Gần như khắp Châu Á, mọi người ai cũng đang háo hức để chuẩn bị cho một kì nghỉ Tết Âm lịch thật ấm cúng và vui vẻ. 

Trung Quốc ngập tràn sắc đỏ


Có thể nói không đâu đón Tết Âm lịch hoành tráng như Trung Quốc, không khí Tết kéo dài cả tháng và vô cùng ấm cúng. “Tết nguyên đán” bắt nguồn từ sự tích về một quái vật tên là Niên (năm), hung mãnh phi thường. Vào mùa đông, rừng núi phủ đầy tuyết trắng, Niên khó tìm ra thức ăn nên đêm đêm, xuống núi săn lùng người, súc vật khiến mọi người vô cùng sợ hãi.

 
Nhược điểm của Niên là sợ màu đỏ, ánh lửa và tiếng vang nên mọi nhà đều chuẩn bị những tấm gỗ đào treo lên, đốt lửa trước cửa và tìm các thanh cây gõ lên tiếng vang khi Niên xuống, làm Niên kinh hoàng, bỏ chạy một mạch lên núi. Đến sáng, mọi người vui vẻ chúc tụng nhau, làm thịt gà, dê ăn mừng, gọi là mừng “qua Niên”, tức mừng đã đuổi được quái vật. Sau đó từ “qua Niên” trở thành “qua năm” hay “sang năm”.
 
 
Vậy là, sau này cứ mỗi khi qua năm mới, người dân Trung Quốc thường đốt đèn lồng đỏ, treo câu đối đỏ, múa lân và “xính” mặc đồ đỏ. Người TQ cúng tổ tiên thường dâng “tam sinh”, tức thịt gà, thịt lợn và cá; hai món đầu nhất thiết phải có và luộc chín; ngoài ra còn bánh tét, đậu hũ, hoa quả… Mỗi loại thực phẩm đều dán giấy đỏ. Sau khi thắp nến, đốt nhang, phải quỳ lạy, cầu khấn.
 
Thái Lan ướt sũng
 
 
Nước và những chuỗi vòng là biểu tượng năm mới của người Thái. Người ta té nước vào nhau thể hiện sự gột sạch và đổi mới, mang lại cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản dành cho mọi người.
 
 
Theo truyền thống, các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình sẽ được người già vẩy thứ nước thơm ước hoa nhài lên vai, xuống cánh tay để ban phước lành và chúc những điều tốt đẹp trong năm mới. Vào ngày Tết, người Thái cũng tổ chức tắm cho tượng Phật, thay áo cho nhà sư để tích thêm công đức.
 
 
Tới Thái Lan vào dịp Tết cổ truyền, nhớ sắm cho mình một chiếc súng phun nước cỡ đại và lượn lờ ngoài phố bạn nhé!
 
Campuchia sùng đạo
 
 
 
Người Campuchia tính lịch theo Phật đản, do đó ngày 14 đến 16/4 Dương lịch hàng năm là thời gian đón Năm mới. Trong suốt 3 ngày Tết Chaul Chnam Thmey, người dân Campuchia thường tới Chùa để cầu nguyện và ăn uống. Cũng như người dân Thái, họ cũng tổ chức tắm cho tượng Phật, rẩy nước thơm vào sư sãi để cảm tạ và cầu xin phúc đức.
 
108 tiếng chuông ở Nhật Bản
 
 
 
Vào thời khắc giao thừa, tất cả các ngôi chùa tại xứ sở hoa anh đào sẽ gióng lên 108 tiếng chuông báo hiệu năm mới, xua đuổi tà ma. Người dân lo dọn dẹp nhà cửa, quét dọn sạch lau li các ngóc ngách và cùng nhau chúc rượu bên bàn ăn năm mới. Thật là đúng với con người dân xứ sở mặt trời mọc, luôn sạch sẽ và quy củ.
 
Hàn Quốc tĩnh lặng
 
 
 
 
Bạn có bao giờ nghĩ, Tết Âm lịch của người dân xứ Kim Chi lại vô cùng yên tĩnh, không pháo nổ, không đèn màu chưa? Thời điểm năm mới đối với người dân Hàn lại là thời gian để suy ngẫm trong tĩnh lặng về gia đình và thờ cúng tổ tiên. Từ trẻ con tới người già đa phần đều mặc bộ đồ Han-bok truyền thống, cùng ăn những món bánh bao, súp, gạo nếp và trái cây bên mâm cơm gia đình. Thật là ý nghĩa bạn nhỉ!
 
Philippine tròn trĩnh
 
 
 
Với người Philippine những vật tròn trịa biểu trưng cho sự thịnh vượng (hình của đồng xu) do đó trong năm mới, nếu trong nhà bạn được bày trí càng nhiều vật hình tròn thì càng có lộc. Thậm chí đến cả những đĩa hoa quả trên bàn ăn vào đêm giao thừa cũng phải hình tròn với chính xác 12 trái cây (thường là quả nho) nhé!

564 lượt xem