Lời giới thiệu của NXB Thiện Tri Thức:

Tập sách “Hồ Sơ Mật 1963 – Từ các nguồn tài liệu của chính phủ Mỹ” này ra đời có hai mục đích:

Thứ nhất là để giới thiệu với quảng đại độc giả một nguồn tài liệu tham cứu của chính phủ Mỹ – ký tự là FRUS – vốn khá quen thuộc với giới nghiên cứu nhưng lại vẫn còn xa lạ với độc giả Việt Nam bình thường khi muốn tìm hiểu về những biến động lịch sử trong thập niên 1960 của nước ta.

Thứ nhì là thông qua nguồn tài liệu đó để trình bày một số phát hiện mới, vốn không được đa số giới nghiên cứu người Việt hải ngoại khai thác và phổ biến, thậm chí còn bị một số “nhà bình luận” xuyên tạc và ngộ nhận về những gì đã thực sự xảy ra tại miền Nam Việt Nam trong năm 1963.

Do đó, từ “mật” trong tiêu đề tập sách chỉ là đối với quảng đại độc giả chưa biết đến, hoặc có biết đến nhưng không chịu sử dụng nguồn tài liệu này mà thôi. Từ nay, hy vọng rằng mọi độc giả đều có thể tiếp cận trực tiếp nguồn FRUS để bổ túc cho những nhận định của mình được trung thực và chính xác hơn.

Tập sách này gồm nhiều bản văn được chuyển dịch và trình bày kèm theo nguyên tác Anh ngữ, là các tài liệu trước đây vốn thuộc loại hồ sơ mật hoặc tối mật, nghĩa là chỉ dành riêng cho những người có trách nhiệm mà hoàn toàn không được phổ biến đến công chúng. Phần lớn các tài liệu đó là của chính phủ Mỹ, như các công điện, bản ghi nhớ, điện tín, phúc trình… Tài liệu có nguồn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ được lấy từ FRUS; ngoài ra còn có các tài liệu từ Tòa Bạch Ốc (Cục An Ninh Quốc Gia NSA), Bộ Quốc Phòng (Pentagon Papers), CIA (tại Sài Gòn và tại Langley), và từ Thượng Viện (Select Committee to Study Governmental Operations).

Một vài tài liệu không trực tiếp lấy nguồn từ chính phủ Mỹ là: Một bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tiến phân tích “Phúc trình A/5630” của Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc; một số đoạn trong Death of A Generation của Howard Jones, vốn là một tác phẩm cũng sử dụng rất nhiều nguồn tài liệu của chính phủ Mỹ; và một bài dẫn nhập của tác giả Tâm Diệu, tổng hợp về Phật Giáo và cuộc Chính Biến 1-11-1963 thông qua các tài liệu của chính phủ Mỹ.

Xin được có vài lời về lý do tại sao chúng tôi lại chọn sử dụng rất nhiều tài liệu FRUS của Bộ Ngoại Giao Mỹ cho tập sách này:

FRUS, ký tự viết tắt của cụm từ Foreign Relations of the United States, là một tập hợp các tài liệu lịch sử chính thức liên hệ đến các quyết định quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ đã được giải mật và biên tập để công bố(1). Những tài liệu này do Văn Phòng Sử Gia (Office of the Historian) thuộc Bộ Ngoại Giao soạn thảo và chịu trách nhiệm xuất bản và do Sở Ấn Loát Chính Phủ (Government Printing Office) in ấn, phát hành. Tập hợp tài liệu đồ sộ này bắt đầu từ các biến cố ngoại giao từ thời chính quyền Tổng Thống Abraham Lincoln (1861) cho đến ngày nay.

Riêng tài liệu liên hệ đến Việt Nam dưới nhiệm kỳ Tổng Thống Kennedy thì gồm 4 tập, phủ dài thời gian 3 năm từ 1961 đến 1963. Hai tập cuối cùng – Tập III và Tập IV – được phát hành vào năm 1991 và được phổ biến online trên internet vào đầu thiên niên 2000.

Độc giả người Việt ở hải ngoại, ngay cả ở Mỹ, cũng ít nghe nói đến kho tài liệu đồ sộ và quý giá đã được giải mật khá đầy đủ và dễ dàng truy cập online này. Chỉ một số nhà nghiên cứu nghiêm túc là biết từ rất sớm về FRUS và đã khai thác rất hiệu quả để tái khẳng định hoặc hiệu đính lại một số biến cố, luận điểm mà trong quá khứ đã không hoặc chưa được biểu đạt rõ ràng.

Xin đan cử trường hợp về hai bài viết có liên quan đến chế độ Ngô Đình Diệm chỉ vài năm sau khi FRUS được lên online: Cách đây hơn 10 năm, trong bài viết “Toàn Trị Và Ngoại Thuộc” vào tháng 5 năm 2003, Giáo Sư Cao Huy Thuần ở Pháp đã sử dụng 50 nguồn trích dẫn từ FRUS trong tổng số 53 cước chú của ông(2). Còn trong tiểu luận công phu “Phiến Cộng Trong Dinh Gia Long”, hoàn thành vào tháng 8 cũng năm 2003, Tiến Sĩ Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu ở Mỹ đã sử dụng 49 tham chiếu từ FRUS trong tổng số 149 cước chú của ông(3).

Sở dĩ FRUS đạt được độ tin cậy khá cao, do đó mức sử dụng khá nhiều trong các công trình nghiên cứu là vì 3 lý do:

  • Nói chung, FRUS là những tài liệu mật hoặc tuyệt mật (TOP SECRET) được trao đổi giới hạn giữa một số ít giới chức Hành Pháp rất cao cấp của Mỹ. Nội dung của những tài liệu này thường được làm cơ sở hoặc công cụ để thiết lập chính sách hoặc kế hoạch hành động cấp quốc gia nên độ trung thực và tính chính xác của tài liệu, dù có lợi hay có hại cho chính quyền Mỹ, đều luôn luôn được người soạn thảo tài liệu cố gắng giữ ở mức tối đa.
  • Cơ chế vận hành “Check and Balance” (Kiểm Soát và Quân Bình) của chính phủ Mỹ [và sau này với việc ban hành “Freedom of Information Act” (Đạo luật về Quyền Tự Do Tiếp Cận Thông Tin) năm 1966] cho phép hai ngành Lập Pháp và Tư Pháp cũng như bất kỳ người dân nào, sớm hay muộn, cũng truy cứu được thông tin của chính phủ. Thậm chí nếu cần, có thể xin tòa án can thiệp (subpoena) để được tiếp cận tài liệu. Vì biết rõ và vì làm việc trong khung nguyên tắc đó từ lâu nên trong quá trình hình thành các tài liệu, giới chức chọn lựa và soạn thảo FRUS đã phải cố gắng tránh những sai lầm, sơ hở, tối nghĩa, lạc dẫn, suy đoán, thậm chí dối trá… ở mức tối đa.
  • Tinh thần và đạo đức học thuật của giới nghiên cứu Mỹ là khá cao, lãnh vực nghiên cứu là khá đa dạng, và tranh chấp học thuật thì gay gắt trên trường quốc tế. Do đó, những học giả luôn đòi hỏi các nguồn cung cấp tài liệu, dù trong hay ngoài chính phủ, dù lãnh vực an ninh quốc gia hay bất kỳ lãnh vực nào, cũng phải duy trì một mức độ chuyên nghiệp trong các tài liệu để họ có thể tin tưởng sử dụng. Trong lãnh vực bang giao quốc tế có liên hệ đến Mỹ, FRUS là công cụ làm việc của giới nghiên cứu nên cũng phải chuyên nghiệp ở mức tối đa.

Đó là những lý do ít nhất giải thích vì sao FRUS có độ khả tín khá cao. Do đó, một cách cụ thể, công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về quan hệ Việt-Mỹ trong thập niên 1960 mà không tham chiếu FRUS thì cũng là điều thiếu sót. Nhưng dĩ nhiên chúng ta cũng không ngây thơ đến độ tin tưởng hoàn toàn bất kỳ thông tin nào của FRUS mà không đối chiếu với các nguồn thông tin khác và/hoặc đặt chúng trước quy trình phân tích chặt chẽ và chọn lọc khắt khe. Dù sao thì FRUS cũng đáng tin cậy và cần tham cứu để sử dụng, nhất là khi so sánh với những “nguồn tài liệu” khác rất đáng nghi ngờ, nhưng lại thường được đa số những “bình luận gia” người Việt cả trong lẫn ngoài nước, nhất là ở hải ngoại, sử dụng để “đầu độc chính trị” nhau nhiều hơn là để trình bày sự thật.

Một cách cụ thể, chúng tôi xin cung cấp hai đường link sau đây để độc giả có thể truy cập tất cả tài liệu FRUS liên quan đến quan hệ Việt-Mỹ trong năm 1963:

1/ FRUS 1961-1963, Volume III: Vietnam January – August 1963: http://www.historymatters.com/archive/contents/vietnam/contents_vietnam_frus_61-63_3.htm

2/ FRUS 1961-1963, Volume IV: Vietnam August – December 1963: http://www.historymatters.com/archive/contents/vietnam/contents_vietnam_frus_61-63_4.htm

(1) The Foreign Relations of the United States series is the official documentary historical record of major U. S. foreign policy decisions that have been declassified and edited for publication.

(2) Bài được đăng trên Diễn đàn “Forum” số 129, xuất bản tại Paris vào tháng 5 năm 2003 và đã được Thư Viện Hoa Sen đăng lại (http://thuvienhoasen.org/a13482/toan-tri-va-ngoai-thuoc-cao-huy-thuan).

(3) Bài được đăng trên Tạp chí “Hợp Lưu” tại California vào tháng 8 năm 2003 và được Việt-Studies đăng lại.

—— oOo ——

Kéo thanh trượt bên phải tài liệu để xem tiếp hoặc rê chuột để hiển thị nút pop out rồi click vào nút ký hiệu “hiện cửa sổ nhỏ mới” (pop out) ở GÓC PHẢI TRÊN TÀI LIỆU nếu muốn đọc với chế độ tiêu chuẩn (mở rộng cửa sổ trên màn hình).

1930 lượt xem