Theo Cổ Học Tinh Hoa, trong các loài ngựa, có ngựa Kỳ và ngựa Ký được gọi là “thiên lý mã” vì mỗi ngày chúng có thể chạy được hàng nghìn dặm.

Đời Xuân Thu, có một người họ Tôn tên Dương, tự là Bá Nhạc, sống dưới đời Tần Mục Công rất có tài xem tướng ngựa. Một hôm ông đi qua vùng Ngu Bản, gặp một con ngựa Ký già bị người ta bắt kéo một xe muối lên núi Thái Hàng. Móng nó duỗi ra, đầu gối nó khuỵu lại, mồ hôi nhỏ giọt đầm đìa. Giữa dốc nó thụt lùi, ráng đội càng xe lên nhưng không lên được nữa. Bá Nhạc trông thấy, xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo mà phủ cho nó. Nó cúi đầu xuống mà phì hơi, ngưỡng cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời như tiếng đá tiếng vàng. Vì sao nó phản ứng như vậy? Vì nó biết Bá Nhạc là ngươi thông cảm hiểu rõ tình cảnh của nó.

Tài như ngựa Ký, ngựa Châu thiên lý mã thường đã hiếm hoi nhưng người biết nhận ra thiên lý mã như Bá Nhạc lại càng hiếm hoi hơn nữa. Cho nên dù là danh mã thì cũng chỉ bị nhục nơi tay những kẻ kém thông cảm hiểu biết, chết nơi xó chuồng máng cỏ mà thôi, chẳng bao giờ được nổi danh thiên lý. Hoặc giả, gặp người chủ bất nhân thường ngược đãi, không chăm sóc tử tế, khi chủ sử dụng thì lồng lộn bất tuân… ngựa này dù dũng tráng cũng bỏ đi!

Ngựa mà đi được hàng nghìn dặm, mỗi lần ăn thường hết một thạch thóc. Người nuôi nó không biết cái hay thiên lý của nó nên không cho nó ăn đầy đủ, do đó tài nghệ phi thường không hiện ra được, dẫu muốn cùng ngựa thường so sánh còn chẳng được thay, làm sao cầu cái hay nghìn dặm cuả nó? Quất nó chẳng đúng phép, nuôi nó chẳng hợp với tài của nó, bắt nó hí mà không hiểu được ý cuả nó, rồi than phiền rằng: “Thiên hạ không có ngựa” (thiên hạ vô mã dã). Than ôi! Kỳ thật không có ngựa ư? Kỳ thật là không biết ngựa vậy! (Ô hô! Kỳ chân vô mã dã? Kỳ chân bất tri mã dã!). Đời sau có thành ngữ “Ký phục diêm xa” (ngựa Ký kéo xe muối), ám chỉ những ngươi có tài năng mà không được ai biết tới hoặc không được dùng đúng chỗ.

Khi Bá Nhạc đã già, vua Tần Mục Công hỏi tiến cử người biết tìm ngựa. Bá Nhạc nói: “Ngựa thường thì có thể quan sát hình dáng, gân cốt, nhưng ngựa thiên lý thì không có tiêu chuẩn nào, khó mà nắm vững được. Nó chạy nhanh như tên bay, không tung bụi, không thấy vết chân. Con cháu tôi đều là những người kém tài, có thể dạy chúng chọn ngựa tốt bình thường, chứ không thể dạy chúng chọn được ngựa thiên lý. Thì ra, không phải thể trạng nào cũng có thể thông qua hình tướng mà đoán biết được. Nhìn ra và sử dụng được thiên lý mã phải là những người tâm tưởng thâm sâu.

Ở Việt Nam, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh có nhân vật Đào Duy Từ khi ở đất Bắc không được dự khoa thi tam trường vì xuất thân là con của một đào nương nên khi vào Thuận Hóa thì đã gần 60 tuổi phải đi chăn trâu cho nhà huyện lệnh. Quan huyện phát hiện ra tài năng của ông như một con thiên lý mã với các quốc sách định quốc an dân nên trọng dụng và gã ái nữ cho. Chính ông là người kiến tạo lũy Trường Dục, còn gọi là Lũy Thầy để ngăn bước tiến xâm lược từ đất Bắc, Ông qua đời ở tuổi 75, nghĩa là con thiên lý mã tạo nên danh nghiệp trong vòng 15 năm.

Logo Viet vuongz

65 năm danh xưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam có thể nhìn ra hai giai đoạn hình thành và phát triển chính thức. Một: là từ năm 1951 đến 1975 -– 24 năm trong chiến tranh hai miền chia cắt. Hai: từ năm 1975 đến 2016 – 41 năm khẳng định niềm tin cùng nghị lực của đại đa số nhân tài “áo lam” trong và ngoài nước bền bỉ, kiên cường trên con đường ngàn dặm vì lý tưởng phục vụ đạo pháp và quê hương.

Thời gian đã không chờ đợi một ai. Những mái đầu xanh xưa nay trắng bạc mà con đường gai chông trắc trở cứ mãi dài thêm. Lớp trẻ từ năm 1975 đến nay cũng đã thành..già – sức lực của một thời ngựa Ký, ngựa Châu nay cũng tận, nếu được giao phó trọng trách cũng khó thể tung sức đường xa.

Chúng ta là Phật Tử, là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, hiểu và hành Phật Pháp, rất biết rõ định luật vô thường; biết rất rõ bản ngã là hư dối, nên càng biết rõ chân tâm vốn không có… tuổi, nên thân này dù đã lão hóa mà tâm kia vốn rất… rỗng rang. Nhưng muốn được rỗng rang thực sự, phải xả ly các sự cố chấp ràng buộc, phải tự biết định lượng bao dung là không giới hạn, như đoàn ta đi qua đêm dài, trải trăm đắng ngàn cay mà vẫn cười cợt hát ca.

Nên nhớ là tổ chức Gia Đình Phật Tử khởi đi từ những tháng ngày đau thương thuộc địa, trưởng thành trong một non sông chia cách và phục sinh trong những tình cảnh nghiệt ngã trăm bề. Thế mà đã 13 năm chung tay làm nên thế giới – một thế giới màu lam tuy không có tên trên bản đồ thực địa nhưng nếu gọi tên thì có mặt khắp địa cầu. Hãy nhìn lại và nhận ra tài năng của những bộ vó câu trên đường ngàn dặm để trân quý những vị lão thành khi tuổi đã rất cao, cùng lưu tâm để tìm ra thêm những nhân tài, tuấn mã.

Chúng ta không gọi nhau để hội ngộ làm vui; không gọi tên nhau để vỗ tay khen ngợi tự hào; mà là chung hướng nhìn và tìm cách phát triển tổ chức Gia Đình Phật Tử và lưu tâm đến công việc tái cấu trúc một nền tảng thống nhất Phật Giáo Việt Nam đúng nghĩa trong vai trò các vị cư sĩ thuần thành với đạo tâm kiên cố hộ pháp vệ đạo, để Giáo Hội Phật Giáo tiếp tục phát huy vai trò hoằng pháp lợi sinh.

“…Linh ngã tảo đăng vô thượng giác
Ư thập phương giới tọa đạo tràng… “

Trong đời Huynh Trưởng áo lam đã bao lần lập nguyện đều không rời bài bảo kệ Thủ Lăng Nghiêm. Đi bất kể không gian, vượt qua những biên cương vô hạn, đi cho đến một ngày mười phương pháp giới chúng sinh đều chung ngồi một đạo tràng, cùng an lạc trong một không gian tươi đẹp./.

ĐỨC QUẢNG

2466 lượt xem