Kỷ niệm 70 năm đạo kỳ Phật Giáo Thế Giới tung bay trên nền trời đất nước Việt Nam – Giáo ca Phật Giáo Việt Nam được công bố chính thức
(1951-2021)

GIÁO KỲ PHẬT GIÁO VIỆT NAM: Đạo kỳ Phật Giáo được Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ nhất tổ chức từ ngày 25/5/1950 đến 8/6/1950 tại thủ đô Colombo – Tích Lan (Sri Lanka) công nhận là cờ Phật Giáo Thế Giới (nguyên là lá cờ Phật Giáo Tích Lan từ năm 1889 – tác giả phác thảo lá cờ là nguyên đại tá Hải Quân Hoa Kỳ Henry Steel Olcott, sinh ngày 2/8/1832 tại New Jersey, Hoa Kỳ; qua đời ngày 17/2/1907 tại Adgar, Ấn Độ). Năm sau, Đại Hội Phật Giáo Việt Nam lần thứ nhất tổ chức từ ngày 6 đến ngày 10/5/1951[*] tại chùa Từ Đàm – Thuận Hóa (Huế) biểu quyết áp dụng là Giáo kỳ Phật Giáo tại Việt Nam.

Tại Việt Nam lá Giáo kỳ Phật Giáo đã từng trải qua lắm phen sóng gió trong những mùa Pháp Nạn: Đã có lúc bị nhà đương cuộc ngang nhiên cấm đoán treo cờ trong dịp đại lễ Phật Đản thế giới (PL.2507 – DL.1963) bằng văn kiện chính thức của chính phủ (công điện 9195-TTP) dẫn đến cuộc tranh đấu vận động tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo của Tăng – Tín Đồ Phật Giáo để bảo vệ lá Phật kỳ.

Cũng đã có lúc không bằng văn kiện chính thức nhưng sự cản trở, gây khó dễ từ nhà đương cuộc khi đất nước vừa trải qua cơn biến động khiến lá Giáo kỳ Phật Giáo một thời gian dài vắng bóng hẳn trên bầu trời Việt cùng bao Giáo kỳ của các tôn giáo khác, thậm chí chính cả những người Phật Tử trung kiên nhất cũng không thể treo lên tại các tự viện và tư gia vào các dịp lễ lượt Phật Giáo.

Mấy năm gần đây cho đến hiện nay (2021) thì Giáo kỳ Phật Giáo Việt Nam đã lại phất phới tung bay trên nền trời nước Việt mặc cho ai đó có muốn hay không muốn, ai đó vẫn còn cố tình cản trở treo Giáo kỳ trong những dịp đại lễ Phật Giáo tại một số địa phương.

Giáo kỳ Phật Giáo.

GIÁO CA PHẬT GIÁO VIỆT NAM: Bản nhạc “Phật Giáo Việt Nam” là một sáng tác của nhạc sỹ Lê Cao Phan (1923-2014). Anh nguyên là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử (Trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ lúc bấy giờ), thành viên Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Phần, Pháp danh là Quảng Hội, nguyên quán tại làng Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Trong kỳ Đại Hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam (Đại Hội Phật Giáo Việt Nam lần thứ nhất) tại chùa Từ Đàm, Huế từ ngày 6 đến ngày 10/5/1951[*], cảm xúc dâng trào với sự rực rỡ, đông đảo và thành công của Đại Hội trong tinh thần thống nhất, anh sáng tác bài hát này tập cho anh chị em Đoàn Viên GĐPT ở hậu trường trong đêm để hát chào mừng Đại Hội. Thật bất ngờ, bài hát được đông đảo Đại Biểu tán dương và đưa ra biểu quyết chọn làm Giáo ca Phật Giáo Việt Nam với ý kiến tán đồng của tuyệt đại đa số Đại Biểu. Bài hát cũng đã được các Đại Biểu yêu cầu Ban Tổ Chức Đại Hội cho hát lại trong lễ bế mạc Đại Hội sau đó.

Giáo ca Phật Giáo Việt Nam.

Từ đó mỗi khi chào Giáo kỳ Phật Giáo, bài Giáo ca “Phật Giáo Việt Nam” được cử lên uy nghiêm, tha thiết rung động tâm hồn mọi Phật Tử Việt Nam hiện diện. Thế nhưng cũng như Giáo kỳ Phật Giáo, bài Giáo ca đã từng vang vọng một thời tại các sự kiện, lễ lượt Phật Giáo; các chương trình biểu diễn văn nghệ của Gia Đình Phật Tử cũng như của các tổ chức Thanh Niên, các hội đoàn Cư Sỹ Phật Giáo khác, không chỉ trong quốc nội mà đôi lúc còn âm vang tại các sự kiện tổ chức tại hải ngoại có phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tham dự, vậy mà cũng đã một thời bặt tiếng trong giai đoạn mà nhà đương cuộc còn e sợ sinh hoạt tín ngưỡng của một tôn giáo tổ chức có hệ thống từ trung ương đến hạ tầng, có cả Giáo kỳ, Giáo ca, Giáo thiều như Phật Giáo Việt Nam.

Hiện nay tuy Giáo ca, Giáo thiều đã trở lại với Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam nhưng đáng buồn thay, tinh thần vô úy vẫn chưa được thể hiện đúng mực triệt để, hiện không ít nơi tuy sinh hoạt chính thức (và kể cả vào những dịp lễ lượt, sự kiện trọng đại) vẫn chỉ được “hùng dũng”(!) gọi là “cử bài ca” Phật Giáo Việt Nam hoặc “cử đạo ca” trước các buổi lễ chứ chưa dám gọi hằn hòi là lễ chào Giáo kỳ Phật Giáo hay cử Giáo ca, Giáo thiều, dù chưa hề thấy có một văn kiện pháp lý chính thức nào ngăn trở!

oOo

Kỷ niệm 70 năm danh xưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam
(1951-2021)

DANH XƯNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ: Phôi thai từ năm 1940 đến năm 1950 qua sự hình thành các Ban Đồng Ấu Phật Giáo, Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ; đến Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử (Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ) lần thứ nhất tổ chức vào các ngày 24, 25, 26/4/1951 tại chùa Từ Đàm – Cố đô Huế, quyết nghị chính thức hoán cải danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử.

Trải qua bao giai đoạn thăng trầm cùng vận nước, Gia Đình Phật Tử Việt Nam khi thì thăng tiến lúc thái bình; khi thì ly tán vì chiến cuộc; lúc thì vững vàng mặc dù đương đầu trước chướng duyên, pháp nạn, bị đe dọa, chụp mũ, o ép, trấn áp hoặc dụ dỗ, mua chuộc đủ điều; khi thì tay nắm lấy tay, kề vai sát cánh trong đại cuộc thống nhất sau thời kỳ tự lập, tự quản, tự trị; khi lại phân hóa nặng nề bởi nhiều nguyên nhân nội và ngoại tại…

Tuy vậy đến nay, sau 81 năm – 70 năm chính thức mang danh hiệu Gia Đình Phật Tử hậu thân và 11 năm tính từ khai sinh các tổ chức tiền thân – chiếc huy hiệu Hoa Sen Trắng tám cánh tinh khiết trên nền xanh lá mạ; bài ca chính thức Sen Trắng, châm ngôn, khẩu hiệu, luật GĐPT đặc thù; hai văn kiện Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng GĐPTVN truyền thống và căn bản; màu Áo Lam đồng nhất dù sinh hoạt thuộc hệ phái, hệ thống nào; đã chung cùng Đoàn kỳ Sen Trắng vươn tỏa tung bay khắp năm châu: Á, Âu, Mỹ, Úc, Phi không thiếu châu nào.

Đoàn kỳ Gia Đình Phật Tử.

Quá khứ lịch sử bi hùng ấy là một niềm tự hào, nhưng phải chăng cũng chính là một lý do còn gây nhiều sóng gió ngầm cho tổ chức; phải chăng đang đưa ra một yêu cầu cấp thiết đòi hỏi sự hòa hiệp, thống nhất bằng mọi cách, với mọi giá khả thi, để Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở bất cứ đâu, nội địa hay các quốc gia, châu lục ngoài quốc nội, mãi còn giữ được truyền thống độc nhất vô nhị là sự thống nhất mọi mặt trong “Gia Đình thân ái” của mình?

Kỷ niệm 70 năm danh xưng GĐPT – 2021
QUANG MAI

———=oOo=———

[*] Rất nhiều tài liệu ghi Hội Nghị khai mạc ngày 6/5/1951, bế mạc ngày 9/5/1951, và cũng có tài liệu ghi rõ Hội Nghị bế mạc vào lúc 18g30′ ngày 9/5/1951; nhưng vì Bản Quyết Nghị công bố khi kết thúc Hội Nghị, trong phần mở đầu đã ghi rằng “…Hội họp tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) ngày 1, 2, 3, 4, 5 tháng 4 Phật lịch 2495, tức là ngày 6, 7, 8, 9, 10 tháng 5 năm 1951…” nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm ghi theo Bản Quyết Nghị của Hội Nghị trong mọi bài viết của Thư Viện GĐPT [QM – TVGĐPT].

682 lượt xem