Xuất thân:

Đại đức Thích Thanh Tuệ xuất thân trong một gia đình trung nông, có truyền thống Phật giáo, thế danh Bùi Huy Chương, sinh năm 1946, tại làng Ba Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Thân sinh là cụ Ông Bùi Dư; cụ Bà là Hoàng Thị Phục. Hai ông bà đã quy y và hết sức sùng kính Tam bảo; nếp sống của Ông bà rất đạo đức, thuần thiện, đã sinh hạ được năm người con, trong đó ba trai và hai gái, Đại đức là con trai kế út.

Buổi thiếu thời:

Năm lên bảy tuổi, Đại đức theo học trường làng.

Năm lên 10 tuổi, Đại đức thi đỗ tiểu học và cũng trong năm này, Đại đức khá trưởng thành về mọi mặt, nhất là mặt tri thức và tình cảm.

Về mặt tri thức, Đại đức đã sớm biết suy tư về kiếp sống vô thường, chứng kiến khá sâu sắc trong những tháng ngày bơ vơ tình mẹ.

Về mặt tình cảm, Đại đức rất khát vọng tình người, vì khi lớn khôn, Đại đức không được nâng niu cưng dưỡng, sưởi ấm trong bàn tay âu yếm của mẹ hiền như những bạn bè đồng lứa khác.

Chí nguyện xuất gia tu học:

Năm lên 13 tuổi, Đại đức thường xuyên theo thân phụ đi chùa lễ Phật, nghe giảng Phật pháp và cũng kể từ đó, Đại đức đã cảm hoài đạo Phật, chí nguyện xuất gia bắt đầu chớm phát.

Năm lên 14 tuổi, Đại đức xin phép phụ thân xuất gia học đạo; Đại đức từ biệt thân quyến lên đường, đến chùa Phước Duyên Huế, bái yết Hòa thượng Thích Đảnh Lễ, xin được xuất gia hành điệu. Thấy Đại đức tuy tuổi nhỏ, nhưng rất có chí khí và nguyện lực, nên Hòa thượng liền chấp nhận cho xuất gia.

Trong khi hành điệu, Đại đức đã tỏ ra cần mẫn, siêng năng tu học, tư cách rất đĩnh đạc, chí khí cao khiết, vì thế Đại đức đã được Hòa thượng Thích Đảnh Lễ, chăm sóc, giáo dục kỹ lưỡng ngay từ buổi ban đầu.

Năm 15 tuổi, Đại đức được Hòa thượng cho theo học các lớp Sơ, Trung đẳng Phật học tại Phật học viện Báo Quốc-Huế, và theo học các lớp Phổ thông Trung học tại trường Bồ Đề Thành Nội-Huế.

Năm 16 tuổi, Đại đức được Hòa thượng Đảnh Lễ cho làm đệ tử với đệ tử trưởng của Ngài là Thượng tọa Thích Tánh Hải và cũng chính trong năm này, Đại đức được truyền thọ Sa-di giới với pháp danh Quảng Trí, pháp tự Thích Thanh Tuệ.

Năm 17 tuổi, Đại đức thi đỗ trung học đệ nhất cấp, và cũng chính trong năm này, Đại đức đã chứng kiến cảnh đàn áp Phật giáo đồ của chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phật giáo Việt Nam bắt đầu dấn thân vào khúc quanh lịch sử vô cùng bi thảm và hùng tráng.

Hạnh nguyện tự thiêu:

Nhằm thể hiện lý tưởng Nhất thừa, noi gương ngài Dược vương Bồ-tát và kế tục truyền thống giữ nước, bảo vệ đạo pháp của các thế hệ Phật tử Việt Nam anh hùng tiền bối, ngọn lửa đại hùng của Bồ-tát Thích Quảng Đức, Đại đức Thích Nguyên Hương đã bừng lên để soi đường cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hành động lợp lý. Đại đức Thích Thanh Tuệ cũng kế tục ngọn lửa đại hùng ấy, đã tự thiêu ngày 13.8.1963, tức là ngày 24.6. Quý Mão, để tăng thêm khí thế và đẩy mạnh lòng bất khuất, kiên cường đấu tranh của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam. Đại đức nguyện tự chết cho mọi người được sống trong tự do tín ngưỡng, Đại đức nguyện tự chết để yêu cầu chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm đáp ứng Năm nguyện vọng của Phật giáo đồ Việt Nam. Trong bức thư gửi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm bấy giờ, trong đó, Đại đức nói: “Tôi tăng sinh Thích Thanh Tuệ, 17 tuổi, kính gởi đến Ông, những nguyện vọng độc nhất trước khi tôi về cõi Phật.

  1. Hãy chấm dứt mọi tình trạng khủng bố và áp bức Phật giáo đồ, và thả gấp tất cả những Phật tử bị bắt giam kể từ ngày mồng 8 tháng 05 năm 1963 đến nay.
  2. Hãy giải quyết thỏa đáng gấp những nguyện vọng của Phật giáo đồ đã nêu trong các biểu ngữ.
  3. Triệt để không cho bà Ngô Đình Nhu lên đài phát thanh, tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa để nhục mạ Phật giáo, báng bổ cố Hòa thượng Thích Quảng Đức, vì việc làm ấy không những làm giảm giá trị của Phật giáo, mà trái lại gây sự căm phẫn trong quần chúng”.

Bức thư gửi cho Tăng Ni và toàn thể tín đồ Phật giáo Việt Nam, Đại đức nói:

Trước khi về cõi Phật, tôi trân trọng gởi đến quý Ngài lời chào tối hậu và tôi xin thành kính cầu nguyện hồng ân Tam bảo, Bồ tát Quảng Đức, liệt vị Thánh tử đạo gia hộ quý Ngài pháp thể khinh an, để đoàn kết chặt chẽ sau lưng Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo, tranh đấu cho nền tín ngưỡng của dân tộc và yêu cầu chính phủ thực thi những nguyện vọng tối thiểu mà quý Ngài đã ghi trong các biểu ngữ, trong các báo chí Phật giáo”.

Đại đức đã tiên liệu trước, sau sự tự thiêu của mình, gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn do chính quyền tạo ra bằng cách mua chuộc, hoặc khủng bố. Nên, Đại đức đã viết bức thư gởi gia đình như sau:

Con chết đi, Cậu phải đương đầu với mọi đe dọa, nhưng Cậu đừng sợ, đừng xiêu lòng, khi họ dùng những mánh lới khác, mà Cậu phải hy sinh hoàn toàn cho Phật giáo, dù cho bản thân tứ đại của Cậu phải bị diệt vong.

Lần cuối cùng, con kính lời đến gia đình con, quý bác, chú, thím, cô, dì, cậu, mợ và quý anh, chị em họ hàng thúc bá nội ngoại xa gần, lời chúc vĩnh biệt, trước khi con về cõi Phật”.

Khuya 13.8.1963, ngọn lửa đại hùng của Thích Thanh Tuệ bừng lên, trước tam quan chùa Phước Duyên-Huế, làm tỏa rạng cả một bầu trời đen thẳm. Tăng Ni Phật tử các nơi nghe tin ấy, tấp nập kéo về chùa Phước Duyên như thác đổ, vừa là để chiêm bái cầu nguyện, vừa để di chuyển nhục thân của Đại đức đến Tổ đình Từ Đàm, để tổ chức tang lễ. Chính quyền bấy giờ đã ra lệnh cho các tùy viên công an cảnh sát, tấn công một cách tàn bạo vào đoàn người di chuyển nhục thân của Đại đức, công an đã cướp mất nhục thân, khi đoàn rước mới di chuyển đi ngang qua khu vực chùa Linh Mụ, đưa về an táng tai quê nhà của cố Đại đức.

Mãi cho đến năm 1990, thấy cơ duyên thuận lợi, bổn tự Phước Duyên cùng bàn bạc với thân quyến cải táng mộ phần của cố Đại đức và cung nghênh di thể của cố Đại đức về nhập Bảo tháp Thanh Tuệ được bổn tự xây dựng ở phía trước Tăng già lam Phước Duyên – Huế.

Lời truy tán:

Những kẻ bạo tàn có thể cướp mất nhục thân của Đại đức, nhưng không bao giờ cướp mất được ý chí tự chết cao cả của Người; không bao giờ cướp mất được lòng ngưỡng mộ tôn kính của hàng hàng, lớp lớp người đối với Người; không bao giờ xóa tan được ý chí tự chết, đầy kiêu hãnh, hào hùng của Đại đức trong dòng lịch sử của Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam.

Đại đức chết, để đi vào huyền sử, để trở thành bất tử trong lòng người. Chết để nói lên rằng, kẻ yêu chuộng chân lý không bao giờ khuất phục trước bạo tàn, chấp nhận cái chết là chấp nhận sự đấu tranh để bảo vệ chân lý đến cùng. Tự chết để đấu tranh là sự tranh đấu cao nhất của kẻ bị áp bức, mất hết mọi quyền tự do của mình. Đại đức tự nguyện chết để cho lương tâm, lương tri và tình người sớm được phát sanh nơi tâm hồn bạo chúa đã bị chai lì.

Bởi cái chết là như thế, nên tờ báo Le Monde của Pháp ra ngày 12.06.1963, đã có lời nhận định về sự tự thiêu của các vị Thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam như sau: “Tự sát để đấu tranh, kẻ táo bạo nhất cũng phải lùi bước”.

Trí Quang Thượng Nhân đã từng dạy cho chúng tôi biết rằng: “Việc tự thiêu của thầy Thanh Tuệ có những điều rất đặc biệt. Đặc biệt là thầy Thanh Tuệ tự thiêu đã làm rúng động lương tâm nước Mỹ và thế giới, nhất là những người trẻ; Đặc biệt là làm cho chính phủ Kennedy phải xét lại việc viện trợ cho chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm; Đặc biệt là chính phủ Kennedy của Mỹ không còn tin tưởng vào khả năng bảo vệ tự do dân chủ của chính phủ Ngô Đình Diệm và đã tỏ thái độ không hài lòng với việc làm của chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm và cũng kể từ đó chính phủ Ngô Đình Diệm đã bắt đầu có thái độ chống Mỹ; Đặc biệt là việc tự thiêu của thầy Thanh Tuệ đánh động đến cả Tổ chức Liên Hiệp Quốc và Tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc bấy giờ là ông U-Than đã bắt đầu chú ý đến việc đấu tranh của Phật giáo đồ Việt Nam đối với chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm”. Nên, Trí Quang Thượng Nhân kết luận: “Sự tự thiêu của thầy Thanh Tuệ có tác dụng và đóng góp rất đặc biệt đối với cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963”.

Và cũng chính bởi cái chết có tác dụng cao cả như thế, nên Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có bài thơ Truy tán:

“Lửa cháy Em tôi;
Lửa đốt cháy lòng tôi;
Đau thế gian ngã gục;
Người học Tăng bé nhỏ,
Em đốt tuổi xanh thành lửa đỏ,
Cháy ngất trời cao;
Ngọn đuốc rực về sông núi âm u!
Ôi, thịt xương Em,
Cho tôi quỳ ngàn năm, trên đống tro yêu quý,
Luyện phép linh thiêng,
Biến Em thành hoa hồng trở lại,
Những đóa sen búp đầu mùa,
Chưa kịp hái, chưa từng nở thấy ánh thiều quang!
Tôi nghe rồi, Em mưa gió phũ phàng;
Tôi nghe rồi, Em từng tế bào rưng rưng trong cơ thể;
Tôi nghe rồi, tiếng gọi Em vang;
Không ai quên đâu, địa ngục hay thiên đàng,
Đều ngó về Em, tim thế gian ngừng đập;
Trời đất nhìn nhau, trời cao bay thấp;
Tên Em viết bằng chữ trăng sao!
Lửa cháy Em tôi, ôi là xương, là thịt;
Em có đau không?
Nước mắt tôi không đủ,
Để rưới lên mát dịu, hồn Em bé nhỏ thương đau;
Tôi còn đây thương tích nặng nề,
Mang nguyện lớn chuyển trao về thế hệ;
Tôi còn đây, chúng tôi hứa không bao giờ phản bội;
Em nghe không? Không bao giờ phản bội;
Vì trái tim Em đã hóa trái tim tôi!”

Cái chết của Đại đức Thích Thanh Tuệ bi hùng và cao cả như thế, chúng tôi những người còn sống không được phép quên và không bao giờ được phép quên.

Do đó, chúng tôi xin ghi lại phần nào về cuộc đời của Đại đức, để tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ ý chí cao cả của Người, nhân kỷ niệm 56 năm, ngày Cố Đại đức Thích Thanh Tuệ vì pháp thiêu thân.

Nam Mô Việt Nam Phật Giáo Vị Pháp Thiêu Thân, húy Thượng Quảng Hạ Trí, tự Thanh Tuệ, Thánh Tử Đạo Giác Linh Tọa Tiền Chứng Giám.

Khể thủ.

Tỷ-kheo THÍCH THÁI HÒA

1276 lượt xem