Đăng tải bài viết này, trước hết chúng tôi xin tự "thanh minh" là không hẳn đồng tình 100% với quan niệm tác giả, do chúng tôi nghĩ rằng – cũng như tác giả đã trình bày một phần quan điểm trong bài – nghệ thuật sân khấu phổ cập thường nặng về dân gian tính hơn là bác học tính; và sự tự do, phóng khoáng, sáng tạo trong nghệ thuật là nguồn cảm hứng lớn cho những tác phẩm nghệ thuật hay, đẹp và có thể được truyền đời.
Tuy vậy, những nhận xét nhiều người thấy nhưng chưa ai nói ra mà tác giả đề cập khiến chúng ta không khỏi giật mình vì nó… đúng! Với tri kiến hạn chế của chúng tôi, và cũng là chủ trương đúng như tên gọi của website, chúng tôi chỉ cố thu hẹp tư duy lại trong phạm vi tu học và sinh hoạt bộ môn Văn Nghệ của Gia Đình Phật Tử. Vì "trông người mà gẫm đến ta", chưa nói đến việc GĐPT hiện nay hết sức nghèo nàn, hiếm hoi các kịch bản (bộ môn kịch nghệ sân khấu) ngoài một số các kịch bản củ và hay như "Thoát Ngục Vàng", "Mục Liên Tìm Mẹ", "Lòng Hiếu Chim Oanh Vũ", "Cặp Mắt Thái Tử Câu Na La", "Thái Tử Tu Đại Noa", "Sư Tử Trọng Pháp", "Mùa Gặt Ác" v.v… mà vấn đề sưu lục, truy tìm kịch bản cũng hết sức khó khăn, hầu như ít thấy xuất hiện những kịch bản mới có phẩm lượng cao.
Trong khi đó, chương trình tu học của GĐPT có nhiều thật nhiều các mẫu chuyện tiền thân, chuyện đạo hay, có thể biên soạn thành kịch bản (hãy chỉ nói cho chính GĐPT chúng ta trình diễn đã). Hệ quả là chúng ta – và dĩ nhiên cả đàn em chúng ta – hiện chỉ tìm tòi và sử dụng bất kỳ kịch bản nào có được trong tay, miễn có chút "hơi hướng" đạo Phật; thậm chí tổ chức trình diễn văn nghệ sân khấu thì "né" luôn các tiết mục bi hùng kịch, bi – hài kịch hoặc thoại kịch cho tiện, do những khó khăn kể trên; và khi thưởng thức văn nghệ (trình diễn sân khấu) của GĐPT hiện nay, chúng ta chỉ thấy đa số là các tiết mục ca, vũ (nhất là vũ) mà ít có kịch là do vậy. Dông dài như trên, để trở về "cú giật mình" ban đầu: Chúng ta hiện chưa thể, hoặc chưa có khả năng (cứ cho là làm liều, làm ẩu – vì làm vậy là vi phạm tác quyền) thay đổi ít nhiều nội dung kịch bản – chứ chưa dám mạnh dạn nói là sáng tác kịch bản giá trị – nên nếu nhiệt thành muốn đưa một vở kịch, cải lương… vào hầu phong phú hóa buổi trình diễn văn nghệ thì hóa ra chính mình đã thể hiện một sự tích lịch sử, một trích đoạn kinh điển, một hình ảnh biểu tượng sai lệch… xa lơ xa lắc với những bài học, những mẫu chuyện tiền thân, chuyện đạo mà hằng tuần, hằng ngày chúng ta đã giảng, đã kể cho các em! Giá các em cắc cớ hỏi thôi, chưa nói các em sẽ thâm nhập kiến thức sai với điều quý anh chị trao truyền, thì chúng ta sẽ trả lời sao? Cũng đau đầu thật phải không quý anh chị?
Trên đây chỉ là những cảm nhận trực giác, xin anh chị em đừng hỏi: Nói đúng lắm! Nhưng rồi người viết những dòng này có đưa ra được giải pháp đề nghị nào? Xin thưa: Nhận thức và khả năng về văn nghệ là sở đoản của chúng tôi nên những dòng hý lộng ngắn ngủi tản mạn này chỉ là nghỉ sao viết vậy, thấy gì nói nấy để thử xem có góp được chút gì phần mình cho sinh hoạt văn nghệ GĐPT không mà thôi. Phần việc còn lại, xin kính cẩn nhường cả sân khấu lẫn hậu trường cho những anh chị em đang lãnh đạo, điều hành sinh hoạt GĐPT các cấp và chư Tôn Đức, quý Thiện Hữu Tri Thức, quý anh chị em Lam Viên có lòng, có khả năng; đặc biệt là quý anh, chị đang đảm nhiệm trách vụ Ủy Viên, Phụ Tá Ủy Viên Văn Nghệ các cấp Ban Hướng Dẫn GĐPT.
Trong khi chờ đợi các kịch bản về đề tài Phật Giáo và Gia Đình Phật Tử có thể sẽ được liên tiếp trình làng, kính mời anh chị em và quý độc giả tham khảo bài viết của tác giả Dương Kinh Thành (Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam) dưới đây.
Q.M
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu nói về nhân vật Mục Kiền Liên và Mục Liên
trong nghệ thuật sân khấu Phật Giáo
MỘT
Trước tiên, xin nói tóm lược ngay rằng, trong dòng lịch sử nghiệt ngã đấu tranh chống ngoại xâm, với gần hơn một ngàn năm bị thống trị bởi phương Bắc, dân tộc chúng ta trong nhiều mặt cũng chịu tác động ít nhiều ảnh hưởng, trong đó có Phật Giáo.
Từ trong nhận định đó, ngay trong những giai đoạn độc lập, tự chủ dân tộc, các triều đại vua quan luôn chủ động cổ súy tinh thần dân tộc, khôi phục từng bước những giá trị văn hóa, lịch sử từng bị mai một bởi chiến tranh và sự hủy diệt có chủ ý từ phương Bắc. Những cố gắng đó đã đem lại kết quả không ít. Dần dà, tự khẳng định được chủ thể riêng biệt của bờ cõi Nam Việt.
Với Phật Giáo, ngoài một vài dòng truyền thừa từ phương Bắc, còn lại là những dòng phái của chính Phật Giáo Việt Nam xuất xứ từ bản địa. Nỗi bật nhất là Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm sắc thái và bản thể của dân tộc Việt Nam…
Thiết nghĩ, những cố gắng đó, dù trãi qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến hôm nay Phật Giáo Việt Nam vẫn luôn đặt làm mối trọng tâm.
HAI
Phật Giáo Việt Nam cùng là hệ phái Bắc Tông, vì thế có nhiều điểm tương đồng gặp nhau và dễ chấp nhận nhau, từ đó trở thành thói quen trong nhận thức lẫn trong hình tượng. Thí dụ khi ta nói về một Mục Kiền Liên người ta dễ liên tưởng trước nhất đến hình tượng Đường Tam Tạng của Ngô Thừa Ân, hoặc kế nữa là hình tượng ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Dù cho ba vị này có xuất xứ và “lý lịch” khác nhau xa. Tuy nhiên đó chỉ là sự nhầm lẫn trong bộ y áo mà Phật Giáo Bắc Truyền đã “tạo mẫu” cho ba vị. Nhưng về mặt khác, tức khía cạnh lịch sử, chúng ta buộc phải cân nhấc cẩn thận trước khi đưa ra một hình tượng trong nghệ thuật.
Tượng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát so sánh với Đường Tam Tạng trong phim Tây Du Ký.
Không khó khăn lắm để chúng ta nhận ra rằng, một hình tượng Mục Kiền Liên theo Phật Giáo Bắc Truyền tuy vẫn mặc hậu và y bá nạp, tay cầm tích trượng nhưng đầu không đội mão tỳ lư và tay còn lại cầm bình bát cơm. Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát thay vì cầm bình bát thì Ngài cầm viên ngọc minh châu, đầu đội mão tỳ lư, tay cầm tích trượng, mình ngồi tòa sen do Đề Thính đỡ. Ngài Đường Huyền Trang của cụ Ngô Thừa Ân thì vẫn giống như Ngài Địa Tạng nhưng tay còn lại thì không cầm chi ngoài tích trượng bên tay phải. Rất tiếc những hình tượng này phần lớn người ta nhìn ra… ba trong một!
Tóm lại, Mục Kiền Liên là vị Tôn Giả thời Phật còn tại thế (Kinh Vu Lan và Báo Phụ Mẫu Ân); Địa Tạng Vương Bồ Tát do đức Phật giới thiệu trong kinh Địa Tạng, và Đường Tam Tạng được bước ra từ truyện Tây Du Ký của cụ Ngô Thừa Ân.
Đó là chưa nói đến một nhân vật mang tên Mục Liên ở trong Mục Liên Sám Pháp” có mẹ là bà Lưu Thanh Đề, cha là ông Phó Tướng. Mục Liên khi chưa xuất gia có tên là La Bốc. Đây chính là câu chuyện Mục Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ, có chi tiết bánh bao nhân thịt chó; sau đó mọc lên thành những thứ mà bây giờ ít dùng trong thức ăn chay là hành, hẹ, tỏi, nén… Đây là câu chuyện dựa vào cốt lõi của chính sử thời Phật còn tại thế với Tôn Giả Mục Kiền Liên dùng thần thông quán tưởng địa ngục và sau nhờ thần lực chư Tăng cứu độ.
Đáng tiếc hơn nữa là khía cạnh lịch sử, nhất là những tác phẩm sân khấu như cải lương, kịch nói, thậm chí điện ảnh, trong thời gian qua đã dấn rất sâu vào sai lầm nhận thức này. Xin được đơn cử ra một ví dụ bằng bài ca “Mục Liên Tìm Mẹ”. Chỉ với bốn câu mở đầu thôi đã vấp phải sai sót từng lời một:
Cõi Thiên Trúc miền Tây Phương Cực Lạc
Chùa Lôi Âm vang vọng mấy hồi chuông
Một nhà sư trong lớp áo nâu sòng
Đang kính cẩn quỳ dưới chân Phật Tổ.
Cõi Thiên Trúc là chữ dùng của cụ Ngô Thừa Ân trong Tây Du Ký; còn miền Tây Phương Cực Lạc là thế giới của đức Phật A Di Đà. Chùa Lôi Âm của Trung Hoa, thời Phật còn tại thế không có chùa, không có chuông lẫn mõ. Một nhà sư ở đây ai cũng biết là Mục Liên, còn có mặc áo nâu sòng hay màu gì không quan trọng (nhưng vẫn sai); đang kính cẩn quỳ dưới chân Phật Tổ, thôi cũng tạm được chút đỉnh, nhưng chữ Phật Tổ cũng là chữ thoát sanh từ Tây Du Ký…
Tôn Giả Mục Kiền Liên chính sử và Tôn Giả Mục Kiền Liên Phương Đông.
Nữa cuối thập niên 90 thế kỷ trước, khi được ngỏ ý tham gia viết vở cải lương Mục Liên Tìm Mẹ, từ khi dàn dựng, Biên Tập và Đạo Diễn không mời tôi có mặt nên đã có không ít điều sai sót, nhưng trên tinh thần chung, tôi cố gắng viết nghiêng đến 90 độ về phía kinh Mục Liên Sám Pháp cho gần với sự quen thuộc của dân gian hơn và gần với Đại Thừa – Bắc Tông hơn. Cho nên để Mục Liên vận y áo đầy đủ là cũng nằm trong ý định đó. Hạn chế cho Mục Liên xuất hiện trước đại chúng, nhất là lúc phải có mặt mười vị đại đệ tử của Phật, vì như thế y áo của Mục Liên sẽ trở nên diêm dúa, lạc lõng và khó coi. Đây chính là điều sai sót khá lớn mà hiện nay, nhất là cải lương đang mắc phải.
Viết kịch bản về chuyện Mục Liên – Thanh Đề còn có kinh Mục Liên Sám Pháp để tác giả tránh né lịch sử mà kéo hẳn nghiêng về thủ pháp dàn dựng thuần phương Đông, nếu có kết hợp đôi chút chính sử cũng sẽ không chông chênh. Nhưng còn viết về Tôn Giả Mục Kiền Liên trong chính sử thì hãy nên thận trọng, vì gần đây đã có xuất hiện một vài vở tuy nói về Trưởng Lão Ni Liên Hoa Sắc nhưng dính líu đến Tôn Giả Mục Kiền Liên, hai vị vốn trước khi xuất gia là bạn thân có mối liên hệ mang chút ái lụy, tạo nhiều cảm hứng sáng tác cho văn học nghệ thuật. Trong những vở này đã thấy có sa vào những sai sót như trên đã nói. Đây mới chính là Tôn Giả Mục Kiền Liên thực sự của chính sử, thế mà khi xuất hiện với 9 vị Tôn Giả Đệ Nhất khác, hình ảnh Mục Kiền Liên quá nổi bật, như là vừa từ Trung Hoa hoặc Việt Nam trở về với Phật vậy! Ngay như y áo của Thập Đại Đệ Tử Phật, giả thật lẩn lộn, Nam Tông, Khất Sĩ, Theravada… Thật là đáng lo ngại!
BA
Nghệ thuật sân khấu Phật Giáo tuy chưa phát triển và định hình để có thể làm nhiệm vụ song hành với công cuộc hoằng pháp thời hiện tại. Thiếu sót này phần do chư tôn lãnh đạo chưa đặt thành mối trọng tâm và nội bộ Phật Giáo Việt Nam chưa có nhân tố chuyên biệt về lãnh vực này, trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng Phật Tử không hề nhỏ. Điều đó đã dẫn đến những hệ lụy tất yếu từ phía nghệ thuật sân khấu ngoài xã hội, người ta đã nhanh chân khỏa lấp chỗ trống khuyết ấy bằng những vở tuồng Phật, tuồng Tiên do chính họ tự tay viết và thực hiện theo cảm quan cá nhân nhìn về Phật Giáo. Khi văn hóa Phật Giáo chưa phát triển và còn tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử nhất định, thì những việc làm tự phát ấy của nghệ thuật sân khấu ngoài xã hội, đã giúp ích phần nào thiếu sót của Phật Giáo Việt Nam và tất nhiên việc làm ấy rất đáng trân trọng, dù nội dung có sai sử hay cố tình bẻ cong thì chúng ta cũng đành chịu. Vì lý do đó mà lâu nay chúng tôi luôn lên tiếng cho một nền nghệ thuật sân khấu Phật Giáo thực sự được hình thành, vô tình trở nên người làm công việc tìm tòi và phê bình các tác phẩm sai sót ấy, thật chẳng vui chút nào.
Tạo hình Mục Kiền Liên và Thập Đại Đệ Tử Phật đối chọi màu sắc, thật giả lẫn lộn.
Điều kiện hoằng pháp thời hiện tại, không cho phép sự ỷ lại quá đáng tồn tại, mà phải nhường chỗ cho ý chí vượt tiến. Vậy nên không thể tiếp tục phó mặc lãnh vực hoằng pháp bằng nghệ thuật sân khấu Phật Giáo cho xã hội thao túng mà không có kiểm soát.
Ngày nay Phật Giáo Việt Nam chúng ta đã có hẳn một lực lượng nhạc sĩ, tác giả Phật Giáo, đủ để làm nên một nội lực sung mãn, đáp ứng nhu cầu hoằng pháp và thưởng thức của quần chúng Phật Tử. Hơn hai mươi năm qua Phật Giáo Việt Nam chưa thực sự trọng dụng và công nhận họ.
Giữa Phật Tổ và Phật Thích Ca, giữa Mục Kiền Liên và Mục Liên còn tồn tại, là dấu ấn của một quảng thời gian Phật Giáo xem nhẹ lãnh vực nghệ thuật sân khấu Phật Giáo. Người ta thích Đường Tam Tạng hơn Ngài Địa Tạng Vương vì Bồ Tát Địa Tạng là kinh, Đường Tam Tạng là truyện. Tất cả còn nằm trong kinh sách, chưa bước ra nghệ thuật sân khấu Phật Giáo. Và không may, một vài nơi đã đưa tay đưa các vị vào kịch bản chủ quan của mình để cống hiến cho Phật Giáo một tác phẩm có nhiều nét cong. Không biết nên vui hay buồn!
DƯƠNG KINH THÀNH
2152 lượt xem
Tin khác
Mùa hè đến trong sự đợi chờ của đoàn sinh ngành Thiếu. Kế hoạch Trại Họp bạn ngành Thiếu toàn tỉnh được bàn bạc từ tháng 3.2024. Tổ chức kỳ…
Sáng hôm nay, ngày rằm tháng tư, sau một đêm mưa dài, bầu trời quang đãng, ánh nắng nhè nhẹ trải khắp nơi mừng ngày đản sanh của Đức Từ…
BAN HƯỚNG DẪN LÂM ĐỒNG TỔ CHỨC KHÓA TU BÁT QUAN TRAI GIỚI Thực hiện đề án Phật sự năm 2024, ngày 05.05.2024 Ban Hướng Dẫn Lâm Đồng tổ chức…
Ngành Nữ GĐPT Biên Hòa tổ chức Trại Hạnh Tâm Chánh V – Năm 2024 – PL 2568 Hơn tám mươi năm qua, bao chông gai thử thách không làm…
NGÀNH NAM GĐPT LÂM ĐỒNG KỶ NIỆM NGÀY DŨNG NĂM 2024Ngày vía Phật xuất gia lại về gợi nhắc ngày truyền thống của ngành nam GĐPT. Hòa trong niềm hân hoan…