Cảm niệm ngày vía Xuất Gia 8/ 2

Tiếng vó ngựa dồn dập trong đêm khuya thanh vắng, cách đây 25 thế kỷ như vẫn còn vang vọng. Ánh trăng thượng tuần tháng hai lung linh trên từng giọt sương mai, vừa kết tụ vừng đêm huyền diệu tĩnh mịch lặng lẽ, sau buổi yến tiệc tưng bừng nơi hoàng cung, Ở đó có một con người âm thầm phát lập đại nguyện. Chàng thanh niên tài đức vẹn toàn tràn đầy khát vọng sống, đã từ bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con thơ, vượt dòng A Nô Ma quyết chí ra đi tìm đường giải thoát cho chúng sanh vạn loại khỏi bể khổ trầm luân khỏi những mê lầm, vọng tưởng do vô minh vây phủ chất chồng từ vô lượng kiếp.

Cuộc đời của thái tử Tất Đạt Đa. Một thái tử trong dòng tộc Tịnh Phạn vương, từ tấm bé Ngài đã sống trong hoàng cung, nhung lụa đầy đủ, những xa hoa trần thế của một vị vương tôn những điều kiện ràng buộc đáp ứng được mong ước của thân phụ là nối nghiệp vua cha. Tất cả đều không làm cho thái tử thỏa mãn, ngược lại trong tận cùng tâm thức thái tử dành trọn lòng bi mẫn cho kiếp sống khổ đau của muôn loài. Rồi những lần tiếp xúc ngoài của thành hoàng cung, chứng kiến cảnh sinh già bệnh chết của kiếp người đã là một động lực cao cả thúc dục thái tử rời xa chốn hoàng thành tráng lệ, đoạn lìa những phú quí vinh hoa. Thắp lên ngọn đuốc từ bi trong tâm, ý chí đại hùng trỗi dậy, Ngài nhìn vợ con lần cuối rồi ra đi mà không hề vướng bận bởi những tình cảm đời thường.

Những bước chân âm thầm sau khi giã từ người hầu cận Xa Nặc và cởi bỏ hoàng bào cho người cận thần về tâu lại Phụ Vương. Nhẹ nhàng dẫm đạp gai chông nơi chốn đường đời vạn dặm, Những bữa ăn đạm bạc đầu đời lợm giọng. Nếu không được chất chứa trong tâm bởi ý chí Đại Hùng thì dễ gì vượt thắng tất cả, để chuẩn bị cho một hành trình tìm thầy học đạo theo lệ thường của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ

Suốt những năm tháng truy tìm chân lý cứu khổ, không một vị thầy nào thỏa mãn được những khát vọng cháy bỏng trong việc cải hóa cảnh khổ của nhân sinh. Ngài đã thực tế chứng nghiệm và khẳng định rằng, một trong hai thứ cực đoan là: Say đắm trong dục lạc hay khổ hạnh ép xác không đem lại kết quả. Chỉ có con đường trung đạo mới đáp ứng được nhu cầu Giác Ngộ Giải Thoát.

Và với lời đại nguyện dưới cội Bồ Đề lịch sử “Dù thịt nát xương tan, nếu không tìm được đạo cả, Ta quyết không rời khỏi nơi này”. Sau bốn mươi chín ngày đại định, Ngài đã hoát nhiên tỏ ngộ. Đạo quả chứng thành.

Trên bước đường thuyết pháp độ sanh; Đức Phật thản nhiên bình ổn, tự tại trước mọi khó khăn chướng ngại của cuộc đời. Ngài đưa ra những luận thuyết phá vỡ truyền thống cố chấp của hàng quyền thế Bà La Môn có từ lâu đời ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của mọi người. Ngài phê phán những sai lầm của người đương thời, điển hình như Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền liên là  giáo chủ của thần đạo. Đức Phật chỉ thẳng những sai lầm của họ khi nghe xong họ phát tâm theo Phật và trở thành đại đệ tử của Ngài.

Với khả năng thuyết phục khéo léo của một Bậc sáng suốt tràn đầy tình thương; Đức Phật đã khiến cho tha nhân chấp nhận những việc khó làm cải đổi hoàn toàn truyền thống giai cấp như từng bảy vương tử họ Thích, vâng lời Phật dạy đảnh lễ ra mắt Ưu Ba Ly, trong khi lúc chưa xuất gia nhập giáo đoàn chỉ thuộc hạng người phục dịch cho họ. Đức Phật lần lượt dìu dắt vương tôn công tử, những người giàu sang nhất như ông Cấp Cô Độc trưởng giả cho đến người nghèo cùng như Suni đa hay người trí tuệ bậc nhất như Xá Lợi Phất cho đến người dốt nhất như Bàn Đặc, hoặc bên cạnh di mẫu Kiều Đàm Di còn có những vị hoàng hậu, thứ phi cho đến những thiếu nữ con nhà thợ thuyền giai cấp hạ tiện. Tất cả đều trở thành những người sáng suốt, phạm hạnh kiểu mẫu trong giáo đoàn của Ngài.

Trên bước đường hoằng hóa dọc theo triền sông Hằng, không phải lúc nào Đức Phật cũng được tiếp rước cung kính, trái lại Ngài phải đương đầu với nhiều chống đối hiểm nguy, có lúc bị nhục mạ, đánh đuổi bằng gậy gộc. Những kẻ có thế lực lập mưu ám hại và bôi nhọ uy tín Ngài, mượn pháp sư ngoại đạo và sát nhân thủ tiêu Ngài. Nhưng kỳ diệu thay, phản ứng của Ngài thật trầm tĩnh, tràn đầy tình thương bao la, không hận thù, không bạo động nhưng uy lực tỏa ra từ lời nói, việc làm cho đến sự im lặng của đức Thế Tôn đã cảm hóa những kẻ hung ác hồi đầu phản tỉnh.

Cuộc đời và hành trạng của Ngài là một bài học vô ngôn quý báu mà cho dù ngày nay trong xa khuất bởi thời gian ý niệm, nhưng với thời gian vô niệm thì giáo pháp mà đức Phật dạy vẫn như ánh trăng đêm rằm sáng tỏ.  Chân lý sáng ngời ấy muôn đời vẫn là bến bờ yêu thương cho những ai biết tìm về nguồn cội và bao dung, cho đến những kẻ cùng tử lang thang khi không biết rằng hạt minh châu vẫn còn trong chéo áo./.

Võ Văn Dũng (Dak Lak)

3306 lượt xem