Suốt gần 10 năm qua, một người Đức đã tự bỏ tiền, đồng thời quyên góp từ bè bạn, nhà hảo tâm… để qua Việt Nam mổ tim cho 1.000 trẻ nhỏ.

Ông là Claus Ruff, mỗi năm đến Việt Nam 3 – 5 lần, kể từ năm 2004. Lần nào ông cũng ở lại 1 tháng, đến tận nhà những đứa trẻ bị bệnh tim, tìm hiểu cuộc sống gia đình và động viên mọi người cùng vượt qua khó khăn để cứu chữa cháu bé thành công. Chuyến đến Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua, Claus Ruff đánh dấu hành trình thiện nguyện của mình với đứa trẻ thứ 1.000 được mổ tim miễn phí.

Ông Ruff đến nhà bé Bùi Ngọc Vân Anh ở tỉnh Tiền Giang tìm hiểu trước khi quyết định tài trợ bé này được mổ tim

Ông Ruff trên thuyền đến nhà một trẻ bệnh tim ở Tiền Giang – Ảnh: Nhân vật cung cấp


Bé Hưng như cảm nhận được tình thương từ ông Ruff – Ảnh: N.T.Tâm

Tình thương không biên giới

Nhà của Võ Quốc Hưng nằm sâu trong con đường đất nhỏ thuộc ấp Tân Hưng Tây, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Căn nhà này được ông bà ngoại cho mẹ Hưng ở nhờ, trống hoang hoác vì vách tre cũ mục. Căn bếp lạnh tanh. Ruộng lúa quanh nhà đã qua mùa gặt, trơ gốc rạ. Khoảnh ao vàng chóe màu phèn. Hưng 10 tháng tuổi, nặng 7 kg, mắt tròn vo ngơ ngác nhìn mọi người.

Mẹ Hưng ẵm con tất tả ra ngõ, ngã nhào vào người đàn ông ngoại quốc, khóc nức nở. Người mẹ trẻ này tên Ngà, chừng 20 tuổi. Hưng là con đầu lòng của vợ chồng Ngà nhưng chẳng may bệnh nặng. Lúc 4 tháng tuổi, Hưng suốt ngày ho rồi khó thở. Đem con lên bệnh viện Mỹ Tho khám, bác sĩ chẩn đoán bị phổi, nhưng chữa mãi không dứt. Cả nhà lại đùm túm đưa Hưng lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám lại. Kết quả: Hưng bị bệnh tim.

Võ Quốc Hưng được đưa lên Bệnh viện Triều An (TP.HCM) để mổ tim hồi cuối tháng 2.2013. Trước đó, do bị bệnh phổi nặng, Hưng phải điều trị phổi trước khi mổ tim. Sau đó 2 tuần, các bác sĩ mổ thành công cho cháu.

Ba mẹ Hưng chẳng có nghề nghiệp gì, quanh năm đi làm thuê kiếm vài ba chục ngàn đồng mỗi ngày, bữa có bữa không. Số tiền khám bệnh cho Hưng lên tới 40 triệu đồng, toàn tiền vay mượn. Khi nghe bác sĩ nói Hưng phải mổ tim mới có thể sống, tốn khoảng 70 – 80 triệu đồng, cặp vợ chồng trẻ chỉ biết nhìn nhau khóc rồi ngậm ngùi ôm con về nhà. Làm thuê chưa đủ tiền ăn, lấy đâu ra tiền mổ tim cho con. Đó là chưa kể khoản tiền vay mượn khám bệnh đang phải trả cả gốc và lãi mỗi ngày mỗi lớn thêm.

Rồi điều kỳ diệu đã đến khi ông Nguyễn Đức Mạnh, người sáng lập mái ấm Sơn Kỳ ở quận Bình Tân (TP.HCM), thông qua Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo tỉnh Tiền Giang, biết được hoàn cảnh của Hưng. Ông Mạnh tìm tới tổ chức From The Hearts To The Hearts do ông Ruff sáng lập, có người đại diện ở Việt Nam, để xin tài trợ mổ tim cho Hưng. Hồ sơ của Hưng được hoàn thiện và gửi đi. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Ruff đã quyết định đến Việt Nam để đưa Hưng vào viện. Em cũng chính là đứa trẻ thứ 1.000 Ruff giúp mổ tim.

Ngồi xuống chiếc ghế nhựa trong căn nhà mái lá nghèo xơ xác, ông Ruff nhìn quanh một vòng rồi ôm Hưng vào lòng. Đứa bé lần đầu gặp người đàn ông cao to, lạ lẫm nhưng không hề khóc. Nó ngồi lên người ông Ruff, cầm mấy tấm ảnh của mình đã được ông phóng to từ Đức đem qua lên xem. Có vẻ như cậu bé cảm nhận được tình thương từ người đàn ông xa lạ này.

Còn sức khỏe, còn làm từ thiện

Năm 1996, ông Ruff đến Cần Giờ (TP.HCM) để xây hai trung tâm từ thiện hỗ trợ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Năm 2004, trong lần đến Việt Nam cùng các nhà từ thiện, trên chuyến tàu dọc sông Sài Gòn, ông Ruff vô tình gặp một cô bé 9 tuổi tên Phạm Thị Kiều Trang bị mù mắt. Nhìn Trang thở nặng nhọc, ông hỏi vị bác sĩ người Đức đi cùng đoàn về tình trạng của cô bé thì được biết em đang rất nguy kịch do bị bệnh tim. Nghe xong, ông quyết định đưa Trang vào một bệnh viện ở TP.HCM, tự bỏ tiền túi ra để mổ tim cho em.

Ca mổ thành công và Trang rời bệnh viện sau 3 tuần. Trở về Đức, ông Ruff lập tức tổ chức gây quỹ từ thiện mổ tim cho trẻ em nghèo Việt Nam. Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Việt Nam, ông Ruff cho rằng Trang là một câu chuyện không thể nào quên. Bởi đơn giản, nhờ Trang mà ông quyết định thành lập tổ chức From The Hearts To The Hearts, để rồi gắn cả phần đời còn lại của mình ở một đất nước xa xôi. Hiện nay, Trang đang là học sinh lớp 10 ở TP.HCM.

Tính đến nay, một mình ông Ruff đã quyên góp 3,5 triệu USD để mổ tim cho 1.000 trẻ ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Trung bình mỗi ca mổ tốn 3.500 USD, tương đương 75 triệu đồng. Ông Ruff cho chúng tôi xem một tập giấy, trong đó ghi rõ ràng tên tuổi, địa chỉ của tất cả các bé. Đó là chưa kể ông còn bỏ ra số tiền khá lớn để xây 64 căn nhà cho các bệnh nhân mổ tim có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Hồi năm 2007, ông cũng giúp xây một căn nhà nuôi 45 trẻ mồ côi ở Q.Bình Tân.

Có người thắc mắc, ngay tại nước Đức cũng còn nhiều người nghèo khổ cần được giúp đỡ, thế sao ông lại tới Việt Nam? Cơ duyên có thể bắt đầu từ chính cô con gái nuôi gốc Việt tên Quyên của ông. Hiện cô đã có gia đình, ra riêng sinh sống ở Berlin. Quyên là người kết nối ông với đất nước Việt Nam còn quá nhiều khó khăn sau chiến tranh. “Tôi đã 70 tuổi, không còn trẻ nữa. Ở Đức, tôi làm việc ngày đêm để kiếm tiền qua Việt Nam giúp trẻ em nghèo. Trong tương lai không dám nói trước, nhưng còn sức khỏe, tôi sẽ còn đi”, ông Ruff tâm sự.

Tất cả trẻ em đều có quyền được sống một cuộc sống no đủ, hạnh phúc và không bệnh tật. Đó là động lực để Ruff làm từ thiện. “Tôi hướng về trẻ em, giúp đỡ chúng với một tình yêu thương tự nhiên giữa con người với con người. Tôi thấy mình như có trách nhiệm phải giúp đỡ các cháu. Tôi không phải là người giàu, nhưng tôi có khả năng chia sẻ động lực của mình với những người khác, để cùng chung tay giúp đỡ các cháu. Tôi làm tất cả những việc đó không cần để lấy lời cảm ơn hay được mang ơn”, ông Ruff nói. Nhìn căn nhà của Hưng một lần nữa, ông lắc đầu với nỗi lo sau khi được mổ tim xong em sẽ phải bò lê trên nền đất, đêm ngủ hứng gió thổi qua vách tre toang hoác ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy là một quyết định nữa được Ruff đưa ra: giúp đỡ cha mẹ Hưng 3.000 USD để xây một căn nhà mới. Quyết định của ông khiến cả nhà Hưng òa khóc, bà con hàng xóm chứng kiến cũng không kìm được nước mắt.

Một tấm lòng nhân đạo

Tiền Giang là địa phương có số trẻ được ông Ruff giúp mổ tim nhiều nhất: 168 trường hợp. Ông Phan Văn Hà, chủ tịch Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: “Ông Ruff là người có tinh thần nhân đạo rất cao. Chúng tôi biết ông từ nhiều năm trước cũng qua chương trình mổ tim từ thiện cho trẻ em nghèo.

Việc xem xét hồ sơ của ông rất chặt chẽ, thường thì có người đến tận nhà bệnh nhân để tìm hiểu hoàn cảnh. Tiền mổ tim cho các cháu được ông ấy chi trả trực tiếp cho bệnh viện. Chúng tôi chỉ hỗ trợ một khoản kinh phí hậu phẫu. Còn tiền xây nhà cho bệnh nhân, chúng tôi nhận rồi trao lại cho chính quyền xã, chỉ làm công tác giám sát thi công”.

Theo N.Trần Tâm – TN Online.

493 lượt xem