi phức tạp này hay không. A là Huynh trưởng lớn, B đang cầm Ðoàn Thiếu Nam, C đang cầm Ðoàn Thiếu Nữ, D đang giữ Ðoàn Nam Oanh Vũ (OV) còn E đang giữ Ðoàn Nữ Oanh Vũ.
A: Các em bảo rằng có chuyện hỏi anh phải không? Là chuyện gì vậy?
B: Dạ, các em của em đang độ tuổi teenager (1) thật là khó bảo quá Anh! Bên cạnh các em ngoan, có vài em cá biệt, em thật đau đầu, chịu hết nổi!
A: Tất nhiên rồi! Teenager thì chính phụ huynh cũng sợ, đừng nói là anh chị em huynh truởng chúng ta; còn C có chuyện gì không em?
C: Dạ, các em Thiếu nữ của em thì không nghịch ngợm nhưng khó hòa đồng và nhiều em suốt buổi họp Ðoàn không nói một tiếng; hỏi thì có em nói bực bội cha mẹ, có em nói bực mình với các anh chị em trong nhà, em thì nói “không biết tại sao chiều nay em thấy buồn quá!”
A: Cũng dễ hiểu thôi em à! Giữa cha mẹ và con cái, dù là ở trong nước cũng có “hố ngăn cách” nghĩa là lỗ hổng giữa 2 thế hệ (generation gap) cho nên có rất nhiều mâu thuẫn đã xảy ra, huống gì ra hải ngoại với tập quán phong tục Tây phương quá phóng khoáng mà bậc làm cha mẹ có người chưa hấp thụ và tiêu hóa nổi. Nhiều phụ huynh còn giữ thói quen “quân sư phụ” nghĩa là trong nhà thì ông cha là số 1, ổng nói gì cũng phải nghe, gần như không có quyền tự quyết định cho mình; nhiều em đoàn sinh của chúng ta còn bảo rằng “bị ba má bắt buộc mới đi chùa” đó em! Có nhiều em còn bị chứng trầm uất (to be gnawed by suppressed resentment and unable to confide to anyone) không biết tâm sự với ai, cứ chất chứa trong lòng, rồi sinh bệnh, trầm uất cũng là một căn bệnh nan y đó em!
C: Dạ, em hiểu chứ! Vì vậy đối với các em đó làm sao mà chữa đây!
B: Mình nghĩ là phải tìm cách để các em ấy cởi mở lòng mình ra, chịu tâm sự với bạn, từ đó bạn sẽ hiểu được nguyên nhân của vấn đề và mình mới tìm thuốc chữa được, có phải không thưa Anh?
A: Đúng vậy, chuyện này không phải dễ đâu… mặc dù trong lòng ai cũng có những hạt giống thương yêu và muốn được thương yêu, các em này cũng có nhưng đã bị những người thân bỏ quên không tưới tẩm nên bây giờ những hạt giống ấy đã bị chôn vùi quá sâu, khó nẩy mầm lại được (these seeds were unable to sprout because people forgot to water them).
C: Dạ, em cũng hiểu những điều Anh và bạn B chỉ điểm nhưng làm cách nào cho em ấy chịu mở miệng, em cứ suy nghĩ hoài!
A: Điều này thì em giỏi hơn anh và B đấy em à, vì em là Chị trưởng, em có nhiều tình thương, bao dung, có nhiều lời nói, cử chỉ dịu dàng, thân ái, biết chăm sóc người ta một cách tỉ mỉ,… Đó chính là những lợi khí để thu phục nhân tâm, để xoa dịu lòng người, dễ gần gũi người ta, dễ cho người ta chịu tâm sự, cái này chính là nghề của huynh trưởng Nữ đấy, em tự lo liệu đi nha! Còn D coi sóc bầy Oanh Vũ Nam cũng có vấn đề sao?
D: Dạ, thưa Anh, hầu hết các em OV Nam của em rất ngoan nhưng cũng như chị C tâm sự với chúng ta vừa rồi, tương tự tình hình của Ðoàn Thiếu Nữ, OV Nam của em cũng có vài em cá biệt, nghĩa là quậy phá kinh khủng, không chịu đứng ngồi cho yên trong lớp học, trong vòng tròn, thậm chí trong các trò chơi! Em thấy mệt mỏi quá!
B: Có em không chịu nói tiếng Việt trong giờ Việt ngữ phải không? Có em không chịu đứng vào vòng tròn phải không? Lại có em nói chuyện liên tục trong giờ Phật pháp nếu mình không nhìn chăm chăm vào nó phải không?
D: Sao Anh biết hay vậy?
B: Thì anh đã từng gặp những em cá biệt như vậy rồi!
A: Trong những trường hợp đó, em xử sự thế nào?
B: Dạ thưa Anh, thường em gọi riêng các em đó nói chuyện, hỏi lý do tại sao không chịu nói tiếng Việt, tại sao không thích vào trong vòng tròn, tại sao nói chuyện phá các bạn trong khi các bạn đang học v.v… Thường thì những nguyên nhân cho chúng ta thấy các em cố chấp vào một điều gì đó, hay không ưa một bạn nào đó, hay không có sách vở để theo dõi nên không hiểu rồi muốn chọc phá các bạn “cho vui” thôi! Hầu hết các nguyên nhân đều sai nên mình có thể thuyết phục em chấm dứt những hành vi tiêu cực của mình.
A: Còn nếu nguyên nhân bất mãn của các em có lý do chính đáng (ví dụ bắt các em ngồi trong phòng quá lâu, nhồi nhét vào đầu óc (ta thường gọi là “nhồi sọ”) các em nhiều quá, vòng tròn quá rộng và nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi… làm các em thấy không thoải mái tự nhiên thì chúng ta phải cải tiến phương pháp truyền đạt của chúng ta, làm sao để các em “học mà chơi” và trong chơi vẫn học được.
D: Anh có thể cho em một ví dụ không?
A: Được chứ! Ví dụ học bài lịch sử đức Phật Thích Ca, nếu các em không thích phương pháp thuyết giảng thì chúng ta chiếu phim cho các em xem-phim nói tiếng Anh nhưng sau khi xem xong, chúng ta hỏi bằng tiếng Việt và tập cho các em trả lời bằng tiếng Việt; mỗi buổi học chiếu một đoạn ngắn thôi, để bảo đảm giờ học và chương trình cũng như gây sự hứng thú cho các em đoàn sinh. Trò chơi trong vòng tròn phải được giải thích rõ ràng và thu hút sự chú ý của đoàn sinh, nghĩa là phải chọn trò chơi mới một chút và giới thiệu một cách hấp dẫn… Ủa, thế còn E, đoàn Nữ OV của em cũng có chuyện nữa sao?
E: Dạ phải đó Anh! Các em Nữ OV sắp tới đây sẽ được cắt dây (2) lên Ðoàn; phần nhiều cũng được vui nhưng có vài em khóc không chịu lên Ðoàn Anh à, cứ đòi ở lại OV để được vòi vĩnh các chị, được cưng chìu… làm sao đây hở Anh?
C: Thì chúng ta hồi đó cũng vậy; ai cũng nuối tiếc tuổi thơ của mình, đó là tâm lý chung mà em! Em phải chịu khó dỗ dành, hứa hẹn là “mấy chị HTr. đoàn Thiếu Nữ cũng sẽ cưng các em lắm, chưa gì đã sắm quà lên Ðoàn cho các em rồi, các em ngoan và giỏi, chị nào lại không thương, Ðoàn nào lại không hân hoan đón tiếp”.
A: Đúng vậy đó E, các em nữ, nhất là OV nữ thích được dỗ ngọt, nuông chiều… lắm! Nhưng cưng vừa vừa thôi nha, không khéo cứ làm nũng làm nớt hoài không ai ưa đâu!
E: Dạ, còn nữa, em quên nói với Anh trong bài báo Ðoàn em, vào dịp Vu Lan này có một em viết về cha mẹ, mà viết “…They are stupid…”(3) Em ấy bảo rằng ba má không hiểu nó nên mới la rầy nó… Em bảo dù sao đi nữa, em ấy phải bỏ mấy chữ đó em mới cho đưa vào tờ báo của Ðơn vị mình nếu không thì thôi! Em giảng cho em ấy hiểu rằng nói cha mẹ mà nói là “stupid” thì đó là vô lễ, là bất hiếu nhưng em ấy nói “không, em thương ba má, em không bất hiếu nhưng họ stupid thì em nói là stupid chứ đâu phải là vô lễ?” Bây giờ em sẽ phải làm sao?
A: Em nói với em ấy rằng: em thương ba má, em có hiếu với ba má thì em đâu có làm cho ba má buồn? Ba má la rầy em là có lý do, nếu em không hiểu mà trách ba má thì chính em mới là stupid đó; làm sao em nói ba má “stupid” được?
B: Con nít ở đây tức cười lắm, nó thấy bạn nó là người Mỹ, Mễ v.v… kêu cha mẹ, cô chú… bằng tên thì nó cho rằng những người ấy cũng như bạn bè, ngang hàng, muốn nói gì thì nói!
C: Đúng vậy! Vì thế chúng ta chắc phải có một buổi họp chung Oanh Vũ Nam Nữ lại, nói về ngày Hiếu và nhấn mạnh thêm về phong tục tập quán của người Việt Nam mình đối với ông bà cha mẹ v.v… mới được!
D: Điều này thì đâu có năm nào mình không làm đâu?
E: Nhưng mỗi tháng lại có các em mới vào, nhiều em giống như “Mỹ con” vậy, hoàn toàn không biết phong tục Việt Nam là gì, thậm chí có hôm có một em còn hỏi em rằng: “Chị ơi, em là người nước nào?” (What’s my country?) nữa chứ! Đủ biết ở nhà phụ huynh không bao giờ nghĩ rằng mình phải dạy cho con biết nó là người Việt Nam!”
A: Thế đấy các em ạ, cho nên trong những giờ học tiếng Việt mình phải bồi dưỡng thêm cho các em những thiếu sót này, chứ không cần đợi Vu Lan mới nói đến chuyện hiếu thảo với cha mẹ đâu!
B: Tóm lại, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề! Vừa làm huynh trưởng, vừa làm babysit.(4) Ðối với các em bình thường ngoan hiền siêng năng thì công việc của chúng ta tương đối dễ dàng còn đối với các em cá biệt thì thật là khó lắm.
A: Đúng vậy, chúng ta cần truyền đạt, hướng dẫn các em sao cho các em thích các môn học với những trợ huấn cụ ví dụ như phim ảnh, băng vidéo, DVD, Cassette, TV… để trong khi học các em có cảm tưởng như được giải trí (học mà chơi). Các em cũng đừng quên khung cảnh thay đổi cũng tạo được hưng phấn trong lòng các em đoàn sinh nha! Thỉnh thoảng cho các em học dưới bóng cây, đi dạo rồi sau đó sinh hoạt trong những công viên có nhiều hoa đẹp v.v… Gần gũi với thiên nhiên, các em dễ mở rộng lòng mình ra hơn, bớt căng thẳng hơn, vừa có lợi cho thân và tâm của các em nữa.
C: Và em nghĩ rằng nếu mỗi huynh trưởng chuyên chăm sóc từ năm em trở lại thì dễ thân với các em hơn, có thì giờ để tìm hiểu, thân cận, từ đó các em mới có thói quen nói chuyện với huynh trưởng, dễ tâm sự khi cần thiết.
B: Em nghĩ tập cho các em sống trong tinh thần đồng đội cũng giúp các em cởi mở, không chỉ với huynh trưởng mà cả với các bạn đồng đội nữa!
A: Phải rồi, và anh tin rằng tất cả các em đều sẽ thành công vì các em rất lo lắng cho đàn em của mình, hiểu biết và thương yêu là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc giáo dục tuổi trẻ đấy các em ạ! Buổi mạn đàm đã dài rồi đó, các em nghỉ ngơi nha! Tạm biệt các em, tuần sau gặp !
B,C,D,E: Dạ, chúng em xin chào tạm biệt Anh! Tuần sau gặp! ■
TM
Ghi chú:
(1) Teenager = lứa tuổi dậy thì của các em, từ 12 đến dưới 18
(2) Lễ cắt dây = còn gọi là lễ lên Ðoàn của một em Oanh Vũ (Y phục của OV là áo chemise lam và jupe xanh (có dây). Trong lễ Lên Ðoàn dây treo jupe được cắt bỏ đi, ý nói em sẽ không mặc Jupe nữa mà mặc quần trắng áo dài Lam.
(3) They are stupid = họ dốt nát
(4) Babysit = giữ trẻ
725 lượt xem
Tin khác
Các em Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử thân mến. Tết Trung Thu Giáp Thìn (2024) năm nay các anh chị cùng Quý Thầy, Quý Sư Cô và Quý bác…
THẮP LỬA TRÊN CAO NGUYÊN Kính gửi toàn thể anh chị em Lam Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Thầy đi hoằng pháp suốt 4 ngày ở…
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT C H Ù A P H Ậ T ÂN Xã Long Đức – Long Thành – Đồng Nai THÔNG BÁO Kính gởi:…
THỊ DANH VI BẤT THỦ Nhạc tưởng niệm Cố Huynh Trưởng Nguyên Tín – Nguyễn Châu Thơ: Đặng Thi Ca Nhạc: Viên Dung Từng bước ngát hương sen Chí nguyện…