Lễ Vu Lan là dịp để người trẻ thể hiện lòng hiếu nghĩa với các bậc sinh thành. Mỗi người trẻ lại có cách thể hiện riêng, có bạn lên chùa, có bạn về sum họp gia đình, có bạn ăn chay, có bạn tự tay làm quà tặng. Và cũng không ít bạn trẻ nhìn lại mình, nhớ lời cha mẹ, tự dặn lòng phải sống tốt hơn.
'Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ'
Là con một trong gia đình khá giả nên Phương Uyên (Lớp 11, THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) chưa bao giờ phải động tay vào việc bếp núc. Vậy mà mùa Vu Lan này, để thể hiện tấm lòng với cha mẹ, Uyên đã dành cả một ngày "hì hục" tự làm bánh gato tặng mẹ.
Uyên chia sẻ "Mẹ mình rất thích ăn bánh gato. Lúc đầu mình định mua sẵn nhưng thấy nhỏ bạn tự tay làm thiệp tặng mẹ nên mình cũng muốn làm. Thế là mình lên mạng tìm công thức làm bánh rồi thực hành theo. Hì hục cả ngày, phải đến lần thứ 3 mình mới làm được mẻ bánh thành công".
"Những lần trước mình tặng quà, mẹ cười tươi lắm. Lần này mình vừa đưa chiếc bánh đến trước mặt mẹ, chưa kịp nói hết câu "đây là bánh con tự làm để tặng mẹ" thì mẹ đã bật khóc. Mẹ bảo mẹ khóc vì quá hạnh phúc. Mình không ngờ hành động nhỏ của mình lại khiến mẹ hạnh phúc đến thế", Uyên nói.
Lên chùa dự Lễ Vu Lan báo hiếu là cách mà nhiều bạn trẻ sống xa gia đình lựa chọn. Họ lên chùa ăn chay, cầu chúc cho cha mẹ được yên lành, an vui.
Huyền Trang (SV Học viện Tài chính) dành hai ngày cuối tuần "đi tu" ở thiền viện Sùng Phúc. Nhà Trang ở Lai Châu, không thể về nhà bên gia đình ngày Vu Lan nên Trang lên chùa ăn chay, cầu chúc cho cha mẹ ở nhà được mạnh khỏe, bình an.
Trang chia sẻ "Nhà xa không thể về nhà trong dịp này, chỉ còn cách lên chùa gửi lời cầu chúc tới cha mẹ. Không gian ở chùa tĩnh mịch, không ồn ào, bụi bặm như phố phường ngoài kia nên lòng mình cảm thấy rất thoải mái. Với lại lên chùa những ngày này, gặp nhiều người đồng cảnh ngộ với mình nên cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn".
Nhiều bạn trẻ lên chùa tham dự lễ Vu Lan cầu chúc bình an cho cha mẹ. |
Đúng ngày rằm tháng Bảy, những ai đến viếng chùa còn được gắn một bông hồng, bông hồng màu đỏ thắm gắn cho ai còn đủ mẹ cha, những ai đã mất cả cha mẹ thì gắn bông hồng trắng.
May mắn được cài bông hồng màu đỏ trên ngực áo, Trần Khánh (nhân viên kinh doanh FPT) bồi hồi nhớ lại "Hồi còn nhỏ tôi cũng hay theo mẹ lên chùa ngày Vu Lan. Khi được đeo một bông hoa hồng đỏ lên ngực, tôi vẫn thường lí nhí hỏi mẹ tại sao chị bên cạnh lại cài bông hoa hồng trắng và đôi mắt chị đang rươm rướm nước mắt. Lúc ấy tôi chưa ý thức được sự mất mát, chưa hiểu được vì sao chị khóc khi cài hoa màu trắng. Bây giờ hiểu được được sự mất mát mà chị phải chịu, tôi hạnh phúc và thấy mình thật may mắn vì đến mùa Vu Lan này tôi vẫn còn được cài bông hoa hồng màu đỏ lên ngực áo".
Mẹ ơi, con sai rồi!
Không chỉ là dịp để con cái thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ, lễ Vu Lan còn là dịp để các bạn trẻ nhìn lại mình. Đặc biệt, với những bạn trẻ mất cha mẹ, mỗi dịp Vu Lan về họ lại đau đáu nỗi nhớ, nỗi đau.
Trung Hiếu (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) mất mẹ trong một tai nạn giao thông khi mới 15 tuổi. Hồi nhỏ quậy phá, khiến mẹ buồn nhiều nên Hiếu luôn dằn vặt khi chưa kịp đền đáp thì mẹ đã qua đời.
Hiếu kể "Ngày trước mình làm khổ mẹ, khiến mẹ khóc nhiều lắm. Mỗi khi không hài lòng chuyện gì mình lại "chống đối" bằng cách bỏ nhà đi bụi. 2,3 giờ sáng mẹ còn đi ngoài đường tìm mình, gọi mình về. Mẹ lo cho mình từng li từng tí nhưng mình thì thường cáu gắt, cằn nhằn vì cái sự chu đáo quá của mẹ. Bây giờ thì có muốn cũng không được".
"Xa mẹ rồi, mình mới cảm thấy chênh vênh quá. Giá như có thể thay đổi, giá như được gặp mẹ để nói với mẹ một câu…Mẹ ơi, con sai rồi", Hiếu nghẹn ngào.
Không ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ được cài hoa hồng đỏ bao nhiêu năm nữa, từng ngày trôi qua hãy luôn trân trọng những phút giây bên cạnh cha mẹ. |
Gặp Lê Thương (Nghi Tàm, Tây Hồ) trong giờ học hiếu nghĩa tại khóa tu ở thiền viện Sùng Phúc, cô bé khóc thút thít trong cả 2 giờ học đạo. Hỏi ra mới biết Thương vừa thi trượt đại học nên vào chùa cho tĩnh tâm. Sắp đến ngày Vu Lan, sư thầy giảng nhiều về đạo hiếu, Thương khóc vì thấm thía nỗi lòng của cha mẹ.
"Mẹ mình bán rau ở chợ Long Biên rất vất vả, sáng 3 giờ đã phải dậy. Vậy mà mẹ vẫn lo cho hai chị em mình ăn học đầy đủ. Không phải làm việc gì khác ngoài học mà mình thi cũng không đỗ…
Lúc biết kết quả, cả bố và mẹ đều buồn nhưng không ai nói gì. Mẹ chỉ bảo chờ nguyện vọng hai, không thì năm sau thi tiếp. Bố mẹ vẫn luôn muốn mình đỗ đại học để đỡ khổ như bố mẹ", Thương tâm sự.
"Trượt đại học, buồn và chênh vênh lắm. Nhưng mình không thể bỏ cuộc, mình sẽ chăm chỉ ôn thi để năm sau thi lại. Có lẽ đây là cách báo hiếu với bố mẹ tốt nhất", Thương quyết tâm.
Không ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ được cài hoa hồng đỏ bao nhiêu năm nữa, từng ngày trôi qua hãy luôn trân trọng những phút giây bên cạnh cha mẹ.
Theo VietNamNet
493 lượt xem
Tin khác
Mùa hè đến trong sự đợi chờ của đoàn sinh ngành Thiếu. Kế hoạch Trại Họp bạn ngành Thiếu toàn tỉnh được bàn bạc từ tháng 3.2024. Tổ chức kỳ…
Sáng hôm nay, ngày rằm tháng tư, sau một đêm mưa dài, bầu trời quang đãng, ánh nắng nhè nhẹ trải khắp nơi mừng ngày đản sanh của Đức Từ…
BAN HƯỚNG DẪN LÂM ĐỒNG TỔ CHỨC KHÓA TU BÁT QUAN TRAI GIỚI Thực hiện đề án Phật sự năm 2024, ngày 05.05.2024 Ban Hướng Dẫn Lâm Đồng tổ chức…
Ngành Nữ GĐPT Biên Hòa tổ chức Trại Hạnh Tâm Chánh V – Năm 2024 – PL 2568 Hơn tám mươi năm qua, bao chông gai thử thách không làm…
NGÀNH NAM GĐPT LÂM ĐỒNG KỶ NIỆM NGÀY DŨNG NĂM 2024Ngày vía Phật xuất gia lại về gợi nhắc ngày truyền thống của ngành nam GĐPT. Hòa trong niềm hân hoan…