TIỂU SỬ & HÀNH TRẠNG; CẢM NIỆM ÂN SƯ; THƯ CẢM TẠ TANG LỄ
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG HẠNH TỰ MINH TÁNH HIỆU HOẰNG TRỊ
Nối dòng thứ 11 Thiền Phái Liễu Quán.
Nguyên Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Tăng Sự Viện Hóa Đạo G.H.P.G.V.N.T.N
Khai sơn Đường thượng chùa Đức Sơn – Tịnh thất Từ Nghiêm, Bà Rịa Vũng Tàu.
Ân sư Giáo thọ Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

TIỂU SỬ & HÀNH TRẠNG
CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG HẠNH
(1945-2024)

I. THÂN THẾ:

Hoà Thượng thế danh TRẦN SỬU, xuất thế năm Ất Dậu (1945) tại thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Trần Viết Phiên, tự Trần Vọng. Thân mẫu là cụ bà Võ Thị Điểm, pháp danh Thị Hồng. Ngài là con út trong gia đình có 8 anh chị em.

II. XUẤT GIA TU HỌC:

Thân phụ mất sớm, Ngài được sự nuôi dưỡng, thương yêu, đùm bọc, chở che của thân mẫu và các anh chị em. Vào năm 1958, nhân có đoàn Hoằng pháp của Hoà Thượng Pháp Sư thượng Đồng hạ Từ đến Quảng Nam và hội đủ duyên lành, chư Phật tử tại địa phương đã mượn ngôi nhà của thân mẫu Ngài thiết lập pháp tràng, cung thỉnh Hòa Thượng Pháp Sư về giảng pháp. Vốn có túc duyên sâu dày với Phật pháp, nên Ngài liền phát tâm xuất gia; khi ấy, Ngài mới 13 tuổi, được sự chấp thuận của thân mẫu, nên được Hòa Thượng Pháp Sư tiếp nhận làm đệ tử. Sau đó, Ngài được Hòa Thượng Pháp Sư đưa vào Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định thế phát xuất gia và ban cho pháp danh Quảng Hạnh. Ngài đã được Hòa Thượng bổn sư tận tình thương yêu dạy dỗ. Nhưng vì Phật sự quá đa đoan, nên Hòa Thượng bổn sư đã gởi gắm Ngài cho Hoà Thượng thượng Đồng hạ Thiện tiếp tục dạy dỗ.

Từ năm 1959 – 1964, Ngài đến tu học và tham dự các khóa học Phật học tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

– Năm 1963, Ngài được Hòa Thượng bổn sư cho phép thọ giới Sa-di, và ban cho pháp tự Minh Tánh.

– Năm 1965, Ngài đổ tú tài toàn phần.

– Năm 1968, Ngài được Hòa Thượng bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ Túc Giới tại giới đàn Tổ đình Long Khánh – Quy Nhơn do Hòa Thượng thượng Phúc hạ Hộ làm Hòa Thượng Đường đầu. Và được Hòa Thượng bổn sư ban pháp hiệu Hoằng Trị; nối pháp đời thứ 11 Thiền phái Liễu Quán.

– Năm 1967 – 1969, Ngài tu học tại Tổ đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam. Trong thời gian này, Ngài làm giáo thọ sư Phật Học Viện Quảng Nam tại Tổ đình Long Tuyền, Hội An và tham gia giảng dạy tại trường Trung Học Bồ Đề Hội An.

– Năm 1969, Ngài dự học tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Cùng năm ấy, Ngài ra Huế dự khóa Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa Liễu Quán tại chùa Linh Quang – Huế đến năm 1972.

– Năm 1972 – 1975, Ngài tu học tại chùa Giác Uyển, Sài Gòn.

– Năm 1975, Ngài tu học tại chùa Vạn Hạnh, Bà Rịa Vũng Tàu.

Sau năm 1975, Ngài về lại quê hương Quảng Nam, tịnh tu tại Chùa Lầu, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Đến năm 1980, Hòa Thượng vào lại miền Nam chữa bệnh và được quý đồng hương Phật tử khu Bảy Hiền cung thỉnh làm Cố Vấn Giáo Hạnh chùa Phổ Hiền, quận Tân Bình, Sài Gòn.

III. TIẾP TĂNG – ĐỘ CHÚNG:

Năm 1982, Hòa Thượng tịnh tu và chăm sóc mẹ già tại Tịnh thất Từ Nghiêm – Đại Tòng Lâm, thị trấn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trong thời gian này, Hòa Thượng mở các lớp Hán văn, Phạn ngữ và Phật học cho tứ chúng đến tham học. Đến khi Trường Cơ Bản Phật Học Đại Tòng Lâm tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thành lập, Hòa Thượng được cung thỉnh làm giáo thọ sư.

Năm 1989, Hòa Thượng khai sơn chùa Đức Sơn, xã Hắc Dịch, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tiếp Tăng độ Chúng, hướng dẫn Phật tử tu học. Tính đến nay tăng chúng đệ tử xuất gia có đến 78 vị Tỳ-kheo và hàng ngàn đệ tử tại gia.

Năm 1990, Hòa Thượng khởi xướng vận động đồng hương Phật tử trùng kiến Chùa Lầu tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Vào năm 1995, trong lễ lạc thành Chùa Lầu, Hòa Thượng đã lưu lại hai câu thơ:

“Chùa Lầu đứng vững như xưa
Ngũ thôn tên cũ hương thừa còn bay”.

Năm 2003, Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Tu viện Nguyên Thiều, Hòa Thượng được cung thỉnh đảm nhiệm vai trò Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Tăng Sự.

Từ năm 2016 trở đi, Hòa Thượng cắt đứt chư duyên, nhập thất miên mật hành trì.

IV. CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN – DỊCH THUẬT:

Mặc dù Phật sự đa đoan, nhưng Hòa Thượng đã dành thời gian quý báu để nghiên cứu, dịch thuật, lưu lại những tác phẩm có giá trị:

– Năm Bài Minh Chú Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm (dịch từ Phạn ngữ).

– Sử Thi Người Chơi Đẹp Tuyệt Vời (dịch từ tiếng Hán tác phẩm Phật Sở Hành Tán của Mã Minh Bồ-tát). Hai công trình biên soạn dịch thuật này, Hòa Thượng lấy bút hiệu Thích Quảng Hạnh.

Ngoài ra, Hòa Thượng sáng tác rất nhiều thơ, văn và nhạc với bút hiệu Người Chơi Đẹp, Trúc Xanh… Các tác phẩm tiêu biểu như:

– Về nhạc: Con đường Tâm Thể, Tuyết Sơn, Hương Xưa Lý Trần, Cây Trúc Xanh, Người Đã Đến, v.v…

– Về Thơ: Tập thơ Tiếng Vượn Trầm, gồm thơ, nhạc và thủ bút (bản cảo).

V. NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI:

Từ năm 2024 (Giáp Thìn), tuy sức khỏe khiếm an nhưng tâm trí Ngài rất minh mẫn. Hàng đệ tử thay phiên về chăm sóc thân cận bên Hòa Thượng. Đệ tử xuất gia, tại gia đến thăm và thưa hỏi việc tu tập, Hòa Thượng đều dạy: “Hãy giữ giới luật làm hàng đầu.”

Tháng 9 năm 2024, có chút bệnh duyên, môn hạ chăm sóc chu đáo, thân cận ngày đêm bên Hòa Thượng. Khi hoá duyên đã mãn, Hòa Thượng vượt qua năm uẩn về cõi Tịnh quang, an tường như sương tan vào nắng sớm, vào lúc 23 giờ 45 phút, ngày 3 tháng 10 năm 2024 (nhằm ngày mùng 1 tháng 9 năm Giáp Thìn) tại phương trượng chùa Đức Sơn, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong sự quây quần đầm ấm của đệ tử và trong tiếng niệm Phật thâm trầm của Tăng Ni và Phật tử; trụ thế 80 năm; 56 Giới lạp.

“Mê ngộ không hai nẻo
Sỉnh tử chẳng đôi bờ
An nhiên và tự tại
Hiện thành dòng suối thơ.”

Cả cuộc đời thanh tu, đạm bạc, giản dị, giới đức trang nghiêm, không màng danh lợi, với tâm vị tha hành đạo độ sanh của Hòa Thượng, là tấm gương sáng cho môn nhân tứ chúng noi theo. Sự ra đi của Hòa Thượng là nỗi đau mất mát lớn, là niềm tiếc thương vô hạn của môn nhân pháp quyến chúng con.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO LIỄU QUÁN THIỀN PHÁI, ĐỆ THẬP NHẤT THẾ, ĐỨC SƠN, TỪ NGHIÊM ĐƯỜNG THƯỢNG, HÚY THƯỢNG QUẢNG HẠ HẠNH, TỰ MINH TÁNH, HIỆU HOẰNG TRỊ GIÁC LINH HÒA THƯỢNG THUỲ TỪ CHỨNG GIÁM.

ĐỆ TỬ PHÁP QUYẾN
CHÙA ĐỨC SƠN – TỊNH THẤT TỪ NGHIÊM
Đồng Khể Thủ Kính Bái.

LỜI CẢM NIỆM ÂN SƯ CỦA MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN

oOo

Kính bạch Giác linh Thầy.

Thầy ra đi từ quê hương xứ Quảng miền Trung, dòng dõi Nho gia thanh bạch, mẹ hiền mến mộ đạo từ bi. Một hôm nghe lời pháp khai tâm từ chư Hòa Thượng về quê hương Duy Xuyên khai mở, Thầy xin từ giã người mẹ thân yêu, chia tay đoàn Sen non Oanh Vũ chùa Lầu, theo Sư Ông vào Bình Định, được xuống tóc xuất gia nơi Tu viện Nguyên Thiều.

Dòng sông Thu xanh ngắt chí nguyện
Dáng Chiêm sơn vững chãi bền tâm.

Cho đến khi chú Điệu hóa thân thành một vị Tăng khả kính, thì Sư Ông về với Phật.

Bơ vơ một bóng
Chí nguyện xuất trần
Thầy ra Cố đô
Dự lớp Liễu Quán.

Đất nước phân ly, lại thêm chiến tranh loạn lạc. Chí nguyện người xuất gia, lợi lạc quần sanh càng thêm nhuần thấm. Thầy làm Giáo thọ, từ Phật học viện Long Tuyền, rồi vào Đồng Nai, trác tích Tòng Lâm, lập am phụng dưỡng mẹ già, làm Giáo thọ Phật học Đại Tòng Lâm.

Tâm từ lan khắp, trí tuệ toả hương
Hạnh hiếu thanh cao, bao dung độ chúng.

Phật tử Hắc Dịch thỉnh Thầy nhận chùa Đức Sơn. Phật tử quy y, Tăng chúng tựu về, kiến lập đạo tràng tứ chúng đồng tu. Cùng nhau nhận dòng pháp vừa sâu thẳm vừa mát ngọt từ Thầy.

Nhà giảng pháp là căn nhà rộng thoáng
Chẳng cần chi để xây vách ngăn che
Nơi khoảng trống gió bốn phương dồn lại
Mát lòng ta khi oi bức trưa hè.

Đúng như vậy, chúng con xuất gia tu học bên Thầy là được trao truyền tinh chất rộng thoáng của vượt thoát nhị biên, tiếp nhận hài hoà tri thức bốn phương hội tụ, làm hành trang tu học để lợi ích cho đời.

Chúng con lớn khôn, Đức Sơn – Từ Nghiêm thành Chúng tu học với thanh quy. Phật tử cung thỉnh Thầy nhận trách nhiệm hướng dẫn Phật tử Chùa Lầu, rồi thêm Phổ Hiền. Thầy hoan hỷ đi về, truyền pháp âm bất quyện.

Để đến nay chúng con quy tụ bên Thầy có 78 Tỷ-khưu, Phật tử quy y cả hàng ngàn.

Thầy trụ thế 80 năm, 67 năm Tăng lạp, 56 giới lạp.

Tinh tu thiền định
Ban rải tâm từ
Cung kính chư Tăng
Nghiêm trì giới luật.

Tuy Thầy còn minh mẫn, thấy chúng đệ tử xuất gia đã vững vàng, Thầy sắp xếp giao lại việc chùa, các đạo tràng cho các huynh đệ, chuyên tu nhập thất.

Khi tuổi hạc đã cao, có chút bệnh duyên, Thầy càng chuyên tu miên mật hơn. Lúc trước, Thầy dạy Chúng bằng ngôn giáo, thân giáo, nay Thầy dạy chúng con bằng bài học vô ngôn. Cũng nhờ vậy mà chúng con được có nhiều thời gian bên Thầy hơn, kể cả những vị trú trì có Phật sự ở xa cùng về hầu Thầy. Thầy rất hoan hỷ, thường ban phát cho chúng con nụ cười viên mãn. Huynh đệ đều về bên Thầy, không thiếu người nào.

Gió thổi tắt đèn – đèn tắt, kinh sách vẫn còn nguyên chữ nghĩa;
Nắng xuyên thủng lá – lá thủng, nếp nhà cứ giữ vững gia phong.

Nay Thầy mãi đi xa rồi. Lời Thầy dạy chúng con vẫn còn đó, chữ nghĩa kinh sách còn đó, pháp âm vi diệu từ Thầy rót vào tâm hoang sơ của chúng con vẫn còn đó.

Nắng Từ Nghiêm chiều hôm lịm tắt
Trăng Đức Sơn lùi khuất vào mây.

Thầy không còn nữa, nhưng chúng con nguyện sẽ giữ vững những gì Thầy mong đợi ở chúng con như lời Thầy thường dạy: “Trong thời đại trần gian đầy nhiễu sóng tâm thức, chỉ có nghiêm trì giới luật thì mới giữ vững được ngôi nhà Phật pháp.”

Chúng con cung kính đảnh lễ, nguyện làm theo ý chỉ của Thầy.

Nam Mô Việt Nam Phật Giáo Liễu Quán Thiền Phái, Đức Sơn – Từ Nghiêm Đường Thượng, Húy Thượng Quảng Hạ Hạnh, Tự Minh Tánh, Hiệu Hoằng Trị Giác Linh Hòa Thượng Tôn Sư thùy từ chứng giám.

TM. Môn Đồ Pháp Quyến
THÍCH NHUẬN CHÂU

oOo

THƯ CẢM TẠ TANG LỄ

475 lượt xem